Hai ngành cùng “giở luật”, người bệnh chịu thiệt thòi

LAN ANH 22/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Trong văn bản gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN hôm 15-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết BHXH VN đã làm trái thẩm quyền, không đúng luật khi yêu cầu giao dự toán chi cho các bệnh viện.

Minh họa
 

 

 Đến ngày 24-8, BHXH VN có văn bản ngược lại, khẳng định đã làm đúng luật vì chỉ giao việc cho cấp dưới là BHXH các tỉnh thành. 

Việc giao dự toán chi, theo phó tổng giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn, cũng là để tiết kiệm chi tiêu vì Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đang dần cạn kiệt phần dư tiết kiệm từ năm 2010 - 2015.

Người bệnh: khổ gặp khó

Mỗi ngày Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận khoảng 6.500 người đến khám ngoại trú, 4.000 người điều trị nội trú, khoảng 80% trong số này là bệnh nhân BHYT. Ông Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, cho biết quan điểm của BV là cứ bám quy định mà làm.

Đây cũng là một trong những BV đầu tiên ở VN triển khai nghị định 43 về tự chủ tài chính nên mã dịch vụ chuẩn, ít bị bảo hiểm “treo” chi phí.

Nhưng ông Hùng cũng phàn nàn: rất nhiều quy định hiện nay phải tháo gỡ, vì đó là quyền lợi của người bệnh. “Bệnh nhân chuyển từ BV Nội tiết T.Ư sang chúng tôi vì có thêm bệnh tim mạch.

Ở BV Nội tiết T.Ư, bệnh nhân được dùng bút tiêm insulin, nhưng sang khoa nội tiết BV Bạch Mai thì bảo hiểm không chi mà bệnh nhân phải đi mua.

Chủ trương không thống nhất trong cùng một bệnh, trong khi Bạch Mai là BV đa khoa hạng đặc biệt, nói về tuyến y tế thì là tuyến cao nhất rồi.

Hay truyền Albumin cho bệnh nhân thì quyết định của thầy thuốc là thiếu là phải truyền, nhưng bảo hiểm lại yêu cầu đến ngưỡng nào đó mới truyền” - ông Hùng nói.

Nhiều BV gặp vướng mắc với bảo hiểm, nhưng khi đối thoại thì BV không dám nói vì bảo hiểm giữ quỹ khám chữa bệnh của trên 80% dân số, tức khoảng 75 triệu người dân, tức có “quyền sinh sát”.

Đối thoại với khối BV tư khu vực phía Bắc thời gian vừa qua, nhiều BV tư cho biết đến cuối tháng 5-2017 họ chưa được tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh, trong khi quy định là tạm ứng 80% chậm nhất trong 5 ngày đầu quý.

“Việc ứng kinh phí của BHXH chậm, thậm chí một số nơi cố tình tạm giữ, tạo cơ chế xin - cho” - một người thuộc Hiệp hội BV tư nhân VN nói.

Ông Nghiêm Trần Dũng, phó giám đốc BV Hữu Nghị, cho biết đến tháng 7-2017, BHXH vẫn “treo” của BV này hơn 10 tỉ đồng phí khám chữa bệnh năm 2015, 28 tỉ năm 2016 và năm 2017 thì chưa thống nhất ký hợp đồng thanh toán như thế nào.

Theo ông Dũng, BV Hữu Nghị có đặc thù là nhiều bệnh nhân lớn tuổi, tần suất sử dụng thẻ 4,5 lần/năm, mỗi người già có trung bình gần 4 bệnh, BV đề nghị áp dụng hệ số 1,2 nhưng bảo hiểm chỉ cho hệ số 1,02, vì thế dẫn đến bội chi quỹ.

“Chúng tôi đã đề nghị BHXH xem bội chi là khách quan hay chủ quan, chi phí nào đồng ý chi còn chi phí nào không, phần nào chi được thì trả cho BV.

Vì bị nợ nhiều, hiện BV chỉ có thể tập trung trả lương cán bộ, còn lại chúng tôi phải nợ đọng các công ty cung ứng, có nơi đã dọa sẽ ngưng cung cấp thuốc, vật tư vì BV chưa thanh toán tiền” - ông Dũng nói.

Vỡ quỹ bảo hiểm y tế?

Theo ông Phạm Lương Sơn, thống kê mới nhất năm 2016 Quỹ BHYT bội chi 7.500 tỉ đồng, trong khi ước tính trước đó là 6.000 tỉ đồng.

Năm 2017, trên 50 trong số 63 tỉnh thành bội chi quỹ, với tổng số tiền ước tính là 10.000 tỉ đồng. Trong khi không tăng được phí bảo hiểm, ông Sơn cho rằng phải căn cơ chi phí, nếu không quỹ sẽ vỡ giống như năm 2009 (chi vượt thu và Quỹ BHYT phải nợ ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng).

Nhưng các BV, theo ông Sơn, là không căn cơ, thậm chí còn tìm cách chi thêm. “Mổ phaco thì nằm viện 1-2 ngày thôi, cớ gì để người bệnh nằm viện bình quân 7,1 ngày, hay đẻ thường mà để nằm viện bình quân 5,2 ngày là vô lý.

Những cái đó sao Bộ Y tế không nói mà lại nói chuyện này”, ông Sơn nói. Ngược lại, một cán bộ của Vụ BHYT (Bộ Y tế) cũng rất bức xúc về phía BHXH.

“Hồi tháng 5-2017 họp báo, BHXH VN nói rất nhiều về chuyện BV lạm dụng, nhưng khi Bộ Y tế có văn bản hỏi cụ thể BV nào, lạm dụng như thế nào thì BHXH VN không trả lời. Hay chuyện một bác sĩ khám 160 bệnh nhân ở Nghệ An là chuyện từ đầu năm 2016, khi mới áp dụng thông tuyến, giờ họ đã chấn chỉnh” - cán bộ này nói thêm.

Trong khi ngành nào cũng cho mình đúng thì người bệnh đang rất khổ. Bệnh nhân Hoàng Thị K., 65 tuổi, ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), đến khám tại khoa khám bệnh BV Bạch Mai, cho biết bà có BHYT.

Tại BV Đa khoa Bỉm Sơn, bà được bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ suy thận, nhưng chỉ cho ít thuốc bổ gan rồi bảo bà lên tuyến trên chẩn đoán cho chính xác.

“Tôi rất lo lắng nên ra BV Bạch Mai, muốn được hưởng BHYT, tôi cần hai giấy chuyển viện nên tôi ra thẳng đây, riêng tiền xét nghiệm tốn trên 500.000 đồng.

So sánh thấy kết quả ở BV Bỉm Sơn và Bạch Mai có khác nhau, ở đây bảo tôi nhu mô gan đều, ở Bỉm Sơn đọc là nhu mô gan không đều” - bà K. nói.

Và đó có lẽ chỉ là một trong vô số trường hợp không được chẩn đoán chính xác tại BV tuyến cơ sở và buộc phải lên tuyến trên, nhưng lại không được bảo hiểm chi trả dù đã có BHYT.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận