Hai ông già và chuyện cái chuông cửa

LÊ NGỌC HẠNH 01/07/2012 22:07 GMT+7

TTCT - Nhà hai ông già ở đối diện nhau, nhưng hơi khuất vì mấy cái tán cây um tùm lá và hơi xa vì hai cái sân rộng. Hai bà vợ của hai ông già cứ không có gì làm là rủ nhau đón xe buýt về thị xã đi chùa, đi chợ.

 

 Minh họa: Vũ Đình Giang

Ông già bên này đường là ba tôi, nghỉ hưu nên muốn về sống ở quê. Đám con làm việc ở phố cả nên sắp xếp nhau chạy đi, chạy về thăm chừng. Ông già bên kia đường gốc nông dân, tánh xuề xòa vui vẻ. Mỗi ngày cứ hai, ba bận đến bữa cơm là ông già bên này đường đứng chụm tay hú ông già bên kia qua.

Không nhiều, chỉ một hai chum rượu đế, với tí cá, tí khô của ông già bên này, thêm vài câu chuyện rôm rả và những tràng cười sảng khoái của ông già bên kia là được một bữa cơm bầu bạn vui vẻ.

Có mấy bữa ông già bên này đường đứng hú mà ông già bên kia không nghe, làm ông già bên này buồn hiu vì bữa cơm buồn không có người đối ẩm. Bà già bảo hay là ông đánh điện thoại cho ổng dễ nghe. Ông già nghe có lý, thế là từ đó tiếng chuông điện thoại nhà ông già bên kia cứ đến bữa lại reo vang, trở thành ám hiệu quen thuộc của hai ông bạn già.

Lại có bữa đường dây điện thoại hư, ông già bên này cầm điện thoại gọi mãi mà không thấy ông già bên kia bốc máy. Làm ông già bên này lại ngồi ăn cơm buồn hiu một mình.

Thằng con của ông già bên kia thấy vậy sắm một cái chuông cửa. Cái chuông gắn ở nhà bên kia, còn cái đồ bấm mang qua nhà ông già bên này. Ông già bấm thử xong, khoái chí bỏ cái đồ bấm chuông lên đầu tủ lạnh, hễ cứ tới bữa là mang ra đứng trước sân, giơ cao bấm bấm. Một tí lại thấy ông già bên kia lót tót đi qua. Thế là tiếng chuông cửa trở thành dấu hiệu liên lạc mới của hai ông già.

Mấy đứa con ở phố về, thấy cái bấm chuông cửa lạ lạ nên hỏi, ông già khoe: “Thằng con của ông Út làm cho tao với ổng liên lạc cho thuận tiện”. Mấy đứa con phì cười và cảm thấy vui vui. Vui vì mối tình thâm của hai ông bạn già một lẽ, lẽ khác là vì lần đầu tiên mới thấy chuyện cái chuông cửa gắn ở nhà bên kia, còn cái đồ bấm chuông thì nằm trên đầu tủ lạnh của nhà phía bên này. Cái chuông cửa là niềm vui mỗi ngày cho bữa cơm của hai ông bạn già bớt hiu quạnh.

Em là một thiếu niên khoảng mười sáu, mười bảy tuổi. Người ta nói em mắc bệnh đi. Cha mẹ nuốt nước mắt đưa em về sau cái lắc đầu của nhiều bác sĩ chuyên ngành tận thành phố. Em không la hét cũng không quậy phá gì cả, em chỉ có mỗi một nhu cầu là được đi. Lúc đầu gia đình cũng muốn giữ em trong nhà, nhưng không được bao lâu đành để em thỏa mãn nhu cầu duy nhất đó.

Mỗi ngày em đi từ sáng sớm đến tận chiều tối theo đúng một lộ trình không thay đổi, vẫn mé đường bên đó, đi lên rồi đi xuống không biết bao nhiêu vòng, mặc kệ trời nắng như thiêu đốt hay mưa gió bão bùng. Khuôn mặt em luôn bừng sáng với nụ cười vô tư dành cho hết thảy mọi người em gặp trên đường.

Và đáp lại, mọi người cũng trở thành bạn của em, trời lạnh em có thêm cái áo khoác, trời mưa lớn ai đó đã kịp choàng cho em tấm áo mưa, đôi dép đứt hôm trước hôm sau đã được thay bằng một đôi dép mới. Mọi người chỉ làm được cho em vậy thôi...

Đã vài tháng trôi qua và em càng ngày càng tiều tụy, quần áo rộng dần, em vừa đi vừa giữ lấy lưng quần cho khỏi tuột, duy chỉ có nụ cười là không hề thay đổi. Tai nạn hay cú sốc đầu đời nào quá lớn khiến em trở nên như vậy? Công việc của tôi thường xuyên phải ra đường, tôi gặp em rất nhiều lần và lần nào nhìn thấy em, lòng tôi lại nhói đau, đau cho số phận của em và cho sự bất lực của chính mình.

Chiều nay trời lại chuyển mưa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận