Hàng vạn đồng Bitcoin đã được rửa như thế nào?

TRÚC ANH 28/02/2022 22:05 GMT+7

TTCT - Tội phạm tưởng xâm nhập vào sàn Bitfinex và rời đi với chiến lợi phẩm là đã thành công, nhưng phần khó nhất là làm sao để hưởng thành quả cướp được.

Tội phạm tưởng xâm nhập vào sàn Bitfinex và rời đi với chiến lợi phẩm là đã thành công, nhưng phần khó nhất là làm sao để hưởng thành quả cướp được. Chuyện số Bitcoin khổng lồ bị cướp mà nằm yên trong ví suốt nhiều năm liền được tờ New York Times mô tả là giống như chiếc xe dùng để tẩu thoát của bọn cướp ngân hàng lại chẳng chạy đi đâu mà cứ đậu ngay trước nhà băng, với chiến lợi phẩm chất đầy bên trong.

“Chiếc xe” trong vụ cướp Bitfinex được xác định là một ví điện tử duy nhất, nơi toàn bộ số Bitcoin bị cướp được chuyển thẳng vào ngay sau vụ hack. Vợ chồng Lichtenstein và Morgan bị cáo buộc đã thực hiện hơn 2.000 giao dịch trái phép để chuyển số Bitcoin đó vào một ví điện tử do Lichtenstein quản lý, mở đầu cho quá trình “rửa” số tài sản khổng lồ này.

“Trong vòng 5 năm qua, xấp xỉ 25.000 trong số Bitcoin bị cướp đó đã được chuyển khỏi ví của Lichtenstein thông qua một quá trình rửa tiền phức tạp, mà kết quả là một phần số tiền bị cướp được gửi vào các tài khoản tài chính do Lichtenstein và Morgan quản lý”, thông cáo đăng trên web của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay.

Số còn lại, hơn 94.000 Bitcoin, vẫn nằm trong ví gốc đã trực tiếp nhận Bitcoin cướp được từ Bitfinex, tức “chiếc xe” đậu ngoài cửa nhà băng nói trên. Cơ quan chức năng Mỹ đã xin được trát tòa để truy cập một tài khoản lưu trữ đám mây của đôi vợ chồng và tìm được các tập tin chứa mật mã để mở ví gốc này, nhờ đó mà đặc vụ Mỹ có thể thu hồi hơn 94.000 Bitcoin còn lại trong vụ việc, trị giá khoảng 3,6 tỉ USD ở thời điểm thu giữ.

“Rửa” Bitcoin quá khó, nhưng có lẽ giá tăng khiến bọn tội phạm không cưỡng được. Theo Elliptic - một hãng phân tích công nghệ blockchain có trụ sở ở London, tính đến tháng 5-2021 chỉ có 21% số Bitcoin trong ví chứa chiến lợi phẩm được chuyển đi. Hoạt động “rút” tiền đáng kể đầu tiên được ghi nhận là vào tháng 4-2021, với 12.241 đơn vị được chuyển khỏi ví. Nguyên nhân có lẽ là do Bitcoin đã tăng giá đến hơn 700% trong vòng 1 năm, con số đủ để tội phạm liều lĩnh và tìm cách biến tiền “ảo” thành thật.

Tiền rời khỏi ví chứa ban đầu thì đi đâu? Trước đây, khi chuyện rửa tiền mã hóa còn khó hiểu, luật lệ chưa rõ ràng và cơ quan thực thi pháp luật chưa có công cụ theo dấu đồng tiền, thì khá dễ: chỉ việc chuyển Bitcoin sang một sàn giao dịch cho phép chuyển tiền mã hóa thành tiền thật - USD hoặc euro. Vài năm trở lại đây thì chuyện rút và chuyển đổi Bitcoin khó hơn vì tất cả những “lợi thế” nói trên đã không còn.

Ngay từ tháng 5-2021, Elliptic đã công bố báo cáo về quá trình theo dấu số Bitcoin bị cướp từ Bitfinex, lúc đó trị giá 7 tỉ USD. Cụ thể, các Bitcoin được chuyển từ ví gốc sang các dịch vụ của bên thứ 3, thông qua các kỹ thuật như peel chain - thực hiện một lượng lớn các giao dịch chuyển tiền với giá trị thấp; chain hopping - đổi từ loại tiền mã hóa này sang loại khác để giấu nguồn gốc; và layering - chuyển tiền đến nhiều địa chỉ và các chuỗi giao dịch khác nhau để che dấu vết.

Theo Ellliptic, 3 kênh được sử dụng cho quá trình trên, theo thống kê của Elliptic là thị trường trên mạng ẩn (darknet, chiếm 84%), ví riêng tư (12%) và các sàn giao dịch (4%).

Các sàn giao dịch chiếm tỉ lệ thấp nhất vì rất dễ bị sờ gáy: nếu truy được số Bitcoin bị cướp được chuyển vào một sàn giao dịch, cơ quan chức năng có thể yêu cầu đơn vị vận hành sàn đó công khai các thông tin về chủ tài khoản nhận. Mặt khác, các sàn làm ăn đúng pháp luật cũng có thể dùng công cụ phân tích blockchain để xác định nguồn của lượng tiền chuyển đến, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ chủ động báo cơ quan chức năng.

Các ví riêng tư như JoinMarket và Wasabi Wallet vì thế là lựa chọn tốt hơn vì các ví điện tử này sẵn sàng giúp người dùng chặn việc truy vết blockchain. Năm 2019, 612 trong số các Bitcoin cướp từ Bitfinex, trị giá khoảng 4 triệu USD, được chuyển vào các ví JoinMarket; sang năm 2020, tội phạm rửa tiền chuyển sang Wasabi, “rửa” thêm được khoảng 5,3 triệu USD.

Cuối cùng, lựa chọn ưa thích nhất để “rửa” Bitcoin là các thị trường “đen” như Alphabay (bị cảnh sát đánh sập năm 2017) hay Hydra trên darknet, thế giới Internet “vô hình” với các công cụ tìm kiếm. Những sàn giao dịch phi pháp này sẵn sàng cho đổi Bitcoin thành thẻ quà tặng, thẻ trả trước và cả tiền mặt mà không quan tâm tiền từ đâu ra.

Theo thông tin Bộ Tư pháp Mỹ công bố, vợ chồng Lichtenstein và Morgan đã áp dụng đủ các kỹ thuật trên, bao gồm thực hiện nhiều giao dịch nhỏ, giao dịch trên AlphaBay và nhiều sàn tiền kỹ thuật số khác nhau.

Việc truy được đường đi của những đồng Bitcoin bị đánh cắp, lần được đôi vợ chồng và cuối cùng là thu hồi được tiền có thể xem là chiến công của các nhà chức trách và có thể khiến giới tội phạm e dè hơn. 

Như tuyên bố của trợ lý bộ trưởng Tư pháp Kenneth A. Polite: “[Vụ việc] một lần nữa chứng minh rằng cơ quan thực thi pháp luật liên bang có thể theo dõi tiền thông qua blockchain và sẽ không cho phép tiền mã hóa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho rửa tiền hoặc một khu vực ngoài vòng pháp luật trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận