Hàng xóm

LÊ NGỌC HẠNH 01/04/2013 02:03 GMT+7

TTCT - Buổi sáng, vừa đẩy xe xuống đường gặp hàng xóm nhà cách một căn bên phải cũng vừa mở cửa. Hàng xóm vội vàng nói với theo khi mình vừa rồ ga chạy đi: “Chừng nào rảnh, qua cô chút nhe!”.

Mình chỉ nói kịp chữ “Dạ” rồi chạy biến.

Chiều, vừa đẩy xe ra khỏi nhà cũng tình cờ gặp, hàng xóm lại nhắc: “Lát về sớm, qua nhà cô chơi chút nhe!”. Lại cũng một chữ “Dạ” rồi biến chạy.

Phóng to
Minh họa: Salem

Ở phố giờ chỉ còn mấy người quen hay trò chuyện là những hàng xóm cũ từ lúc phố còn là dãy nhà tập thể cấp bốn của cán bộ công nhân viên. Từ ngày nhà hóa giá, những căn nhà được bán dần đi. Người về quê sinh sống, người vào khu dân cư cho rộng rãi, yên tĩnh. Những ngôi nhà cao tầng, bề thế mọc lên che lấp mất những căn nhà ngói mốc thấp tè cũ kỹ. Khu phố cũng thưa dần những gương mặt hàng xóm cũ thân quen!

Hàng xóm sát bên phải giờ là ngôi nhà ba tấm lúc nào cũng im ỉm kín cửa, thi thoảng mới thấy chủ nhà thoáng đến, thoáng đi. Hàng xóm sát bên trái dọn nhà về quê, trước cửa treo tấm bảng “Nhà cho thuê” nên hai bên lúc nào cũng vắng ngắt!

Một sáng, vừa đẩy xe xuống đường thấy nhà hàng xóm cách một căn bên phải đang tháo dỡ. Ngỡ ngàng vội sang hỏi thăm hàng xóm bán bánh mì cách một căn bên trái mới biết rằng căn nhà đã bán được hơn một tháng nay! Người chủ mới đang tháo dỡ xây nhà mới. Lòng bỗng xốn xang vì nhớ lại những lần hàng xóm rủ sang nhà...

Bỗng dưng ngẫm thấy mình sao quá hời hợt, quá ơ hờ với chuyện xóm giềng ở phố... Chỉ còn biết hỏi thăm con bé bán bánh mì nơi ở mới của người hàng xóm cũ. Hỏi rồi lại tự hỏi lòng bởi cảm thấy mình mâu thuẫn vì: hỏi để an ủi, để cho bớt áy náy, hay hỏi để làm gì khi mà còn ở sát bên, có mấy bước chân còn không sang được?

Con bé bán bánh mì còn hồn nhiên “khuyến mãi” thêm cái thông tin: “Hôm kia cô Mỹ về đây chơi tới trưa, trông chị về hoài mà không thấy, cô ấy có gửi lời hỏi thăm chị”. Nghe mà trong lòng cứ day dứt sao đâu!

Những con gà trên sân thượng

Sân thượng của những ngôi nhà nhiều tầng trong phố là nơi sinh sống của mấy con gà. Gà bé thì kêu chiêm chiếp, gà trống thì gáy vang mỗi sáng, gà mái thì “tục tục” như để gọi bầy. Sân thượng có gió, có ánh sáng tràn đầy để những con gà sướng hơn người ở chỗ là thoải mái với không khí.

Gà nuôi tại gia trên sân thượng có gì hay? Chuồng thì bé tí ti như chuồng chim, chỉ nhốt được vài con là chật chỗ. Những con to khỏe thì bị cột chân vào một chiếc cột. Cứ quanh quẩn như thế mà già đi cho đến khi chủ nhà thích làm thịt. Gà không thể dạo vườn như ở dưới quê. Gà không tiếp đất được dù đôi chân gà thèm lắm cái cảm giác đào bới. Con gà nào vừa mới di cư từ tận quê lên sân thượng phố này thì chắc là nhớ giun, dế lắm.

Gà nuôi trên sân thượng gáy không dài hơi và đúng giấc như gà ở quê. Gà ở xứ Huế thường gáy theo tiếng chuông Thiên Mụ mà báo sáng để dân thôn nô nức khởi sự một ngày. Gà có hộ khẩu thị thành, chao ôi, gáy mà như tiếng kêu lạc điệu. Đang chiều hôm thì có tiếng gáy làm người khác thấy thương gà nhiều hơn. Gáy như báo hiệu sự biến đổi gen trong cơ thể mình vì toàn ăn cơm, rau như người vậy?

Mắt gà có khi nào nhìn xuống để đo độ cao của một ngôi nhà cao hơn cái cột điện? Nếu gà sống trên sân thượng mà muốn... tung hoành thì chỉ cần tung cánh, nhảy xuống, tiếp được đất là đã gãy cánh và đứt hơi rồi!

Gà ở quê thường thích bụi cỏ, đống rơm vàng, sào vườn rộng. Giò gà quê chắc nịch. Gà sống đời của gà: đào bới mà kiếm ăn, biết gáy đúng giấc. Gà ở phố chỉ biết... đợi ăn và chấp nhận sự lạc giọng trong cả tiếng gáy đặc trưng của nòi giống!

TRẦN ANH (Hà Nội)

TTCT cảm ơn các bạn: Trần Văn Toản, Phạm Văn Học, Khả Phong, Nguyễn Hường, Trần Thị Thanh, Nguyễn Thị Việt Hà... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận