“Hảo ý” của Facebook, có dễ khước từ?

TRƯỜNG SƠN 16/05/2018 02:05 GMT+7

TTCT - Mark Zuckerberg vừa công bố các kế hoạch mới để gọi là thực thi sứ mệnh kết nối mọi người của Facebook. Phải chăng quá lời khi nói “chạy trời không khỏi Facebook”?

Mark Zuckerberg muốn “thế giới tốt đẹp hơn”.
Mark Zuckerberg nói muốn “thế giới tốt đẹp hơn”.

 

Dường như cuộc điều trần về bê bối dữ liệu người dùng trước Quốc hội Mỹ đã là “dĩ vãng xa xăm”, CEO Mark Zuckerberg xuất hiện bình thản tại F8, hội nghị thường niên với các nhà lập trình của Facebook hồi đầu tháng 5 và tự tin trình bày các sản phẩm, công nghệ, dự án, tầm nhìn mới.

Xây dựng lại hình ảnh?

Lần F8 năm ngoái Facebook còn nói về những công nghệ viễn mơ như đọc ý nghĩ, thì năm nay tỉ phú 34 tuổi cho người dùng thấy mình muốn giải quyết các vấn đề “gần với mặt đất hơn”, bức thiết hơn như tin giả, quyền riêng tư dữ liệu. Nhưng sau tất cả, các dự án mới của Facebook đều xoay quanh mục tiêu, sứ mạng mà Mark Zuckerberg tự trao cho mình 14 năm về trước: kết nối con người.

Khi đứng trên sân khấu F8, Zuckerberg không quên nhắc lại Facebook trước sau vẫn là một dịch vụ được xây dựng để “đặt con người lên trên hết khi trải nghiệm với công nghệ” vì “các mối quan hệ của chúng ta là thứ quan trọng nhất với chúng ta, giúp ta thấy ý nghĩa cuộc đời và một chỗ đứng trong thế giới này”.

Facebook đặt ra sứ mệnh thiết kế các công nghệ giúp “mang con người đến gần nhau hơn”. Và trong tương lai gần, Zuckerberg cho biết sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm tập trung vào con người và các mối quan hệ của họ, “giúp kết nối con người theo những cách mới”. Giới quan sát cho rằng Mark Zuckerberg muốn “làm đậm” hình ảnh của mình không phải là một tỉ phú công nghệ, mà là một CEO quan tâm đến thế giới và mong mỏi “sửa chữa” các vấn đề xã hội từ chuyện giữ liên lạc, gắn kết như lâu nay đến lưu giữ, tìm về ký ức lẫn chuyện hẹn hò.

Làm “ông tơ bà nguyệt”

Tính năng hẹn hò ảo, thiết bị xem thực tế ảo VR không cần smartphone Oculus Go và tính năng “phục dựng ký ức từ ảnh chụp” là những gì đáng chú ý nhất sau hai ngày hội nghị F8. Và cả ba đều thể hiện tinh thần “giúp kết nối con người theo những cách mới” mà Zuckerberg đã tuyên bố.

Tính năng tìm bạn đời của Facebook, hiện vẫn chưa có tên chính thức, sẽ tuyên chiến trực tiếp với các ứng dụng hẹn hò qua smartphone nổi nhất hiện nay là Tinder (50 triệu người dùng) và Bumble (22 triệu). Facebook quyết định nhảy vào lĩnh vực “mai mối” vì “có đến 200 triệu người dùng khai trên Facebook đang độc thân”. Dựa trên cơ sở có nhiều cặp đôi đến với nhau nhờ quen biết trên mạng, Mark Zuckerberg nhấn mạnh tính năng mới này sẽ tập trung xây dựng “các mối quan hệ thực sự” chứ không chỉ “quen qua đường”.

Theo mô tả, Facebook sẽ cho phép người dùng tạo hồ sơ hẹn hò riêng, hoàn toàn cách biệt với thông tin trên tài khoản chính và bạn bè sẽ không thấy được phần thông tin này. Facebook sẽ “làm mai” cho các tài khoản dựa trên thông tin đã nắm về họ, đặc biệt dựa vào các nhóm hay sự kiện mà cả hai cùng là thành viên hay cùng tham gia.

“Điều này giống như trong đời thật, khi các mối quan hệ thường bắt đầu khi cả hai tình cờ tham gia một sự kiện nào đó” - giám đốc sản phẩm của Facebook Chris Cox giải thích. Những người dùng “Facebook hẹn hò” chỉ có thể nhắn tin cho nhau thông qua tính năng riêng, tách bạch với Messenger và WhatsApp, cho thấy Facebook quan tâm đến quyền riêng tư và bí mật của người dùng.

Trong khi đó, thiết bị Oculus Go, được Washington Post đánh giá là “thiết bị VR đầu tiên mà có thể bạn sẽ muốn mua” là thiết bị do Oculus, công ty được Facebook mua lại hồi năm 2014, sản xuất với đặc điểm nổi bật nhất là hoạt động độc lập (standalone), không cần kết nối với máy tính hay smartphone.

Theo giới thiệu tại F8, Oculus Go đã có sẵn 1.000 ứng dụng VR để người dùng trải nghiệm, đáng chú ý là ứng dụng cho phép bạn và một người bạn ở bên kia bán cầu cùng xem chung một chương trình tivi trong môi trường VR, hay nhóm bạn mỗi người ở một châu lục chỉ cần đeo thiết bị vào là tất cả cùng có mặt tại một “căn phòng VR” để tám chuyện, họp mặt, thậm chí cùng xem một sự kiện như hòa nhạc thông qua VR.

Cuối cùng, công nghệ khiến nhiều người kinh ngạc nhất của Facebook chính là “VR hóa ký ức”, tức từ một bức ảnh chụp dạng 2D, Facebook sẽ dựng lên môi trường 3D dựa trên chính không gian ấy để bạn có thể thực sự “bước chân vào ký ức và trải nghiệm quá khứ”. Facebook ví dụ với bức ảnh chụp bàn tiệc sinh nhật, hệ thống sẽ dựa vào bức tường, không gian trong ảnh để vẽ lại chính căn phòng trong bức ảnh đó để khi xem lại, bạn không chỉ thấy bàn tiệc mà còn có thể bước đi, ngó nghiêng xung quanh căn phòng như thể mình đã quay ngược thời gian.

Minh họa 'phục dựng ký ức' từ ảnh 2D. Ảnh: Techcrunch
Minh họa 'phục dựng ký ức' từ ảnh 2D. Ảnh: Techcrunch

 

Facebook giúp thế giới tốt đẹp hơn?

Khi phát biểu tại F8, Zuckerberg chia sẻ trong một số cuộc trò chuyện gần đây đã cố gắng trả lời câu hỏi “Facebook (rốt cuộc) đại diện cho cái gì?” và “Thế giới sẽ mất đi cái gì nếu không còn Facebook nữa?”.

Tác giả Karissa Bell của Mashable đã “phiên dịch” câu nói trên thành: Facebook đã giúp thế giới tốt đẹp hơn và ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có Facebook? Đó là phát ngôn vĩ cuồng? Công bằng mà nói, người ta có thể ghét Facebook nhưng nhìn lại, Mark Zuckerberg có lý.

Thời “tiền Facebook”, tức trước năm 2004, dĩ nhiên Internet đã có mọi thứ song chưa có sản phẩm, dịch vụ nào quan tâm đến việc kết nối những người dùng nhiều với nhau như Facebook.

Tác giả Alexis Madrigal viết trên tạp chí Atlantic ngày 2-5 cho rằng điều này không thể phủ nhận, dù người ta có không thích Facebook đến đâu. Madrigal lý giải ngay cả các tầm nhìn mang màu sắc viễn tưởng như gặp nhau trong thế giới thực tế ảo, Facebook cũng chỉ muốn xóa bỏ rào cản địa lý để con người “gặp nhau”, kết nối tốt hơn.

“Nói cách khác, Facebook muốn xóa bỏ ranh giới của thực và ảo” - Madrigal viết. Thật vậy, rất nhiều sản phẩm mới gần đây hay mới tuyên bố của Facebook, như gọi video theo nhóm hay xem hòa nhạc bằng VR, đều giúp người dùng có thể làm nhiều thứ với những người bạn thật sự trong môi trường ảo và ngược lại, các ứng dụng thực tại tăng cường (AR) nhằm mang cái ảo vào nền thật. Và rõ ràng có thể khẳng định Facebok sẽ còn đầu tư vào những công nghệ viễn tưởng, xa vời hơn nữa, nhưng tất cả đều dựa vào việc thay đổi cách con người giao tiếp với nhau.

Ngoài Facebook với hơn 2 tỉ người dùng thường xuyên, theo số liệu tháng 2-2018, các sản phẩm cùng nhà khác với Facebook - WhatsApp, Messenger và Instagram - có số người dùng thường xuyên hằng tháng lần lượt là 1,5 tỉ, 1,3 tỉ và 800 triệu. Giới trẻ có thể chán Facebook khi ông bà, cha mẹ cũng bắt đầu “chơi phây” và đã có ngay Instagram để làm “bến đỗ” mới. WhatsApp và Messenger là kênh nhắn tin phổ biến nhất hiện nay, bỏ xa những Viber hay Skype.

“Gã khổng lồ Thung lũng Silicon (tức Facebook) quá hiểu cách con người giao tiếp với nhau qua mạng - Matt Weinberger của Business Insider bình luận - Thật khó để bỏ Facebook khi chính nó cũng sở hữu rất nhiều ứng dụng (có khả năng) thay thế Facebook”. Thực tế đúng là như vậy.

Ta có thể quyết tâm “nói không” với Facebook và mọi sản phẩm anh em của nó, nhưng sẽ ra sao nếu ta dùng Viber mà 8/10 những người ta cần liên lạc thường xuyên chỉ dùng Messenger hoặc WhatsApp? Lợi thế lớn nhất của Facebook chính là “ai ai cũng trên phây”, và đây cũng chính là bất lợi lớn nhất của các sản phẩm khả dĩ muốn cạnh tranh với “bộ sưu tập app” của Mark Zuckerberg.

Facebook tin rằng điều này cũng đúng khi nay tham gia thị trường “mai mối online”. Thử hỏi những người xung quanh bạn bao nhiêu người đang dùng Tinder và bao nhiêu người đang xài Facebook là có ngay câu trả lời. Facebook “có lòng” muốn trao cho nhân loại thật nhiều phương tiện để kết nối với nhau và có muốn khước từ xem ra cũng khó. Nói “chạy trời không khỏi Facebook” là vậy.■

Một phát ngôn đáng chú ý khác của Zuckerberg tại F8: “Nếu chúng tôi không làm điều này, thế giới ngày nay sẽ không được như bây giờ”. Bình luận về câu nói này, Matt Weinberger cho rằng nó hé lộ “một sự thật không thoải mái”, tức khó chấp nhận dù hoàn toàn đúng: Facebook đang nắm giữ cách chúng ta giao tiếp với nhau.

Mark Zuckerberg thực sự vì nhân loại?

Điều đáng lo nhất là mọi sản phẩm Facebook đều thu thập dữ liệu người dùng để bán cho các nhà quảng cáo. Dù Facebook đã công bố tính năng cho phép người dùng xóa lịch sử Facebook nắm giữ về họ sau bê bối Cambridge Analytica, thật khó có thể tin rằng Facebook sẽ thay đổi mô hình kinh doanh này. Người ta có thể nghĩ Zuckerberg làm tất cả chỉ để tài sản ngày càng phình to.

Tuy nhiên, Madrigal viết trên Atlantic rằng nhiều người thân cận với Zuckerberg khẳng định ông chủ Facebook thực sự không quan tâm đến tiền. “Tiền chỉ là “nhiên liệu” để vận hành cỗ máy cho phép Facebook xây dựng thế giới mà họ tin rằng chỉ mình họ thấy”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận