Hãy để em giúp chính mình  

NGUYỄN NGỌC HÀ 15/04/2015 20:04 GMT+7

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống kỳ này là bài viết phản hồi của hai độc giả, trong đó có một giáo viên đang đứng lớp. TTCT giới thiệu để độc giả có thêm kênh tham khảo về một vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh đang gặp phải.


Minh họa: Bích Khoa

Đọc lời kêu cứu “Ai có thể giúp được em” trên TTCT 29-3-2015 (trong loạt bài “Bỗng nhiên, người lạ”), tôi nhớ lại một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi là người chứng kiến ngay từ đầu.

Năm 1970 tôi đang học lớp đệ tứ (lớp 9), ngồi cạnh tôi là một bạn gái tên N.. Bạn lớn hơn tôi ba tuổi. Chúng tôi không hỏi tại sao bạn 17 tuổi mà lại ngồi cùng lớp với chúng tôi. Chỉ biết bạn lớn tuổi lớn xác, học kém, hay mơ mộng và thích nói chuyện tình yêu.

Thuở đó không có mạng Internet như bây giờ. Bạn thường chúi mũi vào mục “Tìm bạn bốn phương” trên các tờ báo, đôi khi khoe với chúng tôi những lá thư tình. Chúng tôi cũng từng gặp bạn nói chuyện với “bồ” trước cổng trường.

Một sáng, bạn không còn đến trường nữa. Đến nhà mới biết bạn đã đi “bụi đời”: bạn lấy tiền của ba mẹ ra ngoài Trung cùng người bạn “thư tín” lập mái ấm. Rất ngạc nhiên là mẹ bạn tỉnh rụi, không cuống quýt kiếm tìm như chúng tôi hình dung.

Bà nói: “Nó đã đủ tuổi lấy căn cước (giấy CMND) rồi, tức đủ tuổi để biết mình làm gì. Cứ cho nó đi để trưởng thành. Bác còn 10 đứa con phải lo, không thể vì một mình nó mà đưa hết đám em vào chung bi kịch với nó”.

N. là chị lớn nhất trong bầy con 11 đứa. Ba bạn đi lính, đóng quân ở xa, mẹ bạn ở nhà bán tạp hóa phụ chồng nuôi con. Thật sự trong lòng chúng tôi có chút bất mãn trước thái độ dửng dưng của bà.

Sáu tháng sau, N. trở về trường gặp chúng tôi với cái bụng bầu để mượn tiền. Thuở đó chúng tôi cũng chẳng có nhiều tiền cho bạn mượn. Điều làm chúng tôi ngỡ ngàng là mẹ bạn cấm cửa không cho bạn vào nhà.

Tôi nhớ bà nói khi chúng tôi theo bạn đứng trước cửa nhà: - Đó là con đường mày chọn. Tao cho ăn học đàng hoàng... không chịu. Hãy tìm mấy tổ chức từ thiện mà tá túc, sinh con rồi thì tự dưỡng đi. Tao còn phải lo cho 10 đứa em của mày nữa...

Hàng xóm lấy lời khuyên can:

- Thôi bà ơi, cho cháu vào nhà đi. Trời sinh voi sinh cỏ mà.

Mẹ bạn tỉnh bơ:

- Nhà bà có cỏ thì cứ chứa nó. Tui cần tiền mua gạo chứ không có cỏ.

Nghe thế hàng xóm đều lui ra. Bà “điểm mặt” chúng tôi:

- Tụi bây đứa nào cho nó mượn tiền thì cứ theo nó đòi nha. Tao không có tiền trả đâu.

Đứa em kế thấy tội chị lén mẹ xúc cơm cho chị. Bà thản nhiên: “Phần cơm mày đã cho nó rồi thì mày nhịn đói mà đi học. Thân mày còn chưa lo xong nữa thì lo cho ai”.

Ngồi ngoài hẻm đói khát không động lòng mẹ, N. đành tìm đến tổ chức từ thiện của một linh mục thừa sai người Pháp. Vị linh mục này có căn nhà nuôi người già, ông nhận N. nhưng với điều kiện phải chung tay chăm sóc người già cùng với các tình nguyện viên và các xơ (soeur).

Ngày bạn sinh, chỉ một tình nguyện viên đưa bạn vào Từ Dũ sinh miễn phí rồi về. Vị linh mục giới thiệu bạn sang một nhà mồ côi. Ở đây con bạn vừa có chỗ ở, bạn vừa phụ với các sơ chăm sóc trẻ mồ côi và được các xơ dạy may.

Mẹ bạn không hề đến thăm bạn một lần. Khi chúng tôi đến nhà báo cho bà biết N. đã sinh, bà bảo: “Có con rồi nó mới biết tình mẹ thương con như thế nào. Nhưng không phải thương là cứ bảo bọc để nó ỷ lại, tha hồ sống theo ý mình một cách ích kỷ, luôn muốn mọi người phải quan tâm, chăm sóc cho mình.

Con trâu con nghé rời khỏi bụng mẹ cũng phải tự đứng bằng chân của chúng mà. Nó gây khổ thì phải tự chịu trách nhiệm việc làm của mình. Không cứ gì bác phải cắt phần của các em để nuôi mẹ con nó, thu dọn đống rác nó xả ra”.

Lúc đó chúng tôi đã học lớp đệ tam (lớp 10) cũng đủ nhận thức để hiểu lời bà nói. Các em N. thấy gương chị nên “xếp re”, không dám hó hé, ngoan ngoãn học hành.

***

Rồi con N. cũng lớn, N. cũng đã có nghề may. Ban đầu bạn may cho những mạnh thường quân của nhà mồ côi để lấy tiền mua sữa cho con (vì con bạn còn mẹ nên không được hưởng phần của trẻ mồ côi). Tay nghề cứng, bạn ra riêng thuê nhà, mua máy may may quần áo khách trong xóm lao động. Lúc đó con bạn đã 5 tuổi, vào lớp mẫu giáo trường nhà nước, không phải đóng đồng bạc học phí.

Sau năm 1975, bạn đủ tiền mua căn nhà nhỏ sống với con. Lúc này mẹ bạn mới xuất hiện, giúp bạn số vốn để mở tiệm may. Lỡ dại một lần, sau này bạn chín chắn hơn trong tình yêu, lập gia đình và có thêm hai đứa con.

Điều ngạc nhiên là cách dạy con của bạn cứng rắn y như mẹ. Con trai lơ là việc học, bạn hỏi thật có thích học không. Thằng bé nói không, thế là bạn ra tối hậu thư: “Không học thì phải đi làm tự nuôi thân. Con hãy ra ngoài thuê nhà và tự sống đi”.

Bạn thẳng thắn đến trường rút hồ sơ xin cho con được nghỉ học (thằng bé đang học 11), rồi đóng cho con một vali, cho con ít tiền ra thuê nhà trọ để tự sống. Chỉ một tháng thằng bé quay về quỳ lạy mẹ xin được đi học lại. Lần trở về này thằng bé học hành đàng hoàng, không dám bê trễ nữa.

***

N. hôm nay đã ngoài 60 tuổi, có đủ cháu nội, cháu ngoại, con cái đều thành đạt. Ngạc nhiên là bạn không hề giận mẹ.

Bạn nói: “Cha mẹ nào cũng thương con cả, nhất là khi mình làm mẹ. Cách dạy con của mẹ mình có phần lạnh lùng tàn nhẫn đó, nhưng nếu mẹ không làm như vậy mình sẽ ỷ lại, sẽ về nhà tá túc để sau khi sinh lại gởi con cho mẹ rồi trở ra Trung tìm gặp thằng sở khanh đó, lạy lục sống tiếp với nó. Mình sẽ có một cuộc sống dựa dẫm, ỷ lại, ích kỷ và vô trách nhiệm”.

Mẹ N. đã ngoài 90. Sau năm 1975 bà vẫn kiên cường nuôi 10 đứa con còn lại cùng với người chồng trở về sau cuộc chiến. Ba của N. chết vì bệnh nhưng các em N. vẫn tới trường học hành, rồi vào trường nghề hoặc đại học. Nói chung các con đều nên người.

Lúc mẹ N. ở tuổi 70, còn vui vẻ tỉnh táo, tôi có đến thăm nhắc lại chuyện cũ, bà nói: “Có nhiều cách giúp con cái nên người, không phải lúc nào cũng ôm ấp con, khuyên giải con, nhỏ nước mắt năn nỉ con là nó nên đâu”.

Còn N. với một “tuổi xuân” đầy dông bão, hôm nay bạn kết luận: khi không ai lo cho mình thì mình phải biết tự lo.

Tôi kể câu chuyện này như một góp ý cho bậc cha mẹ trong bài báo. Hãy để trẻ có trách nhiệm với chính cuộc đời mình.      

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận