Hiểu nghèo - Thoát nghèo: Ba câu chuyện về nghèo và những định nghĩa nghèo mới

TTCT - Nghèo không chỉ là con số thu nhập bình quân đầu người dưới 1 USD/ngày, là cuốn sổ chứng nhận hộ nghèo hoặc những chật vật chạy từng bữa ăn của nhiều người dân. Hiểu được chúng ta đang nghèo như thế nào có thể là một tiền đề quan trọng để bước ra khỏi cái nghèo một cách thật sự.

Nhiều người dân chật vật mưu sinh nhờ trộ sáo trên đầm Cầu Hai từ nhiều đời, nay lại phải chờ bốc thăm để định phận mình - Ảnh: Đình Toàn

Gần 55.000 thẻ (BHYT) ở Bến Tre đã trở thành giấy lộn vì người dân không mua dù đã được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ 30%, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua thẻ.

6 tháng và 35.100 đồng

Có tới 95% người cận nghèo (NCN) ở Bến Tre vẫn không có thẻ BHYT, dù chỉ phải bỏ ra 35.100 đồng.

Vì sao có chuyện lạ lùng này? Anh Nguyễn Văn Ri, đại lý bán thẻ BHYT ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, cho hay nguyên nhân rất đơn giản: thẻ chỉ có giá trị sáu tháng, dân không mua vì thời hạn quá ngắn, lại quy định tuyến điều trị bệnh cứng nhắc: trạm y tế xã chuyển bệnh viện huyện. Thạnh Phú Đông là xã vùng sâu, việc chuyển bệnh lên tuyến huyện nghịch đường, trong khi phòng khám khu vực ở xã Phước Long cách đó không xa, vì vậy xã chỉ bán được 112 trong 1.200 thẻ BHYT cho NCN.

Ở xã Tân Hào cùng huyện Giồng Trôm, NCN cũng chẳng mặn mà với thẻ BHYT. Ông Nguyễn MinhVũ - chủ tịch UBND xã - cho biết xã có 648 NCN, chỉ bán được 248 thẻ, đa số người mua là người cao tuổi hoặc đang có bệnh. Trong số thẻ bán được, tiền mặt thu được ít mà cho ghi nợ thì nhiều. NCN ở Tân Hào không mua thẻ BHYT còn vì thẻ có thời hạn sáu tháng nhưng đến lúc bán ra thời hạn thực chỉ còn 4-5 tháng. Chưa kể, một số lớn NCN vẫn trông chờ Nhà nước hỗ trợ 100% như một số tỉnh ở ĐBSCL mà đài báo đưa tin.

Tuy vậy, với nhiều hộ cận nghèo, mua thẻ BHYT là những tính toán, cân nhắc của cả gia đình. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đực (40 tuổi, ở ấp 2A, xã Thạnh Phú Đông) có bốn con, năm 2009 họ là hộ nghèo nhưng sang năm 2010 xã chuyển lên hộ cận nghèo vì vợ chồng anh trong tuổi lao động và các con đã lớn. Anh Đực nghĩ đơn giản ăn còn phải chạy từng bữa, lấy đâu tiền dư mua BHYT, tuổi còn trẻ thì ít khi bị bệnh, nếu có cũng chỉ cảm cúm, nấu nồi lá xông là hết.

Hộ anh Đỗ Văn Tư ở ấp 1A, gia đình ở nhà tình thương, vừa được chuyển lên hộ cận nghèo cũng chỉ đủ tiền mua một thẻ cho anh Tư vì anh bị bệnh khớp bẩm sinh, ba thành viên còn lại trong gia đình thì thôi...

Những chiếc thẻ BHYT thời hạn sáu tháng không được người dân hưởng ứng, nay các địa phương trong tỉnh chuyển sang phát hành thẻ BHYT cho NCN với thời gian sử dụng một năm tính từ ngày mua, NCN chịu 20% phí mua thẻ, tức 78.828 đồng (tính theo mức lương mới).

Anh Ri, đại lý bán BHYT ở xã Thạnh Phú Đông, cho biết dù thẻ mới có thời hạn sử dụng dài hơn, lại có thể đăng ký tuyến chuyển viện sau khi khám ở trạm y tế xã nhưng số NCN mua thẻ này cũng chưa nhiều. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng lo lắng nếu không phát hành được, sang năm 2011 NCN ở Bến Tre sẽ không nhận được sự hỗ trợ của WB và Nhà nước.

Những người sống bên rìa thủ đô

Không điện, không nước sạch, không tivi, không một hoạt động đoàn thể, mọi tin tức thời sự của thành phố, đất nước và thế giới đến với những cư dân xóm chài ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) qua tiếng sóng rè rè của chiếc cassette và từ những buổi vào trung tâm thành phố lượm phế liệu...

Cuối năm 2009, chính quyền các phường hai bên bờ bãi giữa sông Hồng, đặc biệt là phường Phúc Xá, quận Long Biên - nơi có 17 hộ dân chài sinh sống - thông báo sẽ kiên quyết trả những hộ sống tạm này về tận quê hương của họ trước mùa mưa bão năm 2010. Nay hai trận bão đầu mùa đã đi qua, đến bãi giữa, xóm chài vẫn dập dềnh cùng con nước.

Không có đủ hồ sơ về hộ khẩu cũng như quyền sử dụng đất nên các công ty điện, nước không dám bán điện, nước cho những hộ dân này. Bà Trần Thị Thanh năm nay đã gần 80 tuổi, từ Hà Nam lên bãi giữa sông Hồng này cũng tròn 20 năm, lủi thủi trong căn nhà tạm trôi nổi theo dòng nước buồn rầu: “Chúng tôi chẳng có giấy tờ gì ngoài tờ tạm trú đang được giữ trên phường”. Chỉ một vài nhà mua được điện với giá cao của những hộ dân sống trên bờ gần đó. Bà Thanh sống cùng người con trai làm nghề bốc vác, ngày nắng cũng như mưa, đông hay hạ cũng độc ngọn đèn đỏ chạy bằng ăcquy.

Trong căn lều chừng 3m2, gạch nối với thế giới hiện đại của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành là chiếc đài đã cũ. “Mình ở dưới nước thế này ai dám bán điện cho, nhỡ điện giật, chập cháy thì dễ chết người lắm” - anh Thành lý giải cảnh nghèo. Chấp nhận số phận, anh sắm một chiếc bình ăcquy để có điện thắp sáng tổ ấm của mình.

“Chính quyền hả? Chán rồi!” - bà Thanh buông xuôi khi nhắc đến nhà chức trách. Chính quyền đối với họ có chăng chỉ là những lần họp nhắc nhở an ninh trật tự. Bà Thanh ngậm ngùi: “Trận bão vừa qua hất văng nhà lên trên bờ, mẹ con tôi lụi cụi tự mình dựng lại. Có chính quyền nào giúp đâu”.

Các hộ ở đây đều thuộc diện không thể nghèo hơn được nữa nhưng không ai có lấy một cái thẻ BHYT. Bà Trần Thị Tuyết, cư dân khác của xóm vạn chài, kể: “Có lần cháu ngoại tôi bị phích nước nóng đổ vào người, bỏng nặng cả hai chân. Đưa cháu vào viện thì họ bảo phải đóng 4 triệu, chúng tôi đành đưa cháu về vì lúc đó cả nhà chỉ có 700.000 đồng, cũng không có ai để vay. Nhiều người trong xóm bị bệnh nặng không qua khỏi cũng vì không có tiền đi viện”.

Hàng chục năm nay, xóm chài này vẫn lênh đênh theo dòng nước. Mải mê với cuộc mưu sinh, quyền lợi hay trách nhiệm công dân chẳng quan trọng với họ bằng việc một ngày kiếm được bao nhiêu cân đồng nát, lượm được bao nhiêu túi nilông. Họ cũng chẳng biết mình có những quyền lợi và trách nhiệm gì trong cộng đồng mà họ vẫn đứng nhìn từ bãi sông lên mỗi ngày.

Bốc thăm để định phận mình

Một ngày đầu tháng 8, hơn 100 hộ dân thuộc ba xã Lộc Trì, Lộc Bình và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) tập trung ở nhà sinh hoạt cộng đồng xã Lộc Bình để bốc thăm việc giải tỏa trộ sáo (một loại đìa) trên đầm Cầu Hai.

Trong lúc những người đàn ông bốc thăm, những người phụ nữ bồng con lo lắng đứng chờ bên ngoài. Những khuôn mặt hốc hác, đôi mắt lo âu dõi theo chiếc mũ lưỡi trai trên tay ông chủ tịch UBND kiêm trưởng ban chỉ đạo sắp xếp trộ sáo xã Lộc Bình. Bên trong chiếc mũ chứa đầy những lá thăm nhỏ là quyết định cuối cùng cho rất nhiều số phận: mảnh giấy với chữ “có” thì được phép giữ lại trộ sáo trên đầm làm kế sinh nhai, chữ “không” là trộ sáo bị giải tỏa.

Ông Đặng Minh (55 tuổi, ở thôn Hiền Hòa 2, xã Vinh Hiền) cùng vợ và con trai có mặt từ sáng sớm chờ gọi bốc thăm. Tôm cá trên đầm là nguồn sống duy nhất từ đời này sang đời khác của gia đình ông với chín người con. Để có được một trộ sáo trên đầm mang lại mỗi đêm 60.000-70.000 đồng, ông Minh phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng. “Đợt ni mà bị giải tỏa thì Nhà nước chỉ hỗ trợ 18 triệu đồng. Tiền nớ rồi cũng hết, cả nhà không biết làm chi mà ăn đây” - bà Lữ, vợ ông Minh, ngồi sụt sùi.

Huyện Phú Lộc có đến tám xã ven đầm Cầu Hai với hàng ngàn hộ dân sống dựa vào đây bằng nghề đánh bắt tôm cá. 665 hộ dân là 665 trộ sáo. Để khơi thông luồng lạch, giảm áp lực khai thác thủy sản, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội cho vùng đầm, huyện buộc phải “giải tỏa trắng” 291 trộ sáo, sắp xếp lại 168 trộ, chỉ giữ lại 206 trộ.

“Đằng nào tui cũng chết, chỉ lo con cháu tui rồi cũng phải tha hương kiếm sống như mấy đứa khác” - bà Phạm Thị Chóc, 57 tuổi, nói. Chị Trần Thị Mão, con gái bà Chóc, đưa tôi xem hai tờ giấy khám bệnh, kể: “Hôm trước một anh trong xã nói tui đưa mạ qua bên bệnh viện huyện khám để hưởng chính sách. Tui mừng, cũng không biết chính sách chi nhưng tốn 80.000 đồng thuê xe ôm đi đại. Qua đến nơi họ nói tui mua hai bộ hồ sơ khám bệnh cho mạ. Chừ mang về đây không biết nộp cho ai, để hưởng cái chi nữa”.

Hai “bộ hồ sơ” mà chị Mão nói là hai tờ giấy chứng nhận sức khỏe của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, trong lá phiếu thu tiền khám sức khỏe (25.000 đồng) cho bà Chóc ghi là “để hưởng chế độ”. Chỉ có thế.

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ: Thời gian không còn nhiều

...Tháng 9 năm nay, lãnh đạo các quốc gia trên thế giới sẽ gặp nhau để đánh giá những tiến triển trong việc thực hiện tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà họ cam kết thực hiện từ cách đây mười năm. Xuyên suốt trong mọi MDGs là mối quan tâm đến việc đảm bảo mọi người đều có thể được đáp ứng các quyền con người cơ bản, bao gồm quyền được có lương thực, nơi ở, giáo dục, được có biện pháp xử lý khi quyền của mình bị xâm phạm và được tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội.

Việc thực hiện đầy đủ các mục tiêu này là một điều thiết yếu, cũng như yêu cầu giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền, bởi đó hầu như luôn là căn nguyên của đói nghèo và bất công. Cuộc sống của những người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất trên thế giới đang đứng trước thử thách to lớn.

Các thảo luận như vậy được trông chờ diễn ra trong tâm trạng đan xen: những mong đợi to lớn cùng với những nỗi e ngại thậm chí còn to lớn hơn. Đó là vì những thay đổi cụ thể và tích cực vẫn chưa đến được với hàng triệu người. Những lời hứa được đưa ra và đã không được thực hiện, khiến không biết bao nhiêu người lâm vào cảnh nghèo đói, bị bỏ mặc và xâm hại. Chúng ta không thể tiếp tục dập tắt hi vọng của những người sống ở ngay lề xã hội của chính họ - chưa kể đến những người sống ở bên lề của thế giới này.

Việc tước bỏ quyền công dân của những người này có thể khiến chúng ta phải trả một cái giá đắt hơn những tốn kém trong việc đầu tư các nguồn lực và ý chí chính trị vào việc nâng cao vị thế của họ.

Chúng ta không thể có được thành công trong việc nâng cao vị thế cho những đối tượng này nếu theo đuổi các chính sách phát triển mà không dựa trên nhân quyền... Các nguyên tắc nhân quyền như bình đẳng, sự tham gia, trách nhiệm giải trình và nguyên tắc nhà nước pháp quyền là các công cụ đảm bảo cho sự phát triển được bắt rễ vững chắc và công bằng.

Quyền tự do và sự tham gia, cùng với tất cả các quyền dân sự và chính trị khác, đóng vai trò thúc đẩy sự thịnh vượng chung của xã hội; còn các quyền xã hội và kinh tế là các nhân tố thiết yếu giúp nâng cao vị thế cho một chính thể hoạt động dựa trên sự hiểu biết, để chính thể đó có thể tin tưởng và được tin tưởng, đồng thời giúp xây dựng các chính sách phát triển có hiệu quả. Và bình đẳng giới là yếu tố thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhất, điều này đã được biết đến ở khắp nơi.

Chương trình phát triển không thể là một chương trình mang tính áp đặt đối với người dân, mà cần là một lộ trình chung do chính người dân đi đầu thực hiện.

__________

Nếu công dân không thể nói lên cảm xúc và nhận định thực của mình, họ cũng không đủ sức liên kết, thảo luận để việc làm ăn trồng trọt hiệu quả hơn, yêu cầu chính quyền hỗ trợ thích đáng hay tố cáo tham nhũng.

Người dân thôn Suối Rua, xã Phước Tiến đóng góp ý kiến xây dựng bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Bác Ái (Ninh Thuận) - một dự án do Oxfam thực hiện để giúp chính quyền địa phương thu hút sự tham gia của dân chúng trong quá trình ra chính sách - Ảnh: Oxfam

Nghèo sức mạnh không chỉ là cái nghèo của người nghèo, nó là cái nghèo của cả xã hội và của cơ chế quản lý - điều hành.

Chuyện một ngôi trường và sức mạnh của dân

Năm 1996, một tổ chức phi chính phủ tại TP.HCM làm việc với một phòng giáo dục huyện về tình hình trẻ em ở vùng rừng phòng hộ không được đi học. Phòng giáo dục cho biết lý do là họ không có tiền xây thêm trường. Tổ chức này lập tức xúc tiến dự án xây phòng học ở giữa khu rừng ngập mặn đó. Nhưng trường xây xong vẫn bỏ không.

Phòng giáo dục lại lý giải vì đi lại vùng sông nước khó khăn, cha mẹ các em nghèo quá không có tiền mua ghe. Và phòng giáo dục lại hứa có ghe, họ sẽ đưa các em đi học. Hai chiếc ghe loại tốt lập tức được tài trợ, nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Lý do tiếp theo là không có kinh phí để đổ xăng...

Trong khi đó, vì rất tha thiết cho con mình đến trường, các bậc cha mẹ đã quyết định làm theo cách của mình. Họ rủ nhau cùng làm một lán trại bằng cây và lá dừa nước gần trường để con em họ ở lại đó đi học. Họ luân phiên nấu cơm và chăm sóc các em nhỏ, các em lớn giúp đỡ những em nhỏ hơn, vậy là một khu nội trú đã ra đời.

Khi biết chuyện, tổ chức phi chính phủ nọ đã không tiếp tục đáp ứng những yêu cầu vô tận của phòng giáo dục huyện nữa mà giúp xây dựng khu nội trú hoàn thiện hơn, hỗ trợ các em giường tầng, công trình nước và những thiết bị khác.

Vào cuối những năm 1990, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã nhận ra hiện tượng tương tự câu chuyện trên, rằng những chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng - dù là giáo dục, vay vốn xóa đói giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh hay chăm sóc sức khỏe - mà người dân có vai trò thụ động hoặc không có mặt trong quá trình ra quyết định thì thường kết thúc không bền vững, thậm chí thất bại.

Chỉ khi người dân đóng vai trò chủ động, tự khởi xướng với nguồn lực tại chỗ, những hỗ trợ mới thật sự phát huy tác dụng. Kể từ đó rất nhiều dự án, chương trình hỗ trợ, viện trợ được yêu cầu phải đặt mục tiêu là người dân được nâng cao năng lực và sức mạnh trong quá trình thực hiện, coi đó là kết quả quan trọng nhất cần đạt được.

Từ đầu những năm 2000 đến nay, Chính phủ VN phối hợp các tổ chức quốc tế (WB, UNDP...) xây dựng chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo đi kèm ngân sách và các chương trình/dự án cụ thể trên toàn quốc. Nghĩa là những hỗ trợ để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, kinh tế và phát triển... đã là những chính sách tổng thể được đưa vào thực hiện đồng bộ, quy mô, không phải trông chờ vào những tài trợ nhỏ lẻ, cục bộ nữa.

Thế nhưng nhiều nghiên cứu, báo cáo nghèo đói của các tổ chức vẫn cho thấy thực tế những chương trình xóa đói giảm nghèo chưa làm thay đổi bao nhiêu diện mạo của nghèo đói. Cách biệt giàu nghèo ở các đô thị lớn gia tăng; nông dân vẫn sống bấp bênh và dễ tổn thương hơn bao giờ hết, mặc dù nông nghiệp và nông thôn ngốn không ít ngân sách hỗ trợ và đầu tư; hàng vạn học sinh nông thôn vẫn bỏ học mưu sinh mỗi năm mặc dù các công trình xây dựng “điện, đường, trường, trạm” trong chương trình 135 vẫn đảm bảo các em không thiếu trường học.

Như vậy, có nguồn lực, ngân sách và chính sách không có nghĩa là đã bảo đảm xóa đói giảm nghèo bền vững. Cũng như câu chuyện ngôi trường viện trợ xây lên bị bỏ không, hiệu quả của chính sách còn phụ thuộc vào việc người nghèo có tiếp cận được với những nguồn lực và chính sách đó hay không, họ có được tăng sức mạnh và có cơ chế tham gia đối thoại vào quá trình ra quyết định và giám sát những chương trình, chính sách liên quan đến họ hay không.

Điều này cho đến giờ dường như vẫn là một thách thức lớn.

Nghèo sức mạnh đến mức nào?

Tại San Francisco (Mỹ), đối phó với tình trạng thiếu nguồn đất và nhà ở thu nhập thấp do phát triển đô thị, nhiều tổ chức phi chính phủ, nhóm cộng đồng đã thảo luận và đề nghị với chính quyền những chính sách và phương án đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng dễ tổn thương. Hiệp hội nghiên cứu và quy hoạch đô thị San Francisco đã dựa vào những kiến nghị này để đưa ra đề nghị thay đổi quy chuẩn quy hoạch và phân vùng trình lên Sở Quy hoạch, Ủy ban Giám sát và thị trưởng San Francisco. Sức mạnh của người dân cần có những cơ chế để thể hiện và thực thi như vậy.

Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng nghèo đói không chỉ liên quan nghèo thu nhập và nghèo tiếp cận, chính tình trạng nghèo sức mạnh mới là nguồn gốc sâu xa của nghèo đói. Và khác với nghèo thu nhập (có thể xác định bằng các hệ số, chuẩn nghèo ở một ngưỡng thu nhập/tiêu dùng nào đó), nghèo sức mạnh không dễ dàng đo lường được.

Trong một chương trình xóa đói giảm nghèo, người dân được biết nếu đủ tiêu chí, mỗi hộ gia đình sẽ được vay một con bò. Họ lại muốn nuôi dê vì dễ chăm sóc và sinh sản nhanh hơn, ít rủi ro hơn nhưng không được quyết định việc đó. Bò mua ở đâu, có chất lượng không họ cũng không rõ. Thế là nhiều gia đình thậm chí nghèo hơn trước vì nợ nần sau khi nhận hỗ trợ do bò bệnh hoặc chết.

Nhiều người trên xe buýt thấy rõ kẻ cướp lấy tiền và hành hung người nhưng không phản ứng gì vì sợ phiền hà, bị trả thù, dù kẻ cướp chỉ 1-2 tên. Dần dà, cướp bóc và cái ác ngày càng hoành hành ngang nhiên và phổ biến.

Một em học sinh cảm nhận bài thơ theo cách của mình nhưng không viết điều đó được mà phải viết theo đáp án, nếu không sẽ không có điểm. Dần dần, em không có phản xạ cảm nhận nữa, thay vào đó là học thuộc lòng những đáp án có sẵn.

Đó chính là những biểu hiện của nghèo sức mạnh, khi con người có rất ít khả năng ra quyết định và gây ảnh hưởng trong những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị liên quan cuộc sống của họ và cộng đồng.

Thoát nghèo sức mạnh bằng cách nào?

Không ít chủ trương đã được nhắc nhiều bằng các khẩu hiệu dễ nhớ như “huy động sức dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “lấy dân làm gốc”..., hàm ý khuyến khích người dân tham gia quá trình quyết định, thực hiện và giám sát chính sách cho họ, vì họ. Tuy nhiên trong thực tế, cơ chế thực hiện những tôn chỉ này còn quá nghèo nàn.

Tại nhiều nước phát triển, khi xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy, những chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải trình bày, thảo luận với người dân địa phương về dự án trước khi thực hiện, phải chứng minh công trình không gây ảnh hưởng đến môi trường và vẫn đảm bảo mưu sinh ổn định cho người dân bản địa. Dự án chỉ có thể thực thi nếu được người dân đồng tình.

Việc đem lại sức mạnh cho người dân liên quan mọi mặt của cơ chế, chính sách, triết lý giáo dục, sự minh bạch của xã hội. Người dân không thể có quyết định phù hợp nếu họ không có đủ thông tin về chính sách, khoa học kỹ thuật, thị trường, cơ chế để kết nối, thảo luận và chia sẻ nguồn lực, tri thức... Họ không thể có sức mạnh tinh thần để tự quyết định những vấn đề của mình nếu ngay từ trong nhà trường, những ý kiến độc lập không được tôn trọng. Quyết định và ý kiến của người dân không thể có tác dụng nếu cơ chế ra quyết định vẫn là từ trên xuống.

Vì vậy, ngoài việc cần cải cách toàn bộ cơ chế ra quyết định trong những chương trình xóa đói giảm nghèo, cần đẩy mạnh những đối thoại tương tác giữa chính quyền với người dân, thông qua truyền thông và giáo dục, nhất là thông qua các tổ chức phi chính phủ, bảo đảm tiếng nói của người dân có tác động đối với quyết định chính sách và thay đổi xã hội.

--------------------------------------

“Phải để người dân có thể tự tổ chức và tham gia nhiều hơn vào việc ra những quyết định chung ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Chúng ta thường hiểu sự trao quyền theo nghĩa ai trao quyền cho ai khác mà quên mất một điều là phải tự làm cho mình mạnh mẽ hơn” - hai chuyên gia của UNDP là Jim Chalmers và Nguyễn Tiến Phong đúc kết khi nói về nghèo tiếp cận và nghèo sức mạnh - hai khía cạnh khác của nghèo đói ngoài thu nhập.

Ông J.Chalmers - Ảnh: Lưu Tú Anh
Ông Nguyễn Tiến Phong - Ảnh: Lưu Tú Anh

* UNDP đánh giá như thế nào về mức độ nghèo tiếp cận và nghèo sức mạnh ở VN?

Ông Nguyễn Tiến Phong: VN đang làm khá tốt trong cuộc chiến chống đói nghèo nhưng nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Vẫn có những nhóm người và khu vực ở dưới mức trung bình của cả nước về tiếp cận thông tin, dịch vụ... Ví dụ về tiếp cận giáo dục, tỉ lệ đăng ký nhập học bậc tiểu học ở các dân tộc thiểu số là 77% so với toàn quốc 94%, tiếp cận điện là 72% so với trên 90%, chỉ có 5% người dân tộc thiểu số có nhà vệ sinh tự hoại hay giật nước - còn xa mới tới mục tiêu năm 2010 là 50%.

Tại sao lại có sự không công bằng này? Khi chuyển sang kinh tế thị trường, VN giữ thể chế XHCN, có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong khi nhiều nước khác chỉ có kế hoạch phát triển kinh tế.

Sự nhất quán trong hệ thống chính trị của Việt Nam cũng như trong hoạch định chính sách đã giảm thiểu khác biệt giữa các nhóm người. Nhưng chúng ta đang thấy tình trạng dịch vụ y tế công phụ thuộc vào túi tiền người dân. Chính phủ tăng chi tiêu cho dịch vụ nhưng người dân vẫn phải trả một khoản phí cao. Phần tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực giáo dục và y tế của VN cao nhất trong khu vực, hơn cả Thái Lan, Malaysia...

Nếu việc tiếp cận với các dịch vụ phụ thuộc vào phí sử dụng, tức là phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân thì những người nghèo và nghèo nhất sẽ gặp vấn đề lớn. Một trong những điểm không công bằng trong việc tiếp cận đối với người thiểu số là hệ thống đường sá, khoảng cách tới nơi có thể tiếp cận các dịch vụ an sinh thông thường.

VN có những công cụ pháp lý khuyến khích người dân tham gia quá trình hoạch định chính sách, chẳng hạn lên tiếng về việc cơ sở hạ tầng nào nên được xây dựng. Có những chương trình lượng người dân tham gia họp đóng góp ý kiến khá cao. Nhưng con số chỉ cho thấy cơ hội tham gia hoạch định chính sách mà không nói lên được chất lượng tham gia. Liệu tiếng nói của họ có được lắng nghe, có ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng không?

* Vậy phương thức nào hiệu quả nhất để người VN tự cải thiện được tình trạng nghèo sức mạnh đó?

Ông J.Chalmers: Điều quan trọng là Chính phủ phải đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc hình thành quy định cho dịch vụ công chứ không ủng hộ xã hội hóa theo kiểu lợi nhuận hóa.

Xã hội hóa thực chất là huy động toàn dân đóng góp vào việc cung cấp dịch vụ công ích tốt, chẳng hạn người dân giúp dọn dẹp trường học một cách phi lợi nhuận. Tiếc là khái niệm này đang được áp dụng chủ yếu theo hướng tư nhân hóa và lợi nhuận hóa, khiến việc tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ đẩy giá lên cao và càng khiến nhiều người khó tiếp cận với các dịch vụ đó.

Ông Nguyễn Tiến Phong: Quá trình trao quyền phải diễn ra ngay từ đầu: xác định nhu cầu, cách làm, nếu Nhà nước hỗ trợ thì cộng đồng muốn được hỗ trợ như thế nào, làm xong thì việc duy trì, bảo dưỡng ra sao.

“Chúng tôi đã xây dựng dự án “Thẻ ý kiến công dân”, tìm hiểu người hoạch định chính sách phản ứng thế nào với các ý kiến đó và dự kiến áp dụng hình thức này trên phạm vi toàn quốc vào năm tới. Trong đó, chúng tôi vừa cung cấp thông tin cho người dân, vừa giúp họ hiểu là thông tin luôn sẵn có và nếu họ thấy không có thì họ phải có trách nhiệm hỏi. Chúng tôi muốn người dân đặt câu hỏi và yêu cầu Chính phủ phản hồi.

Cuối năm nay chúng tôi sẽ hoàn tất một báo cáo về phát triển con người ở VN, trong đó nghiên cứu sâu hơn những vấn đề như người dân nghĩ thế nào về việc trao quyền ở VN, họ nghĩ khác nhau ra sao, họ nghĩ gì về Chính phủ. Đó là một cái nhìn nhiều chiều, khác với những báo cáo khác, bởi nó không dừng ở việc hỏi về tài chính, thu nhập mà còn quan tâm tới sự hài lòng của người dân trong cuộc sống. Chúng ta có thể dùng con số để đo đếm nhiều thứ nhưng không dễ dàng đo được cảm nhận của người dân, chẳng hạn họ cảm nhận như thế nào khi đang là thành viên của xã hội VN năm 2010.

Cần nói thêm là cách đây 10 năm, việc người dân tham gia các quyết định của Chính phủ là không thể tưởng tượng được, ví dụ như quyết định dừng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vụ Vedan, dự án khai thác bôxit... mới đây”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận