Hồ hởi đan xen bất ổn

ĐINH TUẤN MINH 31/12/2015 04:12 GMT+7

TTCT - Trong năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng và ổn định vĩ mô vượt kỳ vọng. Sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu được xã hội hồ hởi đón nhận.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Bên cạnh những thành tựu nổi bật đó, kinh tế Việt Nam năm 2015 cũng có những khoảng lặng như gánh nặng nợ công, cơ chế tỉ giá cố định và tiến độ cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đây tiếp tục sẽ là các mối đe dọa cản trở sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Lạm phát thấp nhờ dầu thô

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11-2015, Thủ tướng Chính phủ nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 ở mức 6,5% là hoàn toàn khả thi.

Với tỉ lệ tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm đạt mức 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý sau tăng cao hơn quý trước, nhận định của Thủ tướng có nhiều cơ sở để trở thành hiện thực. Mức tăng trưởng này bứt vượt hẳn mức tăng trưởng trong các năm trước. Mặc dù trong các năm 2013 và 2014 mức tăng trưởng GDP có tăng dần đều nhưng dưới 6%.

Nếu có những chính sách phát triển bền vững phù hợp trong thời gian tới, đây sẽ là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Còn ngược lại, đây sẽ là tín hiệu Việt Nam đạt tới đỉnh một chu kỳ tăng trưởng.

Khác với thời điểm nền kinh tế hồi phục những năm 2010 và 2011, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay đi kèm với mức lạm phát thấp, có khả năng dưới 2%. Đây là tốc độ tăng CPI thấp nhất của Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây.

Điều đáng mừng là mức lạm phát thấp không đi kèm với sự suy giảm tiêu dùng trong dân cư. Tốc độ tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hằng tháng so với cùng kỳ năm trước đã ổn định ở mức khoảng 11% kể từ đầu năm 2013 tới nay.

Nhưng cần lưu ý rằng mức CPI năm nay thấp ngoài kỳ vọng chủ yếu nhờ giá dầu thô tiếp tục lao dốc, xuống dưới 50 USD/thùng. Nhờ lạm phát thấp nên mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức ổn định. Thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo với lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và một tuần được duy trì ở mức 4,5-5%/năm.

Tuy nhiên do nền kinh tế hồi phục, nhu cầu tín dụng trong năm 2015 tăng nhanh hơn so với các năm trước. Tính đến hết tháng 9-2015, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ năm 2014.

Trong khi đó tốc độ tăng trưởng huy động trong cùng thời kỳ chỉ ở mức 9,25%. Tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tỉ lệ tăng trưởng huy động đã tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động. Một số ngân hàng đã phải điều chỉnh tăng mức lãi suất huy động ngắn hạn cũng như dài hạn thêm 0,2-0,5% so với đầu năm.

Khi việc không giữ lời hứa được ca ngợi

Sau quãng thời gian khoảng ba năm ổn định, tỉ giá USD/VND trong năm 2015 đã biến động mạnh. Tỉ giá đã được điều chỉnh tăng 5% so với cuối năm trước, bất chấp việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố hồi đầu năm sẽ kiểm soát tỉ giá năm 2015 tăng không vượt quá 2%.

Việc phá giá VND mạnh trong năm 2015 được lý giải là do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp tới 4,6% trong ba ngày (11 đến 13-8) cùng với tuyên bố chuyển sang cơ chế tỉ giá thả nổi có quản lý. Ngoài ra còn có lý do Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng đôla vào cuối năm.

Trái với những lần điều chỉnh mạnh trước đây, động thái điều chỉnh tỉ giá nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước trước diễn biến bất thường của đồng nhân dân tệ được thị trường và giới chuyên gia tán thưởng, bất chấp việc cam kết duy trì mức tăng tỉ giá không quá 2% hồi đầu năm của thống đốc bị phá vỡ, coi đó là đối sách cần thiết trước những biến động của thị trường ngoại hối thế giới.

Đây có lẽ là điều hiếm thấy trong nền kinh tế thị trường khi chữ tín luôn là thứ được coi trọng hơn cả.

Vẫn phải đối mặt nỗi lo nợ

Đáng chú ý là tính đến hết chín tháng đầu năm 2015, thâm hụt ngân sách (4,7% GDP) đã vượt chi đầu tư phát triển (4,1% GDP). Điều này hàm ý Chính phủ đã phải dành một phần đi vay để tài trợ cho tiêu dùng. Và tình trạng này đã kéo dài từ năm 2014 và có thể sẽ cho cả năm 2015.

Có thể nói năm 2015, Việt Nam đã có những cải thiện đáng ghi nhận về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập kinh tế. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2016.

Tuy nhiên để 2015 trở thành một năm bản lề, tạo dấu mốc cho sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới còn rất nhiều việc mà Việt Nam cần phải làm, do tốc độ cải cách thể chế của nền kinh tế thời gian qua vẫn quá chậm chạp.

Các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn triển khai với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt vấn đề nợ xấu và nợ công tăng cao. Đặc biệt, cơ chế tỉ giá cố định đã và đang trở thành nhân tố đe dọa đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, bất chấp những nỗ lực tái cơ cấu, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao. Việc thành lập và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được đánh giá là kém hiệu quả do không giải quyết triệt để, mà chỉ kéo dài thời gian xử lý nợ xấu. Đây tiếp tục là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất của nền kinh tế duy trì ở mức cao, bất chấp việc CPI thấp.

Thứ hai, nợ công chính thức của Việt Nam đe dọa vượt trần 65%. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này là do Chính phủ vẫn chưa có những đối sách hữu hiệu kiểm soát chi tiêu công, đặc biệt chi thường xuyên. Với sự sụt giảm của giá dầu thô, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến việc Bộ Tài chính phải vay “nóng” Ngân hàng Nhà nước cũng như quay lại phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn để bù đắp bội chi.

Hệ quả là thâm hụt ngân sách nhà nước đang có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn khi tăng từ 4,4% GDP trong năm 2011 lên 5,3-5,5% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2012-2015. Dự kiến mức thâm hụt ngân sách này còn tiếp tục cao trong những năm tới do nhiều nguồn thu giảm sút như thu từ dầu thô, thu thuế thu nhập và thu viện trợ không hoàn lại.

Thứ ba, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục diễn ra chậm chạp. Nếu như trong năm 2014 tiến độ cổ phần hóa mới chỉ tiến hành được 75/432 doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa trong kế hoạch cổ phần hai năm 2014-2015 thì trong tám tháng đầu năm 2015, số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa mới chỉ đạt 32,8% so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Như vậy, kế hoạch cổ phần hóa đầy tham vọng mà Thủ tướng đặt ra từ đầu năm 2014 gần như chắc chắn không đạt.

Sự tồn tại khu vực doanh nghiệp nhà nước quá lớn sẽ tiếp tục là lực cản trở tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài cũng như hàng hóa nhập khẩu.

Thứ tư, cơ chế tỉ giá cố định mà Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng duy trì hiện nay đã và đang trở thành nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô cho Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Trong các năm 2012-2014, tỉ giá của VND so với USD được duy trì ổn định phần lớn nhờ Việt Nam có thặng dư thương mại. Những nhân tố giúp hiện tượng này xảy ra như chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ khiến USD yếu hơn so với các đồng tiền khác trên thế giới, hay nhu cầu đầu tư và tiêu dùng yếu của nền kinh tế trong nước sẽ không còn nữa. Kể từ năm 2015, những yếu tố này đảo chiều và VND chịu sức ép mất giá. Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải điều chỉnh tỉ giá để giúp hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa các nước trong khu vực.

Với cơ chế tỉ giá cố định như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ở thế bị động trên thị trường. Tỉ giá trên thị trường tự do hoặc tỉ giá thật trong hệ thống tín dụng sẽ biến động dựa trên các tín hiệu chung của thị trường ngoại hối toàn cầu. Với khả năng các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU trong năm 2016 sẽ có nhiều điều chỉnh chính sách khó lường trước, sự biến động của tỉ giá trong nước còn bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài nhiều hơn nữa.

Khi sự biến động này vượt ra ngoài mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ buộc Ngân hàng Nhà nước phải phá giá theo. Do không chủ động nên Ngân hàng Nhà nước rất có thể sẽ phải tiếp tục phá giá đột ngột và với biên độ lớn trong năm 2016. Và điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô như đã xảy ra trong tháng 8-2015.

2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Hi vọng rằng đại hội sẽ tạo ra được sự đồng thuận trong việc cải cách mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, làm cơ sở cho việc vượt qua các thách thức bên trong lẫn bên ngoài như đã đề cập ở trên.

Nếu có những cải cách kịp thời, chúng ta có thể hi vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ đạt mức tăng trưởng chí ít ngang với mức của năm 2015. Môi trường kinh tế vĩ mô về cơ bản sẽ tương đối ổn định với mức lạm phát thấp dưới 5% và tỉ giá sẽ được điều chỉnh tăng trong khoảng 3-5%. Nhưng nếu không giải quyết tốt câu chuyện cơ chế tỉ giá cũng như vấn đề thâm hụt ngân sách, rất có thể tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn và bất ổn vĩ mô lớn hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận