Hộ khẩu: Nhìn lại một chương bất bình đẳng

PHẠM GIA HIỀN 14/11/2017 20:11 GMT+7

TTCT- Có tới 20 thủ tục hành chính bắt buộc phải có hộ khẩu. Thậm chí hầu hết giao dịch dân sự đều yêu cầu có bản sao hoặc sổ hộ khẩu trong hồ sơ...

Một gia đình sống ở bãi giữa sông Hồng. Sau gần 20 năm không hộ khẩu, không điện, nước, vài năm trước chính quyền mới đồng ý cho họ đăng ký tạm trú. -Ảnh: Đỗ Mạnh Cường
Một gia đình sống ở bãi giữa sông Hồng. Sau gần 20 năm không hộ khẩu, không điện, nước, vài năm trước chính quyền mới đồng ý cho họ đăng ký tạm trú. -Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

 

Trong tác phẩm Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ của học giả Đào Trinh Nhất (xuất bản lần đầu năm 1924) có đề cập đến sự nhiêu khê của việc làm thẻ căn cước, dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương:

Như người ở thành phố, thì do trưởng phố dẫn đến Sở mật thám làm đơn xin đơn đệ vào hãy để đấy: cho Sở mật thám dò xét vài ngày rồi mới cho; ở các tỉnh thì phải lý trưởng làng mình dẫn lên Tòa sứ nộp đơn, rồi sang kho bạc nộp tiền, sang Sở cẩm hay Tòa án để đo người và lấy dấu tay, cũng chạy mất hai buổi hầu mới lấy được.

Xin mỗi cái giấy ấy phải nộp chính phủ 5 hào, chưa kể chụp hai cái ảnh nghiêng mặt khổ 4x6 cũng mất chừng 4 hay 5 hào và tiền cơm rượu khoản đãi thầy lý trong mấy hôm nữa...”.

Đó là năm 1924, khi mỗi người dân phải có 2 loại giấy tờ thiết yếu: thẻ căn cước và giấy thông hành, ấy thế mà ông Đào Trinh Nhất đã đề xướng giản tiện còn 1 loại giấy tờ mà thôi.

Nhưng gần một thế kỷ sau, hệ thống này hóa ra còn phức tạp hơn thế rất nhiều. Ông Phạm Trọng Cường (đại biểu Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) năm 2016 đã phải thốt lên rằng: “Hệ thống quản lý dân cư của Việt Nam rất quái dị!”.

Một đứa trẻ sinh ra chịu sự quản lý của 5 hệ thống gồm: hệ thống quản lý hộ khẩu của công an, hệ thống hộ tịch của tư pháp, hệ thống quản lý lý lịch tư pháp, hệ thống chứng minh nhân dân, hệ thống quản lý hộ chiếu.

Việt Nam phải đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng các loại hệ thống vô cùng tốn kém, nhưng không có cơ quan nào trả lời được nếu Quốc hội, ví dụ đơn giản hỏi số sinh, số tử để hoạch định các vấn đề chính sách liên quan.

Năm 2016, Viện xã hội học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố Báo cáo hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam (ở 5 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông).

Lần đầu tiên, câu chuyện hộ khẩu được nhìn từ những con số thực tế và gây choáng: Có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú tại nơi họ đang cư trú, trong đó 36% là dân cư của TP.HCM và 18% dân cư ở Hà Nội.

40% số người không có hộ khẩu thường trú này đều đã lưu trú trên 6 năm (trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, thường trú trên 5 năm là đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu).

Cũng theo báo cáo này, 1/4 số trẻ tạm trú dưới 6 tuổi không có bảo hiểm y tế (BHYT). Và ngay cả có BHYT rồi thì nếu khám chữa bệnh trái tuyến, trẻ dưới 6 tuổi cũng chỉ được hỗ trợ một phần (thậm chí chỉ 40% nếu khám chữa bệnh nội trú tuyến trung ương), dù được khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí là quyền lợi được Chính phủ quy định cho trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn quốc.

Cuốn sổ hộ khẩu và các thủ tục liên quan đến nó, chỉ dựa vào mấy chữ "hoàn thiện thủ tục theo trình tự", đã trở thành một - ổ - khóa- cho - mọi - cánh- cửa"

Nỗi ám ảnh ngụ cư

Trong thiên ký sự nhiều kỳ bất hủ Việc làng, Ngô Tất Tố từng mô tả rất thành công sự khốn khổ của dân ngụ cư. Theo hủ tục, chưa đủ 3 đời sinh sống tại làng thì vẫn là dân ngụ cư, bị hạn chế nhiều quyền lợi và bị khinh ghét.

Đó là nỗi ám ảnh kinh khiếp, ám ảnh truyền đời với người dân Việt mà trong xã hội mới, cuốn sổ hộ khẩu đi kèm với chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân - theo cách gọi mới) là những rào cản vô cùng khó vượt để thoát khỏi “án ngụ cư”.

Nguyễn Văn Hải, người Quảng Ninh, lúc 20 tuổi sang Nga xuất khẩu lao động. Trở về Việt Nam, anh chọn xây dựng sự nghiệp ở Hà Nội. Nhưng dù có tiền, Hải không thể mua nhà. Bởi theo quy định thì để làm thủ tục sang tên, anh phải có hộ khẩu Hà Nội.

Năm năm đầu, Hải vật vờ thuê nhà tạm trú, nhưng lúc thì không ở đủ lâu, lúc thì diện tích thuê không đủ lớn, nên rốt cuộc sau 5 năm Hải vẫn chưa đủ điều kiện nhập khẩu Hà Nội.

Hải đành nhờ một người cô đứng tên mua nhà, sau đó làm thủ tục tạm trú ở... chính ngôi nhà mình bỏ tiền ra mua. Mục đích là đợi sau 5 năm, đủ thời hạn tạm trú tại nội thành theo quy định, Hải sẽ làm thủ tục nhập hộ khẩu. Ai ngờ mới được 4 năm thì bà cô đột ngột qua đời.

Cũng may, Hải đã cẩn thận làm giấy thừa kế để hợp thức hóa ngôi nhà từ khi bà cô còn sống. Nhưng việc nhập khẩu thế là lại gián đoạn. Cuối cùng, Hải cưới vợ có hộ khẩu Hà Nội và nhập khẩu vào nhà vợ.

Những câu chuyện của “dân KT3” như Hải là rất phổ biến. Ở Hà Nội và TP.HCM, dân ngụ cư thành thị sống vật vờ trong nỗi khổ bên lề. Cái nỗi khổ mà họ tự nhận là “công dân hạng hai”.

Vẫn theo Báo cáo hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam, những người không có hộ khẩu thường trú thường bị phân biệt khi làm các thủ tục hành chính, nhất là xin việc trong cơ quan nhà nước, đăng ký BHXH, nhập học cho con...

Có tới 20 thủ tục hành chính bắt buộc phải có hộ khẩu. Thậm chí hầu hết giao dịch dân sự đều yêu cầu có bản sao hoặc sổ hộ khẩu trong hồ sơ như công chứng, xin cấp giấy phép kinh doanh, vay vốn, đăng ký xe, mua điện, cấp nước...

Ngay cả khi có hộ khẩu rồi thì nhiều đô thị vẫn chia làm hộ khẩu ngoại thành và hộ khẩu trung tâm (có quy định hẳn hoi về tiêu chí). Chị Phạm Thùy Nhung, sau khi mua một căn penhouse đắt tiền ở quận Ba Đình (Hà Nội), vẫn giữ hộ khẩu và làm hộ khẩu cho con trai 4 tuổi ở quận Hoàn Kiếm. Mặc dù Ba Đình cũng là quận trung tâm của Hà Nội, nhưng chị Nhung lưu luyến hộ khẩu cũ vì gần... hồ Gươm hơn.

Hoàn Kiếm cũng là nơi có nhiều tuyến phố cổ (nôm na là những phố gắn với chữ “Hàng” như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bạc...).

Mật độ dân tại đây đã lên tới hơn 84.000 người/km2, thuộc loại cao nhất thế giới. Thế nhưng những ngôi nhà siêu nhỏ vẫn được rao giá rất cao, lên tới hàng tỉ đồng, miễn là có sổ đỏ và diện tích lớn hơn 30m2. Bởi đó là một trong những điều kiện để được cấp hộ khẩu.

Ngược lại, có hàng nghìn người, dù gia đình sinh sống nhiều đời ở giữa lòng thủ đô, vẫn không được thêm tên vào hộ khẩu vì diện tích nhà quá nhỏ.

Trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí thế kỷ, chia nhỏ nhà và tăng thêm nhân khẩu, Hà Nội đã sinh ra những số nhà có hàng chục hộ bên trong, với số diện tích chia bình quân đầu người thậm chí không nổi 1m2.

Những người khốn khổ đó lại xoay xở nhiều cách để hợp thức hóa sự tồn tại của mình. Họ cũng chẳng thể bán nhà để dọn đến nơi khác rộng rãi hơn, bởi giá trị những căn-buồng-nhà ấy chỉ vài chục triệu đồng.

Tại TP.HCM, những quận, huyện ngoại thành như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi... có hàng chục vạn người sống trong các khu dân cư đông đúc nhưng không được thừa nhận về mặt hành chính - tức không được cấp hộ khẩu, liên đới là không có chứng minh nhân dân.

Tại Hà Nội, quy hoạch “treo” cũng đẩy rất nhiều người vào tình trạng sinh sống bất hợp pháp. Bởi không có hộ khẩu thì không có những điều kiện tối thiểu: điện (nước) - đường - trường - trạm.

Đó là điều xảy ra với 100 người dân tổ dân phố 68, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) kéo dài 10 năm qua.

Với dẫn chứng này, sổ hộ khẩu đang trở thành cây dùi cui để trừng phạt những tranh chấp đất đai cần giải quyết dân sự. Người dân có thể tiếp tục phản đối sự bất hợp lý trong quy hoạch, nhưng họ bất lực khi bộ máy chính quyền sử dụng thần chú “cắt hộ khẩu” để tước đi những quyền tối thiểu của mình.

Người dân làm thủ tục tách hộ khẩu tại Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM). -Ảnh: Hữu Khoa
Người dân làm thủ tục tách hộ khẩu tại Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM). -Ảnh: Hữu Khoa

 

Bỏ đi một cuốn sổ - giữ lại những con người

Bỏ sổ hộ khẩu và thay thế chứng minh nhân dân là câu chuyện đã được cân nhắc nhiều lần tại nghị trường. Khi Luật cư trú ra đời năm 2007, một mặt người ta vui mừng với tiêu chí bảo đảm quyền tự do cư trú được đặt lên hàng đầu, một mặt người ta thở dài với sự gia cố chắc chắn của các quy định pháp luật như chốt chặn kiên cố, bất khả xâm phạm.

Trong Luật cư trú áp dụng từ năm 2007 ghi rõ công dân có quyền tự mình lựa chọn, quyết định nơi thường trú, nơi tạm trú theo quy định.

Thế nhưng quyền tự do này lại thể hiện bằng việc công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho họ. Tức là về bản chất cuối cùng thì tính cư trú hợp pháp của công dân chỉ được công nhận khi đăng ký với cơ quan nhà nước.

Cụ thể, điều 3 Luật cư trú 2007 quy định: “Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”. Nghĩa là chừng nào các thủ tục của cơ quan thẩm quyền chưa hoàn thiện, quyền tự do cư trú của công dân cũng không được thực thi.

Trên thực tế, việc “hoàn thiện thủ tục theo trình tự” là cửa ải mà bất cứ người dân nào cũng ám ảnh khi làm việc với bộ máy chính quyền, nhất là bộ máy chính quyền cấp cơ sở, nơi mà tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, gây khó dễ rất phổ biến.

Cuốn sổ hộ khẩu và các thủ tục liên quan đến nó, chỉ dựa vào mấy chữ “hoàn thiện thủ tục theo trình tự”, đã trở thành một-ổ-khóa-cho-mọi-cánh-cửa.

Vợ chồng Hoàng - Hiền, một từ Quảng Ninh, một từ Hải Phòng, cưới nhau và chuyển đến Hà Nội định cư. Họ mua nhà ở quận Nam Từ Liêm, vùng mở rộng cuối cùng của Hà Nội, đi thêm một thôi đường sẽ là địa giới của tỉnh Hòa Bình.

Thế nhưng ngay cả ở quận ngoại thành Hà Nội thì thủ tục cũng không dễ dàng, mất hàng năm trời cho việc đi đi về về để hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.

Chưa kể mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nhưng quê gốc Hoàng lại ở Yên Bái, thủ tục càng nhiêu khê gấp bội. Cuối cùng, sau cả năm trời thì cũng xong. Nhưng Hoàng và Hiền tức giận đến mức quyết định cho con đi học trường dân lập để không phải sờ đến quyển hộ khẩu mới được cấp.

Tâm sức của những con người tứ xứ đã bị đánh đồng đơn giản với một cái mẽ thị thành hời hợt. Cách đánh đồng và cản trở thô bạo đến mức rất nhiều người tạm trú cả đời, để một ngày trở về tỉnh lỵ quê hương không ngoái đầu nhìn lại lấy một lần.

Những nỗi khốn khổ vì sổ hộ khẩu, tương ứng với sự hân hoan tột cùng khi cuốn sổ ấy được bỏ đi, rồi sẽ còn được nói đến nhiều nữa.

Cuốn sổ hộ khẩu, và cả sổ lưu trú, rồi đây sẽ chỉ còn giá trị sưu tầm, như nhiều người vẫn cất nơi đáy ngăn bàn sổ gạo, hay bìa tem phiếu phân phối. Nhưng bây giờ, ngay bây giờ, là lúc nhìn về những con người.

Hàng triệu con người, vì sự cầu tiến, hoặc mưu sinh, đã nếm đủ nỗi trần ai vô lý nhất, chỉ vì một cuốn sổ, suốt nhiều chục năm ròng. Nghĩ thế để nhìn ra rộng hơn một cái vòng kim cô hộ khẩu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận