Hòa bình chưa có cơ hội

DANH ĐỨC 23/06/2024 10:30 GMT+7

TTCT - Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine trong hai ngày 15 và 16-6 cuối tuần qua ở Bürgenstock (Thụy Sĩ) đã không đem lại cơ hội hòa bình, như có thể thấy qua thông cáo chung cuộc.

Thông cáo chủ yếu nêu ra những vấn đề chung các bên có thể nhất trí: lo ngại trước nguy cơ hạt nhân, an ninh lương thực và các vấn đề nhân đạo, chứ chưa nói gì tới chuyện cốt lõi: lãnh thổ, biên giới, và thỏa ước chính trị cho cuộc chiến.

Ảnh: Euroactiv

Ảnh: Euroactiv

"Thông cáo chung về khuôn khổ hòa bình Bürgenstock", Thụy Sĩ đề ngày 16-6 cho thấy đây không phải là một hội nghị hòa bình trong ý nghĩa các bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán, mà chỉ là một bên họp nhau hướng đến chuẩn bị cho khả năng chiến tranh kết thúc: 

"Chúng tôi đã có cuộc trao đổi hiệu quả, toàn diện và mang tính xây dựng về nhiều quan điểm khác nhau về con đường hướng tới khuôn khổ cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài...".

Xây nhà mới trên nền cũ

Có thể thấy cơ bản hội nghị này không được triệu tập từ những diễn biến tình hình đương thời, mà chỉ là tiếp nối những hội họp trước kia: 

"Hội nghị thượng đỉnh này có cơ sở là các thảo luận trước đó dựa trên "Công thức hòa bình" của Ukraine và các đề xuất hòa bình khác". 

Công thức hòa bình của Ukraine mà Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đưa ra ngày 11-10-2022 tại Thượng đỉnh G7, gồm 10 điểm:

1. An toàn phóng xạ và hạt nhân, tập trung vào khôi phục an toàn xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền nam Ukraine.

2. An ninh lương thực, bao gồm bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới.

3. An ninh năng lượng, tập trung vào kiểm soát giá với các nguồn năng lượng từ Nga.

4. Trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất, kể cả tù nhân chiến tranh và trẻ em bị đưa sang Nga.

5. Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

6. Nga rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga.

7. Công lý, bao gồm cả việc lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh.

8. Bảo vệ môi trường, tập trung vào rà phá bom mìn và khôi phục các cơ sở xử lý nước.

9. Ngăn chặn leo thang xung đột và xây dựng cấu trúc an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả những đảm bảo cho Ukraine.

10. Xác nhận chiến sự kết thúc, gồm văn bản có chữ ký của các bên tham gia.

Thông cáo chung của hội nghị Bürgenstock cơ bản nhắc lại những điều đó và chỉ khi nói tới vấn đề hạt nhân, thông cáo mới trực tiếp nhắc tên Ukraine song vẫn không nhắc gì tới đối thủ bên kia chiến tuyến: 

"Bất kỳ mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra chống lại Ukraine đều không được chấp nhận". 

Thông cáo chỉ nói trống không vậy thôi, không nêu đích danh ai hết, kể cả khi nhắc tới một số đe dọa chung với thế giới: 

"Hàng hải thương mại tự do, đầy đủ và an toàn cũng như khả năng tiếp cận các cảng biển ở biển Đen và biển Azov là rất quan trọng. Các cuộc tấn công vào tàu buôn tại các cảng và dọc theo toàn bộ tuyến đường, cảng và cơ sở hạ tầng cảng dân sự là không thể chấp nhận được. An ninh lương thực không thể bị biến thành vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào".

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã tuyệt đối tránh nêu tên nước Nga, trừ một lần duy nhất nhắc tới ở đầu thông cáo chung: "Cuộc chiến đương thời của Liên bang Nga chống lại Ukraine" - một thái độ hiếu hòa, không mang tính chỉ trích, tránh va chạm. 

Chính trong mạch tư tưởng đó, thông cáo chung đưa ra một gợi ý gián tiếp: "Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên. Do đó, chúng tôi quyết định thực hiện các bước đi cụ thể trong tương lai trong các lĩnh vực nêu trên với sự tham gia sâu hơn của đại diện tất cả các bên".

Ngay cả với giọng điệu mềm mỏng như vậy đã chỉ có 78 quốc gia và 4 tổ chức ký kết văn kiện này. Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Ihor Zhovkva giải thích trên Ukrinform: 

"Mỗi quốc gia có những lý do khác nhau (để không ký thông cáo). Một số nước có đại diện ở cấp không đủ cao để tự đưa ra quyết định... Một nước thậm chí còn cần sự chấp thuận của quốc hội". 

Phải nhắc rằng đích thân ông Zelesnky đã cất công thu hút công luận cho thượng đỉnh này, như có thể thấy tại Diễn đàn Shangri-La ở Singapore vừa qua.

Những sự vắng mặt đáng kể

Số lượng chữ ký vào thông cáo là dấu chỉ của tính hậu thuẫn không cao, so với con số 160 quốc gia và tổ chức quốc tế được mời, tính đến ngày

24-5, theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ. Trong thực tế, cũng theo nguồn tin này, đã có hơn 100 phái đoàn tham dự hội nghị, nhưng cũng chỉ có 57 nhà lãnh đạo cấp quốc gia và chính phủ.

Nhưng cũng cần biết rằng chính nước chủ nhà Thụy Sĩ từ đầu đã nêu rõ mục đích của thượng đỉnh không phải là để đi đến một kết quả hòa bình cụ thể: 

"Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về hòa bình ở Ukraine này không được hiểu là một diễn đàn đàm phán, mà là một hội nghị cấp cao nhằm tạo ra nền tảng được hỗ trợ chung cho các cuộc đàm phán trong tương lai". 

Những nhà tổ chức ý thức rõ rằng: "Con đường dẫn tới tiến trình hòa bình còn dài và khó khăn, và thành công không được đảm bảo. Để đạt được một giải pháp lâu dài cuối cùng sẽ cần có sự tham gia của cả hai bên".

Ở Thụy Sĩ đã chỉ có một bên tham dự là Ukraine, còn bên kia? Nga có chính thức được mời hay không? Những nhà tổ chức giải thích những nhiêu khê đằng sau: 

"Thụy Sĩ liên tục tỏ ý sẵn sàng mời Nga tham dự thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhiều lần tỏ ra không quan tâm. Vì vậy không có lời mời chính thức nào được đưa ra cho Nga". 

"Mục đích của hội nghị là khởi đầu một tiến trình hòa bình. Thụy Sĩ tin rằng Nga phải được tham gia vào quá trình này khi nó tiến triển. Một tiến trình hòa bình mà không có Nga là điều không thể tưởng tượng được".

Tại sao Nga lại không tham gia? Từ tòa đại sứ Nga tại Anh, đại sứ Andrei Kelin bình luận trên X: 

"Sự kiện sắp tới ở Thụy Sĩ được coi là nền tảng để quảng bá "công thức hòa bình" của chế độ Kiev. Lời lẽ cao cả là lừa dối. Điều mà một nhà quan sát khách quan có thể thấy kỳ quái, nếu không muốn nói là bệnh tâm thần phân liệt, đó là chính các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Anh, đang gây căng thẳng và kéo dài cuộc đổ máu ở Ukraine cũng đang bảo trợ cho cái gọi là "Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ"".

Ảnh: ABC News

Ảnh: ABC News

Ông Kelin chỉ trích rằng "công thức hòa bình" của Ukraine trong thực tế là "một loạt các tối hậu thư tách rời khỏi thực tế và động lực xung đột", giả định rằng Nga "thất bại chiến lược", nhằm "giúp vực dậy tính hợp pháp của Vladimir Zelensky". 

Ông Kelin tố cáo những người ca ngợi công thức hòa bình đã "cố gắng hết sức để nhắm mắt làm ngơ" trước những sáng kiến hòa bình hợp lý do Trung Quốc và Brazil, cũng như các quốc gia châu Phi và Ả Rập đưa ra.

Ông Kelin cũng nêu điều kiện: "Nga tiếp tục để ngỏ khả năng đạt được kết quả đàm phán. Tuy nhiên, nếu nói đến đàm phán, họ cần phải dựa trên thực tế thực tế và tập trung vào nền hòa bình lâu dài nhằm giải quyết các lợi ích an ninh chính đáng của Nga".

Trong thực tế, cả lãnh đạo Mỹ và Nga cùng không tham dự Thượng đỉnh. Tổng thống Mỹ thì dự G7. Tổng thống Nga thăm Triều Tiên và Việt Nam. ■

Tiền đâu chi cho Ukraine?

Hầu như song song với hội nghị Bürgenstock, diễn ra hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Apulia (Ý) vào hôm 13-6. Thông cáo của Thượng đỉnh G7 này bắt đầu với "nghị quyết" về Ukraine, hứa hẹn "đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do và công cuộc tái thiết của Ukraine trong thời gian cần thiết".

Cụ thể là cung cấp khoảng 50 tỉ USD từ nguồn thu đặc biệt từ các tài sản nhà nước của Nga đang bị phong tỏa. Trong phần sau thông cáo chung, G7 dành hẳn một đoạn mang tên "Kiên quyết hỗ trợ Ukraine", bày tỏ quyết tâm tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự, ngân sách, nhân đạo và tái thiết cho Ukraine.

Hiểu sao về các cam kết đó? Thông tấn xã RBC Ukraine 15-6 giải thích về số 50 tỉ USD từ nguồn tiền của Nga bị phong tỏa ở EU cùng tám nước khác từ năm 2022 (tất cả vào khoảng 300 tỉ USD, được ký thác trong ngân hàng dưới dạng chứng khoán).

Sau khi các chứng khoán này hết hạn, tài sản sẽ được chuyển giao cho chủ sở hữu ngân hàng và tiền lãi bắt đầu được tích lũy. Khoản lãi này sẽ được dùng làm tiền bảo lãnh cho các khoản vay trước vài năm.

Vấn đề đặt ra là hiện chưa rõ thỏa thuận cuối cùng của các lãnh đạo G7 tính bắt đầu từ lúc nào. Nếu cam kết của G7 dựa trên tiền lãi bắt đầu từ năm 2024 thì số tiền lãi trong giai đoạn 2022-2023, vào khoảng hơn 5 tỉ, sẽ bị "treo" lơ lửng trong ngân hàng và Ukraine không thể đụng tới.

Thành ra, theo RBC Ukraine, "quyết định của G7 hoàn toàn mang tính chính trị". Project Syndicate 12-6 cũng tỏ ra hoài nghi về số 50 tỉ USD nữa cam kết từ G7:

"Chúng ta có nên thực sự mong đợi các chính phủ phương Tây sẽ huy động người dân nộp thuế của họ thêm 50 tỉ USD mỗi năm để tài trợ cho Ukraine? Điều gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay và nguồn tài trợ hiện tại của Mỹ (gần 45 tỉ USD mỗi năm) cạn kiệt?".

Project Syndicate cũng bày tỏ hoài nghi khả năng EU sẽ góp đủ số cần thiết: "Châu Âu khó có thể sẵn sàng hoặc lấp được khoảng trống tài chính hằng năm ước tính là 95 tỉ USD hoặc hơn".

Quả thật, ngay khi thượng đỉnh hòa bình chưa bế mạc, tối 15-6 nữ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã thẳng thừng bác bỏ:

"Các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ không trực tiếp tham gia vào khoản vay trị giá 50 tỉ USD mà G7 dự định huy động cho Ukraine bằng cách sử dụng thu nhập từ tài sản bị đóng băng của Nga", rồi "đá banh" sang các nước khác:

"Khoản vay 50 tỉ USD đã được công bố này sẽ được cung cấp bởi Mỹ, Canada, Anh và có thể cả Nhật Bản, trong giới hạn ràng buộc hiến pháp của nước này". Trước tình hình đó, RBC Ukraine 15-6 ngậm ngùi: "Chúng ta có thể cho rằng sẽ không có tiền trong năm 2024 này".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận