Hợp tác kinh tế Trung Quốc - Đông Nam Á: Vẫn là những đối tác khó thay thế

H.MINH 26/08/2024 04:11 GMT+7

TTCT - Kinh doanh, sản xuất, hạ tầng, thị trường và công nghệ, rất nhiều chỉ dấu cho thấy những mảng then chốt của nền kinh tế Trung Quốc hiện đều đang hướng về Đông Nam Á.

Hợp tác kinh tế Trung Quốc - Đông Nam Á: Vẫn là những đối tác khó thay thế - Ảnh 1.

Xe hơi Trung Quốc sắp xuất khẩu tập hợp tại cảng Yên Đài, Sơn Đông. Ảnh: Reuters

Năm 2021, những người sáng lập PalFish, nền tảng ở Trung Quốc chuyên kết nối giáo viên với người học tiếng Anh, nhận ra tương lai của họ là ở nước ngoài. 

Theo báo Anh The Economist, chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ vừa mở chiến dịch hạn chế hoạt động học thêm tràn lan rất mạnh tay, khiến công việc làm ăn của PalFish bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Nền tảng này lúc đầu cân nhắc mở rộng sang Mỹ Latin, Trung Đông hay Nga, nhưng rồi cuối cùng đã xác định lại điểm đến chủ đạo: Đông Nam Á.

Thế hệ doanh nhân mới

Ngày nay, PalFish có 10 triệu người sử dụng ở khu vực (bao gồm Việt Nam, với tên gọi PalFish Singapore). Họ thuộc về xu hướng rộng lớn hơn, và khác biệt bởi là doanh nghiệp ở mảng dịch vụ, chứ không như nhiều nhà đầu tư Trung Quốc khác trong khu vực, vốn tập trung vào sản xuất chế tạo.

Khó có thống kê chính xác số lượng công ty Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng con số hàng chục nghìn không phải là quá phóng đại. 

Tình hình kinh doanh khó khăn trong nước khi kinh tế tăng trưởng chậm lại và cuộc thương chiến với Mỹ khiến xuất khẩu khó khăn đã buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội ở nước ngoài. 

Đông Nam Á nổi lên như một lựa chọn tự nhiên vì những gần gũi về địa lý, văn hóa, tính kết nối, và cả một thị trường sôi động với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới.

Nhưng không chỉ có Đông Nam Á thay đổi, thế hệ doanh nhân Trung Quốc mới mẻ giờ cũng đã khác. 

Những người sáng lập PalFish rất điển hình: họ trẻ trung, giàu có, học thức, và tham vọng hơn nhiều so với thế hệ đi trước. Kết quả là đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc sang Indonesia, Malaysia và Việt Nam cán mốc 8 tỉ đô la vào năm 2022, tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước.

Giới doanh nhân khởi nghiệp Trung Quốc khắp Đông Nam Á tóm tắt khát vọng của họ khi ra nước ngoài bằng hai từ: "nội quyển", nghĩa là "cuộn vào trong", ý chỉ những nỗ lực của họ không còn được đền đáp xứng đáng ở trong nước. 

Thế hệ doanh nhân 8x và 9x Trung Quốc nhìn nhận cơ hội của họ ở thị trường tỉ dân nay không còn nhiều, khi hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi đã bão hòa, cạnh tranh thì ngày càng khốc liệt do người tiêu dùng đòi hỏi cao hơn và chi tiêu ít hơn vì tương lai kinh tế bất trắc.

"Quyết định thực tế nhất lúc này là tiếp tục mở rộng ở Đông Nam Á", một doanh nhân người Hoa giấu tên nói với The Economist. Indonesia đang nổi lên thành thị trường quan trọng nhất khu vực với các công ty Trung Quốc. 

Nhiều tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc đã mở rộng sang thị trường này. Năm 2023, Công ty giao nhận J&T Express trụ sở ở Jakarta đã có đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu lớn thứ hai trên sàn giao dịch Hong Kong. 

Đứng đằng sau họ là hãng công nghệ khổng lồ Tencent. Tsingshan, hãng sản xuất thép không gỉ và nickel lớn nhất thế giới, thì chiếm lĩnh ngành chế biến nickel. 

Nhưng không chỉ có những gã khổng lồ: vô số các công ty nhỏ hơn của Trung Quốc ồ ạt đổ vào Đông Nam Á. Năm 2022, đầu tư hằng năm của Trung Quốc riêng vào lĩnh vực y tế ở khu vực này là 1,6 tỉ đô la, tăng gấp 3 lần so với năm 2015.

Liu Yuan, làm nghề tư vấn kinh doanh và chuyên hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam, nói hầu hết khách hàng không có kế hoạch định cư lâu dài ở nước họ đầu tư. 

Đây là điều khác với các thế hệ người Hoa đi trước, những người rời Trung Quốc vì nghèo đói hay nội chiến, đến sinh cơ lập nghiệp hẳn ở Đông Nam Á. Thế hệ doanh nhân mới có niềm tin khác: tương lai của Đông Nam Á ắt sẽ phải gắn kết với nền kinh tế khổng lồ láng giềng.

Hợp tác kinh tế Trung Quốc - Đông Nam Á: Vẫn là những đối tác khó thay thế - Ảnh 2.

Công nhân lắp ráp điện thoại Oppo ở một nhà máy tại Indonesia. Ảnh: China Daily

Ưu tiên thay đổi

Đầu tháng 4-2024, cuộc thăm dò với 1.994 người Đông Nam Á của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia "được lựa chọn để gắn kết lâu dài" hàng đầu của khu vực. 

Cụ thể, Trung Quốc được 50,5% những người được hỏi lựa chọn, tăng mạnh so với 38,9% một năm trước. Tính từng quốc gia, Trung Quốc được 3/4 người được hỏi lựa chọn ở Malaysia, Indonesia và Brunei (các nước có đa số là người Hồi giáo).

"Lòng tin vào Mỹ đang suy giảm, cuộc thăm dò nhận định - Lý do một phần có thể do quan hệ đối địch leo thang Trung - Mỹ, dẫn tới lo ngại về ảnh hưởng chiến lược và chính trị gia tăng của Mỹ". 

Nhiều nước Đông Nam Á có quan hệ an ninh và chính trị chặt chẽ với Mỹ, nhưng vẫn nhìn nhận Trung Quốc là đối tác đầu tư và thương mại chủ chốt. 

Hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á đều đang tìm kiếm những khoản đầu tư lớn, lâu dài để thúc đẩy tăng trưởng, điều mà Mỹ, vốn chưa bao giờ coi Đông Nam Á là khu vực địa lý ưu tiên hàng đầu, đã không thể cung cấp.

Các chính sách kinh tế thiếu nhất quán, như quyết định rút khỏi CPTPP thời Trump, và thiếu hiệu quả, như Khuôn khổ kinh tế thịnh vượng Ấn Độ - Thái Bình Dương thời Biden, làm nhiều nước Đông Nam Á thất vọng. Nói chung, "cảm nhận là Đông Nam Á ngày càng lạc quan về tương lai trong quan hệ với Trung Quốc", cuộc thăm dò kết luận.

Hợp tác kinh tế Trung Quốc - Đông Nam Á: Vẫn là những đối tác khó thay thế - Ảnh 3.

Xe điện Trung Quốc NETA trên đường ra cảng xuất khẩu sang Thái Lan. Ảnh: Hozon Auto

Trong bối cảnh lớn hơn

Tất cả những điều đó phải đặt trong bối cảnh chung rộng lớn: hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á trên thực tế đã hội nhập sâu sắc về chuỗi cung ứng với Trung Quốc, dù là để phục vụ nhu cầu nội địa hay để xuất khẩu. 

Với rất nhiều sản phẩm chế tạo, từ đồ điện tử, máy móc công cụ tới phụ tùng xe hơi, qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương, Trung Quốc và Đông Nam Á hiện giờ thực ra đã thuộc về cùng một chuỗi cung ứng.

Điều đó dẫn tới thực tế khó tránh là trong khi nhiều chính phủ Đông Nam Á trải thảm đỏ chào gọi nguồn vốn Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất địa phương lại thấy thách thức trước viễn cảnh và thực tế cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm giá rẻ từ công xưởng của thế giới. 

Ở Thái Lan, các khoản trợ cấp và ưu đãi đầu tư cho công ty Trung Quốc trong mảng xe điện đã khiến nhiều hãng phụ tùng xe địa phương phải đóng cửa. Thâm hụt thương mại gia tăng với Trung Quốc là một vấn đề nổi cộm khác ắt phải được thảo luận trong quan hệ song phương.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Đông Nam Á không thể tận dụng nguồn vốn lớn, năng lực công nghệ rẻ tiền và phù hợp với trình độ của mình từ Trung Quốc, để thúc đẩy kinh tế chính quốc gia mình phát triển.

Bài viết "Trung Quốc cần tăng cường hợp tác với Đông Nam Á để theo đuổi "lực lượng sản xuất mới"" trên trang Dialogue Earth 17-6 chỉ ra một số định hướng quan trọng:

Thứ nhất, như một khối tổng thể, Đông Nam Á không quá lép về về sức mạnh kinh tế so với Trung Quốc. Với GDP 3.600 tỉ đô la, nếu là một nền kinh tế đơn lẻ, Đông Nam Á sẽ đứng hàng thứ năm thế giới.

Thứ hai, nhiều nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cả Việt Nam, đã có không ít kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, để có thể hội nhập vào chuỗi cung ứng bao gồm Trung Quốc, vốn đã là đối tác kinh tế ổn định và lớn nhất của Đông Nam Á suốt 14 năm qua.

Thương mại song phương vừa đạt mức kỷ lục mới trong quý 1-2024, khi tăng trưởng tới 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Và cuối cùng, vị trí địa lý và ưu tiên chính trị cũng khiến Đông Nam Á có quan hệ kinh tế mật thiết với cả Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, qua đó quân bình được ảnh hưởng từ Trung Quốc, ít ra là về mặt kinh tế.■

Thâm hụt thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc đã tăng từ 44,8 tỉ đô la năm 2013 lên 137,3 tỉ đô la năm 2022, dẫn đến nhiều quan ngại và hàng rào kỹ thuật được dựng lên ở một số nước.

Ngày 9-8, Bộ Thương mại Malaysia thông báo sẽ trình kế hoạch luật chống bán phá giá cho Quốc hội năm tới để bảo vệ sản xuất nội địa "trước tác động từ thương mại không bình đẳng sau khi dòng hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ nhiều nước, bao gồm Trung Quốc, tràn vào".

Hồi tháng 6, Bộ Thương mại Indonesia cũng công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu 200% với một số sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc để bảo vệ sản xuất trong nước.

"Xu hướng này là do mất cân bằng thương mại và quan ngại về tình trạng phụ thuộc kinh tế - báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời Shay Wester, giám đốc các vấn đề kinh tế châu Á của Viện Chính sách, Hội Châu Á (Mỹ) - Tình trạng mất cân bằng này là do nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng mạnh, từ hàng tiêu dùng giá rẻ tới sản phẩm công nghệ cao như xe điện. Hàng nhập khẩu gây áp lực đáng kể lên ngành sản xuất địa phương và quan ngại về tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc, nhất là khi lĩnh vực sản xuất chế tạo của ASEAN vẫn dựa rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc".

Wester nói ông dự kiến hàng rào với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ASEAN sẽ được nâng lên, "nhưng không ở mức như của Mỹ hay EU".

"Các nước ASEAN nhiều khả năng sẽ có cách tiếp cận mềm dẻo hơn, bảo vệ có chọn lọc một số ngành, trong khi vẫn duy trì độ mở kinh tế nói chung - ông bình luận - Họ sẽ ngày càng nhấn mạnh vào phát triển hệ sinh thái sản xuất địa phương và ủng hộ đầu tư vào các ngành giá trị cao".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận