Internet Archive: Thư viện Alexandria 2.0 hay kẻ phá bĩnh ngành xuất bản?

XUÂN TÙNG 27/04/2023 07:29 GMT+7

TTCT - "Nếu phán quyết này không được rút lại, loài người sẽ đánh mất nhiều tri thức còn hơn sự kiện Caesar đốt thư viện Alexandria".

Vì sao biên tập viên Christine Kelly của tờ The Statesman lại đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đến vậy về chuyện kho lưu trữ Internet Archive thua "hiệp đầu" tại tòa liên bang trước bốn nhà xuất bản hàng đầu nước Mỹ?

Internet Archive (archive.org) là tổ chức phi lợi nhuận đặt mục tiêu trở thành thư viện bách khoa của thời đại số, và từ lâu đã được xem như thư viện lưu trữ thông tin từ cổ chí kim trên mạng.

Nhà làm sách kiện thư viện

Từ tháng 3 đến tháng 6-2020, khi người dân Mỹ không thể đến trường lớp, thư viện và hiệu sách vì các lệnh giãn cách COVID-19, Internet Archive tung ra dự án Thư viện Khẩn cấp quốc gia (National Emergency Library) để họ mượn sách ảo dễ dàng hơn. 

Theo tuyên bố trên trang web của Internet Archive, người dùng có thể mượn một cuốn sách để đọc trên thiết bị riêng trong vòng 2 tuần. Và thay vì bắt người mượn phải chờ đến lượt như các thư viện số thông thường, dự án không giới hạn số người dùng có thể cùng mượn một cuốn sách ở cùng một thời điểm.

Tháng 7-2020, nhóm bốn nhà xuất bản lớn gồm Hachette Book Group, HarperCollins, John Wiley & Sons và Penguin Random House đệ đơn kiện, cáo buộc dự án xâm phạm tác quyền nghiêm trọng. 

Tháng 3-2023, thẩm phán liên bang John G. Koeltl ra phán quyết đồng tình với các nhà xuất bản rằng hành động cho mượn sách điện tử có bản quyền một cách miễn phí trong thời gian kể trên là bất hợp pháp.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Internet Archive cho rằng National Emergency Library nằm trong tầm bảo vệ của nguyên tắc sử dụng hợp lý (fair use) - cấu phần trong luật Mỹ cho phép các đơn vị sử dụng tác phẩm có bản quyền cho một số mục đích như giáo dục hoặc phê bình mà không cần xin phép chủ sở hữu tác quyền.

Phía nhà xuất bản lại coi đây là xâm phạm tác quyền. Thẩm phán Koeltl cũng đồng tình rằng hành động scan sách giấy (thuộc kho tài liệu mà Internet Archive đã mua) thành sách điện tử rồi phân phối chúng trên mạng đã tạo ra "tác phẩm phái sinh", và sẽ không được bảo hộ theo fair use.

Phán quyết này đang gây xôn xao trong cộng đồng nghiên cứu, sử học cũng như người dùng Internet nói chung, với nhiều lo ngại rằng tương lai của thông tin trên mạng đang dần rơi vào tay của các tập đoàn lớn.

Thư viện Alexandria 2.0

Vì sao Internet Archive có thể được ví với thư viện nổi tiếng nhất trong lịch sử? Để trả lời, cần trở về những năm 1960, khi Internet vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, dưới hình hài một phiên bản thư viện mới cho thế kỷ 21.

Năm 1961 tại Cambridge, nhà khoa học J. C. R. Licklider đã bắt tay thực hiện một nghiên cứu dài 2 năm về tương lai của thư viện, với sự hỗ trợ của Marvin Minsky thuộc MIT. Theo Licklider, sách là phương tiện tốt để trình bày tri thức nhưng lại yếu kém về mặt bảo quản, tổ chức và tra cứu dữ liệu. 

"Chúng ta cần sẵn sàng để từ bỏ mô hình sách giấy, cũng như các trang in như một hình thức lưu trữ thông tin dài hạn" - ông viết. Mục tiêu của dự án là tái tưởng tượng mô hình thư viện để phù hợp với tương lai năm 2000 - nơi máy tính sẽ thay thế sách và tạo ra "một mạng lưới với mỗi thành phần trong quỹ tri thức đều được kết nối với từng thành phần còn lại".

Ngọn đuốc được Licklider và những tri thức tiên phong của Internet đời đầu thắp nên - về một không gian mà thông tin được bảo vệ và chia sẻ tự do - được mang đến MIT, nơi những bộ óc công nghệ hàng đầu thời bấy giờ liên tục khai mở những khả thể mới của mạng thông tin (trong đó có email đầu tiên được gửi đi trong lịch sử) trên cơ sở mạng ARPANET.

Từ MIT, Brewster Kahle, một kỹ sư công nghệ thông tin do Minsky đào tạo, hiện thực hóa tầm nhìn của Licklider bằng cách cho ra đời hai tổ chức quan trọng trong lịch sử Internet vào năm 1996.

Đầu tiên là Alexa Internet - dịch vụ quét và phân tích thông tin trên mạng toàn cầu, sau này được Amazon mua lại với giá 250 triệu USD. Dù đã bị biến thành một công cụ marketing từ khóa nhưng thông tin từ khắp ngõ ngách Internet mà Alexa quét được vẫn được gửi về công trình thứ hai của Kahle: đó là Internet Archive.

"Ý tưởng của tôi là xây dựng một thư viện Alexandria thứ hai" - Kahle nói với TechRadar. Không chỉ dừng lại ở phục dựng, Kahle còn muốn vượt mặt công trình của người Hy Lạp: Thư viện Alexandria chỉ đón chào giới trí thức, Internet Archive thì mở cửa cho tất cả mọi người. Tôn chỉ của tổ chức này: "Tiếp cận mọi tri thức cho tất cả mọi người".

Một số thống kê về kho sách của Open Library thuộc Internet Archive.

Một số thống kê về kho sách của Open Library thuộc Internet Archive.

Internet Archive đang ngày càng chứng minh được tầm quan trọng trong không gian Internet sớm nở tối tàn, nơi tuổi thọ một trang web - cùng những thông tin, tác phẩm đi kèm với nó - chỉ dài trung bình 100 ngày.

Internet Archive lưu giữ bằng chứng thông tin cho các nhà báo hoặc được sử dụng tại tòa án, trong khi các thông tin gốc đã bị xóa. Kho tàng này cũng là mảnh đất màu mỡ cho sinh viên và giới nghiên cứu quan tâm đến văn hóa mạng và truyền thông số.

Chọc giận giới xuất bản

Dù thường được biết tới với mảng lưu trữ web, Internet Archive cũng duy trì một mảng hoạt động quan trọng đồng thời gây nhiều tranh cãi bản quyền: số hóa, bảo tồn và cho mượn sách trên mạng.

Thư viện số Open Library thuộc Internet Archive hoạt động trên nguyên tắc CDL (controlled digital lending - cho mượn số có kiểm soát). Theo đó, các đơn vị, chẳng hạn thư viện, có thể số hóa chỗ sách sở hữu hợp pháp trong kho của mình và cho mượn trực tuyến. 

Cách làm thông thường là thư viện phải ký giấy phép vô cùng đắt đỏ với nhà xuất bản. Ngoài ra, ai muốn mượn ebook vẫn phải chờ đến lượt y như ngoài đời, vì mỗi giấy phép tương ứng với một người mượn tại một thời điểm. Những điều này không áp dụng với CDL, ít nhất là theo cách làm của Internet Archive.

Với các nhà xuất bản, CDL của Internet Archive - vốn giúp đơn vị này tránh xin phép và trả phí - đã là thứ không hề dễ chịu; và có vẻ như việc Internet Archive nới lỏng CDL, cho phép nhiều người mượn sách cùng lúc trong thời phong tỏa vì đại dịch, đã là giọt nước làm tràn ly. 

"Internet Archive không tạo ra "tự do tri thức", nền tảng này đang phá hủy sự cân bằng trong hệ sinh thái đang giúp [xuất bản] sách tồn tại - đồng thời phá hoại luật bản quyền đang chặn đường tổ chức này", các nhà xuất bản kêu la.

Thẩm phán Koeltl cũng nói trong phán quyết: "Về cơ bản, [việc viện dẫn] quyền sử dụng hợp pháp của Internet Archive dựa trên quan điểm rằng việc mua một cách hợp pháp sách in có bản quyền sẽ cho phép người nhận tạo một bản sao trái phép và phân phối nó thay cho sách in, miễn là họ không đồng thời cho mượn sách in. 

Nhưng không có trường hợp hoặc nguyên tắc pháp lý nào ủng hộ quan điểm đó". Koeltl lưu ý rằng Internet Archive vẫn có thể số hóa và cung cấp các bản sao của sách thuộc miền công cộng (public domain).

Internet Archive: Thư viện Alexandria 2.0 hay kẻ phá bĩnh ngành xuất bản? - Ảnh 3.

Đứng trước sự biến này, các tác giả sách đang chia làm hai ngả. Tháng 9 năm ngoái, hơn 300 nhà văn, trong đó có các cây viết nổi tiếng như Neil Gaiman và Naomi Klein, đã ký vào thư ngỏ chỉ trích hành động kiện Internet Archive của các nhà xuất bản. 

Trong khi đó, nhiều đơn vị như Hiệp hội Tác giả và Hiệp hội Các nhà xuất bản Mỹ (AAP), hay Công đoàn nhà văn quốc gia Mỹ (NWU), lại đang tung hô quyết định này. Nhà báo Edward Hasbrouck thuộc NWU nói với tạp chí WIRED: Các nhà văn lớn tuổi với nhiều tác phẩm có thể bị thiệt hại từ việc phân phối sách của Internet Archive.

Phía Internet Archive cho biết họ đang gửi đơn kháng cáo. "Quyết định của tòa sơ thẩm... là một cú giáng vào các thư viện và cộng đồng mà chúng tôi đang phục vụ" - Chris Freeland, giám đốc Open Library, viết trong một bài blog sau phán quyết của tòa. 

"Quyết định này gây ảnh hưởng đến thư viện khắp nước Mỹ, vốn phụ thuộc vào CDL để đưa sách đến bạn đọc trực tuyến. Việc ngăn chặn tiếp cận thông tin trong thời đại số cũng sẽ gây ảnh hưởng đến người đọc khắp mọi nơi".

Một ví dụ tiêu biểu được Freeland đưa ra là Makeshift, một tiểu thuyết xuất bản năm 1940 về một người phụ nữ Do Thái chạy trốn khỏi chế độ phát xít Đức. Hiện chỉ còn 19 bản sách giấy còn tồn tại, và con trai của tác giả chỉ có thể tiếp cận cuốn sách này qua thư viện Open Library.

"Thư viện không phải là bộ phận hỗ trợ khách hàng cho cơ sở dữ liệu của các tập đoàn lớn - chúng có vai trò quan trọng hơn thế nhiều - nhà sáng lập Brewster Kahle cho biết - Để cơ chế dân chủ hoạt động trên tầm toàn cầu, thư viện cần duy trì sứ mệnh lịch sử của mình với xã hội - sở hữu, bảo tồn và cho mượn sách".

Trở lại với Kelly, nhà báo này cho rằng "một thảm kịch mang tầm lịch sử sẽ diễn ra nếu kháng cáo thất bại", và "nếu mất Internet Archive, chúng ta sẽ tiêu đời".

Internet Archive chưa từng kiếm được một đồng nào cho Kahle. Qua hơn hai thập niên, dự án được nuôi bằng tiền túi của người sáng lập, bên cạnh tiền kiếm được từ dịch vụ số hóa tài liệu cho các thư viện, cũng như đóng góp tự nguyện của cộng đồng.

Tính đến nay, kho dữ liệu của Internet Archive đã gom được 70 petabyte (70 triệu gigabyte) dữ liệu, bao gồm 635 triệu trang web, 34 triệu cuốn sách, 14 triệu bản thu âm, cùng nhiều dữ liệu khác.

Mỏ thông tin vô giá này đang được lưu trữ trong các ổ cứng tại trụ sở Internet Archive tại California (Mỹ) và sao lưu một phần tại Hà Lan, nhưng đồng thời cũng được gửi gắm tại Alexandria (Ai Cập) - một lựa chọn mang tính tượng trưng cho tầm nhìn của tổ chức.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận