Jimmy Chin: Văn võ song toàn

HUY ĐĂNG 20/06/2020 20:06 GMT+7

TTCT - Gọi Jimmy Chin là một đạo diễn cũng đúng, vì ông từng đoạt giải Oscar. Nhưng gọi ông là một VĐV thể thao cũng không sai, vì Chin bơi lội và leo núi rất giỏi. Hay nói Chin là nhiếp ảnh gia cũng đúng nốt…

Nhờ tài nghệ leo núi, Jimmy Chin có những góc máy khó nhiếp ảnh gia nào có được. Ảnh: millerbrian.com
Nhờ tài nghệ leo núi, Jimmy Chin có những góc máy khó nhiếp ảnh gia nào có được. Ảnh: millerbrian.com

Không giống như nhiều nhân vật khác trong giới điện ảnh, đạo diễn 46 tuổi người Mỹ chọn nơi cư ngụ ở một vùng nông thôn bang Minnesota. Tại đó, ông có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống hòa mình với thiên nhiên mà ông luôn theo đuổi.

Khi leo núi, tôi thấy con tim như được hát

Jimmy Chin hẳn nhiên là một người đa tài, làm đạo diễn, VĐV, nhiếp ảnh gia, vai nào ông cũng xuất sắc. Từng giành giải Oscar hạng mục phim tài liệu với bộ phim cũng đề tài leo núi Free Solo cách đây hai năm, điện ảnh là lĩnh vực mang lại nhiều vinh quang nhất cho người đàn ông gốc Đài Loan này. Nhưng chính leo núi là nơi khởi nguồn cho mọi đam mê của Chin.

Sinh ra ở Mỹ nhưng được nuôi dưỡng trong một gia đình Đài Loan kiểu mẫu, từ bé Chin được cha mẹ hướng theo con đường thể dục thể thao truyền thống - xuất sắc ở bơi lội và các môn võ thuật, nhưng leo núi mới thực sự là năng khiếu của Chin. Ông mô tả mình là mẫu người “làm được mọi thứ, nhưng khi leo núi, tôi thấy con tim như được hát”.

Ông phải đấu tranh khá nhiều để được theo đuổi đam mê. “Cha mẹ tôi không lớn lên ở vùng núi. Chuyện leo trèo không có trong suy nghĩ của họ về cuộc sống. Phải mất vài năm họ mới chấp nhận con đường mà tôi chọn. Tôi không chống lại họ, mà cần chứng minh việc leo trèo có thể mang đến cho tôi phương tiện để nuôi sống bản thân. Đó là để đối phó với cha mẹ tôi, còn điều tôi thực sự muốn là một cuộc sống thực sự, không cần quá nhiều của cải vật chất để có một cuộc sống hạnh phúc như vậy” - Chin nói.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Jimmy Chin đến làm việc cho Công viên quốc gia Yosemite. Ông sắm một chiếc máy ảnh và bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh. Nhưng Chin không giống hầu hết các tay săn ảnh nào khác, vì ông đam mê leo núi, và không ngần ngại đối mặt cái chết. Chin là một nhà leo núi thực thụ, trong những năm tiếp theo, Chin lần lượt chinh phục những ngọn núi nổi tiếng nhất thế giới.

Từ Kilimanjaro đến Everest, dọc theo dãy Côn Lôn lừng danh của Trung Quốc, hay những ngọn núi tháp chọc trời ở Pakistan, chàng trai người Mỹ lần lượt chinh phục bằng niềm đam mê khám phá và nhiếp ảnh. Ở bất kỳ đâu, Chin đều mang theo túi đồ nghề máy ảnh của mình. Tinh thần phiêu lưu và sự mạnh mẽ lẫn khéo léo của Chin khiến ông nhận được lời mời tham gia National Geographic - Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ - vào năm 28 tuổi. Khả năng leo núi và bấm máy của Chin được CNN mô tả là “chụp những tấm ảnh bất khả thi”.

Jimmy Chin cùng tượng vàng Oscar. Ảnh: DIY
Jimmy Chin cùng tượng vàng Oscar. Ảnh: DIY

Hai lần sống sót sau những trận tuyết lở

Gần 30 năm lăn lộn ở các ngọn núi càng khiến Chin thấm thía nỗi sợ lơ lửng trên các mỏm đá cao hàng ngàn mét. “Nỗi sợ ít gay gắt hơn so với khi chúng ta nghĩ về nó, nhưng nó là một nỗi sợ lâu dài. Khi tôi bấm máy một bộ phim, tôi cảm thấy nỗi sợ luôn đè nặng lên vai mình trong khoảng ba năm. Luôn có người chết trong lĩnh vực này” - Chin kể.

Giống như nhiều tay leo núi nhà nghề khác, Chin tin rằng sườn phía bắc Everest là nơi khó chinh phục nhất. Vượt qua được ngọn núi này cũng là kỳ tích đáng tự hào nhất của ông. Năm 2003, Chin cùng Stephen Koch tìm cách vượt mạn bắc ngọn Everest bằng cách leo qua hẻm núi Japanese, rồi Hornbein. Nhưng họ gặp phải một trận tuyết lở, suýt chết, và đành phải bỏ cuộc.

Nhưng đến tháng 5-2004, Chin cuối cùng đã chinh phục được Everest khi thực hiện một dự án làm phim với Hãng Working Title. Chỉ hai năm sau đó, ông có thêm hai lần chinh phục đỉnh Everest, đều liên quan đến những dự án nhiếp ảnh đặc biệt của mình. Đến năm 2011, Chin lại suýt bỏ mạng trong một vụ tuyết lở khác ở Công viên quốc gia Grand Teton, Mỹ nhưng rồi lại sống sót một cách thần kỳ.

Sau tất cả những phiêu lưu, Chin luôn khiến nhiều đồng đội leo núi phải ngạc nhiên ở một điểm - kè kè chiếc máy ảnh trên tay, và giữ thăng bằng tuyệt đối. Chin chia sẻ, một trong những vấn đề khó khăn nhất khi đó là kiểm soát nhịp thở.

“Tôi không thể làm được gì nhiều với các kỹ thuật thở trong những trường hợp đó. Tôi phải tập luyện rất nhiều bài tập cardio (dạng tập luyện để cải thiện tim mạch, nghiêng về các môn thể thao có động tác đều đặn như chạy bộ, đi bộ, đạp xe…). Tiếp đó tôi phải học cách tăng tốc, và rồi đánh giá nhịp thở của mình” - Chin chia sẻ.

Trong một lần trả lời người hâm mộ, ông nhận được câu hỏi: “Nếu phải tinh giản tối đa chiếc balô đồ nghề, anh sẽ giữ lại những gì?”. Ông trả lời: “Đầu tiên tôi sẽ bỏ hết thức ăn (cười to), và nếu phải bỏ cả máy ảnh thì tất nhiên nên bỏ đi những thứ cồng kềnh. Những thứ cuối cùng tôi giữ lại là một thân máy Canon 5d markIII, ống kính 24-70mm f2.8, và một ống kính 16-35mm f4 hoặc 50mm f1.2. Nếu có thể thì thêm cái 70-200mm f2.8 nữa”.

Có thể không phải là VĐV leo núi giỏi nhất, nhưng vừa leo núi vừa chụp ảnh, quay phim như Jimmy Chin là chuyện không phải nhà leo núi nào cũng làm được. “Và với một người từng sống sót sau một trận tuyết lở, Jimmy Chin thấu hiểu thế nào là sự khoan dung của mẹ thiên nhiên” - cây viết Ben Church của CNN bình luận.

Nhiều VĐV chuyên nghiệp than thở buồn chán, còn Chin nhận thức rõ sự may mắn khi chưa trở thành nạn nhân của đại dịch. Đạo diễn 46 tuổi chọn nơi ở là vùng nông thôn bang Minnesota, phù hợp với sở thích đắm mình vào thiên nhiên của ông. Điều đó cũng đồng nghĩa với lệnh cách ly thoải mái hơn, và Chin có thể rời nhà tập luyện, làm nhiều thứ để duy trì khả năng leo núi mà không phạm luật.■

Lên đỉnh vinh quang điện ảnh nhờ thể thao

Không lâu sau khi gia nhập National Geographic, Jimmy Chin cũng bắt đầu sự nghiệp làm phim. Ông tập trung vào mảng phim tài liệu xoay quanh các đề tài leo núi và nhanh chóng gây được tiếng vang. Đó là điều dễ hiểu bởi hiếm có đạo diễn nào có được trải nghiệm của một người dấn thân, chinh phục thực sự và đủ thể lực để thực hiện. 

Năm 2017, nhóm của Jimmy Chin hoàn thành bộ phim Free Solo về VĐV leo núi tay không Alex Honnold - người có thể chinh phục ngọn núi 1.000m mà không cần bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Một năm sau bộ phim này được trao giải Oscar. Vợ ông - Elizabeth Chai Vasarhelyi - là đồng đạo diễn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận