Kẻ ở người đi lắm đoạn trường

CẢNH CHÁNH 27/04/2020 03:04 GMT+7

TTCT - Sau 76 ngày phong thành, lúc 0h ngày 8-4, 75 cửa ngõ kết nối các tỉnh thành của Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) được mở, 17 tuyến đường sắt hoạt động trở lại, các đường bay trong nước được khôi phục, người dân nào có mã xanh thì có thể rời Vũ Hán.

Nhà ga Vũ Hán bắt đầu đông người trở lại. Ảnh: China Daily
Nhà ga Vũ Hán bắt đầu đông người trở lại. Ảnh: China Daily

Theo thống kê chưa đầy đủ, ngay hôm mở cổng đã có khoảng 55.000 người ngồi xe lửa và hơn 7.000 người đi máy bay rời khỏi thành phố (các điểm đến Thành Đô, Hải Khẩu, Thâm Quyến chiếm khoảng 20%). Dự báo trong thời gian tới sẽ còn nhiều người bị kẹt ở Vũ Hán rời thành phố, đa phần là những người về quê ăn tết hay những người đến Vũ Hán làm việc nay muốn gấp rút về nhà.

Trăm ngàn khuôn mặt người

Rất nhiều người mắc kẹt tại Vũ Hán rời đi ngay trong đêm dỡ lệnh phong thành, đến sáng đã thấy họ đăng tải clip ăn mừng vì cuối cùng cũng được về nhà. Theo Đài TVBS Đài Loan, lúc 0h ngày 8-4 đã có nhiều xe xếp hàng dài trước trạm thu phí đường cao tốc.

Nhiều người Vũ Hán rời quê vì công việc làm ăn. Anh Lý đón chuyến tàu đầu tiên đi Phúc Kiến lúc 1h sáng 8-4 vì anh có công trình xây dựng ở đó, chủ đầu tư đã hối thúc nửa tháng nay. Anh Vương về Vũ Hán đón tết, không ngờ kỳ nghỉ kéo dài đến 76 ngày. Mặc dù thời gian qua anh làm việc tại nhà nhưng hiệu quả không cao, nên anh nôn nóng quay lại Quảng Châu.

Lý Gia Dương về Vũ Hán đón tết, đã ở nhà tới 84 ngày. Dù được gần gũi bố mẹ nhưng vì không có máy tính nên không thể làm việc. Thời gian đó anh chỉ nhận được lương cơ bản của công ty ở Thâm Quyến. Anh tranh thủ đón chuyến tàu đầu tiên đến Thâm Quyến.

Chuyến đi lần này khiến anh suy nghĩ rất nhiều. “Sau này phải liên lạc, trò chuyện thường xuyên với người nhà nhiều hơn, vì bạn sẽ không bao giờ biết được ngày mai và tai nạn cái nào sẽ đến trước” - anh đúc kết sau đại dịch trên tờ Thanh Niên Bắc Kinh. Trước khi đi anh mua sẵn gạo, dầu ăn cho bố mẹ, add thêm WeChat bà bán rau để mẹ anh có thể mua đồ ăn dễ dàng hơn.

Chị Dương Thanh đã đặt vé ngày 13-4 quay về Thượng Hải, lần này chị dẫn người mẹ 80 tuổi đi cùng. Gia đình chị xảy ra biến cố lớn: bố chị mất ngày 28-1, không được xét nghiệm, bệnh viện thì không có giường bệnh, nên không có giấy chứng nhận chẩn đoán nhiễm COVID-19, giấy chứng tử chỉ ghi là “viêm phổi nặng”.

Người nhà chị mặc dù không nhiễm bệnh nhưng vẫn lo sợ, không dám ra đường. Mẹ chị thật ra không muốn rời Vũ Hán, nhưng chị không yên tâm để mẹ một mình. Chị định khi dịch bệnh kết thúc sẽ để mẹ quyết định ở đâu.

Trong số những người ra đi đầu tiên, có nhiều người chỉ tình cờ ngang qua Vũ Hán. Lý Lượng, người Nội Mông Cổ, cuối năm 2019 chỉ định đến Hồ Bắc thăm anh rồi quay về nhà đón tết, nhưng anh không mua được vé tàu đi thẳng đến Nội Mông Cổ, chỉ mua được vé trung chuyển ở Vũ Hán rồi đi tiếp đến Nội Mông Cổ. Anh bị lỡ chuyến tàu khi Vũ Hán phong thành.

Chuỗi ngày lưu lạc của Lý Lượng bắt đầu từ đó, anh ăn mì gói qua ngày. Được 10 ngày thì hết tiền, anh gọi đường dây nóng của thị trưởng để nhờ cứu trợ và nhận được 2.000 tệ (6,7 triệu đồng) tiền trợ cấp cho người mắc kẹt ở Vũ Hán. Không lâu sau anh phải mang giấy chứng minh nhân dân đi cầm vì không tiền chi trả tiền phòng 50 tệ/ngày.

Lý Lượng khóc bởi đấy là lần đầu tiên anh rơi vào tình cảnh này. Sau đó anh bị đuổi khỏi khách sạn, phải gọi điện khắp nơi cầu cứu và rồi nhờ khu phố can thiệp, khách sạn mới tiếp tục cho anh ở đến ngày mở cửa thành.

Hôm bị đuổi khỏi khách sạn, anh lê la cả ngày ở một quán ăn lề đường. Ông chủ thương tình cho ăn, mua bánh mì và trái cây cho thêm. “Đó là bữa cơm ngon nhất tôi đã ăn trong những ngày qua” - anh kể với tờ Thanh Niên Bắc Kinh.

Một khu phố công bố hết dịch ở Vũ Hán. Ảnh: Hongxingxinwen
Một khu phố công bố hết dịch ở Vũ Hán. Ảnh: Hongxingxinwen

Nỗi lo người ở lại

Những người rời khỏi thành phố bị giám sát nghiêm ngặt, những người ở lại vẫn chưa trở lại cuộc sống bình thường. Một cô gái Vũ Hán chia sẻ trên WeChat, ngày dỡ lệnh phong thành mong đợi bao lâu nay đã đến nhưng trong lòng cô vẫn đầy nỗi sợ.

Mỗi khi từ ngoài về nhà, trước đây cô chỉ tắm 10 phút, giờ tắm gần 30 phút. Ở ngoài đường không dám sờ mó bất cứ thứ gì, có ai ho lại giật bắn mình, bàn tay thì tróc da vì nước rửa tay diệt khuẩn.

Một người từng có người thân nhiễm bệnh thì cho biết bà không dám xem thời sự về dịch bệnh ở Ý, bởi có cảm giác nó y như tình hình ngày hôm qua của Vũ Hán, xem là muốn khóc. Một cô gái có bố mẹ từng bị nhiễm bệnh dù nay đã khỏi nhưng gần đây khi bạn bè cô nhắn tin hỏi thăm, điều họ quan tâm nhất là việc bố mẹ cô hồi phục sức khỏe chưa, có dương tính trở lại không.

Cô hiểu, đồng nghiệp đang lo sợ bị lây nhiễm từ cô nên sau đó cô xin phép làm việc tại nhà. Thậm chí đã có người khỏi bệnh muốn tự tử, vì họ lo lây bệnh cho người nhân, sợ di chứng, sợ bị kỳ thị.

Những người chiến thắng tử thần COVID-19 vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Có người đến giờ vần còn mệt, mỗi khi gắng sức lại thở dốc; hay có người từng rất thích trà sữa, giờ thì không uống được vì chức năng bao tử chưa hồi phục; một người khác thì vẫn không tìm được vị giác đã mất, ăn thịt gì mùi vị đều như nhau, theo tờ Thanh Niên Trung Quốc.

Cô Niệm (26 tuổi) là một trong 50.000 ca nhiễm COVID-19 của Vũ Hán và có người thân tử vong trong số hơn 2.000 ca. Khi dịch bệnh bùng phát, cô và bà ngoại 89 tuổi đều mắc bệnh. Cô từng hứa với mẹ là sẽ đưa bà về nhà an toàn, nhưng lời hứa đó đã không thể thực hiện.

Cô kể rất muốn dành cho những người quan tâm cô một cái ôm thật chặt, nhưng không dám, lo sợ mọi người ngại, tâm trạng rất phức tạp. Trước đây cô hay để ý miệng lưỡi thế gian, sợ bị mọi người ghét bỏ, nhưng giờ cô nói mình đã hiểu ra nhiều thứ, trân trọng hơn những người yêu thương mình, theo mrjjxw.com.

CCTV từng phỏng vấn Hác Đan, người dẫn chương trình của Đài phát thanh Vũ Hán, sau khi anh khỏi bệnh. Anh kể mình đã bị người dân trong khu dân cư xua đuổi, xa lánh sau khi về nhà. Còn Lý Mộng quay lại công ty làm việc vào ngày 1-4, khi nghe kể anh từng làm tình nguyện viên gần hai tháng ở khu phố, họ đều nhìn anh như người ngoài hành tinh. Để đồng nghiệp yên tâm, anh tự nguyện đi làm xét nghiệm.

Nhiều công ty chuyển phát nhanh cho biết từ cuối tháng 3, đơn hàng chuyển phát nhanh gần như trở lại bình thường. Nhưng một số doanh nghiệp bán hàng trên sàn giao dịch điện tử taobao.com cho biết xuất hiện tình trạng hàng bị trả lại. Lý do là nhiều khách hàng thấy hàng được gửi từ Vũ Hán hoặc trung chuyển ở Vũ Hán đã từ chối nhận.

Dịch bệnh phong thành khiến nhiều người dân Vũ Hán không có thu nhập ổn định, bị cắt lương, rơi vào cảnh khốn khó, nhất là lao động các vùng ngoại ô. Tờ Tuần san Kinh Tế Trung Quốc đã gia nhập một nhóm chat QQ với hơn 500 thành viên đều là những người có khoản vay quá hạn chưa trả, 75% là nam giới, hằng ngày họ kể về việc bị tra tấn bởi tin nhắn đòi nợ, chia sẻ các giải pháp đối phó, hay thông tin tìm việc làm.

Có người bảo đừng quá lo, công ty cho vay qua mạng tuyệt đối không chạy đến Vũ Hán để khởi tố. Cũng có người cho biết có dỡ lệnh phong thành cũng vẫn ở nhà, đợi đến khi nào tìm được việc mới ra ngoài, vì ra ngoài phải chi tiêu mà giờ đây tiền đã hết. Tìm việc làm là vấn đề họ quan tâm nhất hiện nay.

Cuối tháng 3, chính quyền Vũ Hán có chính sách hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp, người không thể đi làm vì dịch bệnh; với quy định mức hỗ trợ ở nông thôn và thành thị là 2.540 và 3.120 tệ. Ngoài ra còn hỗ trợ 300-500 tệ/người cho những người lao động nghèo ra ngoài làm việc.

Phong thành khiến nhiều ngành dịch vụ đóng cửa, nhiều người lao động rơi vào cảnh bị cắt giảm lương. Cô Triệu Tư Kỳ làm trong ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, tháng 2 công ty không phát lương, cô đang đối mặt với nguy cơ bị sa thải vì công ty thua lỗ.

Trong khi đó, dù đã dỡ lệnh phong thành nhưng hơn 500.000 người hoạt động trong ngành dịch vụ ăn uống vẫn chưa tìm ra lối thoát. Thôi Nhất Binh - giám đốc nhà hàng Triều Giang Yến, cũng là phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn nhà hàng tỉnh Hồ Bắc - chia sẻ trên tờ Đệ Nhất Tài Kinh rằng nhà hàng của anh cuối năm thua lỗ vì hàng loạt khách hàng hủy đặt tiệc tất niên.

Đến tháng 2, Bộ chỉ huy phòng chống dịch đến liên hệ cung cấp cơm hộp cho các khu cách ly, nhưng khi đội y bác sĩ chi viện rời thành phố, nhà hàng không còn đơn hàng, giờ mới là giai đoạn khó khăn nhất. Anh đến các khu văn phòng để tìm đơn hàng mới nhưng thấy chỉ khoảng 10% nhân viên đi làm lại, lý do là giờ cũng ít việc, nhiều công ty cho nhân viên nghỉ để khỏi trả lương.

Nhiều bệnh viên tư từng bị trưng dụng để chữa trị người bệnh COVID-19 cũng đang gặp khó khăn. “Bệnh viện hoạt động lại bình thường nhưng người bệnh đến khám rất ít. Không biết khi nào người dân mới yên tâm đi khám trở lại” - Nguyên Nghĩa Hiếu, giám đốc bệnh viện tư Phương Thái Vũ Hán, chia sẻ trên tạp chí Tài Kinh. Trước đây bệnh viện cứu Vũ Hán, giờ phải tự cứu mình. Họ đang nghĩ đến việc triển khai dịch vụ khám bệnh tại nhà, khắc phục tình trạng người dân không dám đến bệnh viện.

Tờ Đệ Nhất Tài Kinh dự báo dịch COVID-19 khiến kinh tế Vũ Hán tổn thất khoảng 200 tỉ tệ.■

Trung Quốc quy định người dân phải khai báo sức khỏe qua app, sau khi điền thông tin phải đợi cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Nếu không có tiếp xúc với người nhiễm bệnh sẽ được cấp cho một mã QR màu xanh, mã này được xem như mã thông hành để đi lại giữa các tỉnh.

Mã QR màu vàng cấp cho người có tiếp xúc với người bệnh, chưa hết thời gian cách ly tại nhà, cách ly tập trung 7 ngày. Mã QR màu đỏ cấp cho người nhiễm bệnh, nghi ngờ nhiễm bệnh hay đang sốt phải cách ly 14 ngày.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận