Kẻ viết virus nguy hiểm nhất thế giới

HOA KIM 10/06/2023 04:38 GMT+7

TTCT - Câu chuyện về người được mệnh danh "kẻ viết virus máy tính nguy hiểm nhất thế giới" hội đủ yếu tố của một tiểu thuyết bán chạy: danh vọng, kình địch, bóng hồng, và một bí ẩn chưa có lời giải.

Kẻ viết virus nguy hiểm nhất thế giới - Ảnh 1.

Bulgaria những năm 1980 được biết đến như là "phân xưởng virus" của thế giới nơi sản sinh hàng trăm loại mã độc khét tiếng, ở thời điểm máy tính cá nhân chỉ mới chớm xuất hiện và người dùng còn ngây thơ trước những mối đe dọa rình rập. Nhưng trong vô số những người lập trình virus ở Bulgaria lúc đó, được hết thảy đồng môn tôn làm tượng đài chỉ có một. Đây là câu chuyện của Dark Avenger - người viết virus vĩ đại nhất thế giới.

Từ một bài báo

Bulgaria cuối thập niên 1980. Siêu lạm phát, thực phẩm và xăng dầu phát theo tem phiếu, mất điện xảy ra như cơm bữa, và cơ sở hạ tầng xuống cấp đến mức chó hoang chạy đầy đường. Nhưng đó lại là một trong những trung tâm công nghệ sôi động nhất hành tinh. 

Dường như mọi lập trình viên máy tính ở Bulgaria đều cảm thấy cần phải lập trình ít nhất một con virus. Tức giận gia sư của mình? Viết virus. Thể hiện tình cảm với bạn gái? Viết virus. Trả thù sếp vì bị nợ lương? Viết virus.

Trào lưu này phần lớn được khởi xướng - dù không cố ý - bởi Vesselin Bontchev, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Bulgaria ở thủ đô Sofia. Trong số ra tháng 1-1989 của tạp chí máy tính hàng đầu Computer for You, Bontchev viết bài chỉ trích cách đưa tin về virus của giới truyền thông, cho rằng chúng mang tính giật gân và thiếu chính xác, và nỗi sợ virus máy tính đang dần biến thành "chứng loạn thần tập thể". 

Ông cho rằng chẳng có lý do gì mà một lập trình viên có chút năng lực lại không thể nhận biết một tập tin nhiễm virus, và đưa ra lời khuyên đơn giản để phòng chống virus máy tính: "Đừng cho phép người khác sử dụng máy tính của bạn. Đừng sử dụng những phần mềm khả nghi. Đừng sử dụng phần mềm trái phép".

Bontchev quên rằng máy tính lúc đó không còn là đặc quyền của lập trình viên. Những kiến thức hiển nhiên đối với ông lại thật mới mẻ với những thư ký và nhân viên văn phòng tập tành xài máy tính - mà với họ chẳng khác gì một chiếc máy đánh chữ cồng kềnh và phức tạp hơn. Phần mềm lậu là một vấn đề phổ biến, người dùng máy tính cũng không có cách nào khác ngoài chia sẻ thiết bị với các thành viên gia đình khi giá một chiếc máy vẫn còn đắt đỏ. Tất cả các yếu tố này trở thành môi trường hoàn hảo để virus phát tán.

Ảnh: Một trung tâm máy tính ở Plovdiv, Bulgaria năn 1983. Ảnh: Brandstaetter Images/Getty Images

Ảnh: Một trung tâm máy tính ở Plovdiv, Bulgaria năn 1983. Ảnh: Brandstaetter Images/Getty Images

Chỉ ít lâu sau bài báo đầu tiên, Bontchev bắt đầu nhận ra sai lầm của mình và nhận thấy virus máy tính thật sự là một vấn đề ngày càng nhức nhối. Ông bắt đầu phân tích các loại virus mới đang lan rộng khắp Bulgaria và công bố kết quả nghiên cứu của mình trên Computer for You để cảnh báo cộng đồng. 

Nhưng một lần nữa, các bài viết dù có ý tốt của Bontchev lại gây hậu quả không mong muốn - chúng truyền cảm hứng cho nhiều người bắt tay vào viết virus hơn. Có người học cách lập trình virus từ chính những bài báo mà Bontchev viết ra với mục đích cảnh báo, số khác tìm ra cách nâng cấp các virus hiện có dựa trên những "gợi ý" về điểm yếu của chúng trong những phân tích của Bontchev.

Đó là lúc người ta bắt đầu nói nhiều về "phân xưởng sản xuất virus Bulgaria". "Người Bulgaria không chỉ tạo ra nhiều virus máy tính nhất, mà họ còn tạo ra những virus tốt nhất" - The New York Times dẫn lời Morton Swimmer, người sáng lập Trung tâm kiểm nghiệm virus ở Hamburg, trong một bài báo năm 1990. 

"Nhân công" của phân xưởng này là những thanh niên Bulgaria có thiên hướng công nghệ và tố chất thông minh nhưng thiếu đất dụng võ. Lập trình virus trở thành một sự kích thích trí tuệ hiếm hoi mà họ có thể vớ lấy, hơn nữa lại được xem là chiếc vé bất thành văn để gia nhập tầng lớp tinh hoa của xã hội.

Ảnh trên trang hồ sơ cá nhân của Vesselin Bontchev.

Ảnh trên trang hồ sơ cá nhân của Vesselin Bontchev.

Bên kia chiến tuyến

Từ trước khi Bontchev viết về virus, có một người đã âm thầm rèn kỹ năng lập trình virus đến độ thượng thừa, luôn dùng tên giả Dark Avenger. Tháng 9-1988, "khi chưa có virus nào được viết ở Bulgaria, tôi quyết định viết con virus đầu tiên", Dark Avenger nói trong một cuộc phỏng vấn. 

Dù lời khẳng định mình là người viết virus đầu tiên ở Bulgaria là không chính xác vì đã có nhiều người khác đi trước hắn, Dark Avenger thật sự là người tiên phong sáng tạo ra những con virus chí mạng với máy tính, ngay từ "tác phẩm đầu tay" - virus Eddie, ra mắt tháng 3-1989.

Khi người dùng chạy chương trình bị nhiễm Eddie, virus sẽ không kích hoạt bằng cách tấn công các tập tin khác trong máy tính ngay lập tức mà im lặng ẩn nấp như chưa hề có chuyện gì xảy ra. 

Mỗi lần chương trình nhiễm virus được mở lên, Eddie sẽ sửa ngẫu nhiên một đoạn mã trong ổ cứng máy tính. Hành động phá hoại này giống như mỗi ngày chỉ rút một viên gạch ra khỏi tòa tháp cao cho đến một ngày toàn bộ công trình đổ ập xuống không một lời cảnh báo - là lúc chương trình nhiễm virus không còn khởi động được nữa vì mã nguồn đã bị hư hại nghiêm trọng.

Chỉ một thay đổi nhỏ này giúp Eddie trở nên cực kỳ nguy hiểm so với những người tiền nhiệm vì khiến nó có khả năng lẳng lặng lây nhiễm qua nhiều "vật chủ" cho đến khi bị phát hiện thì đã không thể cứu vãn. 

Dark Avenger rất tự hào về sáng tạo độc đáo, có thể "gieo rắc nỗi khiếp sợ lên tất cả kỹ sư máy tính và những kẻ khờ khạo khác", của mình. Gã chèn một dòng thông báo bản quyền trong đoạn mã độc của Eddie: "Chương trình này được viết ở thành phố Sofia © 1988–89 Dark Avenger". Chưa thỏa mãn cơn khát sau tiếng vang với Eddie, Dark Avenger tiếp tục lập trình nhiều virus hơn nữa và mỗi con virus sau lại phức tạp hơn con trước.

Virus mang thương hiệu Dark Avenger dễ lây lan đến mức chúng xâm nhập cả máy tính của quân đội, ngân hàng, công ty bảo hiểm và văn phòng y tế trên khắp thế giới. "Tôi có thể khẳng định rằng 10% trong số 60 cuộc gọi mà chúng tôi nhận được mỗi tuần là liên quan đến virus có xuất xứ từ Bulgaria và 99% trong số này là của Dark Avenger" - John McAfee, người sau này sẽ sáng lập công ty sản xuất phần mềm diệt virus McAfee, nói với The New York Times năm 1990.

Dark Avenger đặt tên Eddie cho virus của mình vì lấy cảm hứng từ nhân vật này, trên bìa album Somewhere in Time (1986) của nhóm nhạc Iron Maiden.

Dark Avenger đặt tên Eddie cho virus của mình vì lấy cảm hứng từ nhân vật này, trên bìa album Somewhere in Time (1986) của nhóm nhạc Iron Maiden.

Kỳ phùng địch thủ

Tuy nhiên không phải ai cũng là người hâm mộ Dark Avenger, nhất là Bontchev - chuyên gia chống virus hàng đầu của Bulgaria thời điểm đó. Thật vậy, không mất nhiều thời gian để giữa Dark Avenger và Bontchev xuất hiện một cuộc ganh đua giữa hai đối thủ không đội trời chung. 

Và sự thù địch giữa họ rốt cuộc lại càng thúc đẩy Dark Avenger viết ra những virus độc đáo hơn bao giờ hết, những phần mềm độc hại tạo ra mối đe dọa thật sự cho ngành công nghiệp chống virus và mọi người dùng máy tính cá nhân trên thế giới.

Với Bontchev, Dark Avenger mãi là một bí ẩn lớn. Những con virus của Avenger quá tàn độc và xấu xa, đến nỗi tác giả của chúng hẳn không thể nào là người bình thường về mặt tâm lý, Bontchev nghĩ. Ở chiều ngược lại, Dark Avenger cũng mang nỗi ác cảm tương tự với Bontchev và gọi ông bằng biệt danh không mấy mỹ miều là "con chồn".

Hiềm khích có lẽ xuất phát từ việc Bontchev dám xúc phạm đứa con tinh thần của Dark Avenger, miêu tả những đoạn mã do Dark Avenger tâm huyết viết ra là "cẩu thả" và đầy lỗi sơ đẳng. Hơn nữa, trong khi phần còn lại của thế giới virus xem Dark Avenger như một vị thần, Bontchev lại miêu tả ông như một kẻ nghiệp dư có hạng.

Đáp lại, Dark Avenger cập nhật Eddie, lập trình để con virus này tìm kiếm những tập tin có chứa tên của Bontchev - dấu hiệu cho thấy máy tính nạn nhân có sử dụng phần mềm diệt virus do Bontchev viết - và làm tê liệt hệ thống. Avenger còn sửa chữ ký phiên bản này thành "Bản quyền © 1989 thuộc về Vesselin Bontchev" để nhạo báng kình địch.

Ảnh: BitDegree

Ảnh: BitDegree

Nhờ Dark Avenger mà Bontchev càng được biết nhiều hơn, và ngược lại. Mối quan hệ lạ lùng này khiến có tin đồn bắt đầu lan truyền rằng Dark Avenger và Bontchev thực chất là cùng một người. Người ta cho rằng nhân vật Dark Avenger chỉ là nhân cách khác của Bontchev mà ông dùng để làm những việc không thể chính danh, và cuộc ganh đua nơi công cộng của hai người chỉ là một vở kịch.

Tất nhiên tất cả chỉ là phỏng đoán mà không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Những người không tin vào thuyết âm mưu lập luận rằng nếu Dark Avenger là nhân cách giả của Bontchev thì ông không cần thiết phải viết ra những con virus có sức tàn phá khủng khiếp đến thế chỉ để làm cho bản thân trở nên nổi tiếng. 

Dark Avenger cũng dùng những lời lẽ rất gay gắt khi nhắc về Bontchev: "Con chồn đó đi mà xuống địa ngục". Avenger thậm chí còn nói bóng gió rằng Bontchev chính là người phải chịu trách nhiệm cho sự trỗi dậy của nhà máy sản xuất virus Bulgaria, vì đã viết những bài khuyến khích và hướng dẫn việc viết mã độc.

Có một điều ít ai biết là dù Bontchev gần như dành trọn thời gian làm việc của mình để chiến đấu với virus, ông không hề ghét những người viết ra chúng. Sự thật là một số người lập trình virus thậm chí còn là bạn của ông, và ông có thể hiểu được tại sao họ lại làm vậy: viết ra những con virus thông minh là một lối thoát cho nhu cầu sáng tạo của những kỹ sư tin học không có đất diễn ở Bulgaria (có ít công ty phần mềm và mức lương tương đối thấp). Với Bontchev, dù hoạt động này không chính đáng, vô trách nhiệm và ấu trĩ, nhưng ít nhất nó cũng có thể đồng cảm được.

Người khiến ác nhân mở lòng

Giữ kín danh tính, nhưng người duy nhất khiến Dark Avenger chịu mở miệng chia sẻ về bản thân là một phụ nữ đặc biệt: Sarah Gordon, chuyên gia nghiên cứu máy tính có tuổi thơ nghèo khó và từng làm chuyên gia tư vấn thiếu niên gặp khủng hoảng.

Năm 1990, Gordon mua chiếc máy tính cá nhân đầu tiên và bắt đầu thấy có dấu hiệu lạ nhưng không biết hỏi ai, vì lúc đó rất ít người Mỹ từng tiếp xúc với virus máy tính. Hết cách, cô tìm đến một diễn đàn mang tên FidoNet nơi những người viết virus kết nối với nhau và ngay lập tức bị thu hút bởi một nhân vật dường như được tất cả trọng vọng, đó chính là Dark Avenger. 

Có điều gì đó ở Avenger khiến Gordon cảm thấy rất quen thuộc, nhất là với chuyên môn của cô trong việc giáo dưỡng trẻ vị thành niên sa ngã. "Cô nhận ra trường hợp của Dark Avenger là điển hình mối quan hệ nổi loạn giữa những chàng trai trẻ gặp rắc rối và những nhân vật có quyền lực" - Scott J Shapiro nhận xét trong bài viết đăng trên The Guardian.

Để kết nối với Dark Avenger, cô vờ đăng lên bản tin trên diễn đàn rằng cô muốn hắn lấy tên cô đặt cho virus tiếp theo. Vài tuần sau, yêu cầu của Gordon thành hiện thực khi trong mã nguồn của virus tiếp theo mà Dark Avenger tung ra có đoạn "Chúng ta dành tặng con virus nhỏ này cho Sara (sic) Gordon, người muốn đặt tên một con virus theo tên cô ấy".

Nhưng khi tìm cách liên hệ trực tiếp với Dark Avenger, Gordon nhận lại câu trả lời như gáo nước lạnh: "Cô nên đi gặp bác sĩ đi. Không có phụ nữ bình thường nào lại dành thời gian nói về virus máy tính". 

Không nản lòng, Gordon tiếp tục soạn một tin nhắn bằng tiếng Bulgaria và nhờ một nhà nghiên cứu người Mỹ có liên lạc thường xuyên với Dark Avenger chuyển lời giúp. Lần này, Avenger phản hồi một cách nhanh chóng và chẳng mấy chốc hai người bắt đầu liên lạc qua lại qua Internet.

Sarah Gordon phát biểu về những kẻ viết virus máy tính tại hội nghị bảo mật DEF CON lần 8 năm 2000. Ảnh chụp màn hình YouTube

Sarah Gordon phát biểu về những kẻ viết virus máy tính tại hội nghị bảo mật DEF CON lần 8 năm 2000. Ảnh chụp màn hình YouTube

Trao đổi giữa họ kéo dài trong 5 tháng. Gordon chưa từng công khai nội dung những tin nhắn đó ngoại trừ những trích đoạn mà cô đã xuất bản vào năm 1993 với sự cho phép của Dark Avenger. Những đoạn trao đổi này tiết lộ phần nào con người Dark Avenger: hắn cũng biết hối hận về hành vi của mình và có nghĩ đến hậu quả đạo đức của những thứ do mình tạo ra. 

"Tôi hối tiếc việc mình làm. Tôi chưa từng có ý gây ra những sự cố bi thảm (gây ra cái chết của hàng nghìn người). Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng những virus này sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ thứ gì khác bên ngoài máy tính" - Dark Avenger khẳng định trong trích đoạn trao đổi được công bố này.

Nhưng những đoạn chat cũng cho thấy ở hắn có sự hiếu thắng, lòng căm ghét và xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân của mình. Khi bị Gordon vặn hỏi liệu hắn không ý thức được máy tính có thể ảnh hưởng cuộc sống nhiều người hay sao, Dark Avengers cho rằng ít nhất ở Bulgaria thì không. 

"(Ở đây) máy tính cá nhân là những món đồ chơi rất xa xỉ mà không ai có tiền để mua và cũng không ai biết cách sử dụng… Những người dùng vô tội sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nếu họ chỉ dùng phần mềm có bản quyền" - Dark Avenger nói.

Dark Avenger cũng thừa nhận cảm thấy thích thú với danh tiếng và quyền lực mà mình có được. Hắn tỏ ra đặc biệt phấn khích khi virus của mình xâm nhập các thiết bị của phương Tây, và nỗi sợ lớn nhất là việc hắn làm không được ai để ý tới. Dark Avenger cũng xem virus là một phần danh tính của mình - một phần có thể thoát khỏi Bulgaria buồn tẻ để chu du khám phá thế giới. 

"Tôi nghĩ ý tưởng tạo ra một chương trình có thể tự di chuyển và đến những nơi mà người tạo ra nó không bao giờ có thể đến được là thú vị nhất đối với tôi. Chính phủ Mỹ có thể ngăn tôi đến Mỹ, nhưng họ không thể ngăn chặn virus của tôi" - Dark Avenger nói.

Kẻ viết virus nguy hiểm nhất thế giới - Ảnh 8.

Đến tận hôm nay, danh tính thật của Dark Avenger vẫn là một bí ẩn. Việc một ai đó - cũng có thể là một tổ chức nào đó - có thể phá hoại ở quy mô toàn cầu mà vẫn chưa bị vạch trần quả là chuyện hiếm. Sự ẩn danh hoàn hảo của Dark Avenger là điềm báo cho tương lai, khi một thế hệ tin tặc mới có thể sử dụng bức màn ẩn danh để hành động mà hoàn toàn không chịu sự trừng phạt.

Thế giới web ngày nay tràn ngập các loại phần mềm độc hại với khả năng tự tái tạo và sức tàn phá lớn hơn nhiều lần so với bất cứ thứ gì Dark Avenger từng tạo ra, nhưng di sản của hắn vẫn đang sống cùng Internet. Dark Avenger và Gordon dừng liên lạc sau khi cô kết hôn, nhưng ký ức về hắn vẫn gây ấn tượng sau hàng chục năm.

"Tôi nghĩ hắn có thể là một trong những người tốt bụng nhất mà tôi từng gặp, và cũng là một trong những người nguy hiểm nhất" - Gordon nói với The Guardian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận