TTCT - Nghiên cứu từ những năm 1980 đã cho thấy y bác sĩ có thành kiến với người béo phì và mô tả họ bằng những từ ngữ như “thiếu nghị lực”, “lười biếng” hoặc “thiếu kỷ luật”. Nhiều bệnh nhân cho biết họ bị chẩn đoán sai và các bác sĩ thường máy móc suy diễn các triệu chứng bệnh là do cân nặng mà ra. Minh họa: TodayNhiều người béo phì cho biết họ không muốn đi khám vì thái độ coi thường, kỳ thị người “ngoại cỡ” của y bác sĩ và cảm thấy vấn đề sức khỏe của họ không được tiếp nhận nghiêm túc.Mọi thứ đổ cho cân nặngDo thừa cân, Melissa Krechmer, một nhân viên xã hội ở Philadelphia (Mỹ) cảm thấy vô cùng mệt mỏi và áp lực vì mỗi lần đi khám bệnh là phải nghe điệp khúc "phải giảm cân". “Tôi đi khám dị ứng nhưng họ vẫn nói bạn cần uống thuốc này và cần giảm cân đi. Bác sĩ khuyên tôi giảm cân khi tôi đi khám vì bất cứ lý do gì” - Krechmer kể với tạp chí Scientific American.Chuyện này phổ biến đến mức Krechmer sợ đi khám bệnh, và thực tế cho thấy chị không phải là trường hợp cá biệt. Theo nghiên cứu của giáo sư Kimberly Gudzune, khoa y của Trường đại học Y Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ), khoảng 55% người béo phì cho biết họ đã hủy, không đi khám, tầm soát ung thư vì mặc cảm về cân nặng hoặc cảm thấy bị đối xử thiếu tôn trọng. Người béo phì được khuyên nên giảm cân dù không yêu cầu tư vấn.Melissa Boughton, 34 tuổi, sống ở Durham, North Carolina, đi khám vì cảm thấy có một cơn đau âm ỉ bất thường ở vùng chậu. Khi bác sĩ hỏi về chế độ ăn và thói quen tập thể dục, Boughton thấy câu hỏi có vẻ không liên quan đến tình trạng của mình. Qua nhiều lần khám, người bác sĩ này vẫn nói về chế độ ăn và tập thể dục, cho rằng giảm cân có thể giải quyết được chứng đau vùng chậu của chị. Để chị hoàn toàn yên tâm, bác sĩ cho chị làm siêu âm. Kết quả siêu âm cho thấy Boughton có một khối u dài 7cm chứa đầy dịch ở trên buồng trứng trái và đó là lý do vùng chậu của chị đau âm ỉ. Boughton nói với trang Kaiser Health News: “Tôi ghét cách bác sĩ đó đối xử với mình, chẩn đoán đưa ra dựa trên một cái nhìn rất sơ sài”.Chuyện của Rashelle Hamilton còn bi hài hơn. Trước đây, Hamilton luôn hài lòng mỗi lần đi khám vì các bác sĩ “tin những gì tôi nói, họ tìm hiểu các triệu chứng của tôi”. Nhưng trong lần đi khám mới nhất vào tháng 12-2020, khi đã tăng 13kg sau khi sinh con, bác sĩ chỉ nhìn Hamilton - lúc này nặng 98kg, và lập tức cho rằng cô bị tiểu đường type 2 mà không cần xét nghiệm máu hay kiểm tra xem cô có triệu chứng tiểu đường gì không. Bác sĩ sau đó còn chỉ định Hamilton tiêm thuốc tiểu đường có giá đến 800 USD/tuần, rồi mới kêu làm xét nghiệm. Trải nghiệm này khiến cô cảm thấy không còn tin tưởng bác sĩ nữa, Hamilton kể với báo địa phương North Carolina Health News.Các bằng chứng từ nghiên cứu cho thấy thời gian khám và tư vấn của bác sĩ cho bệnh nhân béo phì cũng ít hơn so với bệnh nhân có thân hình vừa vặn. Những bệnh nhân cảm thấy bị kỳ thị do cân nặng ở cơ sở y tế cũng có kết quả điều trị kém. Họ có nhiều khả năng sẽ né tránh hoặc trì hoãn đi khám bệnh. Béo phì cũng tác động tiêu cực đến việc tầm soát ung thư theo độ tuổi, có thể làm chậm phát hiện ung thư vú, bệnh phụ khoa và đại trực tràng.Bị kỳ thị nói chung là độc hại với sức khỏe. Nó có thể góp phần gây ra lo lắng, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tác động trực tiếp đến sinh lý như làm tăng huyết áp, gây ra chứng viêm… ở một người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị kỳ thị do cân nặng lại có xu hướng tăng cân nhiều hơn theo thời gian.Một nghiên cứu năm 2016 với hơn 21.000 người cho thấy ở những người đã bị béo phì hoặc thừa cân, việc bị kỳ thị do cân nặng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, các bệnh tim nhẹ, loét dạ dày và tiểu đường.Mặc dù các y bác sĩ đều muốn mang đến cho bệnh nhân dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, thực tế cho thấy là con người, họ không có khả năng hoàn toàn khách quan, không bị tác động bởi các thành kiến ngầm. Các bác sĩ cũng thường không được đào tạo về kỳ thị hoặc sự phức tạp của cân nặng. Hệ thống y tế bị quá tải khiến tình trạng kỳ thị bệnh nhân béo phì không được quan tâm đúng mức. Minh họa: Medical ExpressNhững hiểu lầm tai hại về béo phìCho đến nay, kỳ thị về cân nặng chưa được nhìn nhận là một rào cản đối với những nỗ lực giảm tình trạng thừa cân, béo phì. Một số chiến lược về sức khỏe cộng đồng thậm chí còn công khai kỳ thị người bị béo phì, dựa trên giả định rằng bị xấu hổ sẽ cho họ động lực giảm cân.Tuy nhiên, cả hai phương pháp nghiên cứu quan sát và ngẫu nhiên có đối chứng đều cho thấy những chiến lược này có thể bị phản tác dụng, kỳ thị khiến người béo phì tránh tập thể dục, ăn nhiều đồ ăn không lành mạnh dẫn đến trao đổi chất kém, tăng cân và giảm chất lượng cuộc sống của họ.Quan điểm cho rằng nguyên nhân của thừa cân và béo phì là do lỗi của cá nhân, như lười biếng và ham ăn, thiếu nghị lực còn rất phổ biến. Nó bắt nguồn từ việc cho rằng cân nặng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Giả định này và các hệ quả của nó đang mâu thuẫn với các bằng chứng sinh học và lâm sàng trong vài thập kỷ qua. Việc đơn giản hóa cân nặng bằng công thức cân nặng = calorie ăn vào - calorie tiêu hao ngụ ý rằng cân nặng hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách ăn kiêng và tập thể dục nhiều hơn. Tuy nhiên, lượng calorie ăn vào của chúng ta bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như men tiêu hóa, axit mật, hệ vi sinh vật, hormone đường ruột, tín hiệu thần kinh, không có yếu tố nào trong số này mà chúng ta có thể chủ động kiểm soát được.Tương tự, lượng calorie tiêu hao không hoàn toàn được quyết định bằng hoạt động thể chất, vốn chỉ có vai trò với khoảng 30% tổng calorie tiêu hao hằng ngày. Trao đổi chất (quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn, đồ uống thành năng lượng) chiếm 60–80% tổng calorie tiêu thụ hằng ngày, tác động nhiệt của việc tiêu hóa thức ăn chiếm khoảng 10%. Do đó, ngay cả khi tập thể dục, trừ các vận động viên chuyên nghiệp, vai trò của hoạt động thể chất với tiêu hao năng lượng là tương đối nhỏ.Một quan niệm sai lầm nữa là béo phì là do ăn uống vô độ và lối sống lười vận động. Một lần nữa đây là một kết luận quá đơn giản, dựa trên suy nghĩ chủ quan của chúng ta về sự thay đổi của cân nặng sau một thời gian ăn quá nhiều hoặc ít vận động. Các bằng chứng thực tế cho thấy béo phì do nhiều nguyên nhân.Một nghiên cứu của Canada phát hiện những bé gái béo phì đi nhiều bước chân mỗi ngày hơn so với những bé gái cân nặng bình thường. Phát hiện tương tự cũng được ghi nhận ở người lớn. Nghiên cứu cho thấy mặc dù có cường độ hoạt động thể chất cao hơn đáng kể, tổng tiêu hao năng lượng hằng ngày của những người săn bắn hái lượm ở các thảo nguyên ở châu Phi ngày nay hầu như tương tự với của người trưởng thành ở các thành phố hiện đại ở Âu Mỹ, nơi tỉ lệ béo phì cao. Những phát hiện này cho thấy có sự thích nghi trao đổi chất có tính bù trừ để tổng mức tiêu hao năng lượng ổn định ở các quần thể người dù các mức hoạt động thể chất khác nhau.Các bằng chứng khác hiện nay cũng cho thấy có khả năng nguyên nhân gây bệnh béo phì là do gene, thiếu ngủ, rối loạn nhịp sinh học, căng thẳng tâm lý, rối loạn nội tiết, tác dụng phụ của thuốc, đặt vòng tránh thai… Những yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng này hoàn toàn không liên quan đến ăn uống quá mức hay ít vận động.Một mặc định sai lầm khác nữa là tình trạng béo phì nặng có thể đảo ngược bằng cách giảm ăn và tăng vận động. Cân nặng và chất béo trong cơ thể do nhiều cơ chế sinh lý điều chỉnh, không chỉ phụ thuộc vào lượng thức ăn chúng ta ăn vào và tập thể dục. Nhiều bằng chứng lâm sàng đã chỉ ra rằng những nỗ lực về ăn kiêng và tập thể dục nhiều hơn chỉ mang lại những kết quả khiêm tốn trong giảm cân ở hầu hết những người bị béo phì nặng. Khi lượng mỡ giảm, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giảm tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi, đưa ra các tín hiệu làm tăng cảm giác đói và giảm cảm giác no. Nhưng điều này thúc đẩy quá trình lấy lại cân nặng và tồn tại chừng nào người đó còn trong trạng thái giảm năng lượng, ngay cả khi họ đã tăng cân trở lại. ■Kỳ thị và phân biệt đối xử về cân nặng đang lan rộng và ảnh hưởng xấu đến những bệnh nhân “nặng ký”. Năm 2020, hơn 100 cơ quan y tế và tổ chức khoa học khắp thế giới đã cùng cam kết chống lại sự kỳ thị về cân nặng của bệnh nhân. Tags: Bệnh nhânBác sĩBéo phìChẩn đoánKhám bệnhNặng cânPhân biệt đối xử
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?