Khi "con tàu" Hi Lạp tự chìm!

DANH ĐỨC 27/05/2013 01:05 GMT+7

TTCT - Cho đến hết thế kỷ 20, Hi Lạp vẫn còn được xem là cường quốc đóng tàu và hàng hải lâu đời nhất thế giới. Làm thế nào mà nay họ lại đặt Trung Quốc đóng đến 142 con tàu, trong khi tại quê nhà công nhân đóng tàu hoặc thất nghiệp hoặc vẫn đang làm việc mà không được nhận lương?

Phóng to
Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras (trái) trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại lễ ký bản ghi nhớ ngày 16-5 nhân chuyến thăm Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Hôm chủ nhật 19-5, báo chí Trung Quốc hoan hỉ giật tít “Hi Lạp sẽ mua 142 tàu thủy từ Trung Quốc” (1) cùng thông tin chi tiết: “Bộ trưởng hàng hải Kostis Mousouroulis (từ Thượng Hải) cho biết các chủ hãng tàu Hi Lạp gần đây mới ký hợp đồng mua 142 con tàu mới từ các hãng đóng tàu Trung Quốc. Các đơn đặt hàng này, được ký vào tháng 4, chiếm đến hơn 60% số đơn đặt hàng trên toàn cầu của các chủ hãng tàu Hi Lạp”.

Mẩu tin còn đưa thêm chi tiết “bối cảnh”: “Công nghiệp hàng hải, trong đó có công nghiệp đóng tàu, là một trong những lĩnh vực hợp tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất giữa hai nước”.

Chuyến đi cầu viện

“Hải cảng Hi Lạp, sân bay Hi Lạp, đường sắt Hi Lạp có thể sẽ là một phần của mạng lưới thương mại rộng lớn mở ra từ Hi Lạp vào sâu trong nội địa châu Âu”

Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras
mời chào tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc

Trước đó vài ngày, hôm thứ năm 16-5 tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras đã đọc một bài diễn văn nhân chuyến công du kéo dài năm ngày của mình: “Tôi biết rằng Trung Quốc đang đầu tư khắp nơi, vậy hãy đầu tư vào Hi Lạp đi”. Ông đã lôi cả lịch sử cùng các triết gia cổ đại Hi Lạp ra mà sánh với lịch sử các triết gia cổ đại nước chủ nhà để lấy lòng trước khi nguyện làm “đầu cầu” cho Trung Quốc đổ bộ vào khối EU mà năm tới sẽ đến phiên Hi Lạp làm chủ tịch luân phiên.

Ông nói: “Cả hai đất nước chúng ta đều được khắc sâu lâu dài trong lịch sử... Người Trung Hoa và người Hi Lạp đếm thời gian bằng đơn vị thế kỷ và thiên niên kỷ... trong khi thiên hạ đếm thời gian bằng đơn vị năm hoặc thập niên. Chúng ta còn chung nhiều điều khác nữa: Trung Hoa cổ đại từng trải qua thời Xuân Thu, trong đó “cả ngàn học thuyết đua nở”. Hi Lạp cổ đại cũng trải qua kinh nghiệm giống thế... vào thời tiền Socrates với nhóm Thất hiền (2)”...

Tất cả để đạt đến kết quả của chuyến đi này là một bản ghi nhớ giữa cơ quan phụ trách tư nhân hóa (cổ phần hóa) của Hi Lạp với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc về việc khuyến khích các công ty Trung Quốc tham gia mua lại tài sản của Nhà nước Hi Lạp, và giữa cơ quan phụ trách đầu tư của Hi Lạp với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc về việc xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực du lịch, địa ốc, viễn thông, năng lượng, đầu tư tài chính...

Nôm na mà nói, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dự định sẽ làm trung gian ứng vốn cho các công ty Trung Quốc tham gia cổ phần hóa các công ty quốc doanh Hi Lạp, từ các hải cảng đến sân bay quốc tế Eleftherios Venizelos ở thủ đô Athens. Trong quá khứ gần, cảng Piraeus ở khu vực thủ đô Athens đã được bán gần hết cho Công ty COSCO của Trung Quốc, để rồi người Hi Lạp đi làm cho các ông chủ Trung Quốc ngay tại thủ đô mình.

Cái giá của việc “ngửa tay”

Chưa hết, Hi Lạp còn nguyện thỉnh Tập đoàn viễn thông Huawei vào với hi vọng biến Hi Lạp thành một đầu mối trung chuyển, đồng thời giao các đại học và viện nghiên cứu Hi Lạp cho Huawei hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng nhân viên, báo mạng Enet của Hi Lạp cho biết. Trớ trêu thay, Huawei đang bị khối EU xem là kình địch trong những ngày này.

Thủ tướng Hi Lạp vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc thì cũng là lúc Ủy ban châu Âu sắp sửa mở ra một mặt trận chống lại việc Huawei và ZTE (một tập đoàn khác của Trung Quốc chuyên sản xuất điện thoại di động cũng được Hi Lạp thỉnh vào đợt này) đã bán phá giá trong một thương vụ cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời lên đến 21 tỉ euro, khiến các công ty thiết bị mặt trời hàng đầu của Đức là Q-Cells và Solarworld phải phá sản (3).

Thật ra, Hi Lạp cũng có lý do riêng để thỉnh Trung Quốc vào. Tháng 1 năm ngoái, đại sứ Trung Quốc tại Hi Lạp Đỗ Kỳ Văn long trọng loan báo rằng Bắc Kinh đã gia tăng đóng góp cho Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF (cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gánh nợ cho Hi Lạp), đồng thời đã mua lại nợ của Hi Lạp theo yêu cầu của Athens.

Chưa hết, đại sứ Đỗ Kỳ Văn còn cho biết Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc đã lập ra một quỹ đặc biệt với vốn ban đầu là 5 tỉ USD nhằm cung cấp dịch vụ tài chính để hỗ trợ các ngành công nghiệp Hi Lạp, trong đó có công nghiệp hàng hải (4).

Vấn đề là cái gọi là quỹ đặc biệt 5 tỉ USD cứu giúp đó sẽ rót tiền vào đâu. Nhất định không được rót cho các hãng đóng tàu vì như thế sẽ bị kết tội là “nhà nước trợ cấp”. Nếu thế thì chỉ còn có thể rót vào các hãng tàu vốn cần vay ngoại tệ để tân trang hạm đội thương thuyền.

Năm ngoái, Hãng tàu Paragon của Hi Lạp được vay 69 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc để đặt Hãng đóng tàu Zhejiang Ouhua Shipbuilding đóng hai con tàu. Vừa được vay vốn từ Trung Quốc “đầu tư”, vừa được đóng tàu giá rẻ do nhân công Trung Quốc lương thấp hơn nhiều so với nhân công Hi Lạp, Hãng Paragon như “chết đi, sống lại”.

“Làm ơn cứu lấy công nghiệp đóng tàu!”. Đó là van nài của các nghiệp đoàn công nhân đóng tàu Hi Lạp đưa ra tháng 6 năm ngoái khi các hãng đóng tàu không có tiền trả lương. Công nhân nào còn có việc làm thì cứ làm, mà lương thì chưa được lãnh. Đến tháng 10, công nhân xuống đường đòi lương gây xô xát với cảnh sát trước cổng Bộ Quốc phòng mà chủ hãng thiếu họ từ sáu tháng qua, trong khi họ vẫn cứ “yên tâm” đóng tàu cho hải quân.

Đó là tình hình của năm ngoái. Còn giờ đây thì sẽ chẳng có tàu để mà đóng nữa, cho dù có vẫn đi làm mà không lãnh lương. 142 con tàu mà các hãng Trung Quốc sẽ đóng cho các hãng tàu Hi Lạp, bằng tiền vốn của Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc (xì tiền tay phải, lấy lại tay trái cả vốn lẫn lãi) sẽ viết nên chương cuối cùng của lịch sử công nghiệp đóng tàu hơn 2.000 năm của Hi Lạp, như có thể rút ra từ nhận xét sau của trang web shipbuildingtribune.com chuyên ngành đóng tàu: “Hi Lạp đã trở thành khách hàng quan trọng của các hãng đóng tàu Trung Quốc”.

Thật ra, các hãng đóng tàu Hi Lạp cũng còn chút công việc cho một dúm công nhân: đóng du thuyền sang trọng cho các “đại gia” (5). Xứ nào cũng có những “đại gia” không bao giờ hết xài sang dù cho cả nước có chết đói. “Con tàu” Hi Lạp tới đây có chìm trong “biển người” Trung Quốc sang đầu tư xây dựng hạ tầng cũng là kịch bản “còn hơn là chết đói” mà Thủ tướng Samaras mong đợi.

____________

(1): http://english.peopledaily.com.cn/90778/8249449.html
(2): Thất hiền (The seven sages of Greece) là tên gọi nhóm bảy triết gia, chính khách và lập pháp Hi Lạp đầu thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên nổi danh vì sự khôn ngoan của họ
(3):
http://www.telegraph.co.uk/finance/china-business/10069455/EU-arms-second-front-in-China-trade-war-with-Huawei-probe.html
(4): http://en.jmc.uoa.gr/events/china-greece-and-the-eu/china-stresses-commitment-to-help-greece.html
(5): http://www.guardian.co.uk/world/2011/aug/04/greek-shipyards-luxury-yachts

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận