TTCT - Trong làng báo Việt Nam thời “tiền chiến” (trước năm 1945), người ta chứng kiến khá nhiều sự liên minh, liên kết, mà cũng chứng kiến không ít những xung khắc, xung đột, có khi rất quyết liệt. Phóng to Tranh: Lê Thiết Cương Một trong những vụ việc nổi cộm ở làng báo Nam kỳ những năm 1930 là những xung đột sau sự kiện Hội chợ Phụ nữ 1932. Cuộc hội chợ lấy tên “Hội chợ Phụ nữ”, do báo Phụ Nữ Tân Văn (PNTV) và Hội Dục anh Sài Gòn tổ chức, có mời vào ban tổ chức một số chủ báo thời danh cho có thanh thế, tuy vậy khoản tiền đầu tư cho hội chợ hoàn toàn là của chủ báo PNTV. Hội chợ mở cửa từ ngày 4 đến ngày 7-5-1932 tại sân thể thao ở đường Lareynière (sau Trường Nữ học), có nhiều hoạt động quảng bá về nữ công gia chánh, nữ học, chăm sóc trẻ em, lại có diễn đàn đưa một số nữ diễn giả lên thuyết trình về văn học (Nguyễn Thị Kiêm) hoặc tranh luận hai cách hiểu thế nào là giải phóng phụ nữ (bà Phan Văn Gia, cô Phan Thị Bạch Vân)..., bởi vậy được dư luận đánh giá rất tốt. Thế nhưng hội chợ vừa bế mạc thì xung đột đã nảy sinh. Lý do sâu xa, theo sự tọc mạch của một nhà báo từ Hà Nội là Hoàng Tích Chu, thì chỉ là vì chủ báo PNTV thu được món lãi khá lớn từ hội chợ này! Mấy ông ủy viên “hờ” của ban tổ chức đòi soi vào mặt hàng bông giấy (confetti) tại hội chợ mà các bà vợ và con gái mấy ông chủ báo hoặc ông nghị viên cũng đứng bán giúp PNTV trong những ngày hội chợ, nhưng lại bị chủ báo PNTV loại ra không tính vào thu chi chung. Từ đây tung ra lời lên án chủ báo PNTV lợi dụng hội chợ để kiếm lời. Ba tờ báo Trung Lập, Sài Thành, Công Luận liên tiếp tấn công. PNTV thì ra thêm báo hằng ngày bên cạnh báo hằng tuần để đáp trả. Ba ông chủ báo kia còn định in sách “Cái án Hội chợ Phụ nữ”, rồi bàn nhau tổ chức một cuộc mittinh để luận tội chủ báo PNTV công khai trước công chúng thành phố, nhưng đến giờ cuối, tòa Đốc lý đã không cấp phép! Rốt cuộc thì chủ báo PNTV kiện các chủ báo kia ra tòa trừng trị về tội “phỉ báng”, có trạng sư Trịnh Đình Thảo biện hộ. Vụ kiện kéo sang năm 1933, hai chủ báo Trung Lập, Sài Thành bị xử thua, phải nộp tiền phạt và đăng nhiều kỳ lời kết tội của tòa! Ở làng báo làng văn xứ Bắc thì hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn thường xuyên đụng độ với những cây bút cộng tác trên các tờ Ích Hữu, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San của nhà Tân Dân. Ban đầu họ tố nhau “đạo văn”: bên này tố Nguyễn Công Hoan đã lấy cốt truyện Đoạn tuyệt của Khái Hưng để viết Cô giáo Minh, bên kia tố Khái Hưng lấy cốt truyện Ngược dòng của Từ Ngọc để viết Thoát ly. Về sau Hoàng Đạo trên báo Ngày Nay phát hiện được một “mẹo” kiếm chênh lệch khá hiệu quả của nhà Tân Dân: ấy là xin phép ra báo Phổ Thông Bán Nguyệt San để được mua giấy giá thấp, nhưng đem in các số bán nguyệt san này như những quyển sách (trên dưới 100 trang khổ nhỏ, 13x19cm) mà phần chính là một tiểu thuyết hoặc một vài truyện ngắn, truyện vừa. Nội dung lời tố giác của Ngày Nay hoàn toàn không bịa đặt. Thế nhưng bài của Hoàng Đạo còn chưa ráo mực in thì mấy tờ Ích Hữu, Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã lên tiếng kêu gọi làng văn làng báo tẩy chay Ngày Nay và văn đoàn Tự Lực vì tội “báo nhà Đoan” - mách lẻo sở thuế. Lời qua tiếng lại ồn lên một dạo trên các báo miền Bắc. Các nhà đương cục không thể không biết chuyện. Nhưng tịnh không hề thấy giấy phép Phổ Thông Bán Nguyệt San bị thu hồi hay nhà Tân Dân bị tính lại mức thuế, nghĩa là hành vi “lách luật” của ông chủ Tân Dân nghiễm nhiên được cho qua. Báo Ngày Nay bèn chuyển sang các đề tài khác. Vậy là trong đời sống báo chí “tiền chiến”, những tranh chấp, xung đột giữa các báo - thậm chí những xung đột cho thấy sự định kiến và hành động sai trái của người làm báo - không phải bao giờ cũng chờ nhà đương cục phân giải, xử trí, hoặc tha thứ hoặc trừng phạt nghiêm khắc. Bởi, về rất nhiều phương diện, những người cùng làm một nghề đã tự biết cách điều chỉnh hành vi của mình, để vừa cạnh tranh vừa cùng tồn tại. Cũng là một cách để giữ lấy sự tự chủ. Tags: Phiếm đàmLại Nguyên ÂnLàng báoNgày NayTân DânHoàng ĐạoTiểu thuyết thứ bảy
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.