TTCT - Xu hướng chọn người bên ngoài giới hàn lâm vào vai trò lãnh đạo trường ĐH đang gia tăng đáng kể, bất luận những tranh cãi vẫn đang diễn ra liên quan đến nó. Chúng ta nên khích lệ xu hướng này? Một nghiên cứu của Scott C. Beardsley xuất bản năm 2017 cho biết xu hướng chọn người bên ngoài giới hàn lâm vào vai trò lãnh đạo trường ĐH đang gia tăng đáng kể. Năm 2014, ở Mỹ, 62% hiệu trưởng các trường chưa hề có kinh nghiệm quản lý hàn lâm trước đó (được định nghĩa là từng nắm các chức vụ từ giáo sư đến trưởng bộ môn, trưởng khoa, phó hiệu trưởng và hiệu trưởng).Xu hướng này đã gây ra tranh cãi mạnh mẽ trong giới hàn lâm cũng như giới quản lý. Nhưng tỉ lệ hiệu trưởng phi truyền thống (tức không thuộc giới academic) vẫn không ngừng tăng từ năm 1989 đến nay, và xu hướng đó có vẻ như không thể đảo ngược.Giới hàn lâm nghĩ gì?Giới quản lý chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp (DN) khi nắm vai trò quản lý điều hành trường ĐH đã áp dụng triệt để các nguyên tắc quản lý theo hiệu quả, nói theo ngôn ngữ của giới DN là tối đa hóa lợi nhuận: tăng nguồn thu, giảm chi phí.Điều này được biện minh là nhằm đáp ứng thực tế ngân sách nhà nước cấp cho các trường ĐH không ngừng giảm đi trên phạm vi toàn cầu. Hệ quả là, trong bối cảnh Hoa Kỳ, số giảng viên trong biên chế đã giảm mạnh, thay bằng giảng viên hợp đồng, những người nhận đồng lương rẻ mạt, không có gì bảo đảm an toàn về chỗ làm và các phúc lợi.Một phần tư giảng viên hợp đồng trong các ĐH Mỹ phải nhận sự trợ giúp từ các chương trình hỗ trợ người nghèo của chính phủ, có những người không nhà phải sống ngay trên xe hơi của mình và ngập trong nợ nần. Tỉ lệ giảng viên ngoài biên chế hiện là 75% trên tổng số giảng viên ĐH ở Mỹ.Thế nhưng học phí ở Mỹ vẫn không ngừng tăng. Học phí ĐH kể cả ăn ở năm 1931 là 1.200 USD/năm, tương đương 19.000 USD ngày nay. Hiện giờ, con số đó khoảng 52.000 USD, tức tăng gần 3 lần. Thêm vào đó, triển vọng việc làm của sinh viên tốt nghiệp không còn sáng sủa như trước. Trong lúc đó, lương trung bình của các hiệu trưởng Mỹ là 418.000 USD/năm, gấp 3,8 lần so với lương giáo sư biên chế.Tuy vậy, không thể phủ nhận các trường ĐH Mỹ trong nhiều thập niên qua đã đóng vai trò chính trong việc tạo ra tri thức, tiến bộ khoa học công nghệ và nhiều thành tựu quan trọng khác.Những con số trên phản ánh một số hiện tượng nổi bật trong giáo dục ĐH, nhưng những hiện tượng đó có liên quan với nhau như thế nào là một vấn đề cần phải nghiên cứu. Trên phạm vi toàn cầu, các trường ĐH nghiên cứu Mỹ vẫn chiếm giữ những vị trí quan trọng từ năm này sang năm khác.Cũng cần lưu ý là nghiên cứu trên đây đã cho biết, dựa trên bảng xếp hạng ĐH US News & World Report, trong ngũ phân vị thứ nhất thì tỉ lệ hiệu trưởng phi truyền thống là 14%, trong lúc ở nhóm cuối thì tỉ lệ này là 44%, tức là hiệu trưởng phi truyền thống chủ yếu nằm ở nhóm các trường thứ hạng thấp hơn và quy mô nhỏ, nhưng điều này không có nghĩa những trường lớn và có uy tín không có lãnh đạo thuộc loại này.Giới hàn lâm nói chung không hưởng ứng xu hướng này. Nhiều người trung thành với quan niệm truyền thống cho rằng trường ĐH là để phục vụ lợi ích công và không nên biến nó thành một DN, vì lợi ích mà một trường ĐH tạo ra cho xã hội không chỉ thể hiện trên bảng cân đối thu chi của trường.Cách quản lý theo lối DN nhấn mạnh việc đo lường những thành quả tức thời, vì thế không khích lệ việc theo đuổi những mục tiêu dài hạn. Điều này có thể mâu thuẫn với bản chất của nghiên cứu khoa học là tìm kiếm tri thức mới, dù tri thức ấy có khi vài chục năm sau mới biến thành tiến bộ công nghệ, hoặc có khi chỉ là thỏa mãn nhu cầu mở rộng biên giới trí tuệ.Những quan điểm ngược lạiTrong khi đó, có rất nhiều lý do để giải thích xu hướng bổ nhiệm hiệu trưởng ĐH là những người thuộc giới DN. Vài ví dụ gần đây có thể nêu là Janet Napolitano, nguyên bộ trưởng Nội an Mỹ, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng hệ thống University of California năm 2013.Clayton Rose, vốn là phó chủ tịch Ngân hàng JPMorgan, làm hiệu trưởng Bowdoin College từ năm 2015. Năm 2016, South Carolina State University cũng bổ nhiệm James Clark, vốn là nhà quản lý cấp cao của Công ty AT&T, vào vị trí hiệu trưởng.Một lý do dễ thấy nhất là những phẩm chất, kiến thức và kỹ năng của một nhà khoa học giỏi rất khác với những kiến thức và kỹ năng mà một nhà quản lý hay lãnh đạo trường ĐH cần có.Nghiên cứu khoa học và giảng dạy so với quản lý lãnh đạo một trường ĐH là những công việc rất khác nhau, thậm chí quản lý một khoa cũng rất khác với lãnh đạo một trường ĐH và kinh nghiệm của việc này không chắc là có ích gì cho việc kia, nếu không nói là có khi còn cản trở.Trường ĐH giờ đây là một cỗ máy tốn kém. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm đủ nguồn lực duy trì cỗ máy tốn kém ấy.Trong bối cảnh ngân sách thu hẹp lại thì việc tìm kiếm những nguồn thu mới để bù đắp, cạnh tranh để giành sinh viên, thuyết phục các nhà tài trợ, mở ra những hướng đi mới và thắt chặt quan hệ với giới DN trở thành những việc quyết định sự sống còn của nhà trường. Những việc đó rất khác với pha chế trong phòng thí nghiệm, giảng dạy hay hướng dẫn sinh viên.Thời nay, dưới sự phát triển quá nhanh của công nghệ, tất cả đều đang thay đổi. Để đáp ứng sự thay đổi đó, con người ngày càng cần biết rộng hơn, sâu hơn, vừa phải có kiến thức liên ngành vừa phải có kỹ năng chuyên môn hóa.Một nghề phức tạp và cần trình độ cao như nghề quản lý, lại là quản lý một thực thể phức tạp như trường ĐH, càng cần nhấn mạnh tính chuyên nghiệp hơn bao giờ hết.Vì thế, tuy vẫn cần hiểu biết về bản chất của hoạt động hàn lâm và những chuẩn mực học thuật, hiệu trưởng ĐH ngày nay còn phải thường trực giải quyết bài toán tìm kiếm nguồn thu, đáp ứng những yêu cầu, quy định của nhà nước và hơn thế nữa, giải trình trách nhiệm trước con mắt phê bình nghiêm ngặt của công chúng cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời.Một người có kinh nghiệm quản lý trong giới DN thường sẽ rất quen thuộc với những bài toán như vậy và vì không bị hạn chế trong lối nghĩ truyền thống của giới hàn lâm, có thể tìm kiếm được những giải pháp mới để vượt qua thách thức. Đấy là lý do khiến các trường đang lâm vào tình trạng khủng hoảng có xu hướng tìm kiếm hiệu trưởng bên ngoài giới hàn lâm nhiều hơn.Thực tế Việt NamHiện nay, Luật giáo dục ĐH quy định hiệu trưởng trường ĐH phải có bằng tiến sĩ và 5 năm kinh nghiệm quản lý trong hệ thống ĐH (được hiểu là đã trải qua các chức vụ từ trưởng bộ môn trở lên). Quy định này áp dụng đối với cả trường công và tư. Vì thế, danh chính ngôn thuận thì các hiệu trưởng ĐH ở Việt Nam đều là người xuất thân từ giới hàn lâm.Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên chấp nhận hoặc khích lệ xu hướng trên đây hay không, nếu có hoặc nếu không thì vì sao? Cũng cần lưu ý một thực tế là trong làn sóng mở trường tư ào ạt trước đây, bên cạnh những DN làm ăn bài bản và nhiều nhà giáo tâm huyết, có những người không có chút kinh nghiệm và hiểu biết gì trong giới ĐH cũng mở trường như một dịch vụ có thể kiếm lời nhiều và nhanh.Tuy vậy, qua ba thập niên phát triển, thị trường giáo dục ĐH tư ở Việt Nam đang dần điều chỉnh theo xu hướng lành mạnh hơn, tập trung vào một số nhóm các nhà đầu tư có năng lực và nguồn lực.Một xu hướng khác cũng đang rõ nét là đầu tư công cho giáo dục ĐH nhìn chung sẽ giảm và tập trung hơn, nghĩa là nhiều trường công sẽ trở thành tự chủ tài chính và phải trực tiếp cạnh tranh trên thị trường. Cơ cấu tài chính ĐH cũng sẽ đa dạng hơn, không phải chỉ từ nguồn ngân sách cấp và học phí mà còn từ các hợp đồng với DN, từ đầu tư và đóng góp, hiến tặng.Trong bối cảnh đó, cùng với quyền tự chủ của ĐH đang được tiếp tục mở rộng, năng lực của hiệu trưởng sẽ trở thành nhân tố quyết định sự thành bại của nhà trường. Vì thế, việc tạo điều kiện cho các trường lựa chọn người lãnh đạo và quản lý phù hợp sẽ giúp các trường tăng cường năng lực cạnh tranh để tồn tại.Tuy thế, để cân bằng lợi ích của các bên trong trường (của giới quản lý, giới hàn lâm và đặc biệt là người học) cũng như ngoài trường (lợi ích của nhà trường và của xã hội), giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn, cần có các thiết chế quản trị nội bộ nhằm đảm bảo cho cơ chế ra quyết định của trường có thể bao hàm được quan điểm và tiếng nói của các bên.Vì thế, vẫn phải củng cố thiết chế hội đồng trường, hơn thế nữa, hội đồng khoa học, hội đồng giảng viên, để họ tham gia quá trình định hướng nhà trường và có vai trò trong những quyết định quan trọng của trường. ■Merson trong bài báo “Giáo viên và huyền thoại hiện đại hóa” năm 2001 nói rằng: “Các nhà quản lý đang được trao quyền lực giám sát và kiểm soát việc làm của giáo viên nhằm đảm bảo sự tuân thủ của họ và tăng năng suất. An toàn chỗ làm của nghề giáo đã suy giảm trầm trọng. Nhiệm vụ của nhà giáo giờ đây ngày càng bị thu hẹp lại. Người ta khích lệ các thầy giáo cạnh tranh với nhau để được khen thưởng về mức độ tuân thủ. Thật khó duy trì truyền thống hợp tác và cộng sự trong bối cảnh ấy”.Việc tăng cường kiểm soát đối với lao động hàn lâm ở đại học vấp phải sự phản kháng dưới nhiều góc độ. Giới hàn lâm cho rằng các nhà quản lý đại học (theo lối doanh nghiệp) đang tập trung vào lợi ích của giới quản lý trong việc điều hành hoạt động của trường.Teresa Carvalhol và Rui Santiego trong cuốn sách xuất bản năm 2016 nói rằng tự chủ là một khái niệm căn bản của hoạt động chuyên môn, đặc biệt là với lao động học thuật, và được ủng hộ bởi niềm tin của xã hội.Vì thế, một hệ thống thứ bậc, được dẫn dắt bởi áp lực thị trường sẽ dẫn đến xói mòn mức độ tự chủ của hoạt động chuyên môn, do đó ảnh hưởng tiêu cực tới thực tiễn hoạt động và những giá trị của nghề hàn lâm, kể cả trong nghiên cứu và giảng dạy. Tags: Quản lý trường họcHiệu trưởng ngoại đạoGiới hàn lâm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?