Khi người dân và chính phủ đối thoại thẳng thắn

HIẾU TRUNG 11/09/2013 23:09 GMT+7

TTCT - Suốt một năm qua, người dân Singapore đủ mọi tầng lớp đã có cơ hội trao đổi thẳng thắn với chính phủ về mọi bức xúc, lo lắng của cuộc sống và những mong mỏi, kỳ vọng đối với tương lai của đất nước.

Người dân Singapore sôi nổi đóng góp ý kiến trong một cuộc thảo luận

Một năm trước, trong dịp Quốc khánh Singapore (9-8), Thủ tướng Lý Hiển Long đã công bố sáng kiến “Đối thoại Singapore của chúng ta” (Our Singapore Conversation - OSC) với mục tiêu tạo cơ hội cho các công dân đảo quốc sư tử được đóng góp quan điểm, ý tưởng của riêng mình vào quá trình phát triển đất nước.

Dưới slogan “Xây dựng ngôi nhà chung Singapore với niềm hi vọng và trái tim”, Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat được chỉ định lãnh đạo một ủy ban tham gia các cuộc đối thoại với người dân. Ủy ban 26 thành viên này gồm bảy chính trị gia và những công dân Singapore thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, bao gồm một tài xế taxi, một nghệ sĩ, một sinh viên bách khoa, một người dẫn chương trình truyền hình...

Và từ tháng 10-2012 đến tháng 8-2013, ít nhất 660 cuộc đối thoại đã diễn ra ở các thư viện, trung tâm cộng đồng, trường đại học, thậm chí cả các quán cà phê, thu hút sự tham gia của hơn 47.000 người Singapore, hơn 40 tổ chức xã hội cùng hàng loạt bộ và cơ quan chính phủ.

Trong các cuộc đối thoại, người dân Singapore đóng góp ý kiến bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Malay. Không chỉ có tầng lớp trí thức, trong các cuộc đối thoại không ít tài xế taxi, người tàn tật, công nhân, thậm chí cả người từng ngồi tù cũng thoải mái nói lên quan điểm của riêng mình.

“OSC được thực hiện dựa trên niềm tin rằng những ý tưởng mà chúng tôi đưa ra sẽ được chính phủ xem xét một cách nghiêm túc. Và những ý tưởng đó sẽ hỗ trợ chính phủ điều hành đất nước một cách hiệu quả hơn” - kênh News Asia (CNA) dẫn lời binh sĩ M. Palaniyapan, 20 tuổi, khẳng định.

Các khẩu hiệu mà những người tham gia “Đối thoại Singapore của chúng ta” đặt ra cho chính phủ và xã hội nước này

Nguyện vọng của người dân

Giáo viên Gan Su Lin, người đã tham dự 10 cuộc đối thoại, khẳng định người dân Singapore muốn tin tưởng vào chính phủ và niềm tin đó được xây dựng trên nền tảng là chính phủ phải đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

“OSC tạo cơ hội cho người dân và chính phủ đạt được sự đồng thuận trong những lĩnh vực này và thấy rõ bất đồng trong những lĩnh vực khác. Điều quan trọng nhất là người dân cần chính phủ đảm bảo họ có thể sinh sống an lành trên đất nước Singapore, con cái của họ sẽ có đầy đủ cơ hội để phát triển tối đa tiềm năng” - giáo viên Gan nhấn mạnh.

Vậy những vấn đề người Singapore quan tâm là gì và họ mong muốn chính phủ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân như thế nào? Phó thủ tướng Teo Chee Hean cho biết chính phủ đã thống kê các đề xuất, kiến nghị của người dân và nhận thấy giáo dục, y tế và nhà đất là những vấn đề người Singapore quan tâm nhất, có nhiều bức xúc nhất. Trên lĩnh vực giáo dục, người trẻ Singapore đặc biệt băn khoăn về định nghĩa của thành công.

Phải chăng đó là 5C: cash (tiền mặt), car (xe hơi), condominium (căn hộ cao cấp), country club membership (thẻ thành viên câu lạc bộ thể thao ngoài trời), credit card (thẻ tín dụng) như nhiều người Singapore vẫn đùa?

Không, tại OSC, người trẻ Singapore khẳng định coi trọng mô hình 5C mới: control (khả năng kiểm soát), confidence (sự tự tin), community (cộng đồng), can (có thể) và career (sự nghiệp). Họ cho rằng xã hội Singapore quá coi trọng thành tích sách vở, dẫn tới áp lực học hành căng thẳng.

Chế độ nhân tài là nền tảng phát triển của xã hội và nền kinh tế Singapore, tuy nhiên nhiều người trẻ cho rằng chế độ nhân tài cực đoan và sự cạnh tranh quá khủng khiếp đã dẫn tới tư tưởng “kẻ thắng giành được tất cả”. Gia đình càng giàu, càng chi nhiều tiền cho con học hành thì cơ hội thành công càng cao. Do đó, nhiều người trẻ Singapore thuộc gia đình có thu nhập thấp bị bỏ rơi ở phía sau.

Nhiều người chỉ ra rằng Singapore đã trở thành một “quốc gia học phí”, gây sức ép nặng nề lên các gia đình. Tâm lý “kiasu” (sợ thua) đặc thù ở đây khiến việc học hành trở thành gánh nặng thay vì niềm vui.

Vì vậy, nhiều thanh niên Singapore và cả các bậc phụ huynh mong muốn chính phủ xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện hơn, tạo cơ hội cho học sinh phát triển tư duy phản biện, năng lực sáng tạo, không chú trọng quá đến thành tích, tạo cơ hội cho người trẻ theo đuổi khát vọng và phát huy tiềm năng trong các lĩnh vực “không làm giàu nhanh” như nghệ thuật, khoa học, hoạt động cộng đồng...

Về y tế và nhà ở, rất nhiều người Singapore than phiền giá nhà và giá dịch vụ y tế tại đảo quốc sư tử đã gia tăng chóng mặt trong những năm qua. “Giá nhà đã vượt xa tầm kiểm soát” hay “Phần lớn chúng tôi chỉ cần một mái nhà để che mưa nắng” là những lời than phiền phổ biến của những người tham dự OSC.

Những phàn nàn tập trung ở chuyện giá nhà hiện nay vượt quá tầm với của người dân (ví dụ mỗi căn chung cư có giá lên tới 300.000-400.000 đôla Singapore), khiến nhiều gia đình trẻ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều cặp đôi không dám cưới nhau hoặc có con vì sợ nợ nần tiền mua nhà.

Tương tự, người Singapore cũng chỉ trích chính phủ đã để giá dịch vụ y tế leo thang dữ dội. Việc nhập viện có thể khiến cả gia đình người bệnh lâm vào cảnh nợ nần.

“Tôi không dám bị bệnh vì không đủ tiền chữa trị” hay “Việc kêu gọi các gia đình sinh con là vô ích nếu chính phủ cứ phớt lờ tình trạng chi phí cuộc sống leo thang” - họ lên tiếng trong những lần phát biểu. Do đó, những người tham dự OSC cho rằng chính phủ và cộng đồng cần hợp tác, đưa ra các sáng kiến để tất cả mọi người, đặc biệt là người có thu nhập thấp, có nhà ở, được hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết, một hệ thống y tế “có thể chăm sóc mọi người từ khi ra đời đến khi qua đời”.

Và tựu trung là một nhắn nhủ thiết tha mà những người tham gia OSC gửi đến chính quyền Singapore: “Chính phủ hãy tập trung vào các giá trị của đất nước, chứ đừng điều hành Singapore giống như điều hành một tập đoàn kinh tế”.

“Quan hệ hợp tác” giữa chính phủ và nhân dân

Trong các cuộc thảo luận về tương tác chính phủ - nhân dân, yêu cầu nóng bỏng nhất mà người dân Singapore đặt ra là nhân dân và chính phủ có một mối quan hệ bình đẳng hơn, mang tính hợp tác hơn. Mọi nỗ lực thăm dò ý kiến người dân phải được thực hiện một cách trung thực, các cơ quan nhà nước cần chủ động hợp tác và tìm giải pháp từ phía người dân.

OSC chuyển tải một thông điệp chung cho vấn đề này: “Chính phủ không thể có giải pháp cho mọi vấn đề, do đó chính phủ phải tương tác với cộng đồng nhiều hơn, chấp nhận các ý tưởng của người dân”. Vì vậy, những người tham gia OSC yêu cầu Chính phủ Singapore cần minh bạch hơn, công bố thêm nhiều thông tin để người dân tự đưa ra kết luận về các vấn đề của đất nước. Họ muốn có cơ hội thảo luận chính sách với chính phủ để đồng thuận hoặc bất đồng, thay vì đứng ngoài chỉ trích.

“Chúng tôi muốn hiểu quốc hội ra quyết định về các chính sách như thế nào, dựa trên các nguyên tắc và nền tảng nào. Chính quyền cần công bố các số liệu đằng sau những chính sách được áp dụng” - nhiều người đề xuất.

“Để giành được sự tin cậy của người dân, các nghị sĩ, bộ trưởng Singapore phải công khai tài sản. Hãy cho người dân biết các con số thực tế. Người Singapore không hề ngu dốt đâu. Chúng tôi nhìn thấy tất cả”. Thông điệp rất thẳng thắn đó đã được gửi tới chính phủ. Nhiều người tham gia OSC cho rằng hiện các quan chức Singapore được hưởng mức lương rất cao so với các nước, do đó phải đảm bảo sự chuyên nghiệp và trong sạch.

Không ít người bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ suy thoái đạo đức của các quan chức chính phủ sau khi hàng loạt xìcăngđan tham nhũng bị lôi ra ánh sáng. Đa số người dân Singapore đòi hỏi chính phủ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội lên tiếng phản ảnh những bất cập còn tồn tại trong hoạt động của chính phủ. “Sự công bằng trong mối quan hệ giữa chính phủ và người dân chính là biểu hiện rõ nhất của một xã hội văn minh” - những người tham gia OSC nhắn nhủ.

Xã luận của báo Straits Times số ra ngày 15-8 đúc kết: “Các cuộc thảo luận thẳng thắn đã diễn ra. Giờ là lúc hành động”. Trong bài diễn văn quốc khánh mới đây, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết chính phủ đã lắng nghe các ý kiến, quan điểm của người dân và thấu hiểu những lo lắng của họ.

Ông cam kết chính phủ sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ công chất lượng cao cho người dân nhưng sẽ áp dụng nhiều đổi mới. Điều đầu tiên là sẽ nâng mức thu nhập của người dân, mở rộng chương trình hỗ trợ nhà ở, sau đó là tăng cường các chính sách an sinh xã hội và cải tổ hệ thống giáo dục.

“Chúng tôi muốn mọi người dân Singapore có nhà ở, nuôi gia đình và xây dựng cộng đồng. Tôi tin rằng sở hữu nhà là một nguyên tắc cơ bản của Singapore” - ông Lý nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cũng cho biết chính phủ đã tiếp thu nhiều sáng kiến của người dân tham gia OSC để thực hiện cải tổ các chương trình y tế Medisave, Medishield và Medifund. Các biện pháp sẽ lần lượt được công bố trong những tháng tới. “Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng người Singapore sẽ được chữa trị y tế một cách đầy đủ khi bị bệnh” - ông Gan cam kết.

Giới chuyên gia Singapore đánh giá OSC là biểu hiện của quá trình “thành lập chính sách có sự tham gia của người dân” (participatory policymaking). Giáo sư Mahdev Mohan thuộc ĐH Quản lý Singapore nhận định OSC cho thấy người dân và các tổ chức Singapore đang thực hiện “quyền sở hữu” trong xã hội.

Chuyên gia Derwin Pereira thuộc hãng tư vấn chính trị Pereira International bình luận rằng điểm đáng nói nhất sau OSC là chính quyền Singapore đã trả lời rất thành thật với người dân về những gì sẽ thay đổi trong tương lai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận