TTCT - Trước mặt tôi là những cuộc đời long đong nhiều đau đớn mất mát, những người đã tới nước Mỹ trong hành trình di cư không biết đến đêm ngày, mà không một lời than vãn Những ngày học cấp III, khi học tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu, điều đọng lại trong tôi là khát vọng sống tiềm tàng của người đàn bà hàng chài nhỏ bé, và tình thương mà chị dành cho gã chồng hiền lành nhưng cộc cằn vì bị cái nghèo khó bào mòn đi trong lớp lớp cát bụi hòa gió biển. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình lại tìm thấy khát vọng sống ấy lấp lánh trong những con người khác tôi về màu da, mái tóc, lưu lạc trên đất Mỹ với một giấc mơ Hoa Kỳ mơ hồ xa xôi.ẢNH: PINTEREST.COMĐây là năm cuối của tôi ở đại học. Ra khỏi dịch bệnh Covid, tôi tới Phoenix, bang Arizona trong một chương trình tình nguyện giúp cộng đồng người dân tị nạn, nhập cư và người Mỹ bản địa, với tâm thế học hỏi. Và đó là một chuyến đi đã thay đổi cách tôi nhìn nhận cuộc đời và chính mình.Chúng tôi đến Somali American United Council of Arizona - một tổ chức thiện nguyện, để giúp dạy tiếng Anh và hướng dẫn giấy tờ về bài thi quốc tịch cho những người nhập cư. Đội tình nguyện gồm 11 sinh viên bằng tuổi tôi hoặc nhỏ hơn vài tuổi, hoang mang và ngại ngùng khi bước vào một văn phòng nằm khuất lấp trong một tòa nhà tổ hợp với tiệm cắt tóc và cửa hàng quần áo. Đó cũng là nơi đặt lớp học, nơi luyện thi, kiêm luôn nhà trẻ."Học sinh" của những lớp học đặc biệt này là những người tị nạn từ khắp nơi: Congo, Syria và những quốc gia Trung Đông khói lửa, tới học tiếng Anh với mục đích duy nhất: để hòa nhập và trở thành một phần của giấc mơ Mỹ. Họ dạt vào biên giới Hoa Kỳ với khát khao được sinh tồn ở một nơi mà tiếng bom không còn vang lên trong giấc ngủ, đói nghèo không còn là điều khiến họ phải khóc. "Bạn có thích nước Mỹ không?" - tôi hỏi - "Có, vì nó tốt hơn quê hương tôi" - một người tị nạn nói.Những lớp học như thế này diễn ra hằng ngày, từ thứ hai tới thứ sáu, mỗi buổi tầm ba tiếng để giúp những người tị nạn học tiếng Anh, chuẩn bị cho bài thi quốc tịch. Tôi và bạn tôi, cũng là một người nhập cư tới từ Sudan, được bố trí giúp đỡ một phụ nữ trung niên tới từ Congo. Tóc bà cắt ngắn, chiếc váy đã phai màu, chân bà mang đôi dép xỏ ngón cọt kẹt như sắp đứt. Bà biết những từ tiếng Anh cơ bản đủ để giới thiệu về nơi bà sinh ra. Bà viết trên vở những hàng chữ xiêu vẹo, nét bút sột soạt đuổi theo nhịp độ trên bảng. Bà ở trong một cuộc tranh đấu với một ngôn ngữ mới, ở một đất nước xa lạ, dưới ánh nắng gay gắt của sa mạc tháng ba.Người phụ nữ châu Phi có nước da đen bóng này đã vài lần dụi đôi mắt sụp xuống mỏi mệt. Nhưng mỗi lần cô giáo cất tiếng giảng, bà luôn nhìn thẳng lên bảng chăm chú, trang nghiêm. Bà bật cười khi đọc lại những từ còn sai. Tôi không chắc nếu cũng ở tuổi trung niên, phải rời bỏ quê hương để chạy tới xứ khác, học một ngôn ngữ mới, tôi có thể lạc quan như bà.Trong lớp còn có một người đàn ông với chòm râu đã bạc, những nếp nhăn "xô lại với nhau" trên đôi mắt trũng xuống. Ông một tay cầm điện thoại mở Google dịch, một tay hí hoáy viết trên cuốn tập nhàu nát. Khi giáo viên giải thích sự thay đổi của động từ trong thì quá khứ và thì hiện tại, ông nhìn lên và lắc đầu, nói với tôi "English is crazy" (tiếng Anh thật khùng). Cô bạn người Sudan của tôi tới giúp ông bắt kịp tiến độ bài học, vì cả hai có thể giao tiếp bằng tiếng Ả Rập. Khi bạn tôi cất tiếng chào trong tiếng Ả Rập, gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên.Bữa tối, khi cả nhóm ngồi lại với nhau sau một ngày dài, cô bạn Sudan nói rằng người đàn ông này đã lênh đênh theo đời tị nạn suốt từ Syria quê hương ông tới Jordan, cuối cùng là Hoa Kỳ. "Vợ và 8 người con gái của tôi vẫn còn ở Syria - ông nói - Tôi bị hành hạ rất nhiều trên đường tị nạn, nhưng Chúa thương xót để tôi bình an tới Hoa Kỳ". Bạn tôi là người đầu tiên ông gặp có thể nói tiếng Ả Rập.Những người tị nạn ấy gieo vào tôi một cảm giác tội lỗi. Dường như trước đây tôi không hề ý thức được những gì mình có, tôi dễ dàng than vãn khi nhiều chuyện chệch khỏi ý muốn. Thế mà trước mặt tôi là những cuộc đời long đong nhiều đau đớn mất mát, những người đã tới nước Mỹ trong hành trình di cư không biết đến đêm ngày, mà không một lời than vãn, hành trang mang theo duy nhất là niềm hy vọng về một tương lai có mái ấm và đồ ăn nóng trên bàn, nơi họ và con cái có thể đoàn tụ dưới một mái nhà.Trong đôi mắt họ, tôi vẫn thấy nỗi sợ hãi, hoài nghi, bởi cuộc trường chinh của những người tị nạn đâu kết thúc trên biên giới nước Mỹ, nó sẽ còn kéo dài với những vết thương khác gây ra bởi nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo… trên mảnh đất được mệnh danh là tự do và bình đẳng này. Nhưng tôi cũng thấy trong những đôi mắt ấy lấp lánh niềm hy vọng về một cuộc đời khác. Ánh mắt chất chứa tâm tư của một đời lưu lạc, của nỗi đau phải rời bỏ quê hương, cũng là ánh mắt kiên định rằng phải tiếp tục sống, kiếm tìm cách trụ lại với cuộc đời và cứu giúp những người thân yêu khác. Với họ, sống là một kiên định nhân bản của đạo đức làm người. ■ Tags: Đạo đức làm ngườiNhập cưNước mỹTị nạnNhân bản
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Hà Nội đề nghị dân giám sát cán bộ chấp hành quy định nồng độ cồn khi lái xe PHẠM TUẤN 20/09/2024 Hà Nội giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Mây dông kéo về, trưa đến tối TP.HCM mưa lớn nhiều nơi LÊ PHAN 20/09/2024 Mây phát triển tại chỗ, cùng các khối mây từ các tỉnh kéo về khiến TP.HCM từ trưa nay 20-9 tới tối mưa dông nhiều nơi.
Tạm giữ 134 sổ tiết kiệm hơn ngàn tỉ, 97 miếng kim loại màu vàng trong vụ Xuyên Việt Oil THÂN HOÀNG 20/09/2024 Theo cáo trạng, khi khám xét nhà của các bị can, Cơ quan an ninh điều tra đã kê biên nhiều tài sản có giá trị.
Bộ Nội vụ thống nhất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, lễ Quốc khánh 2025 nghỉ 4 ngày THÀNH CHUNG 20/09/2024 Bộ Nội vụ thống nhất với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra về việc sẽ nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày liên tiếp.