TTCT - Trả lời phỏng vấn của JDD.fr, ông Claude Blanchemaison - cựu đại sứ Pháp tại Hà Nội từ năm 1989 đến 1993, tác giả cuốn Bài hát Marseillaise của tướng Giáp (sắp xuất bản) - nhắc đến cuộc gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, trong đó vị tướng già đã hát điệp khúc bài quốc ca Pháp.

Ông Claude Blanchemaison - hse.ru

* Ông gặp tướng Giáp vào lúc nào?

- Vào tháng 4-1989 ở Hà Nội. Thời kỳ đó tướng Giáp giữ chức phó thủ tướng, dù không còn là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông thấy rõ là tôi có hơi ngần ngại khi gặp gỡ một nhân vật như ông, và ông đã làm tất cả để tôi tự nhiên hơn.

* Người ta nói về tướng Giáp như một con người xuất sắc...

- Đó là một trí tuệ vô cùng sắc sảo, ông thường có những nhận định chính xác và nhanh chóng. Về mặt này thì tướng Giáp hết sức ấn tượng. Đồng thời, trong những cuộc gặp tiếp theo, ông tỏ ra rất giản dị. Dù vậy, ông đã trở thành thần tượng. Nhiều người khách và viên chức Pháp mong muốn được gặp ông. Thật ra tất cả mọi người đều muốn có dịp gặp tướng Giáp.

* Vì tướng Giáp là vị tổng tư lệnh xuất sắc đã thắng trận Điện Biên Phủ?

- Chủ yếu là vì vậy. Khi nói chuyện với tôi, ông cũng đã nhắc đến trận Điện Biên Phủ. Tướng Giáp nói rằng kế hoạch của tướng Navarre (được phong làm tổng tư lệnh lực lượng Pháp tại Đông Dương năm 1953) thật ra khá tốt. Đó là một tập đoàn cứ điểm, được bố trí như một con nhím mà các lực lượng xâm nhập sẽ phải bị đập tan.

Tướng Giáp nói thêm là nếu vào thời đó ông nghe lời các cố vấn quân sự Trung Quốc thì người bại trận sẽ là ông. Cố vấn Trung Quốc muốn tung ra một chiến dịch tấn công biển người. Tướng Giáp vào phút chót đã bác bỏ, cho rằng tấn công kiểu đó là không phù hợp và quá nguy hiểm cho quân của ông. Ông bèn cho đào những giao thông hào sử dụng chiến thuật gặm nhấm. Đương nhiên là đã có những cuộc tấn công đẫm máu, nhưng không thấm gì so với yêu cầu của người Trung Quốc.

* Tướng Giáp cũng dựa vào Bonaparte và các thắng lợi quân sự của Napoléon dựa trên sự thần tốc và bất ngờ?

- Vâng, đúng là thời trẻ tướng Giáp đã nghiên cứu rất kỹ các chiến dịch của Bonaparte và đã rút ra được những bài học. Nhưng ông thấm đẫm cả hai nền văn hóa, và cũng đã phân tích các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc. Hơn nữa, ông cũng biết về Clausewitz (đại tướng Carl von Clausewitz, nhà lý luận quân sự có ảnh hưởng lớn của vương quốc Phổ - ND).

* Trở lại với ngày 14-7-1989 mà ông đã kể lại trong tác phẩm. Lễ Quốc khánh Pháp hôm ấy diễn ra như thế nào?

- Tướng Giáp đã đến dự buổi lễ mà chúng tôi tổ chức để mừng 200 năm Cách mạng Pháp. Ông mặc đồ dân sự, đến cùng với vợ trên chiếc Volga cũ - loại xe hơi màu đen do Liên Xô sản xuất.

Tôi đã mời một dàn nhạc Việt Nam và nói với tướng Giáp là ban nhạc sẽ chơi hai bài quốc ca của Việt Nam và của Pháp. Ông cắt ngang lời tôi: “A, bản Marseillaise, tôi thích lắm! Đó là một bài hát cách mạng, tôi thích hát bài ấy!”. Khi ban nhạc cất lên bài này, tướng Giáp đã ngân nga đoạn điệp khúc. Rồi ông ứng khẩu một bài nói chuyện, sau diễn văn của tôi.

Bằng thứ tiếng Pháp không chê vào đâu được, ông nói rằng cuộc cải cách đang được tiến hành tại Việt Nam, và các công ty Pháp nên đầu tư vào đây trước các nước khác. Ông khuyến cáo: “Các vị hãy nhanh chân lên!”.

NGUYÊN VĨNH trích dịch

---------------------------

Vì sao Việt Nam là Việt Nam...

...Tuần rồi từ Việt Nam chúng tôi nghe tin buồn về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tuổi 102. Những nhân vật với tầm cỡ và ảnh hưởng lên lịch sử đất nước mình như vậy không phải thế kỷ nào cũng có...

Tên tuổi những vị tướng Việt Nam nổi tiếng như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, với nghệ thuật quân sự của họ ở những thế kỷ trước đã giúp bảo vệ quyền phát triển độc lập của Việt Nam, đã được đặt tên cho các trường học, đại lộ ở đất nước Việt Nam độc lập, tự do...

Tên tuổi Võ Nguyên Giáp, không nghi ngờ gì, sẽ nằm trong hàng ngũ đó.

Ông Vladimir Kolotov - Ảnh tư liệu

...Niềm kính trọng từ phía những đối thủ tự mãn và kiêu ngạo đã đến từ từ, và luôn ngày càng tăng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác do tướng Võ Nguyên Giáp của quân đội Việt Nam lãnh đạo. Về sau, những đối thủ thua trận này đã cố tìm hiểu bí mật các chiến thắng của Việt Nam trong những cuộc chiến tranh Đông Dương suốt nhiều năm. Họ không thể hiểu làm sao Việt Nam có thể chiến thắng những đội quân mạnh nhất thế giới.

Sau các chiến bại, họ nghiên cứu chi tiết tiểu sử và lối sống của tướng Võ Nguyên Giáp, làm sáng tỏ xem ông đã đọc những sách nào và những tác giả nào, nhưng vẫn không phá được bí ẩn này.

Theo tôi, bí mật đó ẩn trong tính chuyên nghiệp cao độ, đồng thời trong tình yêu chân thành, vô bờ bến với Tổ quốc và nhân dân mình. Chính về điều này tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Cả cuộc đời ông đã hiến dâng cho Tổ quốc mình, một lịch sử sống động của những chiến thắng vĩ đại trong cuộc đấu tranh vì độc lập!

Trong kỷ nguyên hiện tại, những anh hùng không thể mua chuộc và trung thực đang dần lui vào quá khứ. Biết bao lần trong nửa sau thế kỷ 20 và cả đầu thế kỷ 21 chúng ta nghe nói về việc ở đây, ở kia trong giai đoạn đầu của những cuộc chiến tranh thuộc địa mới chống ngoại xâm, người ta hứa sẽ trở thành một Việt Nam thứ hai. Thế nhưng không điều gì như thế đã xảy ra.

Trong quá trình những cuộc chiến tranh “lạ”, các đội quân địa phương chiến đấu cho có, đã bị chia rẽ và vì vậy không thể tạo ra được một cuộc chiến tổng lực thật sự nhắm vào quân đội của kẻ thù.

Và vài năm trước, trong một ấn bản mở người ta đọc được rằng những thắng lợi nhanh đến bất ngờ của quân Mỹ ở Afghanistan và Iraq được bảo đảm bởi việc mua chuộc các vị tướng của đối phương, còn với lãnh đạo của các nước này, người ta phát hiện các tài khoản nhiều tỉ ở nước ngoài, thì lúc đó ta nhớ tới lời của vị tướng Việt Nam Trần Hưng Đạo, người vào thế kỷ 13 trước khi đánh bại quân Nguyên Mông từng viết: “Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc”.

Chính lối tiếp cận chiến tranh và danh dự này là đặc trưng của các vị tướng Việt. Việt Nam là Việt Nam bởi trên mảnh đất này suốt nhiều năm thử thách khốc liệt đã sinh ra những anh hùng trung thực, không thể mua chuộc, những người đứng lên bảo vệ Tổ quốc mình.

Bài học Việt Nam vẫn còn thời sự trong thế giới của vũ khí chính xác cao hiện nay, của công nghệ thông tin và những siêu máy tính.

Chính cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc Robert McNamara trong hồi ký về chiến tranh Việt Nam cũng đã viết: “Đôi khi người ta cho rằng thế giới sau Chiến tranh lạnh rất khác với trước, rằng bài học Việt Nam không áp dụng được với nó (thế giới mới này), và vì thế chúng cũng sẽ không thời sự với các thực tiễn thế kỷ 21. Tôi không đồng ý” (*).

VLADIMIR KOLOTOV(Tiến sĩ sử học, Đại học Quốc gia Saint Petersburg, Nga)

(*): McNamara R.S. In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (New York: Times Books, 1995), P. 321.

-------------------------

Tôi được biết Võ Nguyên Giáp khi ông là Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật. Hè năm 1980, ông sang Liên Xô để chứng kiến việc phóng con tàu vũ trụ “Soyuz 37” mà trong thành phần phi hành đoàn có nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam - Phạm Tuân.

Ông Petr Tsvetov - Ảnh nhân vật cung cấp

Sau đó tôi còn được vài lần gặp ông và các thành viên gia đình khi họ sang Liên Xô, nhưng dĩ nhiên với tư cách một sử gia, tôi đọc về Võ Nguyên Giáp nhiều hơn.

Và ông không dưới một lần làm tôi ngạc nhiên.

Lần đầu tiên khi tôi còn là sinh viên Đại học Quốc gia Matxcơva. Khi đó, tôi đọc được từ tiểu sử của tướng Võ Nguyên Giáp rằng ông đã lãnh đạo quân đội đánh đuổi xâm lược ngoại quốc mà không hề được đào tạo quân sự. Từ đó tôi hiểu rằng người ta có thể đạt được những gì khi biết mở rộng tầm nhìn. Để trở thành một thủ lĩnh quân sự tài ba như thế, Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu binh pháp Tôn Tử, Napoléon và Clausewitz, sử dụng kinh nghiệm của các chỉ huy quân sự Liên Xô.

Lần thứ hai là trong một nhà an dưỡng ở ngoại ô Matxcơva, nơi ông nghỉ ngơi và tôi cũng tình cờ có mặt. Võ Nguyên Giáp đã ngồi vào đàn dương cầm và chơi một tác phẩm cổ điển. Để gần hơn với người dân bất cứ dân tộc nào, Võ Nguyên Giáp đã vươn tới việc chiếm lĩnh đỉnh cao của văn hóa thế giới.

Lần thứ ba ngạc nhiên là hiện nay, khi ông có thể vượt qua được ngưỡng 100 tuổi, một điều cực kỳ hiếm hoi trong cuộc sống con người.

Năm 1975, ông Phạm Văn Đồng đã gọi ông Võ Nguyên Giáp là “kiến trúc sư của thắng lợi chúng tôi”. Năm 2010, ông Nông Đức Mạnh đã gọi ông Võ Nguyên Giáp là “niềm tự hào dân tộc”. Từ nhiều cựu lãnh đạo của phong trào Cộng sản Việt Nam, tôi đã nghe đánh giá rằng Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo thứ hai (sau Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại) của cách mạng Việt Nam. Nhiều người khác đồng tình với đánh giá này, trong đó có tôi.

Nhưng tôi còn muốn bổ sung một đánh giá nữa, từ chính mình: Võ Nguyên Giáp là đại diện tốt nhất của giới sĩ phu truyền thống Việt Nam, những người yêu lao động, khát khao kiến thức và sự tự hoàn thiện, mà cái chính nhất - đó là lòng yêu nước!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận