​Khi VĐV phiêu lưu với truyền hình thực tế

ĐOÀN DỰ - LÊ TẤN 27/03/2015 21:03 GMT+7

Làng thể thao Pháp bàng hoàng khi có đến ba nhà vô địch thiệt mạng trong vụ hai chiếc trực thăng va chạm nhau lúc thực hiện cảnh quay của một chương trình truyền hình thực tế ngày 9-3 tại Villa Castelli, Argentina. Sau những chia sẻ thương tiếc ban đầu, có nhiều ý kiến liên quan đến việc các VĐV tham gia những chương trình này.

Một cảnh quay của chương trình Koh-Lanta - Ảnh: huffingtonpost.fr

Số thành viên ban đầu tham dự chương trình truyền hình thực tế Dropped gồm có tám người, chia làm hai đội. Tất cả đều là VĐV hoặc cựu VĐV nổi tiếng của Pháp. VĐV trượt băng nghệ thuật Philippe Candeloro, nữ VĐV xe đạp kỳ cựu Jeannie Longo, cựu VĐV bơi lội Alain Bernard và nữ VĐV trượt tuyết Anne-Flore Marxer cùng một đội. Đội còn lại gồm có cựu cầu thủ bóng đá Sylvain Wiltord, nữ VĐV thuyền buồm Florence Arthaud, võ sĩ quyền Anh Alexis Vastine và cựu VĐV bơi lội Camille Muffat.

Bất lực nhìn thảm cảnh

Theo kế hoạch của nhà sản xuất, Dropped có bốn phần được lần lượt thực hiện và trình chiếu trên TF1 cho đến hết năm 2015. Vài ngày trước khi xảy ra tai nạn ở Villa Castelli, Wiltord rời Argentina để trở về Pháp vì anh đã bị loại sau khi phần 1 của Dropped kết thúc. Nhờ vậy mà cựu tiền đạo từng chơi cho Arsenal, O.M và Lyon thoát khỏi thảm họa đã tước đi sinh mạng của ba đồng đội Muffat, Vastine và Arthaud trong số 10 nạn nhân.

Sự may mắn cũng giúp cho bốn thành viên của đội còn lại thoát chết. Theo kế hoạch ban đầu, đội của Bernard phải lên một trong hai chiếc trực thăng để cất cánh cùng lúc với đội còn lại. Tuy nhiên vào phút chót, người chỉ huy chương trình thay đổi ý kiến vì ngại sự quá tải. Thế là Bernard và các đồng đội của anh trải qua những giây phút kinh hoàng khi nhìn thấy và nghe những âm thanh khủng khiếp của vụ tai nạn diễn ra trước mắt và chỉ cách họ vài trăm mét.

Vài ngày sau thảm họa, Bernard, hai lần đoạt HCV Olympic, nhớ lại: “Camille (Muffat) và những người khác cười đùa trước khi bước lên trực thăng... Tất cả đều cảm thấy hài lòng khi có mặt ở đó. Thế mà chỉ trong tích tắc, mọi thứ đều đảo lộn... Chúng tôi cảm thấy như có một sự bất công nào đó. Bạn nhìn thấy và nhận biết, nhưng bạn không muốn chấp nhận sự thật. Bạn tự nhủ rằng đó chỉ là một ác mộng và sẽ không còn nữa khi bạn tỉnh dậy. Nhưng than ôi, đó là thực tế”. 

Nhiều lý do để VĐV tham gia

Truyền hình thực tế đang là món ăn hấp dẫn của các đài khi tính phiêu lưu mạo hiểm của nó thu hút khán giả theo dõi những kỹ năng của người chơi. Ngay sau vụ tai nạn, đã có nhiều ý kiến thắc mắc vì sao các nhà vô địch lại tham gia các chương trình này. Thật ra, rất nhiều chương trình truyền hình thực tế khác như Koh-Lanta, La Ferme célébrités, La Chasse aux trésors... thu hút các VĐV đã về hưu hoặc còn thi đấu. Có thể kể ra vài tên tuổi quen thuộc như cựu thủ môn tuyển Pháp Pascal Olmeta, cựu tay vợt Henri Leconte, VĐV xe đạp Richard Virenque, cựu vô địch bóng ném Jackson Richardson, nữ võ sĩ judo Frédérique Jossinet - HCB Olympic 2004, VĐV trượt băng nghệ thuật ba lần đoạt HCB thế giới Surya Bonaly...

Theo giải thích của các VĐV trên tờ Le Monde, có bốn lý do khiến họ nghe theo tiếng gọi của các chương trình truyền hình thực tế: yếu tố tài chính, danh tiếng, tìm cảm giác mạnh và thoát khỏi đời thường thể thao (xem box), dù cũng có một phản biện quan trọng là “cần biết nói không” nếu như không đáp ứng được các kỹ năng như phải bơi giỏi, đấm đá giỏi... để tránh chuốc lấy chấn thương ảnh hưởng đến sự nghiệp và cuộc sống.

Khi tìm hiểu các nhà vô địch tìm gì trong một chương trình truyền hình thực tế, nhật báo Ý La Repubblica đặt câu hỏi phải chăng họ từng có những vết thương sâu thẳm trong lòng, để rồi không cưỡng lại được sự phiêu lưu và vượt qua những giới hạn của chính mình? Trong thực tế, Vastine vừa mất cô em và từng vật lộn với tình trạng suy sụp. Arthaud từng thoát khỏi cơn hôn mê lúc 17 tuổi và năm 2011 được cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng thân nhiệt bị hạ dưới mức bình thường sau một tai nạn. Còn Muffat thì khổ luyện ở bể bơi đến mức chiều tối cô không thể nhấc nổi cánh tay để vuốt ve chú mèo.

Các cựu VĐV chuyển sang chơi truyền hình thực tế không phải là một ngoại lệ ở Pháp. Theo tờ La Repubblica, từ Ý đến Úc, Mỹ đều có chung hiện tượng này. Sau khi cống hiến cho thể thao, các VĐV nghỉ thi đấu thường còn rất trẻ. Giai đoạn đầu họ cảm thấy rất tự do, nhưng rồi nhanh chóng muốn làm điều gì đó “nặng đô” để tìm lại cảm giác ngây ngất. Và mỗi người tìm giải pháp cho chính mình: một vườn nho làm rượu vang, một gia đình mới, hoặc leo lên trực thăng truyền hình.

Cuộc sống vẫn tiếp tục

Dropped được ALP (Adventure Line Productions), công ty thành lập vào năm 1972 chuyên sản xuất các chương trình trò chơi mạo hiểm, chuyển thể từ format một chương trình của truyền hình Thụy Điển năm 2014. ALP có những chương trình nổi tiếng như Fort Boyard (thỉnh thoảng phát lại trên kênh Pháp ngữ TV5)...

Nhưng ALP từng đối mặt với khủng hoảng. Tháng 3-2013, ngày đầu tiên quay Koh-Lanta mùa thứ 16 tại Campuchia, một người tham gia là Gérald Babin, 25 tuổi, bị nhồi máu cơ tim và tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện. Ngay sau đó nổ ra bút chiến về những khinh suất có thể có trong khâu cấp cứu và mười ngày sau cái chết của Babin, bác sĩ đoàn quay phim Thierry Costa tự tử với lá thư để lại viết rằng ông không chịu được những tố cáo và giả định vô căn cứ. Cuối cùng thì ALP đã bồi thường cho gia đình Babin theo một thỏa thuận được giữ kín.

Năm 2014, doanh số của ALP đã giảm 40%. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra (phải mất vài tuần lễ) từ Văn phòng điều tra và phân tích hàng không dân sự, Airbus Helicopters và Turbomeca (công ty sản xuất động cơ trực thăng), ALP lo ngại sẽ còn hao tốn nhiều hơn nữa nếu như các nhà điều tra phát hiện có việc không tuân thủ những quy định về an toàn trong lúc thực hiện những cảnh quay của Dropped. Trong trường hợp đó, chính ALP phải chịu trách nhiệm đền bù cho các nạn nhân chứ không phải các công ty bảo hiểm, với số tiền đền bù cho mỗi nạn nhân có thể lên đến vài triệu euro. Dù sao, sớm hay muộn, phần hai của Dropped sẽ tiếp tục được thực hiện, như lời cựu VĐV bơi lội Bernard: “Tất cả chúng tôi đều bị sốc, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục”.    

4 lý do để VĐV tham gia truyền hình thực tế

Yếu tố tài chính. “Năm 2010, nhà sản xuất đã gặp tôi. Phải mất sáu tháng tôi mới đồng ý tham gia vì đang bận chuẩn bị cho giải judo vô địch thế giới. Trước khi bắt đầu, tôi chẳng có chút ý tưởng về tiền bạc đi kèm. Tôi biết có thành viên đội mình chẳng đòi hỏi được trả xu nào vì chỉ muốn tham gia chương trình, nhưng có người nhận 140.000 hoặc 150.000 euro”.

Danh tiếng. “Tôi chơi môn thể thao không được quan tâm nhiều. Sau Olympic Athens 2004, tôi được biết đến nhiều hơn nhờ là nữ võ sĩ judo duy nhất mang về một huy chương (bạc). Sau khi tham gia Koh-Lanta, mọi chuyện không còn như trước. Nó tác động đến sự nghiệp thể thao của tôi vì sau chương trình này, mọi người nhận ra tôi và khi nói về judo, tự động họ nhắc đến tôi”.

Tìm cảm giác mạnh. “Khi người ta đề nghị những dự án như thế, tất nhiên chúng tôi chú ý vì nó có yếu tố khám phá, thử thách và cảm giác mạnh. Tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời khi tham dự Koh-Lanta năm 2011 và không hề hối tiếc về điều đó”.

Thoát khỏi đời thường thể thao. “Chúng tôi tìm cách thử sức những điều khác nhau sau khi kết thúc thi đấu. Tập các môn đòi hỏi khắt khe như bơi lội, trượt băng nghệ thuật, hiếm khi chúng tôi rời khỏi hồ bơi hoặc sân trượt băng. Mỗi ngày tập luyện tám giờ thì chẳng phải là cuộc sống dễ chịu. Vì vậy, khi có cơ hội được làm điều gì đó khác thường, chúng tôi rất phấn khích”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận