Khoảng cách lớn nhất

PHÚC TIẾN 25/03/2008 20:03 GMT+7

TTCT - Không phải “khoảng cách về kinh tế”, càng không phải “khoảng cách số”. Khoảng cách lớn nhất giữa nước giàu và nước nghèo hiện giờ lại là khoảng cách về giáo dục.

Phóng to
Ngoại trưởng Singapore George Yeo trao đổi với tiến sĩ Chris Yapp tại hội nghị

Điều nhức nhối ấy một lần nữa vang lên trong một hội nghị giáo dục mới đây ở Singapore. Đó là hội nghị Raffles International Conference on Education (RICE) lần thứ nhất (10 và11-3-2008).

Trường cấp III điều hành hội nghị quốc tế

Có thể hình dung tầm cỡ RICE qua việc đích thân Bộ trưởng ngoại giao Singapore George Yeo bỏ ba giờ đến dự khai mạc và uống trà với đại biểu. Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 khách đến từ sáu nước trong khu vực châu Á. Hai báo cáo viên chính đều là người Anh: bà giáo sư Deborah Eyre - phó chủ tịch Hội đồng thế giới về đào tạo trẻ em năng khiếu và tiến sĩ Chris Yapp - chuyên gia hàng đầu của Microsoft.

Một hội nghị “hoành tráng” như thế nhưng không do cấp bộ tổ chức, cũng không diễn ra ở một khách sạn 5 sao! Đơn vị tổ chức chính là Trường trung học Raffles (RJC) và địa điểm hội nghị là khuôn viên của nhà trường.

Ban tổ chức hội nghị là ban giám hiệu RJC - những người chỉ ở tuổi 40, thậm chí mới 30 - tuy tất bật nhưng rất ân cần trong giao tiếp. RJC đã chuẩn bị mọi việc cho RICE từ một năm nay. Quả là táo bạo, cái ý tưởng giao cho một trường cấp III thử điều hành một hội nghị quốc tế! Thế nhưng, chuyện tổ chức hội nghị như vậy xem ra vẫn còn là chuyện nhỏ và cũng chỉ là kết quả của việc bộ giao nhiều quyền “táo bạo” khác cho các trường học hàng đầu.

Được biết, trong năm năm trở lại đây, các trường trung học top của Singapore có quyền chọn chương trình học, không nhất thiết phải theo chương trình sẵn có của bộ. Các trường còn có quyền mời giáo viên không phải do bộ đưa về, kể cả trả lại giáo viên không làm được việc cho bộ. Hơn nữa, quyền tự do lớn nhất của các trường chính là quyền tự chủ tài chính. Ngân sách của bộ rót xuống chỉ là một phần trong các nguồn vốn mà trường có thể huy động. Các trường học muốn có kinh phí đều phải làm dự án và chứng minh tính hiệu quả. Tự chủ học đường ở đây không đồng nghĩa với cào bằng mà là phân quyền dựa trên cơ sở năng lực thực tế và tầm nhìn chiến lược.

Tuổi 17 phải biết Kinh tế và Chính trị

Phóng to
Học sinh RJC thuyết trình về việc thực tập công việc tại quốc hội

Mặc dù Việt Nam đã được nhiều nước công nhận có nền kinh tế thị trường, nhưng 20 năm nay từ lúc đổi mới, trong chương trình cấp III ở ta vẫn hoàn toàn vắng bóng các môn học về kinh tế, kinh doanh và kế toán. Trong khi ấy, từ lâu các môn này đều có trong chương trình tú tài ở các nước tiên tiến, kể cả các nước quanh ta như Singapore, Malaysia. Chính vì thế, tôi càng tò mò tham dự buổi báo cáo về giảng dạy kinh tế học ở RJC.

Điều ngạc nhiên đầu tiên, người báo cáo và cũng là giáo viên môn này tại trường lại là một ông giáo người Anh - ông D.A. Sowden, tốt nghiệp thạc sĩ University of London. Theo ông, ngày nay để dạy kinh tế học cho học sinh cấp III cần áp dụng phương pháp học theo tình huống - case studies, y như cách dạy cho sinh viên vậy!

Case studies chính là những vấn đề thời sự kinh tế quốc gia và quốc tế. Chẳng hạn, học sinh của ông hiện giờ đọc tin Reuters kinh tế trên mạng và làm bài tập, thảo luận với nhau những đề tài “nóng” nhất. Các bạn phải biết tường thuật, biết phân tích và tranh luận. Năm rồi, lần đầu tiên học sinh Singapore thi tú tài môn kinh tế học không theo cách trắc nghiệm mà quay lại tự luận, nghĩa là phải tập viết ra những điều mình suy nghĩ. Không học theo lối case studies thì khi thi viết rất dễ rơi vào lối mòn từ chương, rập khuôn xưa cũ. Lối học case studies không chỉ áp dụng cho môn kinh tế mà còn có thể cho các môn nhân văn và xã hội khác!

Ở RJC và nhiều trường trung học ở Singapore, học sinh không những được hướng đến yêu thích khoa học, kỹ thuật, kinh tế, nghệ thuật... mà còn chạm đến những thứ có vẻ khác lạ với nhà trường châu Á. Đó là chính trị và hành chính! Thật thú vị, tôi được tham dự một báo cáo về đề tài “Giúp học sinh tăng cường hiểu biết về công việc của chính khách”. Ở đề tài này, ngoài giáo viên còn có một học sinh trực tiếp thuyết trình. Đây là một môn học nhưng đúng hơn là một chương trình thực hành mang tính tự chọn.

Qua đó, mỗi thứ hai hằng tuần, học sinh được đưa đến văn phòng quốc hội để trở thành “trợ lý thực tập” cho nghị sĩ trong các buổi tiếp dân (Meet people session, MPS). Tại đây, học sinh tập nghe và ghi chép những ý kiến của dân, tập soạn thư trả lời cho dân. Ngay sau MPS, các em sẽ thảo luận với nhau và với giáo viên về các vấn đề trong giao tiếp, về trách nhiệm công dân và cách ứng xử của các chính khách. Chương trình này năm ngoái đã có 60 em ở RJC tình nguyện tham dự và làm việc trực tiếp với 14 nghị sĩ, trong đó có người kiêm bộ trưởng. Tôi hỏi giáo viên RJC: “Trường liên hệ thẳng quốc hội hay bộ liên hệ quốc hội giúp trường để tổ chức cho học sinh thực tập như vậy?”. Người giáo viên trả lời tôi với vẻ ngạc nhiên: “Dĩ nhiên chúng tôi tự liên hệ. Công việc có khó lắm đâu!”.

Đúng, mọi việc sẽ chẳng khó, từ giáo viên đến học sinh sẽ là những người cứng cáp và năng động, khi nhà trường và giáo dục được cải cách thông minh và kịp thời. Chính giáo dục và giáo viên chứ không phải kinh tế hay doanh nhân mới cần được đổi mới tư duy, được “cởi trói” trước nhất, được đầu tư tiền bạc và nhân lực nhiều nhất. Hai mươi năm qua, chúng ta cải cách kinh tế trước, còn cải cách giáo dục, cải cách thể chế vẫn lẽo đẽo theo sau. Đó mới chính là cái khoảng cách đáng sợ mà mỗi lần có dịp “cọ xát” với giáo dục nước ngoài, nhân lực nước ngoài, ta lại thấy xót xa và trăn trở.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận