Không chủ quan trước nguy cơ dịch cúm

BS TRẦN HOÀI NHÂN 20/04/2013 23:04 GMT+7

TTCT - Những ngày này quan chức y tế của thế giới đang hướng tầm mắt về phía Trung Quốc để theo dõi cập nhật tình hình dịch cúm A (H7N9).

Ở Việt Nam, việc cấp tốc triển khai một số biện pháp phòng ngừa tại các cửa khẩu của Bộ Y tế cho thấy tính nghiêm trọng của dịch cúm lần này.

Phóng to
Nguy cơ dịch cúm lây lan từ gia cầm là không thể chủ quan (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: L.N.M.

Trước đây, virút cúm A (H7N9) vốn chỉ gây bệnh cho gia cầm nhưng nay lại gây bệnh ở người, điều đó cho thấy sự bất thường của dịch bệnh này. Chủng cúm A dạng H7 đã xuất hiện từ năm 1996 với một số chủng là H7N2, H7N3, H7N7, nhưng chủ yếu gây bệnh ở động vật. Nếu có gây bệnh cho người thì cũng chỉ bị viêm kết mạc, viêm đường hô hấp nhẹ và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Nhưng với cúm A (H7N9), lần đầu tiên xuất hiện đã gây những triệu chứng nặng thì không thể chủ quan.

Bệnh cảnh của H7N9 rất giống với H5N1, nghĩa là viêm phổi diễn biến rất nhanh trong 24 giờ đầu. Khởi đầu ở một bên phổi, sau đó lan rất nhanh sang bên kia và chủ yếu là hội chứng phù phổi và đông đặc. Do bệnh diễn tiến nặng rất nhanh nên bệnh nhân vào viện chủ yếu trong tình trạng cấp cứu chứ không phải là khoa hô hấp thông thường. Tim, thận dường như ít bị tổn thương nhưng có biểu hiện của tiêu cơ và tăng men gan.

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cao do đặc thù địa lý và giao thương với Trung Quốc.

Nếu xảy ra dịch thì tổn thất có thể rất lớn bởi vì:

(1) Virút A (H7N9) có độc lực mạnh, thể hiện qua diễn biến lâm sàng khá nặng của các trường hợp nhiễm bệnh và số người chết trên số mắc khá cao (tính đến ngày 12-4 đã có 10 người chết/38 người mắc).

(2) Chưa biết rõ cơ chế gây bệnh và lây truyền của chủng virút này, do vậy cũng chưa có các biện pháp phòng ngừa đặc hiệu.

(3) Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ khi phân lập được virút đến chế tạo được thuốc thường cần một khoảng thời gian, có khi là khá dài nhưng vẫn chưa tìm được thuốc điều trị đặc hiệu.

Hiện nay Trung Quốc đã phân lập được virút A (H7N9) ở một số gia cầm (gà, vịt) và chim bồ câu. Nguyên tắc trong phòng chống dịch là tiêu hủy nguồn lây triệt để nhằm cắt đứt sự lây truyền bệnh. Điều này lại càng cấp thiết hơn trong bối cảnh chưa xác định được cơ chế và cách thức lây truyền.

Đây là vấn đề, là điểm yếu trong công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9) ở Việt Nam. Bởi hằng ngày vẫn có một lượng lớn gà, vịt lậu từ Trung Quốc được vận chuyển vào Việt Nam.

Do đó, để tránh một dịch bệnh nguy hiểm, tránh tổn thất về nhân mạng, tài chính cần đảm bảo không có gà, vịt, chim bồ câu đáng bị tiêu hủy từ Trung Quốc được tuồn sang Việt Nam.

Diễn tiến khả năng lây lan cúm H5N1 cũng đang theo chiều hướng phức tạp, nhất là khi phát hiện chim yến nhiễm H5N1. Một lần nữa khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” vẫn là ưu tiên số 1. Một số lưu ý căn bản nhưng cần thiết cho việc phòng ngừa:

* Tăng cường vệ sinh ăn uống

- Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ.

- Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh.

- Không ăn tiết canh.

- Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết.

* Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh

- Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn.

- Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể để nâng cao khả năng phòng bệnh.

- Nên thay, giặt quần áo, rửa giày dép hằng ngày.

* Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh

- Hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe.

- Chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín.

- Không cho trẻ em tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi cạnh chuồng gia cầm.

* Hãy đến ngay cơ sở y tế

Sốt cao trên 380C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

* Làm gì khi trong gia đình có người nhiễm cúm?

- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

- Những người sống trong cùng gia đình cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm.

- Sử dụng thuốc kháng virút theo chỉ định của thầy thuốc.

- Phải khử trùng, vệ sinh nhà cửa theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

- Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận