Kích thích kinh tế “nuôi dưỡng” doanh nghiệp xác sống

TRÚC ANH 10/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Thế giới hậu đại dịch có vẻ sẽ đầy rẫy các công ty xác sống, những thị trường xác sống và nhiều nền kinh tế xác sống - tất cả được bảo lãnh và giữ mạng sống bằng các biện pháp cứu trợ, kích thích chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương và chính phủ trong khủng hoảng COVID-19.

Minh họa: Chad Crowe / India Times
Minh họa: Chad Crowe / India Times

Nhận định u ám trên là của tờ The Sydney Herald Morning (Úc) hồi đầu tháng 9. Sau đó vài tuần, tờ The Economist có loạt bài tìm về cội nguồn của công ty xác sống - tức Nhật Bản - để rút ra bài học cho sự trở lại của các doanh nghiệp đang “thở máy” từ nguồn hỗ trợ của chính phủ ở các nước. 

Hôm 5-10 vừa qua, đến lượt báo The Telegraph rung chuông báo động: “Sự gia tăng các công ty xác sống đang hút hết tài nguyên và khiến nước Anh rùng mình”.

Doanh nghiệp xác sống (zombie firm) là thuật ngữ gợi nhớ đến “thập kỷ bị mất” ở Nhật sau khủng hoảng tài chính những năm 1990, khi các ngân hàng chịu áp lực phải giãn nợ và áp dụng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp để giữ họ lại trong nền kinh tế.

Có nhiều cách định nghĩa công ty xác sống, nhưng tựu trung đó là các doanh nghiệp mà doanh thu sau khi trang trải hết chi phí chung (thuê cơ sở, lương công nhân, lãi vay) thì không còn gì để tái đầu tư và phát triển.

Nếu xem nguồn tài chính từ ngân hàng là “máy thở” cho các công ty xác sống đang lay lắt, thì những chiếc máy đó đang hoạt động mạnh mẽ trong thời COVID-19, khi các chính phủ tích cực áp dụng các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong khủng hoảng.

Chẳng hạn, các công ty ở Anh giờ đây không phải lo không thể trả tiền thuê cơ sở, trả lương công nhân và thuế VAT, vốn là những nguyên nhân có thể đẩy một doanh nghiệp đến bờ vực phá sản, ít nhất là trong ngắn hạn, nhờ hàng loạt biện pháp hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, theo các kinh tế gia, mặc dù những sự can thiệp này giúp doanh nghiệp tránh được phá sản và giữ được hàng triệu việc làm, trong dài hạn, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế sẽ suy sút, khi khủng hoảng qua đi.

Nền kinh tế đầy xác sống có hại cho nền kinh tế bởi các doanh nghiệp sống dở chết dở này sẽ hút hết tài nguyên lẽ ra sẽ được sử dụng tốt hơn nếu cấp cho nơi khác. “Có nhiều công ty xác sống sẽ khiến các nền kinh tế không thể đào thoát ngoạn mục khỏi suy thoái, và có thể là trở ngại cho các xu hướng tăng trưởng trong dài hạn” - The Telegraph nhận định.

Theo Washington Post, nguồn vốn với lãi suất thấp và kỳ hạn dài chẳng khác nào một thứ thuốc giảm đau kiểu tiêm morphin; nền kinh tế sẽ luôn “thèm” nguồn tiền rẻ và dễ có, nhưng không thể tăng trưởng, từ đó dẫn đến một cái vòng luẩn quẩn: tăng trưởng kém buộc các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, khiến số công ty xác sống tiếp tục sinh sôi.

Các công ty này lại tiếp tục làm hao mòn nguyên khí của nền kinh tế, làm ngân hàng trung ương chùn tay khi muốn tăng lãi suất trở lại.

“Vòng lặp cứ thế tiếp diễn - các công ty thất bát sẽ được cứu sống, xung đột với các đối thủ hoạt động tốt hơn, và rồi sẽ lại có nguồn vốn gần như miễn phí, số lượng doanh nghiệp đi vay tăng, và số lượng công ty xác sống lại tăng” - Washington Post viết.

Nói thế không có nghĩa là các ngân hàng trung ương không nên đưa ra các gói giải cứu doanh nghiệp. Vấn đề là phải giải quyết “tác dụng phụ” của những sự can thiệp đó.

Theo The Economist, một trong những giải pháp là phát hiện công ty có dấu hiệu sắp thành xác sống, tức khi hoạt động bắt đầu kém hiệu quả, và xử lý trước khi quá muộn.

Thế nhưng chuyện tiễu trừ doanh nghiệp xác sống cũng không dễ, bởi một công ty phá sản sẽ đi kèm việc làm bị mất và niềm tin người tiêu dùng sụt giảm.

Hoshi Takeo (Đại học Tokyo), một trong những người tiên phong nghiên cứu công ty xác sống, cho rằng cần nghiên cứu các giải pháp bảo vệ người lao động nhưng không cần phải bảo bọc các công ty không hiệu quả.

Các giải pháp bao gồm tạo điều kiện để người lao động chuyển công ty dễ dàng, áp dụng thuế thu nhập âm hoặc mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, tóm lại là “chính sách phải cứu [công ty] đang sống chứ không phải xác sống”.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng có thể tham gia diệt xác sống bằng cách thẳng tay với các công ty hoạt động kém. Tăng lãi suất sẽ là một đòn đau trong một nền kinh tế đã “zombie hóa”, nhưng cũng như trong phim kinh dị, cảnh tiêu diệt xác sống lúc nào cũng máu me rùng rợn, thì trong kinh tế có lẽ cũng cần như thế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận