Kinh tế... tin đồn

TỪ PHONG 21/04/2012 19:04 GMT+7

TTCT - Sốt đất, sốt nhà chung cư, sốt chứng khoán, sốt gạo, rồi vàng cũng có lúc lên cơn sốt... Có phải do thiếu những nguồn thông tin chính thức, đáng tin cậy, thiếu các chỉ số kinh tế vĩ mô được đo lường khoa học và có uy tín mà người dân chạy theo... tin đồn?

Phóng to
Loạn thông tin, nhà đầu tư chứng khoán dễ bị mất phương hướng - Ảnh: Thanh Đạm

Tin tức kinh tế nửa thực nửa hư

Tỉ phú Warren Buffett có nói: Đừng bao giờ hỏi thợ cắt tóc xem bạn có cần phải cắt tóc hay chưa! Những dự đoán về thị trường thường nói về người đưa ra dự đoán nhiều hơn là về tình hình thực tế.

“Giá căn hộ chung cư H tuần vừa rồi tăng mạnh vì có rất nhiều người đến hỏi mua do quan tâm đến vị trí tiện lợi, chỉ cách trung tâm Q.1 chưa đầy 5 phút xe máy”.

“Lợi nhuận của công ty A dự tính tăng mạnh trong quý 1 năm nay, một số quỹ đầu tư nước ngoài dự tính mua lại cổ phiếu của công ty này để tăng tỉ lệ nắm giữ trong đại hội cổ đông sắp tới”.

“Giá xăng có thể sẽ tăng trong tuần tới vì các công ty xăng dầu đang kêu lỗ 1.000 đồng một lít”.

Những dạng tin tức nửa thực nửa hư, khó kiểm chứng, thậm chí không thể kiểm chứng như trên đang tràn ngập không chỉ trên các diễn đàn, trang web cá nhân, mà còn cả trong bản tin kinh tế của báo chí và truyền hình. Tin tức kinh tế cần chính xác, có số liệu cụ thể từ những nguồn đáng tin cậy, và dựa trên các số liệu đó các chuyên gia sẽ phân tích theo những mô hình khác nhau, với các quan điểm khác nhau để đưa ra nhận định.

Ở Mỹ chẳng hạn, có chỉ số S&P CS (S&P/Case-Shiller Home Price Indices) theo dõi chi tiết về diễn biến giá bất động sản trên toàn quốc, chỉ số lòng tin người tiêu dùng của Conference Board và rất nhiều chỉ số khác được công bố công khai để đo lường, nhận định về thực trạng và xu hướng của nền kinh tế.

Do cảm tính nên khi giá bất động sản (BĐS) lên từng ngày, các chuyên gia sẽ tìm đủ ví dụ, các số liệu cần thiết để nói nó sẽ còn lên nữa. Rồi khi giá BĐS xuống mấy chục phần trăm so với đỉnh rồi, các chuyên gia (có khi vẫn những người ngày trước từng viết về lý do giá còn lên) lại tìm ra đầy đủ số liệu và minh chứng thực tế rằng nó sẽ còn phải xuống thêm mấy chục phần trăm nữa!?

Trong cơn sốt chứng khoán cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi giá cổ phiếu cao gấp hàng chục lần hiện nay, vẫn có hàng loạt bài viết nhận định thị trường chứng khoán sẽ còn đi lên tiếp, sẽ còn chinh phục những đỉnh cao mới. Còn nhớ ngày đó cũng có những tiếng nói lẻ loi nhắc nhở nhà đầu tư rằng trị giá một vài công ty đã lên quá cao, nhưng bị bỏ qua không thương tiếc (1, 2). Không hiểu những người từng bỏ tiền mua cổ phiếu FPT giá 660.000 đồng, SSI giá 300.000 đồng, hiện nay có còn nhớ đến những cảnh báo đó hay không?

Tỷ phú Warren Buffett có nói: Đừng bao giờ hỏi thợ cắt tóc xem bạn có cần phải cắt tóc hay chưa! Những dự đoán về thị trường thường nói về người đưa ra dự đoán nhiều hơn là về tình hình thực tế. Tất nhiên các công ty BĐS sẽ luôn tin rằng đầu tư vào BĐS là an toàn nhất, hiệu quả nhất. Tất nhiên người môi giới chứng khoán luôn khẳng định với bạn rằng thị trường đang có rất nhiều cơ hội, và năm nay sẽ là năm rất tốt cho đầu tư tài chính.

Để người dân không rơi vào mớ bòng bong tin tức và nhận định trái chiều cần những số liệu chính xác, được thống kê khoa học từ những tổ chức có uy tín. Nói giá BĐS đang xuống hay đang lên phải dựa vào những số liệu cụ thể về các giao dịch chào mua, chào bán, giá các giao dịch đã thành công, chứ không thể viện dẫn những ông A bà B nào đó mà không ai có thể kiểm tra được

Chính vì thiếu các số liệu chính xác, nên lập luận về thị trường của nhiều bản tin tài chính khiên cưỡng và không khoa học. Người dân bối rối với những nhận định trái chiều nhau, cùng một ngày có khi báo này nói thị trường đang hồi phục, báo kia bảo còn chìm sâu trong khủng hoảng chưa biết khi nào mới hết. Vừa đọc thấy tin dự án A giảm giá 30%, dự án B giảm 40%, nhưng đến nơi thì các chủ dự án lại nói khác hẳn, hoặc đưa ra các phương án thanh toán mà khách hàng chỉ còn biết lắc đầu.

Thiếu minh bạch có lợi cho ai?

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội cung cấp những bản tin về doanh nghiệp niêm yết, tuy nhiên nhà đầu tư ít khi quyết định dựa vào các thông tin trên đó. Một phần vì họ không có đủ lòng tin vào sự trung thực của doanh nghiệp sau khi đã nếm quá nhiều quả đắng vì độ trễ và sự thiếu chính xác của tin tức. Mặt khác, nhà đầu tư VN cho rằng tin tức tài chính khi đã công khai thì không còn nhiều giá trị nữa, có quá nhiều người đã biết nó từ trước. Sử dụng tin tức nội gián để buôn bán cổ phiếu là một trong những hành động phạm pháp ở nước ngoài.

Tin đồn là một trong những nguyên nhân chính gây nên các cơn sốt giá, người dân quá nhạy cảm với tin đồn vì họ không được cung cấp tin tức chính xác với độ tin cậy cao. Ngay cả trong thị trường chứng khoán cũng thiếu sự minh bạch và trung thực trong việc cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.

Thị trường này tồn tại được là do lòng tin của khách hàng, vì nếu không có lòng tin thì còn ai dám bỏ tiền vào một doanh nghiệp xa lạ! Nhưng thực tế thì sao? Gần đây hàng loạt doanh nghiệp công bố lãi lỗ sau kiểm toán chênh lệch hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

Đương nhiên giữa doanh nghiệp và kiểm toán luôn có những quan điểm không trùng khớp, nhưng với mức thua lỗ chênh lệch lên tới hàng trăm tỉ đồng sau kiểm toán, cùng lúc là quyết định bán số lượng lớn cổ phiếu đang nắm giữ của các lãnh đạo doanh nghiệp làm nhà đầu tư hoang mang không biết có phải mình đang rơi vào một cái bẫy hay không. (3)

Gần đây còn có một hiện tượng đáng lo là các ông chủ doanh nghiệp niêm yết rất thích buôn bán món hàng cổ phiếu của chính mình. Hàng loạt thông báo về việc các quỹ, các lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua và bán số lượng lớn cổ phiếu của mình, làm thị trường ngày càng giống một canh bạc, mà chính nhà cái cũng tham gia đặt tiền cùng người chơi.

Còn ai am hiểu về tình hình thực tế của doanh nghiệp hơn chính các lãnh đạo của nó, vậy mà ngoài công việc chính là quản lý doanh nghiệp, họ còn tham gia trò chơi đầu cơ cùng với cổ đông khác thì còn gì là lòng tin vào sự minh bạch và sự trung thực của các ông chủ này nữa! Mặc dù các cơ quan quản lý đã yêu cầu chấm dứt tình trạng mua bán cùng lúc cổ phiếu số lượng lớn như vậy, nhưng lòng tin của nhà đầu tư với lãnh đạo các doanh nghiệp đó chắc chắn đã bị một vết thương chưa biết khi nào lành.

Có thể nói thông tin kinh tế của chúng ta vừa thiếu minh bạch vừa thiếu chính xác. Điều đó làm lợi cho những người nắm được thông tin và kiểm soát được việc đưa thông tin đến khách hàng. Hậu quả của việc này là một thị trường chứng khoán suy sụp thảm hại trong nhiều năm liên tiếp, là tình trạng sống dở chết dở của nhiều doanh nghiệp BĐS, là nạn đôla hóa, vàng hóa nền kinh tế khi người dân bám vào vàng và ngoại tệ như những tài sản tương đối độc lập so với sự thiếu minh bạch thông tin mà người dân luôn có cảm giác mình ở phía thua thiệt.

Minh bạch hơn sẽ tốt cho tất cả

Trong thị trường chứng khoán nói riêng và trong nền kinh tế nói chung, lòng tin của khách hàng đóng vai trò quyết định. Những năm 2006-2007, thị trường chứng khoán đạt đỉnh cao kỷ lục do lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế VN.

Hàng loạt tin tức tốt đẹp từ việc gia nhập WTO, từ đầu tư nước ngoài và mức tăng trưởng tốt của nhiều chỉ số kinh tế đã làm nhà đầu tư lạc quan rót tiền vào chứng khoán, đẩy chỉ số VN-Index lên hơn 1.100 điểm. Sau cơn sốt chứng khoán là cơn sốt nhà đất đã mang lại tài sản gấp đôi gấp ba cho cư dân những đô thị lớn ở VN. Tuy nhiên, lòng tin của nhà đầu tư mất dần theo những cam kết, những lời hứa không được thực hiện, những mờ ám trong việc cung cấp thông tin từ chủ doanh nghiệp.

Biết bao nhà đầu tư đã trắng tay vì tin tưởng vào các thông tin giả mạo từ doanh nghiệp, một ví dụ điển hình là cổ phiếu DVD (Công ty cổ phần dược Viễn Đông) đã có lúc giá lên tới hơn 100.000 đồng rồi rơi về 3.500 đồng trước khi bị hủy niêm yết (4,5).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này chính là do tổng giám đốc của DVD thao túng giá chứng khoán và vi phạm hàng loạt quy định công bố thông tin doanh nghiệp. Dù ông này đã bị kết án, nhưng thiệt hại của nhiều nhà đầu tư không chỉ tiền bạc mà còn là lòng tin vào thị trường nói chung.

Rất nhiều việc phải làm để người dân không phải tự bơi trong những luồng thông tin hỗn tạp. Nếu nguồn tin không chính xác thì các nhận định trên đó sẽ không còn thuyết phục được ai. Mong rằng trong thời gian tới sẽ có những số liệu xác thực hơn, khách quan hơn, khoa học hơn trong các bản tin kinh tế.

Đừng để người dân phải đoán mò, phải hoang mang trước những tin tức cảm tính chỉ để minh họa hoặc bảo vệ quan điểm, quyền lợi của một nhóm người nào đó.

__________

(1): http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200745/215502.aspx
(2):
http://vneconomy.vn/65620P0C7/gia-co-phieu-vietcombank-bao-nhieu-thi-vua.htm
(3): http://taichinh.vnexpress.net/tin-tuc/dau-tu/co-phieu/2012/04/sbs-me-sau-kiem-toan-lo-tang-them-179-ty-dong-7786/
(4): http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2010/11/3ba237d9/
(5): http://cafef.vn/hose/DVD-cong-ty-co-phan-duoc-pham-vien-dong.chn

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận