Lại chuyện tiền với bóng đá

HUY THỌ 31/10/2023 11:39 GMT+7

TTCT - Bóng đá cần tiền, nhưng cũng quan trọng không kém là phải có cơ sở rộng cho nguồn tiền đó.

Ảnh: Nguyễn Khánh

Ảnh: Nguyễn Khánh

Chúng ta đang mơ màng nghĩ tới World Cup rất nhiều, khi đội tuyển nam có được mấy năm làm mưa làm gió ở SEA Games và AFF Cup. Để rồi bây giờ khi lứa cầu thủ vàng ấy đã không còn phong độ cao, thì nhiều người trút giận lên đầu vị HLV người Pháp.

Chúng ta quên rằng Thái Lan, thời gian làm mưa làm gió bóng đá khu vực Đông Nam Á còn dài hơn chúng ta rất nhiều, nhưng họ cũng chưa bao giờ mon men đến gần World Cup.

Đã vậy, nhìn lại cái nền móng của bóng đá Việt, lại càng nhớ đến câu "xây nhà không móng".

Nền móng để ngôi nhà bóng đá vươn cao phải là tiền, và tiền đó phải đến từ người hâm mộ là chính, chứ không phải từ đâu khác. Khởi đầu mùa bóng mới, người hâm mộ sẽ thấy có một đội bóng thay tên là Bình Định, với hai từ đi kèm theo là "Quy Nhơn" thay cho "Topenland". 

Cái sự thay tên này là một mất mát lớn cho đội Bình Định. Năm 2020, để Topenland xuất hiện, bóng đá Bình Định nhận được 300 tỉ đồng trong 3 năm. Nhưng địa ốc lung lay, Topenland cũng không thoát khỏi khó khăn chung, và thế là Bình Định lại trở về với ngày xưa.

Câu chuyện của bóng đá Bình Định cũng là câu chuyện quen thuộc với nhiều đội bóng ở Việt Nam, vốn dựa nhiều vào các đại gia - mà các đại gia ở Việt Nam thì vốn lại dựa nhiều vào đất - nên khi đất ngã thì bóng đá cũng ngã theo.

Một khi các đại gia tháo chạy, tiền nuôi đội bóng, cầu thủ còn không đủ, thì lấy đâu ra chi phí nuôi VAR? Để VAR xịn xò như bóng đá châu Âu, mỗi trận đấu phải có ít nhất 32 camera; trong khi đó ở V-League, chỉ có 8 chiếc. Thế là đủ hiểu chất lượng VR made in Việt Nam thế nào.

Bầu sữa nuôi bóng đá cứ thất thường theo nhiệt kế tài chính của các đại gia, nên mơ gì chuyện World Cup. Khi nào sân bóng đầy ắp khán giả, khi đó bóng đá mới thật sự là bóng đá; mới thật sự có nguồn thu bền vững, và khi ấy mới nên mơ World Cup.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận