TTCT - Dạo gần đây, cứ sau một năm học giáo viên phải viết bản tự đánh giá bản thân, trong đó bất cứ hoạt động nào cũng phải có minh chứng. Nếu không có minh chứng xem như không hoàn thành công việc đã làm. Chuyện dở khóc dở cười nảy sinh từ đây... Khóc với việc xác nhận Đầu tiên, ở phần đánh giá tư tưởng, nhận thức, việc chấp hành chính sách, đường lối, pháp luật tốt phải có minh chứng của khu phố nơi ở qua giấy xác nhận có dự họp tổ, tham gia đóng góp cho địa phương, hoạt động phong trào, đóng đủ các loại thuế, phí ở địa phương như nhà đất, giao thông đường bộ... Điều cần bàn là quá khó để chứng minh chấp hành như thế nào là trung bình và như thế nào là xuất sắc. Bên cạnh đó, giáo viên phải tự đánh giá về mối quan hệ với đồng nghiệp và học sinh, kèm theo là minh chứng. Nhưng ai sẽ viết giấy chứng nhận này cho giáo viên? Đồng nghiệp thì có thể viết lời nhận xét tương đối thoải mái, nhưng học sinh lẽ nào lại có thể viết và xác nhận thầy cô có ứng xử tốt với các em? Và sẽ cần bao nhiêu giấy xác nhận từ đồng nghiệp và học sinh mới đạt chuẩn tốt đây? Đối với việc phối hợp cùng gia đình và cộng đồng trong giáo dục học sinh, thầy cô cần có minh chứng bằng sổ ghi hoạt động cụ thể về thời gian địa điểm, và tất nhiên phải có chữ ký của phụ huynh và các đoàn thể khi cần phối hợp. Khó nhất là việc tiếp cận kế hoạch giáo dục của địa phương. Trên thực tế quả là không dễ để thầy cô có được các văn bản của chính quyền địa phương về công tác này. Một khi biết thầy cô cần có cái gì đó để “làm chứng” là đến gặp gỡ phụ huynh, một số phụ huynh của các em học sinh “có vấn đề với trường” không ký xác nhận, nhà trường xem như thầy cô ấy chưa hoàn thành công việc... Nếu việc bảo đảm chương trình, kiến thức môn học, sử dụng phương tiện dạy học... có thể có minh chứng qua giáo án, qua lịch báo giảng và công tác thanh tra chuyên môn của cấp trên thì việc xây dựng môi trường học tập, giáo dục qua các môn học, qua hoạt động trong cộng đồng... muốn có minh chứng là không dễ dàng. Sao cứ phải có bằng chứng bằng văn bản? Việc giáo dục học sinh là một quá trình và bằng nhiều hình thức, không thể đòi hỏi tất cả đều có minh chứng bằng văn bản. Việc để phụ huynh, học sinh, chính quyền cơ sở và các đoàn thể có văn bản xác nhận các hoạt động của người thầy là lợi bất cập hại. Để hoàn tất bản đánh giá cá nhân, thầy cô phải vất vả đi tìm minh chứng bên ngoài nhà trường sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở trường, quả tình tạo nên một bầu không khí nặng nề. Thực tế khi không có minh chứng bên ngoài trường ấy cũng không thể đánh giá giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ vì năng lực chuyên môn, kết quả học tập rèn luyện của học sinh mới là minh chứng hùng hồn nhất. Mới đây có nơi yêu cầu thầy cô phải nộp khai sinh của cá nhân để làm minh chứng ngày tháng năm sinh, cha mẹ, nơi sinh và các thông tin liên quan... là đúng sự thật. Nếu khai có vợ, có chồng phải có minh chứng là giấy đăng ký kết hôn, có con phải có khai sinh kèm theo... Nhiều trường hợp thầy cô lớn tuổi không còn khai sinh của cá nhân phải vất vả đi làm khai sinh lại để chứng minh... mình có ngày sinh đàng hoàng. Trong trường hợp khó khăn thì đành nộp chứng minh nhân dân thay thế. Bằng tốt nghiệp đúng là minh chứng cho kết quả học tập, trình độ đào tạo của mỗi người, nhưng đòi minh chứng là giấy xác nhận từng là sinh viên của nơi đào tạo đúng theo từng năm đã học quả là khó hiểu, thậm chí là điều quá đáng. Nói chung, bất kỳ hoạt động, chi tiết nào của cá nhân trong đời sống cũng cần phải có minh chứng, nhưng vấn đề là ai, cơ quan nào làm việc đó và làm như thế nào để không gây tổn thương một con người. Đòi tất cả phải có minh chứng nhưng thực tế chứng minh là điều không thể và cấp quản lý cũng chẳng thể làm gì thì cứ một mực đòi để làm gì? Nhìn vào ai cũng hiểu đó là một căn bệnh hình thức, vậy sao lại để nó tồn tại giữa chúng ta? Tags: Bằng chứng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.