Làm ăn kiểu Barcelona

H.MINH 22/06/2011 12:06 GMT+7

TTCT - Là đội bóng chơi đẹp nhất, hay nhất và thành công nhất ở châu Âu vào thời điểm này, Barcelona không chỉ là gương mẫu cho các CLB bóng đá mà còn cả cho các doanh nghiệp muốn thành công.

Phóng to
HLV Pep Guardiola, nhà quản trị tài ba của “doanh nghiệp” Barcelona - Ảnh: Reuters

Một trong những thành công vượt trội nhất của đội bóng xứ Catalan, ở thời buổi có quá nhiều tiền bạc đổ vào bóng đá và lòng trung thành chỉ có trong những câu chuyện cười, là khả năng phát hiện các tài năng trẻ từ rất sớm và giữ chân họ ở lại câu lạc bộ. Tâm điểm là lò đào tạo trứ danh La Masia, nơi Lionel Messi, Xavi và Andres Iniesta đã trưởng thành.

Bài học đầu tư nhân lực lâu dài

Kinh nghiệm của Barcelona là bài học cho những công ty muốn phát triển và giữ lại tài năng của họ, bài học về thành công đòi hỏi một chiến lược thu hút nhân tài và sự kiên nhẫn của một tầm nhìn vượt qua ngắn hạn.

Các công ty sẽ phải học điều này: họ không thể thành công nếu không xây dựng một đội ngũ có tính kế thừa và chăm lo cho nguồn lực quý giá nhất. Đó là con người. Thêm vào đó, việc cùng chơi bóng với nhau trong suốt một thời gian dài giúp các cầu thủ Barcelona, giống như một công ty giữ lại những người giỏi nhất trong hai thập niên, hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc.

Đó là lý do chính giải thích cho lối chơi áp đặt nhuần nhuyễn và thế trận một chiều khiến Manchester United không có bất cứ cơ hội nào ở sân Wembley trong trận chung kết Champions League ngày 28-5 vừa rồi.

La Masia đã là nhà của hơn 500 cầu thủ trong suốt ba thập niên qua. Theo một nghiên cứu mới đây của tạp chí tài chính Financial Times, La Masia thành công với chính sách giống hệt chính sách tuyển dụng của các doanh nghiệp hàng đầu. Barcelona tìm kiếm những cầu thủ không chỉ có tài năng mà phải có khát khao thành công và khả năng hòa nhập với nền văn hóa bóng đá ở CLB.

Việc phát triển năng lực của từng cá nhân là một quá trình được ban lãnh đạo chú ý đầu tư mạnh với những giáo viên, huấn luyện viên thể lực, nhà tâm lý học và bác sĩ giỏi nhất.

Cũng theo Financial Times, “kinh nghiệm của Barcelona là bài học cho những công ty muốn phát triển và giữ lại tài năng của họ, bài học về thành công đòi hỏi một chiến lược thu hút nhân tài và sự kiên nhẫn của một tầm nhìn vượt qua ngắn hạn. Các tổ chức cần phải kiên định với những giá trị của họ trong mọi việc họ làm vì đầu tư một cách thông minh vào nhân tài sẽ tạo ra lợi thế không ai sánh được trong dài hạn”.

Năng lực quản lý cá nhân

Một công ty có thể tốt nếu có những nhân viên giỏi, nhưng chỉ có thể trở thành vĩ đại nếu được kết hợp với một nhà lãnh đạo tài ba. Barcelona chính là như vậy, với vị “giám đốc điều hành” Pep Guardiola. Là một người Catalan chính gốc, có mười năm chơi bóng ở sự nghiệp đỉnh cao trên sân Nou Camp và yêu CLB hơn ai hết, Guardiola đã trở thành gương mặt hoàn hảo để ban quản trị Barcelona chọn mặt gửi vàng.

Hơn thế nữa, những gì mà Guardiola tạo dựng được hiện giờ còn có tính kế thừa sâu sắc. Văn hóa bóng đá, phong cách và nhịp điệu lối chơi của Barcelona đã được gầy dựng nên suốt từ thời Johan Cruyff, cách đây hơn 20 năm. Đội bóng từ đó có trải qua những thăng trầm, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ phong cách của mình: dù thắng hay thua cũng phải chơi đẹp, dù là dưới thời Bobby Robson, Louis van Gaal hay Frank Rijkaard.

Sự kế thừa đó thật giống với các doanh nghiệp hàng đầu hiện nay. IBM chẳng hạn, từ một công ty sản xuất máy đánh chữ những năm 1940 trở thành hãng sản xuất máy tính vào những năm 1970-1980, và giờ là công ty công nghệ cao với doanh số 100 tỉ USD mỗi năm, nhưng triết lý của họ không thay đổi: sáng tạo không ngừng.

Cuối cùng, thêm một lý do nữa để Barcelona vượt lên hẳn những “doanh nghiệp” thông thường khác trong thế giới bóng đá: họ có lẽ là đội bóng duy nhất trả tiền cho nhà tài trợ trên áo thi đấu. Tháng 7-2006, Barcelona công bố một hợp đồng có thời hạn năm năm với UNICEF đặt logo của tổ chức này trên áo đấu, “đổi lại” UNICEF được nhận 2 triệu USD mỗi năm cho các chương trình viện trợ nhân đạo.

Người ta sẽ không thể tìm thấy điều tương tự ở Real Madrid, Manchester United, Chelsea hay Manchester City.

Vẫn kiếm tiền rất khá

Dù luôn xây dựng hình ảnh là một đội bóng cộng đồng, Barcelona vẫn là một doanh nghiệp làm ăn rất khá. Cuối năm 2010, họ đã công bố một hợp đồng tài trợ áo đấu nữa với tổ chức phi lợi nhuận Qatar Foundation, hợp đồng tài trợ áo đấu đắt giá nhất lịch sử thể thao: 150 triệu euro (215 triệu USD).

Trong danh sách các CLB bóng đá giàu nhất thế giới do Hãng Deloitte thiết lập, Barcelona đang đứng thứ hai với doanh thu 560 triệu USD/năm, sau kình địch Real Madrid (583 triệu USD). Trong đó, đáng kể nhất là tiền bản quyền truyền hình 178,1 triệu euro.

Chi phí hoạt động trong mùa giải 2009-2010 của Barcelona là 459,2 triệu euro, trong đó 234,8 triệu chi cho lương bổng và mua cầu thủ. Mùa trước CLB thua lỗ 79,6 triệu euro, với tổng nợ 548,6 triệu euro. Mùa này tính đến tháng 6, Barcelona vẫn còn lỗ dù đã vô địch La Liga và Champions League, chủ yếu do tăng thêm tiền thưởng cho các cầu thủ.

“Chúng tôi hài lòng với kết quả kinh doanh. Đó là khoản đầu tư tốt nhất có thể vì Barca đã trở thành một thương hiệu được thừa nhận hơn bao giờ hết” - phó chủ tịch phụ trách tài chính của CLB Javier Faus phát biểu với Reuters.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận