Làn sóng bài nhập cư và bạo loạn ở Anh: Những mô típ quen thuộc

THANH TUẤN 17/08/2024 07:50 GMT+7

TTCT - Điều gì khiến một người nổi loạn? Tại sao người ta ném gạch đá vào cảnh sát dù đang bị quay bởi hàng chục điện thoại, biết rằng có thể phải ngồi tù và cuộc đời đi vào ngõ cụt?

Làn sóng bài nhập cư và bạo loạn ở Anh: Những mô típ quen thuộc- Ảnh 1.

Ảnh: The New Arab

Theo Financial Times, cuộc bạo loạn ở Anh gần hai tuần qua - bất ổn lớn nhất ở nước này kể từ năm 2011 - xuất phát từ tâm lý chống người nhập cư.

Mọi thứ bùng phát bởi vụ đâm chết ba bé gái ở Southport và tin giả lan truyền rằng thủ phạm là một thuyền nhân Hồi giáo xin tị nạn.

Mô típ lặp lại nhiều thế kỷ

Chỉ trong cuối tuần đầu tháng 8, hơn 50 cuộc biểu tình đã nổ ra và gần 400 người bị bắt. Sau đó thêm hàng trăm người biểu tình khác bị tạm giữ và hàng chục người bị kết tội. 

Báo Anh Economist trích lời Matthew Goodwin, chuyên gia về các nhóm cực hữu, nói bạo loạn trong hơn hai tuần qua ở Anh bùng lên từ những giận dữ mang màu sắc dân túy chống lại "tầng lớp thống trị", "nhóm tinh hoa thiểu số" muốn làn sóng nhập cư được vào Anh thoải mái. 

Tommy Robinson, một người cổ xúy tự do nhập cư, thì nói về cuộc xung đột giữa "người lao động chăm chỉ vì gia đình" với "tầng lớp thủ cựu". Bạo loạn nghiêm trọng nhất diễn ra ở các thành phố như Hartlepool, Hull, Liverpool, Middlesbrough và Rotherham.

Dù dư luận ủng hộ chính quyền mạnh tay với bạo loạn, "rất nhiều người đồng quan điểm với nhóm bạo loạn rằng số người nhập cư cần phải giảm xuống" - Steven Fielding, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học Nottingham, nói với New York Times. 

Các chính phủ khác nhau ở Anh đã cam kết giảm số người nhập cư hằng năm xuống dưới 100.000 nhưng không thực hiện được. Kiểm soát biên giới cũng chính là vấn đề then chốt trong cuộc trưng cầu ý dân Brexit năm 2016. 

Từ sau Brexit, số người nhập cư hợp pháp vào Anh đã tăng gần gấp 3 và đạt đỉnh năm 2022 với gần 750.000 người (tăng nhiều từ Ukraine và Hong Kong).

Các cuộc nổi loạn "không nói lên điều gì mới", theo ông Fielding, "chỉ là giờ tình hình bức bách hơn".

Theo Simon Kuper trên Financial Times, các vụ nổi loạn hiếm khi mang tính chính trị mà phần lớn bị kích thích bởi cảm xúc. Theo ông, suy nghĩ đơn thuần cho đây là các sự kiện do những người lý tính kêu gọi cho một chính sách nào đó sẽ là sai lạc, nếu nhìn vào cách thức bạo loạn bắt đầu và lan ra.

Làn sóng bài nhập cư và bạo loạn ở Anh: Những mô típ quen thuộc- Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Vai trò của KOL

"Kể từ phong trào "áo vàng" ở Pháp với cuộc tấn công cảnh sát và các cửa hàng xa xỉ năm 2018, châu Âu có vẻ đã bước vào giai đoạn nổi loạn của những đám đông không thủ lĩnh. 

Giống như cách Internet giảm dần vai trò của nghề hướng dẫn viên du lịch, Internet cũng dần loại bỏ các chính trị gia khỏi phong trào nổi loạn" - Julia Ebner, chuyên gia chống chủ nghĩa cực đoan ở Đại học Oxford. 

Bà Ebner cũng nói trong khi Donald Trump quả đã kích động đám đông tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1-2021, "ông ta không phải là nguồn cơn chính của bạo loạn".

Ngày nay, những KOL trên mạng xã hội là người lèo lái đám đông. Ebner nói cuộc bạo loạn thống nhất các nhóm cực hữu vốn rất phân mảnh trên mạng - từ những kẻ kỳ thị phụ nữ như Andrew Tate, tới người kỳ thị đạo Hồi như Tommy Robinson. Những video chia sẻ về cuộc nổi loạn giúp phong trào này lan đi nhanh chóng.

Khi kẻ truyền tin giả bị cấm trên mạng xã hội chính thống, họ sẽ xuất hiện trên các kênh khác. Như Ebner từng viết: 

"Những kẻ cực hữu đưa đám đông theo họ tới các nền tảng khác… nơi biến thành các ổ cực đoan hóa, nơi chia sẻ… thông tin cực đoan hoàn toàn biệt lập với thông tin bên ngoài". 

Lần này, chỉ vài giờ sau vụ các bé gái bị đâm, một nhóm ở Southport (nơi vụ giết người xảy ra và bạo loạn bùng phát đầu tiên) đã xuất hiện trên Telegram, theo Đài BBC.

Một đặc điểm nữa của bạo loạn là thường diễn ra vào mùa hè - khi ra ngoài buổi tối khá dễ chịu. Nghiên cứu về bạo loạn tại 50 thành phố ở châu Á và châu Phi giai đoạn 1960-2006 của Adam Yeeles tại Đại học Texas ở Dallas cho thấy thời tiết nóng khiến "rối loạn xã hội" dễ xảy ra hơn và "đỉnh điểm của bạo loạn thường là khi nhiệt độ gần 30oC". 

Cuộc nổi loạn năm 2011 cũng diễn ra đúng tuần đầu tháng 8 sau khi cảnh sát Tottenham sát hại một người đàn ông da đen. Ngoài ra, hầu hết những người tham gia là đàn ông.

Bạo loạn cũng thường đòi hỏi xây dựng điểm đặc trưng riêng cho nhóm, để những người tham gia cảm thấy gắn kết với nhau. 

Mối quan hệ này có thể tiềm ẩn từ trước trong đời sống hằng ngày, hay ở các đô thị nhỏ như Southport, hoặc có thể được gầy dựng trên mạng rồi gắn kết hơn qua nổi loạn. 

Một yếu tố then chốt của đặc trưng nhóm là điều mà giới xã hội học gọi là "kẻ khác", tức nhóm đối địch. Đó có thể là người Hồi giáo, Do Thái, phe cấp tiến, người nhập cư hay trong một số cuộc bạo loạn, thậm chí là cảnh sát.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Bạo loạn cho vui?

Những người đồng cảm coi bạo loạn ở Anh hiện giờ là một thông điệp chính trị - một dạng bạo lực của phong trào dân sự như ở Mỹ. 

Nhưng diễn giải khác lại nói những người nổi loạn chỉ để cho vui, rằng họ cũng chỉ như đám hooligan bóng đá Anh từng một thời khét tiếng. Cảnh tượng ở một số cuộc bạo loạn quả có tương đồng: đông đảo đàn ông da trắng, bụng bia cầm cờ Anh, một số còn mặc đồ hiệu và ném gạch đá vào cảnh sát. Có cả những người giơ tay chào hay có hình xăm kiểu Quốc xã.

Với những người có theo dõi lịch sử hooligan Anh 100 năm qua, những hình ảnh này rất quen thuộc. Ngay cả nhiều khẩu hiệu của nhóm nổi loạn cũng xuất phát từ giới cổ động viên bóng đá, ví dụ: "Mày không còn là người Anh" hay "Mày không chịu hát", giống hệt như ở Euro 2024. 

Tác giả cuốn Among the Thugs (Giữa đám du đãng) Bill Buford nói tác phẩm của ông tìm hiểu "lý do thanh niên Anh nổi loạn thứ bảy hằng tuần" trong "thời hoàng kim" của giới hooligan, những năm 1980-1990.

Buford kết luận rằng hooligan không có bất cứ lý do chính trị gì, mà đơn giản bởi nổi loạn thì vui. Ông đã đi cùng các hooligan Anh quậy phá kinh hoàng ở Sardinia (Ý) hồi World Cup 1990 và cảm thấy "cảm giác chiến tích mạnh mẽ". Cùng lúc... là niềm vui từ quyền lực".

Và cách trực tiếp nhất để thể hiện quyền lực chính là bạo lực - đầu tiên là với đồ đạc, sau đó là với con người. Cảm giác phấn khích bùng nổ, theo Buford, trong "hành vi phá vỡ luật lệ và trật tự".

Tuy nhiên, quan điểm bạo loạn cho vui đó cũng gây tranh cãi với thực tại hiện giờ. Khi xe hơi bị đốt trụi, các hội đường Hồi giáo và khách sạn cho người tị nạn bị đập phá suốt hai tuần qua ở Anh, tân Thủ tướng Keir Starmer chưa ngồi nóng chỗ đã đối mặt với thách thức khủng khiếp. Bạo lực nay đã giảm bớt, nhưng nhiều sóng gió tương lai được dự báo sẽ xảy ra với chính phủ Starmer.

Giới phân tích nói căng thẳng liên quan đến vấn đề nhập cư và dịch vụ công quá tải là thực tế không thể chối bỏ. 

Ông John Hayes, 63 tuổi, bị đâm trong khi chặn nghi phạm ở Southport, chỉ trích những cuộc bạo loạn, nhưng cũng kêu gọi chính phủ phải hiểu vì sao một số người tức giận như vậy: "Đã có tình trạng bất bình mạnh mẽ về làn sóng nhập cư và [vụ đâm dao ở Southport] chỉ là chất xúc tác".

Ngay cả những người chống cực hữu cũng thừa nhận điều đó. Weyman Bennett của Tổ chức Stand Up to Racism nói dù nước Anh có truyền thống chống cực hữu và phát xít, "hiện quả đang có tình trạng cố tình im lặng trước tình trạng nghèo đói và đi xuống về hạ tầng quốc gia".■

Bạo loạn trong lịch sử khá giống nhau, dù về chi tiết thì khác nhau theo từng thời kỳ. Vụ việc thường được châm ngòi bởi tin đồn hoặc tin giả.

Bạo loạn lần này khởi phát từ tin giả về nghi phạm giết ba bé gái là thuyền nhân Hồi giáo (nghi phạm thực ra sinh ở Anh trong một gia đình gốc Rwanda Ki tô giáo).

Một công thức nữa của bạo loạn là những người tham gia bị thao túng tâm lý bởi các lãnh đạo chính trị - trong trường hợp này là những người như Nigel Farage, nhân vật cực hữu thường xuyên rêu rao thuyết âm mưu và là tác giả chính thúc đẩy Brexit.

Ông Farage lên truyền hình chất vấn cảnh sát có che giấu thông tin kẻ sát nhân không và bênh vực cho các cuộc bạo loạn là "phản ứng trước nỗi sợ hãi, là những bực dọc nơi hàng chục triệu người". Ông đã bị chỉ trích dữ dội về những bình luận thêm dầu vào lửa này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận