TTCT - Xét chi phí sản xuất kinh doanh tổng thể, ước tính Việt Nam vẫn cao hơn Trung Quốc từ 10-20%, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, logistic và quan trọng hơn, hiệu năng. Đấy là nguyên nhân khiến kể cả khi Mỹ áp thuế chống hàng có xuất xứ Trung Quốc, Việt Nam cũng không có lợi thế rõ rệt để giành lấy thị phần sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia cạnh tranh khác. Làn sóng Trung Quốc + 1 chỉ là cơ hội ngắn hạn khó thể bù đắp cho đòi hỏi lâu dài về tăng năng suất và kềm hãm chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm. Ảnh: magzterKhi Trung Quốc đủ sức mạnh để hướng đến thị trường trong nước - kèm theo chi phí lao động giá rẻ không còn, và chống chọi tác động tiêu cực của các chính sách áp thuế và cấm vận từ Mỹ, câu chuyện thời thượng là dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đấy, tình trạng cơm không lành, canh không ngọt trong không khí chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản từng khiến xu hướng Trung Quốc + 1 trở thành nhận định mang tính thời thượng, làm nhiều người hồ hởi và lạc quan trông chờ một làn sóng dịch chuyển, nhanh và… giá không rẻ, sớm muộn cũng sẽ tràn vào Việt Nam.Vấn đề không chỉ là giáMột con số nói lên nhiều điều: 25% là mức chênh lệch thuế của linh kiện, sản phẩm công nghiệp chế tạo từ Trung Quốc và từ các nước Đông Nam Á nhập vào thị trường Mỹ năm 2018, bắt đầu từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ và kéo dài tới nay. Khoảng gần 400 loại sản phẩm công nghiệp gia dụng, tương đương doanh số 36 tỉ USD bị ảnh hưởng bởi sắc thuế mới.Khẩu hiệu "Đưa việc làm về cho người Mỹ" thoạt đầu cũng gây hiệu ứng lạc quan ở Mỹ như mỹ từ "làn sóng dịch chuyển đầu tư" ở Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí sản xuất không phải là chuyện ngày một ngày hai có thể kéo giảm, hay chỉ hô khẩu hiệu mà giảm được. Trung Quốc có hơn 40 năm xây dựng và tích lũy nội lực cho nền sản xuất hiệu suất cao và ngành logistic vô cùng năng động. Đó là chưa kể khả năng phát triển công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới, cùng tốc độ triển khai ngoài sức tưởng tượng.Nội lực tích lũy đấy giúp họ biết cách giải quyết con số 25% thuế cao hơn, để mức chi phí tổng thể đưa cùng một sản phẩm đến Mỹ, giá của Trung Quốc vẫn có thể thấp hơn các quốc gia trong khu vực 20-25%. Trong khi đó, kể cả khi giá hàng hóa Trung Quốc chỉ thấp hơn 10-15% so với các đối thủ, họ vẫn có cơ hội khi cạnh tranh, nhờ tốc độ triển khai sản phẩm mới và giao hàng nhanh hơn hẳn các quốc gia còn lại.Một sản phẩm điện gia dụng model mới - đơn giản như máy sấy tóc, năng lực triển khai sản xuất mẫu và giao hàng hàng loạt ở Việt Nam đòi hỏi ít nhất hai tháng. Ví dụ như đó là mặt hàng bán dịp Giáng sinh, sau ngày đấy khó bán được nữa, thì người Trung Quốc vẫn được chọn, vì thời gian giao hàng của họ cho cùng chiếc máy sấy tóc có thể không quá 20 ngày, tức chưa tới một nửa so với các nền sản xuất khác.Tốc độ này trên thế giới - chỉ có doanh nghiệp Hàn Quốc mới cạnh tranh nổi. Giá nhân công lao động của Trung Quốc có thể đã cao hơn Việt Nam và các nước Đông Nam Á 20-30%, nhưng chi phí nguyên vật liệu của họ vẫn rẻ hơn, năng suất cao hơn và khả năng giao hàng - bao gồm số lượng và thời gian vượt trội, là những yếu tố khiến các mức thuế mới mà Mỹ áp tuy làm khó được họ, nhưng chưa thể kềm tỏa nền công nghiệp chế tạo Trung Quốc như Washington trông đợi.Dù gặp nhiều khó khăn, nền sản xuất Trung Quốc vẫn có ưu thế vượt trội về chi phí và thời gian giao hàng so với các nước cạnh tranh. Ảnh: GettyChỉ là cơ hội ngắn hạnĐó là chưa kể, dù Chính phủ Mỹ có muốn kềm hãm Trung Quốc, thì người tiêu dùng Mỹ vẫn sẽ lựa chọn theo thị trường. Một thực tế là Mexico có đủ tất cả các điều kiện để trở thành công xưởng của Mỹ thay thế Trung Quốc, bao gồm khoảng cách địa lý, giao thông, giá nhân công… Tuy nhiên, quốc gia này không có một nền tảng phát triển công nghiệp chế tạo như Trung Quốc. Kết quả là núp sau những doanh nghiệp Mexico lớn nhất giao hàng cho Mỹ luôn thấp thoáng bóng các doanh nhân… Trung Quốc.Cảng lớn nhất của Mexico Manzanillo có công suất thông cảng bằng 1/6 cảng Los Angeles và bằng 1/18 cảng Thương Hải. Ở Nouevo Leon, bang có thực lực kinh tế thứ nhì Mexico và là khu vực có nền công nghiệp phát triển nhất quốc gia này, Mỹ là nhà đầu tư công nghiệp lớn nhất, thứ nhì chính là… Trung Quốc - chiếm hơn 30% tổng giá trị đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, nhờ Mỹ gây ra thương chiến, Trung Quốc lại có cơ hội mở mang kinh doanh, đến tận đất nước Trung Mỹ xa xôi, và Việt Nam hay Đông Nam Á cũng chỉ nằm trong quỹ đạo điều chỉnh đấy thôi.Trung Quốc có thể đầu tư xây dựng nhà máy ngay sát nách Mỹ, thì đương nhiên họ đã làm điều đó ở quy mô còn lớn hơn ở Đông Nam Á. Kết quả là trong số 100 container hàng từ Đông Nam Á đến Mỹ, sẽ có không ít hơn 30% có nguồn gốc từ những công ty dây dưa với công ty mẹ xuất xứ Trung Quốc. Đấy đang là sự thật hiển nhiên đang diễn ra.Trong ngành lắp ráp chế tạo thiết bị điện, điện tử, một công ty đa quốc gia chuyên lắp ráp phụ tùng gốc ở Việt Nam, sau khi đấu giá, ra giá tốt nhất để có được hợp đồng, thường phải chịu thêm 10% giảm giá nữa, may ra mới cạnh tranh được với đối thủ cùng ngành gốc gác Trung Quốc, có chi nhánh đâu đó ở Thái Lan hay Malaysia, từ cái ổ điện đến cái máy quẹt thẻ cầm tay. Đó cũng là sự thật đang diễn ra.Lĩnh vực sản xuất chế tạo Trung Quốc thật ra đã xây dựng nhiều nhà máy vệ tinh ở Đông Nam Á từ trước khi Mỹ áp các sắc thuế mới lên hàng hóa của họ. Sản xuất tấm pin mặt trời ở Malaysia. Ảnh: ReGlobalNhững nhà máy vệ tinh đấy, có nguồn nguyên liệu giá rẻ, dây chuyền sản xuất và phí chuyển giao công nghệ với mức phí hầu như ngang giá vốn ở Trung Quốc, cộng với giá nhân công rẻ, vốn vẫn là công cụ cạnh tranh cho đến gần đây của các quốc gia nội vùng Đông Nam Á.Hàng Trung Quốc, đội lốt "made in ASEAN" vẫn ùn ùn giao qua Mỹ, ít ra là đến khi Mỹ có thể đưa ra một cơ chế giám sát khắt khe hơn, đánh thuế luôn các công ty ở Asean nguồn gốc Trung Quốc, điều nói sẽ dễ hơn làm, do khi đó sẽ cần nguồn lực kiểm tra giám sát rất lớn. Đấy là cơ hội trong ngắn hạn mà Việt Nam cần tận dụng triệt để - bằng những gì đã tích lũy trước đó, về hiệu năng, tốc độ, sự quyết tâm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, đấy không nên được coi là lợi thế lâu dài cho nền sản xuất quốc nội, bởi nó không tạo ra động lực và nỗ lực cần thiết để giải quyết những vấn đề cốt lõi: năng suất còn quá thấp và chi phí sản xuất lại quá cao.Kể cả khi Trung Quốc bị đánh thuế nhiều hơn nữa so với hiện nay, thì điều đấy không nên được coi là cơ hội, mà chỉ là cú hích, là động lực để nền sản xuất trong nước nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa, trước hết là với các quốc gia ASEAN, những đối thủ cạnh tranh ngang hàng và vừa sức với chúng ta.■ "Xét tổng thể, chi phí sản xuất kinh doanh (ở Việt Nam) cao hơn khoảng 7% so với ở Trung Quốc, tức cơ bản bằng với mức thuế 7,5% tăng thêm với hàng của chúng tôi nhập vào Mỹ" - Ren Jianjun, phó tổng giám đốc điều hành hãng thiết bị điện Trung Quốc Chervon, nói với báo Hong Kong Bưu Điện Hoa Nam 23-7.Các công ty Đài Loan cũng đang gặp tình trạng tương tự. Chieh Hao-chuan, đang điều hành một công ty thực phẩm và là đại diện của Hội đồng Phòng thương mại Đài Loan ở Việt Nam, nói: "Giá nguyên vật liệu đang tăng, lương cơ bản thì đã tăng rồi. Nếu các công ty không phản ứng lại bằng cách tăng giá, thì lợi nhuận của họ sẽ bị ảnh hưởng".Với Chervon, chuỗi cung ứng cho sản phẩm của họ ở Việt Nam cũng khó sánh được với ở Trung Quốc. Chi phí lao động, và nhất là giá thuê đất đang tăng nhanh, là những vấn đề khác. Theo Hãng Dezan Shira & Associates, trong bốn năm qua giá thuê đất sản xuất kinh doanh đã tăng trung bình 7%/năm ở miền Bắc và 13% ở miền Nam.Chi phí lao động ở Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc 23% (số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IFM Research), nhưng lao động giá rẻ không còn là nghiễm nhiên, khi nhiều công ty sản xuất cho biết khó tìm được lao động chấp nhận mức lương họ đưa ra. Rào cản chính sách với kinh doanh cũng còn nhiều, khiến kết hợp tất cả các yếu tố đó, chi phí cho mảng sản xuất ở Việt Nam vẫn cao hơn ở Trung Quốc 10-20%, theo ông Lou Zhongping - người sáng lập Soton Daily Necessities, biệt danh "vua ống hút" ở Trung Quốc. Ông Lou mới đây đã dẫn một nhóm hơn 30 doanh nhân khởi nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang sang Việt Nam tìm hiểu khả năng đầu tư trong một tuần (Global Times 20-7).Ông đã ghé thăm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, gặp gỡ nhiều doanh nhân Trung Quốc ở sở tại. Theo Global Times, hai điều ông rút ra từ đó là chi phí đất ở Việt Nam hiện đã cao hơn vài lần so với ở Trung Quốc, do làn sóng các nhà đầu tư khắp châu Á đổ vào, và lý do chủ yếu khiến doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam là lo ngại rủi ro địa chính trị.C.VĂN Tags: Đông Nam ÁThị trường MỹChuỗi cung ứngSản xuất kinh doanhTrung Quốc
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cảnh báo nội thành ngập lụt PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Bão số 3 vẫn còn rất mạnh, gió cấp 12, giật cấp 13 TUẤN PHÙNG 07/09/2024 Bão số 3 vẫn còn gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 và đi sâu vào đất liền. Bão gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10 tại Hà Nội trong chiều và đêm 7-9, cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.