Làng Tốt hôm nay

HUỲNH VĂN MỸ 03/01/2013 22:01 GMT+7

TTCT - Sáu năm trước, làng Tốt ở xã Ba Lế (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) bỗng nổi tiếng khắp vùng vì người làng trúng được lượng kỳ nam lớn chưa từng có trong lịch sử săn tìm trầm hương xưa nay.

Không như đa số người bỗng trúng số rồi xài hoang, người của ngôi làng nghèo này đã bước sang trang khác nhờ biết tích cóp và chịu khó làm ăn...

Phóng to
Những mái nhà ngói đã thay dần những mái tranh ở làng Tốt, xa xa là những đồi keo xanh ngát - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Đoạn đường xuyên núi hơn mười cây số dẫn đến làng Tốt nơi đầu nguồn sông Liên đã được khai mở. Con đường mới dài chừng 20 cây số từ xã Ba Bích đến Ba Lế - Làng Tốt là điểm nhấn trong kịch bản đổi đời cho vùng cư dân H’Re ở đây...

Từ “hiệu ứng” kỳ nam

Chuyện xảy ra năm 2006 được những người trong cuộc kể lại rằng ông Xắc đi soi rùa núi ở vùng núi giáp với huyện An Lão tình cờ bắt gặp kỳ nam, khoảng 300kg. Ông Xắc chia cho một người bạn ở khác làng cùng đi soi rùa với mình. Lúc đầu ông không biết nên bán chỉ 600.000 đồng/ký, sau lên dần 1,5-20 triệu đồng/ký. Đến khi thương lái các nơi đổ đến, giá vọt lên 800 triệu đồng/ký thì ông Xắc và người nhà ông chẳng còn bao nhiêu kỳ nam để bán.

Trưởng thôn Đinh Văn Gúp kể việc ông Phạm Văn Xắc đi lùng rùa núi bỗng dưng bắt gặp kỳ nam đã khiến cả làng Tốt xôn xao, náo động, phải thời gian dài sau đó mới dần trở lại nhịp sống bình thường, ổn định. Nhưng cũng nhờ trúng được lượng trầm lớn này mà ông Xắc cùng sáu người gồm con trai, con rể và em gái đã giàu lên, góp phần vào việc làm đổi thay làng Tốt như hôm nay.

Ông Xắc thuê xe vào san ủi mặt bằng, dựng ngôi nhà lầu theo kiểu vùng cao. Con trai lớn và em gái của ông Xắc cũng xây nhà lớn, mở đầu việc ngói hóa ở làng Tốt khi được mở đường vào xã, vào làng. Ngoài việc làm nhà, sắm xe, những người trúng kỳ nam trong gia đình ông Xắc còn đầu tư chuyện làm ăn.

“Vì nghĩ dân mình bao đời qua không quen chuyện làm ăn với khoản tiền quá lớn, ai cũng nghĩ người trong nhà ông Xắc không khéo sẽ hoang phí hết tiền. Nhưng không, chỉ một vài người tiêu phí một ít lúc đầu, còn lại ai cũng biết đem tiền gửi hết ở ngân hàng” - trưởng thôn Gúp kể. Ông Xắc mua hai máy xát gạo dựng ở làng, mua thêm năm con trâu cho bà con trong làng nuôi rẽ (thuê). Con, rể, em gái, cháu ông Xắc ngoài mua thêm trâu bò để chăn nuôi còn bỏ vốn mua đất trồng keo...

Dân làng Tốt giờ ai cũng lo trồng thêm cây keo, nuôi thêm con trâu, con heo để bán. “Giàu như ông Xắc mà còn đi làm sớm về tối, mình lười biếng sao được...” - trưởng thôn Gúp nói. Ông Xắc cười: “Người H’Re mình mà lười biếng, không biết tiết kiệm sao được...”. Ông nói chuyện ông mua chiếc ôtô 1,2 tỉ đồng cũng như mua đất xây nhà ở thị trấn Ba Tơ cho con trai của ông không phải là ông phí tiền, nhưng là để cho nó có điều kiện mà tiến bộ.

Đến làm giàu nhờ trồng rừng

Những rừng keo mới đốn và được dọn sạch để lấy đất trồng lứa kế tiếp nằm dọc bên đường làm làng Tốt bớt thẳm sâu hơn. Giữa chiều, làng vắng bóng người lớn. “Người đi trồng rừng, người đi bứt mây, tuốt lúa, một ít người đi chăn trâu. Dân làng Tốt mấy năm nay có nhiều việc mới để làm hơn hồi trước...” - trưởng thôn Gúp nói. Một trong những “việc mới” với người làng Tốt là trồng rừng. Chính việc trồng rừng đã góp phần đáng kể vào khoản thu nhập của dân làng, tạo niềm tin cho họ trong chuyện làm ăn theo cách mới.

Ba Lế phá được thế cô lập từ bao đời là nhờ con đường vào xã được khai mở hồi năm 2007. “Có con đường đến trung tâm xã thì trước sau cũng có con đường vào làng Tốt mình thôi”, nghĩ vậy nên ngay khi con đường mới được khai móng, người làng Tốt đã bắt đầu trồng rừng. Nhờ đất rừng tốt, những trà keo trồng sớm đã được một số hộ thu hoạch từ năm 2011 đến nay. Có người thu được 30 triệu đồng, người ít nhất cũng dăm bảy triệu, cây keo đã tạo sức bật cho những con người bao đời chỉ biết lầm lũi với việc phát rừng làm rẫy giữa rừng sâu.

Trải sát hai bên bờ sông Liên đoạn thượng nguồn, làng Tốt trông ấn tượng bởi hàng loạt mái ngói vươn lên giữa rừng sâu núi thẳm. “Trước năm 2007, làng mình toàn là nhà tranh. Nay thì toàn là nhà ngói, chỉ còn năm bảy cái nhà tranh thôi. Nhìn cái nhà ngói đứng khắp làng, dân mình sướng bụng lắm!” - chị Phạm Thị Ni tự hào. Trưởng thôn Gúp nói cái ôtô đưa viên ngói đến làng, cái xe máy đưa dân làng đến thị trấn, con mắt, cái đầu họ thấy được nhiều hơn, học được nhiều hơn, tất cả đều là nhờ ở con đường mới được mở ra.

Ai từng đến làng Tốt ngày trước giờ trở lại sẽ thấy khuôn mặt làng thay đổi biết bao. “Tôi đến đây khi làng chưa có đường. Nhà cửa toàn là tranh nứa. Bữa cơm nhà nào cũng độn nhiều bắp, sắn. Nay thì 90% là nhà ngói. Nhà nào cũng có con heo, con trâu, có rẫy keo... Những giáo viên từ nơi xa đến đây dạy như tôi đều mừng cho làng Tốt” - cô giáo tiểu học Tô Thị Thùy Trang “cắm bản” ở làng chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận