Lao động trong xu thế mới: Ba năng lực cần thiết

TS ĐÀO QUANG VINH 29/01/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội song cũng đẩy nhanh quá trình số hóa ở nhiều lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ... Điều này đòi hỏi người lao động phải tăng cường các kỹ năng để bắt kịp xu thế này.

Ảnh: ryerson.ca

Ưu tiên kỹ năng hơn bằng cấp

Nhiều doanh nghiệp coi đại dịch COVID-19 là cơ hội để xây dựng lại chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng đổi mới và nâng cấp công nghệ, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh. 

Trong ngành dệt, hiện nay những doanh nghiệp tiên tiến nhất với 10.000 cọc sợi chỉ cần 25-30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đó.

Trong ngành may, xu thế sử dụng robot hoặc các thiết bị tự động hóa cho các khâu kỹ thuật khó hoặc các bước công việc lặp đi lặp lại đang được quan tâm, nhiều nhà máy sử dụng robot trong khâu trải vải, cắt có thể giúp giảm tới 80% lao động. 

Công nghệ in 3D đã được sử dụng trong các nhà máy da giày, các nhà máy sản xuất khuôn mẫu, chế tạo chi tiết cơ khí. Các dây chuyền tự động đã thay thế hàng loạt lao động thủ công trong các khâu lắp ráp điện tử, phân loại và đóng gói sản phẩm.

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra một số kỹ năng nghề quyết định đến tính cạnh tranh của người lao động, bao gồm các kỹ năng tư duy, phân tích và sáng tạo; tư duy phản biện và phân tích; thiết kế và lập trình; giải quyết các tình huống phức tạp; sáng kiến và đánh giá mang tính hệ thống; tự học, hợp tác và cảm xúc xã hội; sử dụng thiết bị công nghệ ảo và làm việc trong môi trường số; giao tiếp và ứng xử…

Kết quả khảo sát hơn 200 chuyên gia nhân sự đang giữ các vị trí quản lý trở lên của Vietnamworks trong báo cáo “Triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam, giai đoạn 2018-2022” cho thấy những kỹ năng mà doanh nghiệp cần nhiều đối với các ứng viên là “độ nhạy bén với vấn đề”, “sự sáng tạo” và “linh hoạt nhận thức”.

Đó là ba năng lực rất cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp. Ngoại ngữ cũng là kỹ năng thiết yếu do hầu hết các máy móc thiết bị, công nghệ được nhập khẩu từ nước ngoài.

Với những yêu cầu ngày càng khắt khe trong các thao tác sử dụng, vận hành máy móc thiết bị, người lao động phải được đào tạo nghiêm ngặt hơn về an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, kỹ năng thực hành và kỹ năng quản lý thời gian. 

Dưới tác động của cách mạng công nghệ lần thứ tư, công nghệ sẽ thay đổi thường xuyên hơn và việc cần phải có khả năng tư duy linh hoạt, kỹ năng thích ứng là yêu cầu quan trọng đối với người lao động.

Một điểm rất quan trọng mà người lao động cần chú ý là ngày nay, tiêu chí bằng cấp sẽ không được ưu tiên trong quá trình tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển chọn những người thực sự có năng lực và kỹ năng theo yêu cầu của vị trí công việc cụ thể. 

Trong báo cáo xu hướng tuyển dụng, bà Novoselsky, chuyên gia nhân sự của Công ty EMS, cho rằng: trong năm 2021, các ứng viên sẽ được lựa chọn dựa trên tiềm năng của họ trong công việc, không nhất thiết dựa trên những bằng cấp của họ.

Tập trung đào tạo những kỹ năng cốt lõi

Từ thực tiễn nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, ngành đào tạo chắc chắn phải đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tăng tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi. Cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu.

Để làm được điều đó, phải đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo chất lượng của các cơ sở đào tạo; khuyến khích phát triển và triển khai các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. 

Chương trình giáo dục phổ thông nên điều chỉnh theo hướng giảm thời lượng các môn học thuộc, nâng cao kỹ năng tiếng Anh và công nghệ thông tin, tăng thời lượng cho các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM).

Với chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), cần đẩy nhanh xã hội hóa, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo CNTT gắn với các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt bằng việc đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng CNTT. 

Trong giáo dục nghề nghiệp nên tăng cường đào tạo năng lực thực hành, tập trung vào những kỹ năng cốt lõi (sáng tạo, phân tích phê phán, trình bày, công nghệ thông tin, ngoại ngữ...), kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng hành vi xã hội để làm việc trong môi trường công nghệ hiện đại và đa văn hóa.

Việc khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu thành lập hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo động lực cho nghiên cứu trong trường đại học, viện nghiên cứu là vấn đề nên lưu ý. 

Sự kết hợp 3 nhà: nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực sẽ hình thành nên các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn rất chặt với doanh nghiệp (hoặc như mô hình đào tạo của Đại học Đà Lạt và Đà Lạt Hasfarm).

Nhờ những trung tâm đó, sinh viên được học tập ở môi trường rất thật và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Với lực lượng lao động hiện tại, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào hoạt động đào tạo và đào tạo lại, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến các công nghệ mới, công nghệ đặc thù của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp nên chủ động chia sẻ thông tin về nhu cầu lao động và kỹ năng mới với các cơ sở đào tạo và phối hợp trong các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động đang làm việc, đặt hàng để các cơ sở đào tạo đáp ứng đúng với nhu cầu của doanh nghiệp. 

Thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho lực lượng lao động có trình độ thấp, ưu tiên các kiến thức và kỹ năng liên quan tới ứng dụng CNTT, tự động hóa, kỹ năng quản lý và phân tích thông tin. 

Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo.

Về phía người lao động cần tự trang bị cho mình các kiến thức cơ bản, có tính nền tảng, nắm vững các kỹ năng cốt lõi, các kỹ năng gắn với việc làm. Trong bối cảnh công nghệ và yêu cầu kỹ năng thay đổi nhanh chóng, học tập suốt đời là một "bình thường mới". 

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người lao động khi tham gia đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc, nghề nghiệp. 

Từ đó hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam. Đồng thời thực hiện một lộ trình hợp lý phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân.

Chính phủ phải đóng vai trò thúc đẩy hành vi của doanh nghiệp. Nhà nước ưu tiên đầu tư thành lập một số trung tâm đào tạo xuất sắc theo hình thức công lập hoặc Nhà nước và tư nhân tư cùng đầu tư để đào tạo các chuyên gia trong một số ngành, lĩnh vực cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0: trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối, Internet vạn vật, robot thông minh... 

Tạo điều kiện và có cơ chế khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở các ngành đào tạo cần thiết theo nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. ■

Nhiều công việc sẽ mất đi

Năm 2020, ngành thương mại điện tử tăng trưởng 46% so với năm 2019. Temasek và Bain & Company ước tính kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỉ USD vào năm 2020.

Báo cáo về nền kinh tế số Việt Nam dự báo tỉ lệ công việc có nguy cơ bị chuyển đổi do công nghệ số sẽ từ 18,4% (phương án thấp nhất) đến 38,1% (phương án cao nhất). 

Theo Vietnamworks, đến năm 2025, nhu cầu nhân lực là kỹ sư và kỹ thuật cao, máy tính và công nghệ cao sẽ tăng trưởng mạnh; tiếp theo là nhu cầu nhân sự về nghệ thuật, thiết kế, giải trí, thể thao, truyền thông và quản lý cấp cao. Ngược lại, nhiều công việc hành chính và thư ký, xây dựng và khai thác sẽ bị thu hẹp hoặc mất đi.

Theo ADB và Alpha-Beta (2019), trong ngành chế biến thực phẩm, dự báo đến 2030 sẽ có 33% số việc làm bị máy móc thay thế, đồng thời cũng sẽ có thêm 68% số việc làm mới được tạo ra.

Với ngành logistics, đến năm 2030, 26% số việc làm sẽ bị mất đi và có thêm 38% số việc làm mới được tạo ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận