Loài muỗi đang chiếm thế thượng phong

LÊ MY 18/10/2023 06:16 GMT+7

TTCT - Còn ai giúp chúng, nếu không phải là biến đổi khí hậu?

Minh họa: Amelia Bates/GRIST

Minh họa: Amelia Bates/GRIST

Công cuộc diệt muỗi và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt chưa bao giờ cấp bách như lúc này. Biến đổi khí hậu và khả năng tiến hóa nhanh chóng của lũ côn trùng phiền phức này đã góp phần làm tăng số ca tử vong do bệnh sốt rét, cũng như mang vi rút gây bệnh sốt xuất huyết đến những nơi mà trước đây chẳng ai cần bận tâm về chúng.

Kẻ thù số 1

Nói không ngoa, loài muỗi đã kết liễu nhiều con người hơn bất kỳ loài động vật nào khác, vì chúng làm lây lan các loại bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết và sốt tây sông Nile.

Cho đến độ 10 năm trước, loài người dường như đã giành được lợi thế trong cuộc chiến chống muỗi. Từ năm 2000 đến 2015, số ca bệnh sốt rét trên toàn thế giới đã giảm 1/3, và tỉ lệ tử vong giảm gần một nửa, nhờ việc sử dụng rộng rãi thuốc diệt côn trùng trong nhà, mùng màn chống muỗi được tẩm thuốc, và các phương pháp điều trị bệnh tốt hơn. Qua các thử nghiệm lâm sàng, vắc xin sốt rét - mặc dù chưa mang đến sự bảo vệ toàn diện - cũng cho thấy nhiều hứa hẹn.

Thế nhưng trong mấy năm gần đây, tiến trình đó không chỉ bị đình trệ mà còn bị đảo ngược. Sau khi giảm xuống mức thấp lịch sử, khoảng 568.000 vào năm 2019, số ca tử vong do sốt rét bỗng tăng lên đáng kể trong hai năm tiếp theo, ở mức 619.000 vào năm 2021 - theo báo cáo sốt rét toàn cầu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Song song đó, theo WHO, số ca bệnh sốt xuất huyết trên toàn thế giới đã tăng gấp 8 lần trong hai thập kỷ qua. Sốt xuất huyết là loại bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới, và là một "mối đe dọa mang tầm đại dịch", cơ quan này lên tiếng cảnh báo hồi đầu năm nay.

Ở khu vực Mỹ Latin, chỉ trong 6 tháng đầu năm, số ca sốt xuất huyết đã vượt qua con số tổng của cả năm 2022. Còn ở Nam Á, Bangladesh đang đối mặt với đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn nhất từ trước đến nay, với 208.000 ca mắc và hơn 1.000 ca tử vong, theo số liệu của Tổng cục Dịch vụ y tế nước này công bố ngày 2-10.

Các trường hợp tử vong do sốt chikungunya và các bệnh do muỗi truyền khác cũng bắt đầu gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Ảnh: Suvajit Dey / The Indian Express

Ảnh: Suvajit Dey / The Indian Express

Khách không mời

Các loài muỗi đang tích cực mở rộng địa bàn hoạt động. Nếu xét kích thước cực kỳ khiêm tốn của chúng, đây hẳn không phải là "chuyện muỗi".

Phân tích dữ liệu của 120 năm qua, các nhà khoa học tại Trung tâm y tế ĐH Georgetown (Mỹ) cho biết giống muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét ở châu Phi đang lan sâu hơn vào miền nam châu Phi và đến những độ cao chưa từng được ghi nhận. Trong một năm, chúng có thể di chuyển lên các vùng đất cao hơn - thêm khoảng 6,5m, và tiến về phía nam thêm khoảng 4,7km, tất cả nhờ vào biến đổi khí hậu, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Biology Letters hồi tháng 2.

Thế giới ngày nay đã ấm hơn thời kỳ tiền công nghiệp ít nhất 1,2oC. Để chạy khỏi cái nóng, các loài sống trên mặt đất đang di chuyển "lên cao" với tốc độ 1,1m mỗi năm và về các vùng cực với tốc độ 1,7km mỗi năm - theo các ước tính khoa học vào năm 2011. Có vẻ như muỗi ở châu Phi còn khẩn trương dịch chuyển hơn thế!

"Chúng ta thường cho rằng những thay đổi này đang diễn ra xung quanh chúng ta, nhưng cơ sở bằng chứng còn khá hạn chế" - theo Colin Carlson, nhà sinh vật học tại ĐH Georgetown và đồng tác giả của nghiên cứu trên. 

Nhằm giám sát các mối đe dọa an ninh sức khỏe quốc gia trên một trái đất nóng hơn, hoạt động "giám sát sinh học" (biosurveillance) sắp tới sẽ phải bao gồm việc theo dõi sự dịch chuyển của động vật, Carlson cho biết.

Sự xuất hiện của các loài muỗi mang mầm bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những khu vực chưa từng gặp phải bệnh sốt rét và có thể chưa được chuẩn bị. Mùa hè vừa qua, lần đầu tiên sau 20 năm, nước Mỹ đã chứng kiến các ca sốt rét lây truyền tại địa phương, với 9 ca bệnh được báo cáo ở Texas, Florida và Maryland.

Còn sốt xuất huyết - từng là một loại bệnh nhiệt đới thuần túy - hiện đang lây lan ở Florida và Pháp. Châu Âu đã báo cáo số ca nhiễm tăng vọt, và Peru đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các khu vực.

CNN ngày 29-6 dẫn lời Carlson cảnh báo: "Sẽ có thêm 1 tỉ người sống trong các điều kiện thời tiết thích hợp cho việc lây truyền sốt xuất huyết, và phần lớn sẽ ở Tây Âu, Mỹ và Trung Quốc ôn đới".

Minh họa: Chris Sharp/Nature

Minh họa: Chris Sharp/Nature

Thời tiết về phe muỗi

Muỗi phát triển mạnh mẽ ở những nơi ấm áp và ẩm ướt. Biến đổi khí hậu mang đến những đợt nắng nóng thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, cũng như bão và lũ lụt để lại những vũng nước tù đọng để muỗi tha hồ sinh sản. Thời của muỗi đã đến!

Ví dụ ở Bangladesh, số ca nhiễm thường đạt đỉnh từ tháng 7 đến tháng 9 khi gió mùa hoạt động. Nhưng năm nay, số ca nhiễm bắt đầu tăng lên từ rất sớm - vào cuối tháng 4. Theo các nhà khoa học, mùa gió mùa kéo dài với nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa lớn bất thường đã tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho giống muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh sốt xuất huyết.

Nhiệt độ tăng, muỗi lớn nhanh hơn và sống lâu hơn. Nếu trước đây chúng sẽ chết sạch trong mùa đông khắc nghiệt ở nhiều nơi thì giờ đây chúng có cơ hội sống sót cao hơn và có nhiều thời gian hơn để gia tăng dân số. Cái nóng cũng đẩy nhanh thời gian để ký sinh trùng hoặc vi rút trưởng thành bên trong con muỗi.

"Trời càng nóng thì quá trình đó càng ngắn. Vì vậy, bọn muỗi này không những sống lâu hơn mà còn có khả năng truyền bệnh sớm hơn" - Oliver Brady tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London (Anh) trả lời cây bút Laura Paddison của CNN.

Cái nóng còn cho chúng những lợi thế khác. Khi trời nóng hơn, người ta có xu hướng ra ngoài vào buổi sáng và chiều muộn - thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Cái nóng cũng đang thúc đẩy các thành phố tăng cường không gian xanh để làm mát, nhưng cũng vô tình cung cấp nơi sinh sản lý tưởng cho muỗi.

Nhiệt độ trên 45oC "có khả năng giết chết muỗi nhiều hơn là giúp chúng sinh sản, nhưng muỗi là loài côn trùng rất thông minh và chúng có thể sinh sản trong các thùng chứa nước nơi nhiệt độ không tăng cao đến mức đó" - tiến sĩ Raman Velayudhan của WHO trả lời báo chí ở Geneva hồi tháng 7.

Trên khắp nước Mỹ, số "ngày muỗi" trong năm - những ngày nóng ẩm mà bọn chúng rất yêu thích - đã tăng lên, theo một phân tích gần đây của nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central. Họ đã xem xét kho dữ liệu kéo dài hơn bốn thập kỷ ở gần 250 nơi khác nhau, và phát hiện rằng 70% số địa điểm đó đã trở nên "thân thiện" hơn với muỗi.

Nguồn: NIH

Nguồn: NIH

Cần vũ khí mới

Các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển các công cụ diệt muỗi mới. Đầu tiên, chúng ta cần đi trước bọn muỗi và khả năng kháng thuốc trừ sâu liên tục tiến hóa của chúng. Một vài tổ chức đang nghiên cứu phát triển các loại thuốc diệt côn trùng mới với nhiều hứa hẹn. Ví dụ, hai loại màn ngủ mới đã được tung ra thị trường, chúng được xử lý bằng pyrethroid (loại "vũ khí hóa học" duy nhất ta dùng trong 70 năm qua để diệt muỗi) và thành phần thứ hai là pyriproxyfen hoặc chlorfenapyr.

Các giải pháp công nghệ cao để giảm số lượng muỗi cũng đang được nghiên cứu. Một dự án ở Florida đang thử nghiệm một loại muỗi biến đổi gene. Chúng sẽ truyền cho đời sau một loại gene có khả năng giết chết muỗi cái (chỉ có muỗi cái mới hút máu và truyền bệnh).

Các thí nghiệm khác liên quan đến việc sử dụng vi khuẩn Wolbachia có thể ngăn chặn vi rút nhân lên bên trong con muỗi, làm giảm khả năng chúng truyền vi rút sốt xuất huyết cho người. Với sốt rét, cũng có một cách tiếp cận tương tự. 

Theo một nghiên cứu đăng tháng 8 trên tạp chí Science, chủng vi khuẩn có tên Delftia tsuruhatensis TC1 có tác dụng ức chế ký sinh trùng sốt rét mà không cần con người can thiệp về mặt di truyền.

Ngoài ra, cũng có vắc xin sốt xuất huyết và sốt rét. "Đây thật sự là chuyện to tát" - Carlson nói, nhưng liệu những thứ này có được chia sẻ một cách công bằng trên toàn thế giới hay không lại là một câu chuyện khác.

Phải nói thêm, việc thiết kế, phát triển, thử nghiệm và sản xuất một công nghệ hoặc biện pháp can thiệp mới thường kéo dài ít nhất một chục năm. Khâu thử nghiệm và đánh giá diễn ra rất chậm chạp và thiếu kinh phí trầm trọng. Ngược lại, vòng đời của một con muỗi kéo dài sáu tuần, chúng không ngừng tiến hóa để tránh né những "vũ khí" mới của con người.

Trong khi chờ đợi, có nhiều cách để mỗi người chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi rủi ro bệnh tật, bao gồm: bôi thuốc chống muỗi, dán lưới chống muỗi cho cửa sổ và cửa ra vào, loại bỏ nước đọng ở những nơi như chậu hoa và máng xối.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo các chuyên gia, Mỹ và châu Âu có rất ít khả năng chứng kiến những đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn hoặc tỉ lệ tử vong cao. Phần lớn lo ngại vẫn hướng về những khu vực đã và đang vật lộn với bệnh sốt xuất huyết, bởi vì tình hình đang trên đà tồi tệ hơn. Oliver Brady đưa ví dụ: Trung Quốc và một số vùng của Ấn Độ đặc biệt có nguy cơ cao. Vị này nói: "Đó là một tình huống thực sự đáng sợ vì có rất nhiều người sống ở những khu vực này, và ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra thảm họa lớn". Chia sẻ với CNN, Shannon LaDeau, nhà sinh thái học bệnh tật tại Viện nghiên cứu hệ sinh thái Cary (Mỹ), cho rằng các cộng đồng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh truyền nhiễm thông qua muỗi đốt, và đó là nơi mà tiền đầu tư cần hướng về.

Ngày 3-10, Hãng dược phẩm Takeda (Nhật) thông báo nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO đã khuyến nghị sử dụng vắc xin sốt xuất huyết QDENGA của hãng. WHO sẽ cân nhắc các khuyến nghị này và đưa ra quyết định cuối cùng trong vài tháng tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận