Lời nguyền chân dung doanh nhân

TRÚC ANH 10/02/2023 15:20 GMT+7

TTCT - Nơi giới thiệu bộ mặt của công ty theo đúng nghĩa đen, dù cố tình được chăm chút, lại cho tác dụng ngược, bởi những người tài ba trong chuyện làm ăn và quản lý có thể sẽ lúng túng trước ống kính.

Khi Google hình ảnh với từ khóa "doanh nhân" hay "giám đốc", đa số các kết quả sẽ là ảnh stock (ảnh chụp sẵn) với mô típ quen thuộc: các quý ông quý bà ăn vận chỉnh tề đang trong cuộc họp, tay chỉ biểu đồ tăng trưởng hoặc phát biểu hăng say, còn nhân viên chăm chú lắng nghe hoặc tươi cười rạng rỡ.

Nếu ảnh stock buộc phải theo trường phái tả thực, sẽ chỉ có một người nói, chừng hai người (tỏ vẻ) đang lắng nghe, số còn lại không coi điện thoại thì cũng mang vẻ mặt đờ đẫn thẫn thờ. Tất nhiên là sẽ không ai chọn lối này nếu muốn tô điểm phần hình cho công ty.

Tìm kiếm Google Hình ảnh với từ khóa "Giám đốc"

Tìm kiếm Google Hình ảnh với từ khóa "Giám đốc"

Vậy nhưng, nơi đăng tải bộ mặt của công ty theo đúng nghĩa đen - phần giới thiệu nhân sự cấp cao hay bộ máy lãnh đạo trên website - dù cố tình được chăm chút thì lại cho tác dụng ngược, bởi những người tài ba trong chuyện làm ăn và quản lý có thể sẽ lúng túng khi phải tạo dáng với ống kính.

Tạp chí The Economist gọi những chân dung được trình bày trang trọng trên đó là "sản phẩm của hàng giờ trang điểm, phục sức và tạo dáng vụng về". Với lớp trang điểm dày cộp trên mặt, những quý ông quý bà lãnh đạo sẽ được nhiếp ảnh gia yêu cầu nhìn vào ống kính và cố rặn một nụ cười. Kết quả luôn kinh khủng. "Hầu hết họ cuối cùng trông giống như những người bị bắt làm con tin ăn mặc bảnh bao (...) Một hoặc hai người sẽ không thèm giả vờ cười - trong bối cảnh này, họ chính là kẻ bắt giữ con tin" - The Economist viết.

Sự sượng sùng sẽ còn lớn hơn nếu người chụp ảnh gợi ý rằng đừng nên chụp chỉ lấy từ đầu đến vai. Khốn khổ thay cho vị quản lý chỉ quen làm việc, giờ bị "đạo diễn hình ảnh" bắt đứng nép vào máy quay, hơi nghiêng đầu như một con vẹt khổng lồ, khoanh tay và phải tỏ ra tự nhiên. Nếu vô tình thấy ai trong tư thế đó trong đời, hẳn ta sẽ tránh sang đường khác cho xong, chứ không nghĩ rằng "đó là người rất giỏi trong việc tạo ra giá trị cho cổ đông".

Một số nghiên cứu gợi ý rằng ảnh đại diện có thể mang lại tác động tích cực, vì bản chất con người hay nhìn mặt mà đánh giá - gương mặt trẻ thơ nhận được cảm tình hơn, còn gương mặt trưởng thành từng trải sẽ tạo cảm giác tin cậy về chuyên môn. Một công trình gần đây của Stuart Barnes (Đại học King's College London) và Samuel Kirshner (Đại học New South Wales) cho thấy chủ nhà cho thuê trên Airbnb có gương mặt quyến rũ và đáng tin cậy có thể ra giá mắc hơn 5% so với người có gương mặt không ấn tượng.

Nhưng điều này không nhất thiết áp dụng được với chân dung lãnh đạo doanh nghiệp. Có thể sẽ có người vào phần giới thiệu trên trang web của Netflix và Disney+ để trông mặt lãnh đạo mà đặt tiền thuê bao, nhưng điều này rõ ràng rất hãn hữu. Ngay cả khi gương mặt lãnh đạo có thể tác động đến hành vi của đối tác, khách hàng, sẽ cần nhiều nghiên cứu để biết chụp ảnh kiểu nào thì mới lấy được niềm tin của đối phương. Không lẽ phải tỏ ra có gương mặt trẻ thơ hay quyến rũ?

Vậy tại sao không bỏ quách phần trình bày chân dung đi cho xong? Theo The Economist, "truyền thống" kỳ quặc và khốn khổ cho tất cả những ai liên quan này vẫn được nhiều doanh nghiệp làm theo vì đây là cách đơn giản để cho thiên hạ thấy mức độ đa dạng hóa về mặt nhân sự của họ, hay đơn giản là ai cũng làm thì mình cũng làm. Chẳng phải sẽ rất kỳ nếu có một ban lãnh đạo mà không ai chịu thò mặt ra sao? Kỳ nhưng không phải là không thể. Alphabet (công ty mẹ Google) có trang giới thiệu dàn lãnh đạo chi tiết, nhưng tịnh không có một bức hình. Ai thích thì cứ tự tưởng tượng.

Ảnh đại diện của Sebastian Siemiatkowski, nhà sáng lập Klarna.

Ảnh đại diện của Sebastian Siemiatkowski, nhà sáng lập Klarna.

Giải pháp "vô diện" này hơi cực đoan, và cũng trái với xu thế đang lên: các doanh nghiệp chủ yếu cung cấp dịch vụ trực tuyến đang cố gắng để nhân viên của họ "hiện hình" trong mắt khách hàng, theo tờ Financial Times. 

Những nhân viên trước giờ làm việc thầm lặng giờ được tham gia các buổi chụp hình, xem như một kiểu teambuilding, và gương mặt tươi cười rạng rỡ được đăng lên trang web doanh nghiệp. 

Một nhiếp ảnh gia ở London cho biết người ta cũng bắt đầu thoải mái hơn khi chụp dạng ảnh này - 90% nam giới đã dẹp cà vạt qua một bên (10% còn lại chủ yếu là sếp nhà băng, lãnh đạo cấp cao của các công ty bảo hiểm và luật sư).

Nhiều chủ doanh nghiệp cũng đã táo bạo phá vỡ khuôn mẫu khi chụp các bức ảnh chân dung chính thức. Sifted, chuyên trang về start-up của Financial Times, năm 2021 còn tổ chức xếp hạng ảnh chân dung các nhà sáng lập start-up công nghệ "dị" nhất, và người thắng cuộc là Sebastian Siemiatkowski, người sáng lập nền tảng mua trước trả sau Klarna (Thụy Điển), với bức ảnh tạo dáng độc đáo như một vận động viên thể dục dụng cụ. 

Klarna từng là start-up có giá trị lớn nhất châu Âu, được định giá 45,6 tỉ USD, trước khi rơi vào chuỗi báo lỗ từ năm 2020, gần nhất là lỗ 200 triệu USD trong quý 3-2022. Công ty vừa tuyên bố sẽ quay lại đà làm ăn có lời trong năm nay, phải chăng đó là lý do Siemiatkowski vẫn giữ bức ảnh đại diện độc lạ của mình?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận