Một trong những sự kiện quan trọng nhất của bóng đá thế giới trong năm 2015 sẽ là cuộc bầu cử chức chủ tịch FIFA diễn ra vào cuối tháng 5. Cho đến nay, danh sách các ứng viên đã được ủy ban bầu cử đặc biệt của FIFA chính thức chốt lại ở con số 4. Sự hiện diện của Luis Figo trong số ba ứng cử viên sẽ giành ghế với Sepp Blatter càng làm tăng thêm sự chú ý của công chúng. Luis Figo giới thiệu mục tiêu tranh cử ở sân Wembley (London) ngày 19-2 Luis Figo chỉ chính thức thông báo quyết định tham gia ứng cử chức chủ tịch FIFA chừng một tuần lễ trước hạn chót nộp hồ sơ (ngày 31-1-2015). Gần ba tuần sau hạn chót, ủy ban bầu cử đặc biệt của FIFA xác định Figo cùng với hoàng tử Ali Bin Al-Hussein của Jordan và chủ tịch LĐBĐ Hà Lan Michael Van Praag đủ điều kiện tranh cử chức chủ tịch FIFA với ông Blatter. Trường hợp của Figo hoàn toàn trái ngược với trường hợp của Jérôme Champagne. Trong suốt một năm qua, cựu giám đốc người Pháp phụ trách những vấn đề quốc tế của FIFA này luôn khẳng định việc ông ra tranh cử. Tuy nhiên, vào giờ chót Champagne đã bỏ cuộc vì thiếu một trong những điều kiện quan trọng: phải được sự ủng hộ của tối thiểu năm LĐBĐ quốc gia. Trong khi đó, Figo được sự ủng hộ của sáu LĐBĐ quốc gia gồm Đan Mạch, Montenegro, Macedonia, Luxembourg, Ba Lan và dĩ nhiên là Bồ Đào Nha. Dù sao người ta vẫn còn ngờ vực về sự hiểu biết của Figo trong lĩnh vực quản lý bóng đá. Tấn công ngay trên “sân nhà” của Blatter Trong cuộc họp báo mới đây của Figo tại sân Wembley nhằm giới thiệu những mục tiêu tranh cử, một nhà báo đã cắc cớ hỏi rằng liệu anh có thể nêu tên năm người trong số các thành viên của ban chấp hành FIFA hiện nay. Sepp Blatter Cả phòng họp đột ngột yên lặng như tờ vì mọi người đều muốn lắng nghe câu trả lời của Figo để xem anh có phải là tay mơ như David Ginola - cựu tuyển thủ Pháp đã rút ý định tham gia ứng cử chỉ chưa đầy hai tuần sau khi thông báo sẽ tham gia cạnh tranh chức chủ tịch FIFA. Rất may, cựu cầu thủ từng đoạt giải Quả bóng vàng năm 2000 đã không làm những người ủng hộ anh thất vọng khi trả lời đúng tên tuổi năm nhân vật. Không dừng lại tại đó, Figo cung cấp cho các nhà báo bản in chương trình hành động của anh dày 20 trang với khẩu hiệu: “Bóng đá ở trong huyết quản của tôi, tôi là con người của bóng đá”. Một trong những mục tiêu mà Figo đề ra trong chương trình và mục tiêu hành động là tăng số đội tuyển tham dự World Cup lên 40 hoặc 48 đội, thay vì chỉ 32 đội như ở các kỳ World Cup gần đây. Những suất tăng thêm sẽ được dành cho các liên đoàn châu lục không phải là UEFA. Nếu số đội được tăng lên 48, giai đoạn đầu của World Cup sẽ diễn ra hai cuộc tranh tài trên hai châu lục với sự tham dự của 24 đội cho mỗi cuộc tranh tài. Táo bạo hơn, Figo đề nghị giảm số tiền dự trữ của FIFA (1,5 tỉ USD) còn 500 triệu USD và chi 1 tỉ USD cho 209 LĐBĐ thành viên của FIFA. Anh nói: “Tôi nghĩ rằng trong vài tháng qua, thậm chí trong vài năm qua, chúng ta đã nhận ra hình ảnh của FIFA xấu đi như thế nào. Trong dịp World Cup tại Brazil, tôi đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống đối của công chúng. Mỗi khi tôi đến một sân bóng và nhìn thấy phản ứng của công chúng đối với chủ tịch của ban tổ chức World Cup, tôi cho rằng đó là một điều không có lợi cho bóng đá. Con đường mà chúng tôi hướng đến còn rất dài. Tôi đã nói chuyện với nhiều người từ khi quyết định tham gia ứng cử. Chúng tôi cũng gặp gỡ nhiều tổ chức ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Sự hồi đáp từ các LĐBĐ khác nhau cho thấy một sự thay đổi như vậy là khả thi. Dù sao, tôi là người thực tế. Tôi biết có những trở ngại mà chúng tôi cần phải vượt qua”. Một trong những trở ngại là thuyết phục các LĐBĐ quốc gia ở châu Phi rằng họ sẽ được hưởng lợi lâu dài nếu Blatter thất cử. Figo hứa sẽ không bao dung đối với nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Những đề nghị khác của anh bao gồm: loại bỏ sự trừng phạt nặng nề mà người ta thường gọi là ba lần trừng phạt cho một lỗi (phạt thẻ đỏ, phạt đền và treo giò ít nhất một trận) khi cầu thủ phạm lỗi trong khu cấm địa, tăng cường sử dụng kỹ thuật trong công tác trọng tài và áp dụng lại quy định cũ về việt vị (cầu thủ bị phạt việt vị dù có hay không có tham gia trực tiếp vào pha bóng). Nhìn chung, chương trình và mục tiêu hành động của Figo cho thấy anh sẽ mở cuộc tấn công Blatter trên các châu lục không phải là châu Âu. Đương kim chủ tịch FIFA từ bấy lâu nay luôn nhận được sự ủng hộ từ đa số các nước thuộc châu Á, châu Mỹ và nhất là châu Phi. Michael Van Praag. Ảnh Reuters Figo gây ấn tượng nhiều hơn Van Praag và hoàng tử Ali Là ứng cử viên đầu tiên thông báo chương trình và mục tiêu hành động, Figo có vẻ lấn át hai ứng cử viên còn lại, không kể Blatter, là Michael Van Praag và hoàng tử Ali Bin Al-Hussein. Trước World Cup 2014, Van Praag đã kịch liệt phản đối Blatter và yêu cầu ông nên dừng lại sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc, như ông đã hứa lúc vận động tái ứng cử vào năm 2011. Những lời lẽ của Van Praag mạnh mẽ đến mức sau này Blatter nói rằng đây là lần đầu tiên ông bị công kích một cách thậm tệ như vậy. Cho đến nay, Van Praag chỉ mới giải thích lý do ông tranh cử: “Mọi người đều biết rằng tôi lo lắng cho FIFA... Tôi đã hi vọng Blatter có một đối thủ xứng đáng trong cuộc bầu cử này, nhưng một người như vậy không xuất hiện. Trong trường hợp đó, bạn không thể chỉ nói mà cần phải hành động một cách kiên quyết và nhận lấy trách nhiệm. Vì vậy, tôi quyết định tranh cử”. Hoàng tử Ali Bin Al-Hussein của Jordan cũng chưa đưa ra chương trình và mục tiêu hoạt động cụ thể. Dù sao, giới báo chí cho rằng hoàng tử Ali chưa đủ thế lực để cạnh tranh với Blatter. Nhà báo Paul Hayward viết trên tờ Telegraph của Anh: “Hoàng tử Ali giống như một chàng trai mà người ta đẩy anh lên từ sau lưng và nói rằng: Hãy tiến lên! Có chúng tôi ở phía sau”. “Triều đại Blatter” vững chắc Sau gần 17 năm trị vì thế giới bóng đá, ông lão 78 tuổi này đại diện cho một thế lực ngày càng mạnh lên thay vì vơi đi theo tuổi tác. Uy thế của ông mạnh đến mức chủ tịch UEFA Michel Platini quyết định không ra tranh cử, dù đây là nhân vật được đánh giá là người duy nhất có khả năng tranh chấp với Blatter. Platini đã rất đắn đo về khả năng đối đầu với người từng ủng hộ ông trong cuộc tranh cử chức chủ tịch UEFA năm 2007. Mỗi khi được giới báo chí hỏi về vấn đề này, cựu danh thủ người Pháp luôn khất lần. Chỉ đến ngày 28-8-2014, nhân buổi lễ rút thăm chia bảng cho Champions League mùa 2014-2015, Platini mới chính thức khẳng định với báo chí rằng ông sẽ không ứng cử. “Tôi không thấy có lý do nào đủ sức thuyết phục tôi ra tranh chức chủ tịch FIFA” - ông giải thích. Platini cũng nhấn mạnh rằng ông không ra tranh cử không phải vì sợ uy thế của Blatter: “Năm 2007, tôi tranh cử chức chủ tịch UEFA với đương kim chủ tịch Lennart Johansson lúc đó và tôi đã chiến thắng. Vì vậy, người ta không thể trách rằng tôi sợ Blatter”. Thực tế, dư luận hiểu rằng Platini không muốn mạo hiểm lao vào một cuộc chiến mà ông không chắc sẽ là người chiến thắng. Nếu tham gia tranh cử, Platini có thể “mất cả chì lẫn chài” vì sẽ không có thời gian chuẩn bị cho cuộc tái ứng cử chức chủ tịch UEFA diễn ra vào tháng 3-2015. Chính Jérôme Champagne cũng nhiều lần nói với báo chí rằng Blatter sẽ tái đắc cử chức chủ tịch FIFA. Vì vậy, dù Figo được sự ủng hộ của hai nhân vật nổi tiếng trong bóng đá là HLV Jose Mourinho và David Beckham, sự tham gia của anh có lẽ chỉ làm tăng thêm tính hào hứng cho cuộc bầu cử hơn là có yếu tố quyết định ngăn chặn sự kéo dài của “triều đại Blatter” ở FIFA. ■ Ali Bin Al Hussein Hoàng tử Ali Bin Al-Hussein là người như thế nào? “Đã đến lúc thoát khỏi những cuộc bút chiến nội bộ để quay về với thể thao”. Hoàng tử Ali Bin Al-Hussein của Jordan, phó chủ tịch FIFA và đại diện cho châu Á, đã viết như thế trên tài khoản Twitter khi quyết định ra tranh cử chức chủ tịch FIFA. Hơn thế nữa, ông còn tuyên bố rằng FIFA phải là “một tổ chức phục vụ (người khác) và là kiểu mẫu về đạo đức và sự minh bạch”. Lý lịch của hoàng tử Ali khá ấn tượng: học tại Princeton, được đào tạo ở Sandhurst (trường sĩ quan của quân đội Anh), có thời gian làm việc trong lực lượng đặc nhiệm của Jordan. “Đây không phải là dạng người sinh ra để sống trong bóng tối” - tờ Telegraph nhận xét. Hoàng tử Ali nổi tiếng chủ yếu nhờ đấu tranh dỡ bỏ lệnh bắt buộc các cầu thủ nữ Hồi giáo che mạng trong các trận đấu. Tuy nhiên, tờ báo của Anh cũng lưu ý rằng hoàng tử Ali từng hết mình ủng hộ Blatter và cả hệ thống chi phối FIFA trong nhiều năm trời, trước khi kết luận rằng “thực tế cho thấy các tổ chức tha hóa không bao giờ cải tổ từ bên trong, vì những người đề nghị cải tổ hoặc có liên can, hoặc trước đây đã nhắm mắt làm ngơ”. L.T.
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thủ tướng: Phải nhân lên những concert như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai THIÊN ĐIỂU 18/12/2024 Khi chỉ đạo ngành văn hóa cần xây dựng cách làm hay, mô hình tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ hai concert Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai hay đội bóng chuyền nữ quốc gia để nhân rộng thêm.
Xây dựng Đảng vững mạnh, lựa chọn cán bộ đủ tầm để phát triển TP.HCM trong kỷ nguyên mới CẨM NƯƠNG 18/12/2024 Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh.
Đại cử tri đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống Mỹ: Không có sự 'phản bội' nào TRẦN PHƯƠNG 18/12/2024 Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn Mỹ khớp với kết quả truyền thông đưa tin sau cuộc bầu cử tháng 11, qua đó chính thức bầu ông Trump là tổng thống tiếp theo.
Đàm Vĩnh Hưng đổi luật sư, vụ kiện chồng của ca sĩ Bích Tuyền được phục hồi? HOÀI PHƯƠNG 18/12/2024 Bầu sô Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương - vừa thông tin diễn biến mới nhất vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard Williams, chồng ca sĩ Bích Tuyền.