TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với Nguyễn Ngọc Huy về công việc của một nhà khí tượng hiện đại, hay một người chuyên "dự báo thời tiết dạo" - theo cách gọi của anh. "Ngày 9 này Quy Nhơn có mưa lớn không anh?". Nguyễn Ngọc Huy không lạ với những câu hỏi như thế, vì người dân khắp nước, từ giáo viên miền núi ở phía tây Quảng Trị hay nhà tổ chức một sự kiện thiện nguyện ngoài trời ở TP.HCM vẫn tìm đến anh như thể họ đang hỏi thư ký viên của các "khối không khí" và "nhiễu loạn khí quyển", tức mấy thứ to lớn hình thành nên thời tiết trên Trái đất.Nguyễn Ngọc Huy vẫn thường cập nhật trang Facebook Huy Nguyen của mình với những thông tin thiết thực như "sẽ có mưa lớn khu vực từ Huế đến Ninh Thuận trong khoảng thời gian từ 5 đến 7-1-2023", cùng lời nhắn nhủ chân thành: "Bà con trồng rau và hoa Tết ở Nam Trung Bộ lưu ý khơi thông các đường rãnh thoát nước, đưa cây cảnh lên chỗ cao để chống ngập úng trong giai đoạn mưa này nhé".Mỗi bài như thế có lượng tương tác lên đến hàng vạn, và những người tìm đến anh để hỏi bao giờ cũng trở lại với lời cảm ơn. Tựa bài phỏng vấn này (mà ban đầu người chuyên "dự báo thời tiết dạo", theo cách gọi của anh, từ chối vì không thích nói về mình) cũng trích từ lời anh nhắn nhủ tới hơn 438.000 người theo dõi trên Facebook. Nguyễn Ngọc Huy, chủ Facebook Huy NguyenNguyễn Ngọc Huy có hơn 15 năm nghiên cứu về thiên tai, biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông nhận bằng tiến sĩ về giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại ĐH Kyoto, Nhật Bản năm 2010 và đã làm việc tại nhiều tổ chức quốc tế. Bước vào năm 2023, anh sẽ giới thiệu về chuyên gia Huy Nguyễn như thế nào?- Một chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.Từ tháng 6-2022, tôi quyết định không làm công việc toàn thời gian nữa. Tôi chuyển sang vai trò tư vấn độc lập cho các tổ chức có các hoạt động về thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam. Lý do là vì tôi muốn dành nhiều thời gian cho các nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu và thiên tai. Ngoài ra, như bạn biết, trong các mùa mưa lũ, mỗi ngày tôi có 3 đến 4 bản tin. Mỗi bản tin có thể mất từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ để phân tích, biên soạn nội dung và giao tiếp cộng đồng, đôi khi buộc phải rơi vào giờ hành chính. Nếu người khác thấy tôi suốt ngày ở trên Facebook trả lời ông A, ông B như vậy thì sẽ không công bằng cho tổ chức mà tôi đang làm việc. Vì thế, vai trò độc lập sẽ tốt hơn. Tôi có thể dùng cả ngày để nghiên cứu thời tiết, thiên tai mà không cảm thấy áy náy.Đối với không ít người làm nghiên cứu, việc truyền thông đến công chúng là một "gánh nặng cộng thêm". Với anh thì sao? - Tôi đang xem việc truyền tải thông tin trên Facebook của mình là "ngẫu nhiên", không phải là một việc làm có chiến lược hay có kế hoạch. Đấy chỉ đơn giản là một nơi đưa tin về thời tiết và rủi ro thiên tai, thi thoảng cập nhật về biến đổi khí hậu. Tôi không coi đó là một kênh truyền thông.Trong tương lai, anh có dự tính đưa những dự báo của mình lên một kênh "chính thống hơn" Facebook?- Tôi không có kỳ vọng làm việc đấy. Rõ ràng đó là một việc khó và không nhất thiết phải làm. Chúng ta có không gian về pháp luật mà chúng ta cần tuân thủ. Đến chừng nào có một khung pháp lý yêu cầu các cá nhân không được đưa tin dự báo trên Facebook nữa thì cũng không sao cả, tôi cũng nhẹ nhàng đi làm việc khác. Tôi không xem đây là một nhiệm vụ bắt buộc phải làm. Nó giống như việc tự nhận lấy việc mà làm một cách tự nhiên vậy.Một bức hình đính kèm theo bản tin bão trên Facebook Huy Nguyen.Một việc "tự nhận" nhưng lại ngày càng được người dân tin tưởng. Anh cảm thấy như thế nào?- Thứ nhất, tôi thấy mừng vì ai đó tin mình. Sự ghi nhận của cộng đồng về một việc làm của một cá nhân hay tổ chức là nguồn khích lệ và động viên rất lớn. Và ghi nhận tình cảm đó của cộng đồng bằng sự tử tế là điều đáng được duy trì. Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ rằng việc người dân dựa vào nguồn thông tin của mình quá nhiều chưa chắc đã tốt. Không có gì đảm bảo rằng tôi sẽ duy trì công việc này đến già và tôi cũng có dự báo sai chứ. Nếu tôi dự báo sai nghiêm trọng mà cộng đồng ứng phó sai theo dự báo của tôi thì lúc đó là thảm họa.Nguồn thông tin chính thống của Nhà nước vẫn phải là một trong những nguồn mà người dân nên sử dụng. Nhà nước có bộ máy về quản lý, có chuyên gia và trang thiết bị hiện đại để làm công tác dự báo, và họ có lịch sử làm việc này hàng chục năm. Quan trọng hơn nữa, bản tin chính thống là cơ sở để các cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các cấp sử dụng trong việc lập kế hoạch ứng phó.Hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ và nhiều mô hình dự báo mạnh toàn cầu mang đến những dự báo có tính chính xác tương đối cao và có nhiều nguồn dự báo thời tiết và thiên tai mở. Tôi cũng quan sát thấy có nhiều chuyên gia đưa tin dự báo độc lập trên mạng xã hội. Đó là nguồn tham khảo dồi dào cho người dân lựa chọn, tuy nhiên chỉ nên xem là nguồn tham khảo.Nói vậy, anh có chuẩn bị một thế hệ kế cận?- Tôi cũng đã có ý định thành lập một nhóm để chia sẻ công việc, không nhất thiết là đào tạo nhau đâu, mà chủ yếu là tự học nhau thôi. Nhưng khi tôi kêu gọi một số bạn trẻ vào trong nhóm chat trên Facebook thì tôi nhận ra các bạn ấy không thích học hỏi nhau mà chỉ muốn chê bai đả kích nhau. Mục đích của các bạn ấy làm dự báo cũng khác lắm. Chỉ muốn page thu hút được nhiều người vào xem và tương tác, muốn nhanh nổi tiếng và muốn thành số 1. Đó không phải là điều tôi muốn ở một đội ngũ kế cận và vì thế tôi cũng dẹp nhóm luôn.Nguyễn Ngọc Huy trong 1 chuyến công tác ở ĐBSCL. Ảnh: NVCCThế còn nguồn dữ liệu, công cụ và đội ngũ mà anh đang có trong công việc "dự báo thời tiết dạo"?- Có 2 nguồn dữ liệu. Một nguồn đã được xử lý thành các mô hình dự báo, mà đa số là mô hình dự báo quốc tế. Tuy nhiên, người không có chuyên môn nhìn vào sẽ không đọc được nó nói lên điều gì. Mô hình của họ cũng mang tính chung chung, không có cụ thể hóa tới cấp địa phương. Nên người làm dự báo cần làm thêm vài bước nữa: sử dụng thông tin của các trung tâm dự báo quốc tế để làm cơ sở cho phân tích của mình và "địa phương hóa" các dự báo đến cấp vùng, miền. Nguồn thứ hai là số liệu thô được thu thập từ các trung tâm quan trắc, mình tự phân tích và đưa ra dự báo. Từ hồi tôi còn làm việc ở Trung tâm Giảm thiểu thiên tai châu Á (ADRC) tại Nhật Bản, tôi có những tài khoản để có thể tiếp cận các nguồn số liệu gốc của các trung tâm quan trắc toàn cầu, cũng như nguồn ảnh vệ tinh Himawari 8 của JAXA. Với đa số phân tích, nhất là về bão và mưa, ảnh vệ tinh là một trong những nguồn dữ liệu đầu vào rất quan trọng cho dự báo. Ngoài ra các số liệu quan trắc thời gian thực về nhiệt độ, áp suất không khí, tốc độ gió, hướng gió, ảnh radar quét mây, địa hình... là những yếu tố không thể thiếu cho dự báo. Tôi cũng sử dụng một số nguồn dữ liệu gốc từ quan trắc tại Việt Nam. Thường số liệu thô là nguồn phải bỏ tiền mua, nhưng may mắn một số cơ quan biết tôi làm để phục vụ cộng đồng, phi lợi nhuận, nên họ cho tài khoản miễn phí để truy cập vào các nguồn dữ liệu đó. Nói chung là khá đầy đủ. Tôi thường làm việc một mình thôi.Phải chăng mức độ dồi dào và đặc trưng của nguồn dữ liệu đầu vào đã giúp các dự báo trên Facebook của anh khác biệt?- Tôi không nghĩ nguồn dữ liệu tạo ra sự khác biệt vì các nguồn dữ liệu mà tôi có được thì những nhà chuyên môn khác cũng có thể có được, điều khác biệt chính là ngôn ngữ chuyển tải thông tin. Nếu đưa thông tin về miền Trung chẳng hạn, tôi đặt mình vào vị thế của một người nông dân, một ngư dân trên biển, một người ở trong vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt. Vậy họ sẽ cần thông tin gì, mức độ chi tiết đến đâu và khả năng về các rủi ro có thể như thế nào?Cùng một thời điểm, có thể có đến 7 hay 8 mô hình dự báo quốc tế đưa tin về một cơn bão, nhưng tất cả chúng đều khác nhau vì dữ liệu đầu vào khác nhau, thuật toán khác nhau. Khi đó cần sử dụng kiến thức chuyên gia kết hợp với các số liệu nội địa và kinh nghiệm địa phương để cho ra mô hình dự báo sát nhất.Tóm lại có 3 vấn đề quan trọng: nguồn dữ liệu để phân tích, kiến thức bản địa của chuyên gia dự báo - nếu bây giờ kêu tôi sang Ấn Độ hay Bangladesh thì chắc chắn tôi sẽ dự báo sai nhiều, và cuối cùng là ngôn ngữ. Chuyển các ngôn ngữ khoa học thành các ngôn ngữ bình dân để người nhận hiểu hơn các thông tin của mình là điều quan trọng. Chuyện dự báo thì có thể sẽ sai, và tôi đã sai nhiều chứ không ít. Nên mình cố gắng hạn chế sai, hoặc khi không chắc chắn thì tôi đưa ra dưới dạng "nhận định". Người nghe thông tin cũng cần phân biệt rất rõ: khi nào là nhận định, khi nào đặt vào đấy xác suất, và khi nào nó là sự khẳng định gần như chắc chắn với xác suất chính xác cao. Nguyễn Ngọc HuyAnh có bài học nào liên quan đến việc "bình dân hóa" biến đổi khí hậu?- Truyền thông về các kịch bản biến đổi khí hậu cho người dân là cần thiết, bởi có biết thì mới lập được kế hoạch. Tôi cũng thừa nhận rằng đa số thông tin về biến đổi khí hậu còn khô cứng dưới dạng số liệu trên các báo cáo, và chúng ta cần thêm bước "bình dân hóa" các thông tin đó.Tuy nhiên, có một vấn đề nhạy cảm: đa số kịch bản biến đổi khí hậu thường là bất lợi. Nếu như chúng ta lan tỏa thông tin rằng sẽ có một rủi ro quá lớn về nước biển dâng, về tần suất thiên tai ở một địa phương cụ thể thì sẽ tạo ra tâm lý lo sợ và mất đi động lực đầu tư và địa phương đó cũng khó thu hút đầu tư. Không ông nào dám đến cắm một cái nhà máy hàng tỉ đô la ở nơi được dự báo là sẽ bị ngập 1m vào giữa thế kỷ này cả!Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp đi kèm, để sau khi nghe một thông tin về khủng hoảng, người ta biết rằng vẫn còn giải pháp để sống chung, để ứng phó, hay thậm chí tìm ra được những giải pháp biến các thách thức đó thành cơ hội. Tất nhiên, nó phải theo hướng "bình dân hóa" và "kế hoạch hóa" ở cấp địa phương.Cảm ơn anh. Với tinh thần "bình dân hóa", xin anh cho biết những xu hướng khí hậu ta cần lưu ý cho năm 2023?- Chu kỳ khí hậu La Nina được dự báo là sẽ sớm kết thúc vào mùa xuân năm nay và chuyển pha sang ENSO (pha trung tính có khí hậu ôn hòa). Nhưng dù là pha trung tính thì tôi nhận định thời tiết có thể thiên về hạn và nóng vào đầu và giữa năm 2023. Các hồ chứa phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể thiếu nước vào giai đoạn cuối xuân, đầu hè. Xâm nhập mặn có thể xảy ra ở ĐBSCL, các thành phố như Đà Nẵng và Hội An cũng có thể đối diện với xâm nhập mặn sớm. Chúng ta cần tích trữ nước và tiết kiệm nước đề phòng hạn hán. Hãy tiết kiệm điện vì tình hình hạn hán thiếu nước cho vận hành thủy điện có thể xảy ra ở đầu hè khiến giá điện có thể tăng. ĐBSCL cần tích trữ nước trong các kênh mương nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây ăn trái vào giai đoạn tháng 3 và tháng 4-2023, đồng thời tích trữ nước mưa dùng cho sinh hoạt kẻo giá nước tăng. Tags: Dự báo thời tiếtBiến đổi khí hậuHuy NguyenNguyễn Ngọc HuyThời tiếtPhỏng vấn
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.