Mạng xã hội nặc danh: Đáng sợ hơn mạng xã hội

HẢI MINH 15/10/2014 07:10 GMT+7

TTCT - Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mạng xã hội có nhiều tác động tiêu cực tới đời sống, cảm xúc và khả năng giao tiếp của con người, nhưng một xu hướng mới còn đáng sợ hơn đang lấp ló phía chân trời: mạng xã hội nặc danh.

Facebook và Twitter, những mạng xã hội định danh, đã thống trị thế giới trong thời gian qua, nhưng từ đầu năm nay rất nhiều ứng dụng mới ra đời đã lan nhanh, đảm bảo sự nặc danh của những người chia sẻ. 

Cho phép “sẻ chia tất cả”

Những lời thú tội đáng hổ thẹn, những nỗi sợ riêng rư, những khát khao bị đè nén, các tin đồn độc hại và cả những đe dọa đánh bom, các ứng dụng mạng xã hội nặc danh “cho phép người dùng chia sẻ tất cả” đang mọc lên như nấm sau mưa. Có thể kể ra vài cái tên phổ biến nhất: YikYak, Whisper, Confide, Secret, Sneeky, Backchat, Rumr, Truth...

“Mạng xã hội đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp xã hội. Chúng ta đã đánh mất khả năng cởi mở và chấp nhận tổn thương vì chúng ta lo sợ về hồ sơ trên mạng của mình” - Chrys Bader-Wechseler, người sáng lập Secret, nói với báo Anh The Guardian.

Ứng dụng của Bader-Wechseler, 30 tuổi, kết nối với các liên lạc trong điện thoại di động của bạn, để bạn biết những gì chia sẻ có phải là từ bạn bè hay không. Ứng dụng này bắt đầu ra mắt ở Mỹ từ tháng 1-2014 và nhanh chóng thu hút được 8,6 triệu USD đầu tư.

“Chúng tôi muốn hạ tiêu chuẩn xuống - Bader-Wechseler nói - Để bạn bè lại có thể chỉ trích lẫn nhau”. 

Với các ứng dụng mạng xã hội nặc danh, một thế hệ Internet mới đang chờ đợi phía chân trời, với những câu hỏi hóc búa mang tính triết học mà ngay cả Plato cũng chưa chắc trả lời được. Khi nhân thân của chúng ta được che giấu, liệu chúng ta có hành xử vô đạo đức và nói năng bạt mạng?

Hay phải chăng vì không phải chịu áp lực từ dư luận nữa nên chúng ta sẽ thẳng thắn nói ra những gì mình nghĩ, sẵn sàng chia sẻ và đồng cảm hơn? Tức câu hỏi nền tảng con người bản chất là thiện hay ác?

Cho tới giờ thì những dấu hiệu tiêu cực là rõ ràng hơn. Một hậu quả tất yếu của việc lên mạng nặc danh là sự lạm dụng, bắt nạt trên mạng và cả những tin đồn thất thiệt. YikYak, một ứng dụng kiểu đó ra đời cuối năm ngoái và tự nhận có 250.000 người dùng, đã là nguyên nhân của hai vụ sơ tán, một vụ đóng cửa và không ít lần hỗn loạn tại các trường cấp III ở Mỹ.

Ứng dụng này sử dụng khả năng định vị để phát đi những tin nhắn nặc danh tới 500 người sử dụng gần nhất. Ở Alabama, hai thiếu niên bị truy tố vì đưa ra các đe dọa khủng bố trên YikYak sau khi nói họ sẽ xả súng ở trường của mình. Nhiều trường cấp III và đại học ở Mỹ đã bắt đầu cấm YikYak trong khuôn viên trường học.

Chủ tịch của Đại học Norwich (ở Vermont, Mỹ) Richard Schneider nói ông biết việc cấm YikYak trong hệ thống máy tính ở trường chỉ mang tính tượng trưng vì ông không có quyền kiểm soát điện thoại cá nhân của học trò, nhưng Schneider nói ông thấy cần phải hành động vì những hậu quả tai hại của ứng dụng này.

“Tôi biết chắc nó đang làm sinh viên của tôi tổn thương - ông chủ tịch nói với Hãng tin AP - Họ cảm thấy bị đe dọa, trở nên hèn nhát và dễ bị bắt nạt trên mạng”. Mới ra mắt từ tháng 11-2013, nhưng số vụ điều tra chính thức và truy tố những người đưa ra thông tin thất thiệt, đe dọa và quấy rối người khác trên YikYak đã lên tới vài chục.

Công ty phát triển ứng dụng này giải thích rằng giống như mọi ứng dụng mạng xã hội khác, nó có thể bị sử dụng sai mục đích, và đã quyết định ngăn việc truy cập ở các khu vực gần những trường tiểu học và cấp II ở Mỹ, do ứng dụng được dán nhãn 17+.

“Chúng tôi cũng theo dõi các cuộc đối thoại và các tin nhắn đăng lên, bất cứ hành vi tiêu cực hay nguy hiểm nào cũng có thể bị chặn hoặc bị cấm dùng trong tương lai - AP dẫn tuyên bố từ YikYak ngày 26-9 - YikYak cũng thấy rằng càng có nhiều người sử dụng ứng dụng này thì cộng đồng càng hành xử một cách tích cực”.

Độ tin cậy của các ứng dụng truyền thông xã hội nặc danh
Độ tin cậy của các ứng dụng truyền thông xã hội nặc danh

“Đất lành” cho xúc phạm và quấy rối

Nhưng các chuyên gia không nghĩ vậy. Sameer Hinduja - giáo sư của khoa tội phạm học và hình sự ở Đại học Atlantic (Florida), đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu tội phạm mạng ở trường này - cho rằng các mạng xã hội nặc danh đang trở thành “đất lành” cho những đe dọa, xúc phạm nhân phẩm và quấy rối mang tính bầy đàn.

Sự lan nhanh của mạng xã hội nặc danh, thật trớ trêu, có phần nguyên nhân không nhỏ từ những mạng xã hội định danh, như Facebook.

Áp lực từ mạng xã hội chắc chắn đã khiến cuộc sống không ít người trở nên khổ sở, như Montesquieu đã giải thích hơn 200 năm trước: “Nếu chúng ta muốn hạnh phúc thì dễ thôi, nhưng chúng ta lại muốn hạnh phúc hơn người khác, điều luôn khó khăn, vì chúng ta nghĩ rằng họ hạnh phúc hơn so với sự thật”. Mạng xã hội càng làm điều đó thêm sâu sắc.

Mạng xã hội nặc danh lại đẩy sự việc theo chiều ngược lại. “Bất cứ một ứng dụng nào đi kèm với sự nặc danh sẽ gây ra cảm giác về một không gian vô chính phủ, nơi các hành động và cách cư xử không để lại bất kỳ hậu quả gì” - nhà tâm lý học Elias Aboujaoude của Đại học Stanford và tác giả cuốn sách Virtually You: The Dangerous Powers of the E-Personality (Hình ảnh ảo của bạn: Những quyền lực nguy hiểm của cá tính điện tử - 2011) phân tích.

Một trong những ứng dụng mạng xã hội nặc danh đầu tiên có lẽ là Juicy Campus, bắt đầu nổi lên ở một số trường đại học tại Mỹ cuối năm 2007. Chỉ sau vài tin đăng quấy rối tình dục và đe dọa cá nhân, các trường tìm cách ngăn trang mạng này ở các máy của họ.

Juicy Campus đã sập tiệm vào đầu năm 2009 vì không thu đủ doanh thu quảng cáo, nhưng ứng dụng đó chỉ là kẻ tiên phong không may của một trào lưu đang lớn dần. 

Whisper, một đối thủ của Secret, đã thu hút được số tiền đầu tư 30 triệu USD hồi tháng 4, theo CNN, bao gồm cả từ các hãng công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon. Nhưng nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng của Mỹ - Marc Andreessen, người đã bỏ tiền cho rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lớn, từ Facebook tới Bitcoin, khẳng định rằng các ứng dụng nặc danh là không tốt cho xã hội và không đáng đầu tư.

“Từng có những hệ thống trong quá khứ và hiện tại được thiết kế để khuyến khích các hành vi tiêu cực, làm tổn thương mọi người và khiến tâm hồn chúng ta đầy tội lỗi” - ông viết trên Twitter. Andreessen không chỉ đích danh Secret, Whisper hay YikYak, nhưng nhiều người hiểu ông muốn nói gì. Các hãng cũng tìm cách hạn chế những vấn đề tiêu cực.

Secret đã đăng một cảnh báo nói các bình luận phỉ báng và nhạy cảm có thể bị xóa bất cứ lúc nào, trong khi Whisper thuê một đội ngũ 120 người theo dõi, biên tập và xử lý các tin nhắn. 

Hướng đi mà Whisper đang nhắm tới là họ muốn người dùng trở thành người đưa tin đầu tiên. Người sáng lập Whisper, Neetzan Zimmerman, mới đây đã ký hợp đồng với hàng loạt biên tập viên chuyên tin “buôn chuyện” của BuzzFeed. Nhưng điều đó càng tai hại hơn vì như thế đồng nghĩa với một kiểu báo chí nặc danh.

Thật khó tin một mẩu tin đăng nặc danh trên một ứng dụng chủ yếu do những người trẻ sử dụng.

Hồi tháng 2, Whisper nói một trong những người dùng của họ đã phát hiện tin tức về việc nữ minh tinh Gwyneth Paltrow lừa dối chồng, Chris Martin, và ngoại tình với luật sư của cô. Paltrow đã khẳng định những tin đồn trên Whisper là “sai 100%”, dù cô và Martin đã tuyên bố ly thân vào tháng sau đó. 

Đó chính là điều khiến Andreessen và những người khác tin các ứng dụng nặc danh là không đáng đầu tư trong dài hạn. Chúng có thể nổi lên nhất thời nhờ cho phép người dùng nói ra bất cứ những gì họ muốn, không kiểm chứng, gần như không phải chịu trách nhiệm.

Nhưng về lâu dài, các trang mạng xã hội nặc danh rất có thể chỉ còn là một mạng lưới những lời dối trá và thù hận.

Với các ứng dụng mạng xã hội nặc danh, một thế hệ Internet mới đang chờ đợi phía chân trời, với những câu hỏi hóc búa mang tính triết học mà ngay cả Plato cũng chưa chắc trả lời được. Khi nhân thân của chúng ta được che giấu, liệu chúng ta có hành xử vô đạo đức và nói năng bạt mạng?

Hay phải chăng vì không phải chịu áp lực từ dư luận nữa nên chúng ta sẽ thẳng thắn nói ra những gì mình nghĩ, sẵn sàng chia sẻ và đồng cảm hơn? Tức câu hỏi nền tảng con người bản chất là thiện hay ác?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận