Màu tết

TRẦN NHÃ THỤY 22/01/2012 23:01 GMT+7

TTCT - Mình thường ngồi viết trong một quán cà phê. Trong thành phố này. Và nếu có đi đâu xa, thì chỗ ngồi viết vẫn thường là một cái quán cà phê. Một chỗ mát và im.

Một chỗ để mắt có thể lơ đãng nhìn ra ngoài đường, hay nâng chếch tàng cây, hay ngước xa trời mây... Có những quán mình trở đi trở lại nhiều lần, nhưng cũng có quán chỉ một lần duy nhất. Để rồi, những khi vội vã trên đường, lướt qua chốn cũ, chợt giật mình nhớ và thấy bóng dáng mình ngồi đó, trong khung cảnh kỷ niệm, lùi vào thời gian quá vãng.

Mơ hồ, mình thấy bóng thời gian trôi. Và, hơn một lần, trong một quán vắng, thật tình cờ, khi mình vừa ngồi xuống thì nghe bài hát Màu thời gian cất lên: Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh...

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trọng Quân

Màu thời gian không xanh, không rõ khi viết câu thơ này, thi sĩ Đoàn Phú Tứ đã có những trải nghiệm về thời gian như thế nào, nhưng từ ý niệm đến mô tả Màu thời gian tím ngát thì quả là tuyệt diệu. Mình hay nghĩ về thời gian, khi một mình ngồi trong quán vắng, vào những ngày cuối năm. “Vậy là hết một năm”, có lẽ không chỉ riêng mình mà nhiều người cũng thường cảm thán như thế.

Qua một năm là thêm một tuổi. Người trẻ thì lớn lên, người lớn thì già cỗi đi. Trẻ nhỏ thì mong ngóng, rạo rực chờ tết, còn người lớn đón tết trong tâm trạng âu lo hoặc ơ hờ, có khi còn muốn không tết. Nghĩa là mong thời gian đừng trôi. Nhưng thời gian có bao giờ ngừng lại. Thời gian như là đấng toàn năng vừa nuôi nấng vừa tàn phá, thời gian gom thổi nhựa sống thanh xuân, mà thời gian cũng như mối mọt.

Đâu cần tầng tầng lớp lớp gì, chỉ chừng một năm thôi thì đã biết bao nhiêu thay đổi. Như thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên từng viết: Chỉ chừng một năm trôi/ Là quên lời trăng trối/ Ai nuối thương tình đôi/ Chỉ chừng một năm thôi/ Chỉ cần một năm qua/ Là phai mờ hương cũ/ Hoa úa trong lòng ta...

Lấy cột mốc một năm, nhắc nhớ kỷ niệm về cái tết năm cũ, để ngồi đếm thời gian, để thấy lòng mình lắng xuống, thu lại trong một ý niệm bảo toàn.

Người ta có thể không mong tết, nhưng lại thường nhớ tết. Tết năm nay ngồi nhớ lại tết năm ngoái, hồi năm ngoái thì ngồi nhớ lại tết năm kia năm kìa. Và nhớ hỗn mang. Nỗi nhớ phục hồi trên những nếp gấp thời gian. Mình nhớ những ngày tết thuở bé thơ.

Ở nông thôn, thời nhà tranh vách đất, lũy tre đường làng, chân trần, áo nhuộm... Những ngày giáp tết pháo nổ đì đẹt. Nắng ui ui, mưa lây rây, như là trong đồng dao: Tháng một là nắng mùa đông/ Tháng chạp có nắng nhưng không có gì. Nhưng không hay như không? Nắng mà như không nắng. Tuổi thơ cũng trong veo trong vắt như không. Bàn chân rong chơi theo bước nắng; cái mũi dò theo mùi thơm của mứt dừa, mứt bí, bánh nổ, bánh thuẫn, bánh mè...; cái tai ngóng theo những câu hò câu đối.

Xưa, ngày tết người ta gọi là ăn tết và chơi tết. Và tất tần tật đều tự mình làm ra, kể cả bông hoa chưng ngày tết cũng tự trồng lấy, chứ không mua sắm như sau này. Sau này thì người ta thường nói: “Làm chi cho mất công, cứ ra chợ mua quách cho rồi”. Mất công và mất thời gian. Thời gian chỉ để ưu tiên kiếm tiền. Thời gian không dành để tự tay mình trồng một cây hoa, làm một vài loại bánh, nấu một mâm cỗ tết. Cái gì cũng mua sẵn. Cái gì cũng có người phục vụ, thế mà đời sống ngày cứ càng vội, càng nhạt, càng mệt.

Như vậy là có những cái tết, nhìn qua khung cửa thời gian chỉ thấy một màu trắng nhợt. Ngồi đó, cố lục lọi cũng không thấy gì, ngoài một màu trắng mênh mông, không dữ liệu. Đó là những cái tết không có trong ký ức một mảy may sắc màu hay hương vị. Như thế là mình phải kiến tạo sắc màu cho tết mình, cũng có nghĩa là sống cho thời gian tạo thành ký ức.

Mình lại ngồi trong một quán vắng, nhưng không phải để viết, mà thử nhìn qua khung cửa thời gian để thấy hiện lên những gì. Xuyên chấp chới qua những khung trắng nhợt, mình thấy bắt đầu hiện ra màu đất nâu, cỏ xanh, nắng vàng, hoa đỏ... Đó là màu nhớ. Màu tết.

Nỗi nhớ như bứt dây động rừng. Màu tết như lan đi tựa trong thơ của Đoàn Văn Cừ: Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ tết...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận