TTCT - 1. Một buổi chiều, một phụ huynh gọi điện khẩn khoản gặp tôi để bàn về vấn đề làm anh “đau đầu nhức óc kinh niên”. Anh là một người cha luôn quan tâm chăm sóc gia đình nhưng các con luôn làm anh thất vọng: “Tôi có hai con, một con trai học lớp 8 và một con gái học lớp 6. Minh họa: La Khuê Hai con tôi bị chung một thứ bệnh trầm kha: không tự giác dậy đi học, ăn cơm và ngủ đúng giờ. Mỗi tối, muốn nhắc hai con đi ngủ, tôi và vợ phải hò hét, đe dọa, “đàm phán” cả buổi hai anh em mới rời tivi. Mỗi sáng, cả hai vợ chồng gọi các con dậy đi học còn mệt hơn... gọi đò, thậm chí phải năn nỉ, ỉ ôi cả buổi cả hai mới ngồi vào bàn ăn sáng. Chúng nhăn nhó, khóc lóc, nước mắt ngắn dài... Ép được chúng lên xe, chạy hộc tốc tới trường mới kịp giờ. Vì chuyện này mà vợ chồng tôi gây gổ, đổ lỗi cho nhau và cùng cảm thấy bất lực, hết phương cứu chữa...”. 2. Trong những buổi sinh hoạt với phụ huynh học sinh tại hội quán Các Bà Mẹ, câu hỏi được nhiều phụ huynh nêu ra lại liên quan tới vấn đề làm việc nhà của các con. Một chị xưng tên H., có con gái học lớp 9 và con trai học lớp 5, kể: “Hễ tôi nhờ con làm việc nhà là chúng nó giậm chân, giậm cẳng, trả treo, nặng nhẹ với cha mẹ và cố tình trì hoãn. Sau đó chúng chỉ làm cho có, làm như “mèo mửa”, làm như cố tình chọc giận cha mẹ. Thậm chí khi được nhờ làm những việc hết sức nhẹ nhàng như quét nhà, rửa cái ly, lau cái bàn, chúng còn giả điếc không làm, không giúp gì cả. Cha mẹ có la rầy cũng bằng thừa, chúng lầm bầm, càu nhàu, biện bạch bằng đủ loại bệnh đau nhức, cảm cúm... mà chúng tưởng tượng ra. Gia đình chồng và cả chồng tôi bảo con hư tại mẹ. Tôi có làm gì sai, nhiều khi bảo các con làm mệt hơi quá, tôi nhờ chị giúp việc làm luôn cho xong...”. 3. Cô V., giáo viên văn trong trường tôi làm công tác tư vấn, cũng nêu những khó khăn trong việc uốn nắn con: “Tôi có hai con, một học lớp 12 và một đang học lớp 8. Tôi thường xuyên hò hét, quát nạt bắt con dọn dẹp nhà cửa nhưng giống như nước đổ lá khoai. Ly uống nước chúng rải từ phòng khách tới phòng ngủ, quần áo thay ra nhét khắp nơi trong nhà, sách vở ném từ giường xuống đất, giày dép, nón, vớ khi tới giờ đi học lại lật tung cả nhà lên tìm mới ra, quét nhà góc này là con tôi tắp vào góc kia... Cha cũng vậy mà con cũng vậy, lộn xộn, luộm thuộm. Hễ nói động tới là hai con tôi rên lên thống thiết: “Mẹ nói nhiều quá. Con sống không yên với mẹ nữa”. Rồi chúng bịt tai, trốn vào phòng đóng cửa lại”. Kể xong câu chuyện chị V. ngồi thừ ra, mệt mỏi, hai vai rủ xuống bất lực. 4. Căn bệnh chung của thế hệ “gối ôm” là đây. Hệ quả của việc cha mẹ quen làm thay con mọi việc, ấp yêu con quá lâu là con sẽ trở nên thích ỷ lại, thiếu tinh thần trách nhiệm và vô kỷ luật là đây. Vẫn biết tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng, nhưng không có nghĩa vì thế mà các bậc cha mẹ có thể viết... chi chít luật lệ lên tờ giấy tinh khôi này. Tôi nhớ học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần từng viết: “Giáo dục chỉ có hiệu quả khi nào gây được nơi con người hứng thú tinh thần... Mà tìm được sự hứng thú đó là điều kiện đầu tiên và cần thiết để duy trì sự cố gắng được lâu bền và có đường lối” (*). Thay vì điền vào trang giấy trắng tâm hồn con các luật lệ của mình, các bậc cha mẹ có bao giờ tạo điều kiện để con mình hứng thú tự đề ra những luật lệ, quy củ để dễ bề tuân thủ? Muốn con có sự quan tâm và trách nhiệm với gia đình, muốn con ngăn nắp và tự giác làm việc, muốn con tự lập và tự chăm sóc bản thân, các bậc cha mẹ cần cùng chúng xây dựng cái gọi là nếp nhà, mỗi thành viên trong gia đình có quyền và nghĩa vụ đối với gia đình mình. Cha mẹ phải thiết lập một số nguyên tắc trong cư xử và sinh hoạt gia đình, dựa trên nguyên tắc đó cha mẹ phải làm gương trước rồi trao đổi với con và yêu cầu con tuân theo ngay từ khi con còn rất nhỏ. Cha mẹ không nên dành quá nhiều thương yêu và quá ít nghiêm khắc vì như vậy con sẽ ích kỷ và ỷ lại. Cha mẹ không nên dành quá nhiều nghiêm khắc và quá ít thương yêu vì con sẽ mất dần tự tin, sống khép kín và không muốn chia sẻ tình cảm. Trách nhiệm với bản thân và gia đình giống như một dòng chảy tự nhiên trong sự trưởng thành của con, được soi rọi bởi tình thương và sự kiên nhẫn của cha mẹ, được thẩm thấu như mưa ngấm dần vào đất. (*): Tôi tự học, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, NXB Trẻ, 2012, trang 40. Tags: Câu chuyện giáo dục
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
Vụ cháy tại cư xá Độc Lập: Nguyên nhân do chập đường điện người dân tự đấu nối MINH HÒA 08/07/2025 Nguyên nhân bước đầu xác định là do đường dây dẫn điện cung cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện do chủ căn hộ tự đấu nối bị chạm chập, gây cháy.
UBND TP.HCM yêu cầu trước 21-7 hoàn thiện đề án sắp xếp báo, đài, tạp chí trực thuộc THẢO LÊ 08/07/2025 Chủ tịch UBND TP.HCM giao giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp xây dựng đề án sắp xếp HTV, VOH, BTV, BRT và sắp xếp, tinh gọn các báo, tạp chí do UBND TP.HCM làm chủ quản, gửi Sở Nội vụ trước 21-7.
Người đàn ông cởi trần đứng giữa đường sắt có chắn, tàu hỏa Bắc - Nam tông thiệt mạng ĐỨC TRONG 08/07/2025 Vụ tai nạn xảy ra chiều 8-7 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua xã Suối Kiết, tỉnh Lâm Đồng khiến người đàn ông chết tại chỗ.
'Phép màu không khí' ở Bắc Kinh, từ thủ đô ô nhiễm thành nơi chia sẻ kinh nghiệm THANH BÌNH 08/07/2025 Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí nhờ nhiều sáng kiến. Thái Lan cũng đang học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc.