TTCT - Các quy định bắt buộc tiêm chủng để có thể đi làm, đi học, sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí đang đối mặt với một thách thức cả về pháp lý lẫn dịch tễ học: liệu một người đã có miễn dịch tự nhiên với COVID-19 sau khi đã mắc và khỏi bệnh có cần phải tiêm chủng nữa hay không, bởi họ đã sẵn có kháng thể với virus trong người? Ảnh: Wall Street JournalMột giáo sư luật ở Mỹ đã kiện chính trường đại học của mình, yêu cầu “đối xử với miễn dịch đạt được tự nhiên ít nhất là tương đương với tình trạng đã tiêm chủng”.Có kháng thể rồi, chích chi nữa?Trong bài viết “Vì sao tôi kiện chủ lao động về lệnh bắt buộc tiêm chủng” đăng trên báo Wall Street Journal ngày 6-8, Todd Zywicki, người sắp kỷ niệm 24 năm dạy luật tại Đại học George Mason (GMU, bang Virginia), cho biết đã ủy quyền cho các luật sư tại Tổ chức New Civil Liberties Alliance đứng ra kiện nhà trường, liên quan đến yêu cầu “cưỡng chế tiêm chủng” mà ông cho là “vi phạm quyền hiến định về quyền tự chủ thân thể mà không có lý do chính đáng”.Theo lời kể của Zywicki, dù đang ở tuổi ngũ tuần, năm ngoái ông vẫn đăng ký dạy trực tiếp trên giảng đường vì tin chắc mình an toàn sau khi đã mắc và khỏi COVID-19 vào mùa xuân cùng năm. Zywicki liên tục xét nghiệm kháng thể và có kết quả dương tính, “điều khẳng định rằng tôi tiếp tục có được mức độ bảo vệ mạnh mẽ [trước COVID]” - ông viết.Vấn đề là GMU ra quy định nếu muốn trực tiếp giảng dạy, ông phải tiêm vaccine, hoặc dạy từ xa. Nếu vẫn muốn lên lớp, Zywicki cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với khoa và sinh viên trong giờ hành chính và phải xét nghiệm hằng tuần. Giáo sư này cho rằng lãnh đạo trường đã dọa sẽ kỷ luật những ai không tuân thủ, bao gồm hình thức chấm dứt hợp đồng. Zywicki cho rằng nếu phải tuân thủ các yêu cầu trên (để không phải tiêm vaccine), ông không thể dạy hết khả năng cho sinh viên, và nhấn mạnh tiêm chủng với ông là “không cần thiết và tiềm tàng rủi ro”. Sau khi kể rõ ngọn ngành, Zywicki dành phần còn lại của bài viết để nói về sự khác biệt giữa kháng thể tự nhiên do khỏi bệnh mà có so với kháng thể do vaccine kích thích cơ thể tạo ra, mà theo ông là cái đầu tiên có tính bảo vệ lâu dài và vượt trội hơn.Dẫn các nghiên cứu lâm sàng từ Israel, Anh, Mỹ, Zywicki cho rằng “miễn dịch tự nhiên với virus SARS-CoV-2 tạo ra sự bảo vệ mạnh và lâu dài trước việc tái nhiễm tương đương hoặc tốt hơn miễn dịch do các vaccine hiệu quả nhất mang lại”. Ông cũng nhắc kết luận của Tổ chức Y tế thế giới hồi tháng 5 rằng đa số người bị nhiễm SARS-CoV-2 có hình thành phản ứng miễn dịch bảo vệ mạnh mẽ. Zywicki chỉ trích việc GMU loại trừ miễn dịch tự nhiên trong khi chấp nhận việc nhân viên đã tiêm các vaccine mà ông cho là “chất lượng thấp”, tức hiệu quả không cao bằng miễn dịch tự nhiên. Theo GMU, nhân viên được xem là tuân thủ quy định khi chích bất kỳ loại vaccine nào đã được WHO phê duyệt.Ông cũng lập luận rằng người có miễn dịch tự nhiên sẽ được bảo vệ lâu hơn (“16 tháng kể từ khi nhiễm COVID-19 mà tôi vẫn còn có kháng thể đây này”), kể cả với các biến thể mới của virus, so với người tiêm vaccine, và khả năng tái nhiễm cũng thấp hơn.“Tiêm chủng không chỉ không cần thiết mà còn có thể nguy hiểm đối với tôi, vì những người đã khỏi bệnh đa số bị loại khỏi các cuộc thử nghiệm lâm sàng của vaccine, vì thế các khẳng định an toàn dành cho nhóm này phần nhiều là suy đoán. Ngoài ra, có bằng chứng lâm sàng cho thấy người đã khỏi COVID thường gặp tác dụng phụ thường xuyên hơn và nặng hơn khi tiêm so với người chưa từng nhiễm” - Zywicki viết.Giáo sư này kết luận: nếu không sẵn miễn dịch tự nhiên với COVID thì tôi đi chích ngừa từ lâu rồi. Nhưng những người đã có miễn dịch tự nhiên như tôi thì việc đi tiêm ngừa chẳng mang lại lợi ích gì so với các rủi ro của nó. Tóm lại, trường không có quyền bắt tôi phải đi tiêm.Tại nhiều nước châu Âu, có bằng chứng đã nhiễm và khỏi bệnh cũng được tính là đủ điều kiện để được đối xử tương tự như đã tiêm vaccine. Ví dụ ở Ý, người dân cần có xác nhận đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính hoặc vừa khỏi COVID-19 để được vào quán bar, nhà hàng, rạp phim, bảo tàng hay phòng gym. Tại Pháp, các cá nhân cần chứng minh đã tiêm ngừa đầy đủ, có xét nghiệm âm tính hoặc mới khỏi bệnh để có “thẻ sức khỏe”, được phép vào quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, rạp phim, nhà hát. Israel cũng có quy định tương tự từ tháng 2. Miễn dịch này miễn dịch kiaVụ kiện của giáo sư Zywicki lập tức gây chú ý và được đưa ra mổ xẻ - cả về mặt pháp lý lẫn y học - xem ai đúng ai sai.Về pháp lý, Todd Wulffson, luật sư lĩnh vực lao động thuộc Hãng luật CDF, cho rằng dù luận điểm của vị giáo sư về miễn dịch tự nhiên rất chắc chắn, việc thuyết phục thẩm phán tin rằng yêu cầu bắt buộc tiêm chủng vi phạm các quyền hiến định của ông vẫn có thể rất khó. Zywicki cho rằng sẽ bất tiện nếu bắt ông đã có miễn dịch mà lại còn phải tiêm ngừa, song lập luận này có thể bị bác, xét đến nhu cầu xác đáng của GMU trong việc đảm bảo tất cả mọi người được an toàn trong khuôn viên trường, Wulffson nói với Đài CBS13.Sau khi Zywicki nộp đơn kiện, GMU đã điều chỉnh chính sách, chuyển từ bắt buộc mềm sang cứng: phải chích ngừa rồi mới được bước chân vào trường, dẹp luôn phần giải pháp thay thế là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và xét nghiệm thường xuyên.“Zywicki sẽ có lý lẽ mạnh hơn nếu nói rằng ông ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi chích ngừa nếu không sẽ bị đuổi việc, bởi vì lúc này rủi ro của ông ta không chỉ là sự bất tiện nữa mà còn là mất việc” - Wulffson nói. Về mặt y khoa, liệu có cần thiết tiêm chủng khi trong người đã có kháng thể với virus SARS-CoV-2 hay không? Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Monica Gandhi (Đại học UC Sanfrancisco), các dữ liệu liên quan hiện đang “hỗn loạn” và rất khó để đưa ra câu trả lời dứt khoát.Gandhi lấy ví dụ: dữ liệu tại Israel cho thấy người đã tiêm ngừa có nhiều khả năng dương tính với biến thể Delta hơn người đã từng nhiễm trước đó, trong khi theo nghiên cứu hồi đầu tháng của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người chỉ có miễn dịch tự nhiên có nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp đôi so với những người đã nhiễm trước đó và có tiêm vaccine. “Đây là 2 nghiên cứu thực hiện cùng thời điểm, trên cùng biến thể, ở 2 nơi khác nhau. Dữ liệu hỗn loạn là thế đó” - Gandhi giải thích. Tuy nhiên, quan điểm của Grandhi là một người đã từng mắc COVID-19 vẫn nên đi tiêm ngừa, và chỉ cần tiêm 1 mũi, vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc tiêm vaccine sẽ tăng thêm phần miễn dịch sẵn có. Điều này khớp với khuyến nghị của CDC rằng vẫn nên tiêm vaccine bất kể đã nhiễm COVID-19 hay chưa, vì theo nhiều nghiên cứu, tiêm chủng giúp tăng cường khả năng bảo vệ ở những người đã khỏi bệnh COVID-19.Trong khi đó, trang Bloomberg Law dẫn lời Lawrence Gostin, giáo sư luật và y tế cộng đồng tại Đại học Georgetown, cho rằng bắt buộc tiêm chủng “tuyệt đối nên được áp dụng” với những người đã khỏi COVID-19. “Khỏi COVID không mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ. Vaccine hiệu quả hơn rất nhiều” - Gostin nói.Tương tự, Emily Harbison, luật sư Hãng luật Baker McKenzie ở Houston, cho rằng chưa rõ sự bảo vệ do miễn dịch tự nhiên mang đến kéo dài bao lâu, vì thế người đã khỏi bệnh cũng nên tiêm vaccine. Theo Harbison, nếu chủ lao động có chính sách bắt buộc tiêm chủng, nó phải được áp dụng cho tất cả lao động và không có ngoại lệ với những người đã từng mắc bệnh.Kể từ khi có COVID-19, thế giới hiện đã bước sang giai đoạn mà các lằn ranh giữa nhóm người đã tiêm và người chưa tiêm ngày càng trở nên sâu sắc. Kết quả vụ kiện của Zywicki chưa biết ngã ngũ thế nào, nhưng chắc chắn đó không phải là phản kháng duy nhất, và những cảm xúc kiểu bất công, phân biệt đối xử đó tất nhiên cũng không phải là chuyện của mỗi cá nhân ông giáo sư Mỹ.Các tiền lệ cũng không giúp phân xử rạch ròi trong chuyện của giáo sư Zywicki. Nói với Bloomberg Law, Brian Abramson, hiện dạy luật vaccine tại Trường luật Đại học quốc tế Florida, cho biết “nhiều bang cho phép người làm trong lĩnh vực y tế khỏi phải tiêm ngừa các bệnh như sởi hoặc rubella nếu họ có thể chứng minh mình có kháng thể”.Cũng theo Abramson, một số tù nhân từng xin được phóng thích sớm trong khi xảy ra dịch đã bị từ chối vì “họ đã nhiễm COVID-19 trước đó và xem như đã được bảo vệ phần nào nhờ việc có kháng thể”.Gần gũi nhất với vụ của Zywicki - và cũng là “án lệ” cho thấy ông có thể sẽ thua kiện - là việc Đại học Indiana hôm 12-8 được tòa tuyên bố được phép duy trì chính sách bắt buộc tiêm ngừa COVID-19 với nhân viên và sinh viên. 8 sinh viên đã yêu cầu tòa án chặn quy định này của trường vì họ “có quyền hiến định đối với sự toàn vẹn, tự chủ của cơ thể và lựa chọn điều trị y tế”. Tuy nhiên, thẩm phán tòa tối cao Amy Coney Barrett đã bác yêu cầu này, phán quyết rằng từ chối tiêm chủng không phải là một quyền cơ bản đã ăn sâu vào truyền thống luật pháp của Mỹ, mà trái lại, “bắt buộc tiêm chủng, giống như các biện pháp y tế công cộng khác, đã phổ biến ở quốc gia này”, theo tường thuật của CBS News. Tags: Tiêm ngừaCOVID-19VaccineTiêm chủngMiễn dịch
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cờ đỏ sao vàng, mũ cối và tình cảm dành cho Bác Hồ tại Cộng hòa Dominica DUY LINH 22/11/2024 Người dân Cộng hòa Dominica, với những chiếc mũ cối cùng cờ đỏ sao vàng, đã xuất hiện tại công viên Hồ Chí Minh để chào đón các vị khách quý ngày 21-11.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...