“Mời khách tránh bữa ăn” & nhân học của ẩm thực

XUÂN TÙNG 22/06/2022 21:05 GMT+7

TTCT - “Thụy Điển đã được coi như một nơi đáng sống suốt 100 năm qua, vậy mà chỉ một tấm ảnh chụp màn hình đã hủy hoại họ”, một người dùng Twitter đã tóm lược tranh cãi #Swedengate khuấy đảo không gian mạng (và cả trên truyền thông) suốt mấy tuần qua, xoay quanh phong tục ăn uống và mời khách của người Thụy Điển. Tất cả bắt nguồn từ một cuộc thảo luận hết sức vu vơ trên Reddit.

 
 Ảnh: MARÉN WISCHNEWSKI (GETTY IMAGES/ISTOCKPHOTO

Nguồn cơn cớ sự

“Đâu là điều kỳ lạ nhất bạn đã phải làm ở nhà người khác vì lý do văn hóa/ tín ngưỡng của họ?”, một người dùng đặt câu hỏi trên diễn đàn Reddit vào ngày 25-5. Bài viết nhanh chóng nhận được hàng ngàn hồi đáp - điều không quá lạ lẫm trên một trong những diễn đàn hoạt động sôi nổi nhất thế giới. Thế nhưng, mọi chuyện nhanh chóng bùng nổ sau khi một người dùng khơi ra chuyện một nét văn hóa kỳ lạ của người Thụy Điển. “Tôi nhớ có lần đến chơi nhà một người bạn Thụy Điển của mình, trong lúc tôi và bạn đang ngồi chơi, mẹ bạn gọi vọng vào thông báo bữa tối đã sẵn sàng. Nhưng khoan đã. Bạn tôi bảo tôi ĐỢI trong phòng cậu ta trong lúc cả nhà dùng bữa”, người dùng này viết.

Không chỉ thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác trên Reddit, chủ đề này, nay được gọi bằng hashtag #Swedengate, tiếp tục được mang sang Twitter và TikTok bàn thảo. Tại đây, câu chuyện nhanh chóng bùng nổ khi hàng loạt người dùng chia sẻ các trải nghiệm tương tự của mình với văn hóa Thụy Điển. Ngôi sao nhạc pop Thụy Điển Zara Larsson cũng tham gia #Swedengate bằng một bình luận xác nhận trên Twitter, “Chuẩn văn hóa Thụy Điển rồi”, đồng thời bổ sung thêm rằng hiện tượng này thường chỉ xảy ra với trẻ em đến chơi nhà.

Những người đến từ các nền văn hóa khác nhau - Á, Mỹ, Phi và cả Âu - cùng bày tỏ sự bàng hoàng đến một viễn cảnh gần như là không tưởng tại quốc gia nơi mình sinh sống. “Tôi là người châu Á, và mẹ tôi chắc sẽ chết mất nếu bị bảo không được nhiệt tình mời khách ăn” - một người dùng Reddit trả lời. “Người Mỹ gốc Ý đây - bạn sẽ phải ăn ở nhà chúng tôi và bạn sẽ thích nó. Không thắc mắc gì hết” - một tài khoản khác bình luận.

Trong lúc đó, người Thụy Điển có vẻ cũng đang bàng hoàng không kém. Với một đất nước đã dày công xây dựng hình tượng “điểm đến đáng sống”, cùng mức chi ngân sách khủng cho truyền thông du lịch và viện trợ ngoại giao, #Swedengate có lẽ chính là một trận khủng hoảng truyền thông mang tầm quốc gia. Các chuyên gia an ninh lương thực đã phải lên tiếng, các thảo luận về bảo vệ hình ảnh quốc gia cũng đã lên sóng truyền hình. Không dừng lại ở đó, đội phòng chống tin giả của nước này (với các tên ấn tượng: Cơ quan Phòng vệ tâm lý Thụy Điển) cũng đã vào cuộc để xem đây có phải chiêu trò phá hoại của thế lực nước ngoài hay không.

Tránh miếng ăn

Trước khi bàn thêm bất kỳ điều gì, ta vẫn cần xem liệu người Thụy Điển có để khách ở ngoài bàn ăn thật hay không? Câu trả lời là thật, theo Richard Tellström, sử gia nghiên cứu về thức ăn tại Đại học Stockholm, cũng là tác giả một cuốn sách về văn hóa ẩm thực Thụy Điển. Ông cho biết khi mình còn là một đứa trẻ trong những năm 1960-1970, thực hành này gần như là bắt buộc. Nếu qua chơi nhà bạn, ông sẽ tự biết về nhà khi đến giờ ăn, hoặc ngồi đợi trong phòng cho đến khi gia đình bạn ăn xong.

Trải nghiệm đó với ông cũng không quá tệ: “Bạn có thể làm nhiều thứ trong phòng như đọc tạp chí. Thời gian đợi cũng không quá lâu, thường chỉ 7-9 phút hoặc tùy thời gian bữa ăn”. Ông cũng chỉ ra rằng văn hóa này không áp dụng cho cả Thụy Điển - các gia đình ở nông thôn nhiều khả năng sẽ mời khách ăn, vì nhà cửa thưa thớt và cách xa nhau khiến việc trở về nhà đúng bữa trở nên khó khăn hơn.

Cũng theo Tellström, luật “tránh miếng ăn” cũng đã phai mờ dần trong những năm trở lại đây. “Từ những năm 1990, thức ăn đã nhận lấy ý nghĩa biểu tượng mới trong xã hội. Chúng tôi bắt đầu có những khu bếp mở để gia chủ mời khách và phô diễn ẩm thực trong nhà”.

Dù vậy, chuyện các chủ nhà không mời ăn vẫn còn, theo Mohini Mehta, một nhà nghiên cứu nhân học về ẩm thực tại Đại học Uppsala (Thụy Điển). Cô kể về một người bạn Ấn Độ của mình đã bị sốc vì không được mời ăn tối khi đến chơi nhà một người Thụy Điển. Dù chưa trực tiếp trải nghiệm tình huống này, nhưng câu chuyện của bạn vẫn khiến cô ngơ ngác: “Thật buồn cười và khó tin. Sao một người có thể làm vậy được?”.

Bản thân cô cũng đã kinh qua những bài học về khác biệt văn hóa ẩm thực giữa quê hương mình và đất nước Thụy Điển. Khi còn ở Ấn Độ, cô thường nấu bữa tối mời bạn bè hằng ngày, tổ chức tiệc tại gia hằng tuần. Sau khi đến Thụy Điển và trải qua đợt giãn cách COVID-19, cô thử mời bạn bè Thụy Điển về nhà ăn tối, nhưng đều nhận lại lời chối từ. Cô cho rằng việc chia sẻ thức ăn là một cách làm thân với người lạ ở nhiều nền văn hóa, nhưng điều này lại không đúng với người Thụy Điển.

Nhiều phân tích của cộng đồng Twitter cũng đồng tình với Mehta. Một số người trỏ tới nguồn gốc văn hóa Viking - nơi các bữa ăn và món quà được coi là món nợ hơn là vật thể hiện tình cảm đơn thuần. “Hồi còn ở Thụy Điển, tôi đã nhiều lần thử mua đồ uống cho người khác [ở quán bar] để rồi thấy bối rối khi họ có vẻ không vui. Họ sẽ trả tiền lại cho tôi ngay lập tức bằng chuyển khoản” - cây viết Imogen West-Knights nhớ lại trong bài bình luận trên trang Slate.

Theo Tellström, người Thụy Điển cho rằng việc mời khách ăn tạo ra cảm giác áp lực - bạn mời tôi, tôi cũng sẽ phải mời lại bạn. Trong một xã hội đề cao tính độc lập cá nhân, người Thụy Điển sẽ cố gắng không đặt áp lực lên nhau hoặc khiến người khác cảm thấy họ nợ mình.

 
 Một ảnh chế về #Swedengate do người dùng @reset_by_peer đăng trên Twitter.

Nhân học của ẩm thực

Câu chuyện của đất nước Thụy Điển một lần nữa cho thấy thức ăn không chỉ đơn thuần là nhiên liệu sinh tồn - đó còn là vật phẩm mang nặng tính biểu tượng văn hóa. Xét theo việc ăn ở đâu, lúc nào, khi nào và với ai, thực phẩm có thể phản ánh các niềm tin văn hóa ngầm ẩn của một cộng đồng, khẳng định vị thế xã hội, thậm chí mang ý nghĩa chính trị. Nhà nghiên cứu nhân học Maurice Bloch đã nhận xét rằng: “Trong mọi xã hội, việc chia sẻ thức ăn là một cách xây dựng sự gần gũi, và ngược lại, việc từ chối chia sẻ là biểu hiện rõ ràng của sự xa cách”. Đến đây, có lẽ sự choáng váng xoay quanh #Swedengate - chủ yếu đến từ các nền văn hóa đặt nặng tính tập thể - cũng không quá bất ngờ.

Thế nhưng, có nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến sự hào phóng trong chia sẻ thực phẩm không? Theo Krishnendu Ray, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu ẩm thực tại Đại học New York, lòng hiếu khách có ở mọi nền văn hóa, nhưng một số cộng đồng đặt nặng tính đạo đức trong việc chia sẻ thức ăn hơn so với các cộng đồng khác. Nguyên do có thể đến từ quá khứ nghèo đói kéo dài, khiến “ký ức về cơn đói thúc đẩy con người trở nên hiếu khách hơn” - Ray cho biết.

Có thể quan sát từ sự kiện nạn đói tại Bengal (Ấn Độ) năm 1943 đã khiến 3 triệu người thiệt mạng, chưa kể các bệnh tật kéo theo do thiếu dinh dưỡng. Người dân Bengal ngày nay thường xuyên nhắc tới thảm kịch này để nhắc nhở nhau về việc chia sẻ thức ăn cho hàng xóm.

Một ví dụ khác là đất nước Trung Quốc, với ký ức nạn đói năm 1959-1961 khiến 30 triệu người thiệt mạng vẫn còn ám ảnh cộng đồng đến ngày nay. “Một số học giả cho rằng sự hiếu khách đến hiếu thắng, cũng như các cử chỉ dư dả của người Trung Quốc - gọi thừa đồ ở nhà hàng, mời nhiều món trong bữa tiệc, gắp cho khách những miếng ngon nhất - đều đến từ ký ức về sự thiếu thốn”.

Cùng lúc, Ray tìm thấy nhiều điểm thú vị trong tranh cãi #Swedengate, một phần vì sự khác biệt ẩm thực quá nổi bật trong hình ảnh hoàn hảo mà người ngoài thường thấy khi nhìn về xã hội Thụy Điển. “Người ta đang cảm thấy vui khi chê trách người Thụy Điển, bởi đất nước này gần như đã thành công trong mọi thứ khác”, nhà nghiên cứu nhận định.■

Theo quan sát của T.T., một người Việt từng có thời gian sinh sống tại Thụy Điển, trẻ em nước này khi đến chơi nhà người khác đều được dặn hoặc “nhắc khéo” cần đi về trước giờ cơm. Vốn từng làm việc trông trẻ tại thành phố Gothenburg, chị cũng hiểu rằng muốn cho trẻ em Thụy Điển ăn bất cứ món gì đều cần có sự chấp thuận của cha mẹ trẻ trước đó - sẽ không dễ để mời đồ ăn với trẻ em đến nhà nếu không được phụ huynh dặn.

Đó là với trẻ em, còn người lớn thì sao? Theo T., nếu chưa đủ thân thiết để được mời ăn, bạn cũng sẽ không được mời đến nhà người Thụy Điển. Con người nơi đây cần khá nhiều thời gian để làm thân với người lạ - bản thân T. cũng chỉ được bạn bè địa phương mời đi chơi lần đầu sau ngót một năm quen biết. “Cần thời gian để người Thụy Điển đón nhận bạn, nhưng một khi đã chấp nhận, họ sẽ chào đón bạn trong vòng tay và không dễ gì buông ra” - chị nhớ lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận