TTCT - Vai trò chữa bệnh của thức ăn đang được chú ý ở Mỹ, được kỳ vọng không chỉ cải thiện sức khỏe bệnh nhân mà còn giảm nhẹ tiền chữa bệnh cho họ. Tại Mỹ, chương trình bảo hiểm Medicaid thường chỉ chi trả các chi phí y tế. Ở các bang như California, Arkansas, Oregon và Massachusetts, Medicaid đang trả tiền cho các chương trình thực phẩm y tế đối với bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến chế độ ăn.Mục đích của các thử nghiệm này là để xem liệu việc cung cấp thực phẩm bổ dưỡng có thể ngăn ngừa, kiểm soát và điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống một cách hiệu quả hay không. Kê đơn thực phẩm bên cạnh thuốc cũng có thể giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.Thay đổi tư duyTrên báo The Washington Post, bác sĩ Daphne Miller viết về sự thay đổi của người phương Tây trong quan niệm món ăn có thể hữu ích với việc điều trị bệnh: "Khi tôi còn là một bác sĩ trẻ, tôi đã ghi trong đơn thuốc hướng dẫn bệnh nhân ăn uống tốt để ngăn ngừa và điều trị các bệnh mãn tính như đái tháo đường và bệnh tim. Nhưng bảo hiểm y tế chưa bao giờ chi trả chi phí cho một bữa ăn lành mạnh. Kết quả là một số bệnh nhân không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn tôi đã hướng dẫn họ. Thực tế này gần đây đã thay đổi (...) Các bác sĩ giờ đây có thể kê đơn "thực phẩm hỗ trợ y tế" cho một số bệnh nhân - gồm một túi đồ thực phẩm hằng tuần hoặc tối đa là ba bữa ăn hằng ngày - và khoản này được bảo hiểm thanh toán như thuốc".Dariush Mozaffarian, trưởng khoa chính sách tại Trường Chính sách và Khoa học dinh dưỡng Tufts Friedman, xác nhận đúng là thời thế đã thay đổi. "5-6 năm trước, nếu tôi đến các bệnh viện lớn và nói về món ăn bài thuốc, chắc chắn là tôi nhận lại cái nhìn dửng dưng và những email từ chối lịch sự" - Mozaffarian kể.Phong trào xem thực phẩm là thuốc đang được nhiều chính trị gia Mỹ ủng hộ. Hạ nghị sĩ Jim McGovern cho biết: "Chẳng hiểu tại sao mà lâu nay chúng ta thấy kê những đơn thuốc đắt đỏ là hợp lý mà không thấy rằng kê thực phẩm tốt cho sức khỏe trong đơn thuốc là hợp lý. Tại sao chúng ta lại do dự trong thay đổi tích cực hơn?".Câu hỏi này không khó để trả lời. Theo trang tin tức về sức khỏe của Mỹ STAT, các chuyên gia về chính sách thực phẩm, nhà nghiên cứu, giám đốc các công ty bảo hiểm, nhà đầu tư và các tổ chức ủng hộ các chương trình hỗ trợ thực phẩm chỉ ra hai rào cản lớn nếu muốn sử dụng thực phẩm bên cạnh thuốc điều trị: thiếu nghiên cứu đủ tốt để chứng minh vấn đề sức khỏe nào thì đáp ứng tốt nhất với loại thực phẩm nào và chưa có cơ chế cho các công ty bảo hiểm thanh toán.Trong khi thuốc có hàm lượng rõ ràng, hiện nay không có định nghĩa thống nhất về những gì cấu thành một món ăn với tư cách là phương thuốc chữa bệnh. "Sử dụng món ăn như thuốc chưa có các bằng chứng vững chắc so với các lĩnh vực khác của y tế. Nếu so sánh số lượng nghiên cứu có sẵn về thực phẩm và dinh dưỡng so với thuốc vắc xin, thiết bị y tế - vốn được thực hiện bằng các phương pháp có độ chính xác cao như thực nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, chúng ta chưa có các loại bằng chứng mạnh như vậy" - Matt Eyles, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Công ty bảo hiểm AHIP, nói. Tuy nhiên, ông cho rằng có sự quan tâm trong việc phát triển bằng chứng đó.Nếu có bằng chứng vững chắc, trong tương lai đơn thuốc có thể là bữa ăn lành mạnh và được bảo hiểm chi trả. Ảnh: IstockChuyển động mạnh mẽCác tổ chức làm về các chương trình dinh dưỡng, cứu trợ thực phẩm đề xuất ba can thiệp cụ thể bằng thực phẩm gồm cung cấp các bữa ăn do chuyên gia dinh dưỡng thiết kế trong một số điều kiện nhất định - gọi là bữa ăn phù hợp về mặt y tế; cung cấp các túi thực phẩm trong một số điều kiện nhất định - gọi là thực phẩm phù hợp về y tế, tại cửa hàng và cung cấp phiếu mua trái cây và rau quả tươi.Nghiên cứu được đánh giá cao nhất hiện nay ở Mỹ là nghiên cứu về lợi ích của bữa ăn phù hợp về y tế. Nghiên cứu này nhận thấy khoảng 100 bệnh nhân được nhận bữa ăn phù hợp về y tế qua các chương trình bảo hiểm Medicare và Medicaid có số lần đến phòng cấp cứu ít hơn 70% và số lần nhập viện ít hơn 52% so với 1.002 bệnh nhân không nhận được bữa ăn này.Một nghiên cứu khác với khoảng 1.000 người trưởng thành cho thấy 500 người được nhận bữa ăn phù hợp về y tế có tỉ lệ nhập viện ít hơn 49% và tỉ lệ nhập cơ sở điều dưỡng ít hơn 72% so với 500 người không được nhận bữa ăn.Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng cung cấp hộp thực phẩm phù hợp về y tế qua cửa hàng thực phẩm và/hoặc phiếu mua thực phẩm tươi có thể có một số tác động với các bệnh mãn tính như đái tháo đường. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đã không được thiết kế với mức độ nghiêm ngặt cần thiết để khẳng định chắc chắn rằng là chính bữa ăn có tác động tích cực đến sức khỏe.Vấn đề này có thể được làm sáng tỏ trong tương lai gần, khi nhiều nghiên cứu liên quan bắt đầu công bố kết quả. Chẳng hạn, đến giữa năm nay, các nhà nghiên cứu của Trường Dinh dưỡng Tufts hy vọng sẽ công bố kết quả một thử nghiệm lâm sàng lớn, trong đó 450 bệnh nhân hưởng Medicaid bị mắc đái tháo đường type 2 được nhận giỏ thực phẩm lành mạnh. Nếu mọi thứ thuận lợi, một thực nghiệm ngẫu nhiên với 1.400 người để đánh giá hiệu quả của việc cung cấp giỏ thực phẩm lành mạnh với an ninh lương thực và chỉ số BMI của trẻ em cũng sẽ công bố kết quả vào đầu mùa hè.Tháng 9-2022, Quỹ Rockefeller công bố đầu tư 250 triệu USD cho Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ để tài trợ nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các chương trình thực phẩm là thuốc. Mặc dù nghiên cứu có thể sẽ không hoàn thành trong một vài năm, quỹ này đang mong đợi một số thông tin ban đầu sẽ có vào mùa xuân này.Những người ủng hộ cho rằng khi có bằng chứng vững chắc xác nhận hiệu quả của bữa ăn phù hợp về y tế, mô hình này nên nhanh chóng được mở rộng. "Nếu kê đơn là các bữa ăn phù hợp dinh dưỡng thì đó là 10 bữa/tuần hay 15 bữa/tuần. Nó phải phù hợp về mặt y tế như thế nào, cho cả gia đình hay chỉ dành cho bệnh nhân… Có rất nhiều câu hỏi rất thực tế cần được trả lời" - Mozaffarian lưu ý.■ Món ăn bài thuốc không lạ ở châu ÁTừ Trung Quốc, Nhật Bản đến Ấn Độ, Thái Lan…, người châu Á dường như đã duy trì quan niệm xem thực phẩm tốt là một phần quan trọng để giúp con người có sức khỏe tốt và đề kháng bệnh xuyên suốt lịch sử. Phương Đông cũng khuyên ăn uống theo thuở theo thời, mùa nào thì thức ấy. Mùa hè ăn dưa chuột, dưa hấu để hạ nhiệt, mùa đông uống trà gừng, ăn canh nóng, ăn cay để ấm từ bên trong.Người Trung Quốc tự hào về truyền thống đông y ngàn năm của mình và phát hiện nhiều giá trị chữa bệnh của các loại thảo dược hoặc thực phẩm như bào ngư, tổ yến, đông trùng hạ thảo dù tác dụng đến đâu lại phần nhiều mang tính "huyền thoại".Người Việt Nam cũng như Trung Quốc không lạ với việc đông y phân loại món ăn theo năm đặc tính: hàn - lương - bình - ôn - nhiệt (lạnh - mát - trung bình - ấm - nóng). Chúng ta hiểu rằng sự phân loại này không phải dựa trên nhiệt độ của món ăn mà dựa trên ảnh hưởng của món ăn với người ăn. Đông y chia con người thành nhiều nhóm thể chất khác nhau, nhưng phổ biến là nhóm thể nóng và thể lạnh. Người có cơ địa "nóng" là những người thường bị nhiệt miệng, dễ bốc hỏa; người có cơ địa "lạnh" hay bị lạnh các chi, dễ cảm thấy lạnh. Người có cơ địa "nóng" nên ăn thực phẩm có tính hàn, người có cơ địa "lạnh" nên ăn nhiều thực phẩm có tính nóng.Một số loại được xem là có nhiều dược tính, như nhân sâm, trồng lâu năm thì để làm thuốc, còn nhân sâm tươi được dùng phổ biến như rau trong món canh gà ở Hàn Quốc. Ở Nhật, người dân Okinawa dùng cụm từ nuchi gusui, có nghĩa là thực phẩm là thuốc. Họ bắt đầu với những thói quen đơn giản từ bé như dùng ngũ cốc, thêm gừng vào trà, ăn rau nhiều màu và ăn chậm nhai kỹ. Dĩ nhiên Nhật Bản cũng có nhiều món ăn nổi tiếng từ đậu nành lên men như Miso, Natto… được xem là bí quyết giúp sống lâu, trường thọ.Mặc dù người châu Á xem món ăn là thuốc và gần gũi với khái niệm này, chúng ta cũng như phương Tây, vướng mắc trong việc có thể kê món ăn trong toa thuốc. Khi Tây đã rục rịch chuyển mình, tìm cách để bảo hiểm thanh toán cho các bữa ăn phù hợp về y tế cho bệnh nhân thì ta cũng nên tham khảo.Một bữa ăn nuchi gusui của dân Okinawa (Nhật). Ảnh: Stephen Mansfield Tags: Món ăn bài thuốcSức khỏeThực phẩmDinh dưỡngChữa bệnh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.