Một kỳ Thế vận hội nhớ đời

VŨ CÔNG LẬP 14/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Lịch sử sẽ ghi nhớ Olympic Tokyo 2020 như một câu chuyện truyền kỳ.

Vào lúc 22h07 ngày 8-8 (theo giờ địa phương), ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic thế giới, đã long trọng tuyên bố bế mạc Thế vận hội lần thứ 32. 

Olympic Tokyo 2020 đã khép lại thành công. Ảnh: Daily Sabah

 

Ông gọi đây là “Thế vận hội của hy vọng, của tình đoàn kết và của hòa bình”. Trong hoàn cảnh bất bình thường, Thế vận hội lần này đã thu được những kết quả phi thường. 

Thắng lợi của Olympic Tokyo 2020 thật quá sức tưởng tượng, không chỉ về mặt thi đấu, thành tích, tính chất và không khí các cuộc thi đấu. 

Các VĐV đã cống hiến hết mình, bằng thành tích của họ, bằng sức mạnh đầy cảm hứng của họ, bằng thắng lợi và bằng cả những thất bại nữa. 

Họ đã viết nên và để lại những câu chuyện lay động trái tim triệu triệu con người. Không có khán giả vào sân nhưng có hàng tỉ khán giả trên truyền hình theo dõi thâu đêm suốt sáng. Có thể nói Thế vận hội 2020 đã tác động tích cực đến đời sống cư dân trên toàn thế giới.

Ước mơ và khát vọng

Môn thi cuối cùng, chạy marathon nam, là một cuộc thi hiếm hoi có khán giả chào mừng đứng trên hè phố. Cự ly 42,195km. 

Trời rất nóng, độ ẩm lên tới 80%, “chạy trên phố mà có cảm giác như bị rang trên chảo”. Có tới 30 VĐV không thể về đích đúng quy cách.

Huyền thoại người Kenya Eliud Kipchoge về nhất với thành tích 2 giờ 08 phút 38 giây, còn người về cuối, một VĐV Honduras, xếp thứ 76, chậm hơn nhà vô địch những 35 phút 58 giây. 

Nếu đổi thời gian ra quãng đường thì VĐV xếp cuối kém VĐV về đầu tới khoảng 10km! Thế nhưng, những tràng vỗ tay khán giả dành cho cả hai VĐV này gần như ngang nhau, cũng nồng nhiệt như thế và đầy lòng khâm phục như thế. Thể thao là biết vượt qua chính mình.

Cho đến lễ bế mạc, trong lễ trao huy chương được tổ chức hết sức trang trọng, chúng ta mới có dịp cảm nhận hết niềm vinh quang của người chiến thắng. 

Trong số 6 lá quốc kỳ được kéo lên đỉnh cột ứng với 6 tấm huy chương của 2 cuộc chạy marathon nam và nữ, thì có tới 3 lá cờ của Kenya, xứ sở của những cuộc chạy đường trường, còn Kipchoge thì được tôn vinh là “huyền thoại của mọi huyền thoại”, là người “vĩ đại nhất mọi thời đại và mọi cuộc đua”.

Chính những cuộc đua như thế đã cùng nhau làm nên tinh thần và phong trào Olympic. Olympic thể hiện không chỉ ước mơ và khát vọng, mà còn là hành động tích cực để thực hiện ước mơ và khát vọng đó. 

Trên cái nền chung của quyết tâm đến tột cùng, thể thao tìm ra và tưởng thưởng người đứng đầu.

Vinh quang chủ nhà

Tinh thần Olympic khiến mọi người xích lại gần nhau. Cảm giác chung của tất cả những người tham dự là “chúng ta” và “cùng nhau”. Chúng ta đều là những người sống trên Trái đất này. 

Chúng ta là 206 lá cờ đứng sát bên nhau ở rìa ngoài một vòng tròn giữa sân vận động quốc gia Tokyo.

Ở Thế vận hội này, các VĐV có chút thiệt thòi. Họ chỉ có cách ly và thi đấu, thiếu những cuộc giao lưu, thiếu những cuộc trò chuyện, vui đùa, không thể đi dạo phố hay thăm thú danh lam thắng cảnh. 

Nhưng họ vẫn là những người đầy đặc ân rồi, trong bối cảnh nhiều nơi, nhiều nước vẫn còn phải oằn mình chống trả một đại dịch. 

Họ đã được tận hưởng một quang cảnh Nhật Bản tráng lệ, dù là chỉ trong sân vận động, ở đêm cuối cùng của Olympic Tokyo 2020, với cảnh sắc huy hoàng nhờ công nghệ hiện đại, với âm nhạc và vũ đạo vừa tinh tế lại hào hùng, vừa gợi mở ra thế giới, vừa giới thiệu được tinh hoa và bản sắc của truyền thống dân tộc Nhật.

Thật ra, chính trong lễ bế mạc đã có nhiều thông điệp bày tỏ lòng biết ơn cho những đặc ân ấy, bằng tiếng Anh và bằng tiếng Nhật. 

Công tác tổ chức Thế vận hội lần này là một thử thách rất lớn, thậm chí từng là một gánh nặng. Nhưng ngay cả khi trở thành một gánh nặng, được giơ vai ra gánh vác cũng là một vinh quang.

Nhật Bản đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc bằng trình độ tổ chức, bằng công nghệ mới, bằng sự quyết tâm và bằng đội ngũ tình nguyện viên trong bộ trang phục màu xanh giản dị. 

Bộ đồng phục ấy, với nhiều VĐV, đã trở thành một biểu tượng Nhật Bản về tinh thần phục vụ.

Lễ bế mạc cũng có hẳn một phần để phong trào Olympic quốc tế bày tỏ lòng biết ơn với các tình nguyện viên của đại hội. Một tiết mục xúc động, khiến chúng ta nhớ đến rất nhiều hành động tình nguyện cũng cao đẹp như vậy đang diễn ra ở nhiều mặt trận, trên nhiều quốc gia. 

Phong trào Olympic quốc tế, cũng như hoạt động chung của xã hội, được hỗ trợ rất nhiều bởi tinh thần vị tha nhân đấy.

Hoàn cảnh nào cũng có giải pháp

Trong bài phát biểu cuối cùng, ông Bach đứng giữa các VĐV đại biểu cho 5 châu lục. Có vẻ như ông muốn nhấn mạnh tinh thần và thái độ “cùng nhau”. 

Bây giờ là lúc cùng nhau hướng về phía trước. Từ Olympic Tokyo 2020 hướng về Paris 2024. Tháp Eiffel treo lá cờ 5 vòng tròn Olympic đang bay phần phật. Lá cờ có kích thước SVĐ, 90x60m. 

Đáng ra đây là cảnh trực tiếp, nhưng do gió quá to nên phải dùng một hình ảnh đã quay sẵn tại lễ tổng duyệt từ tháng 7, như để nói rằng hoàn cảnh nào thì cũng có một giải pháp để giành thắng lợi.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận