TTCT - Khi dọn chồng sách vở cũ của con, tôi chợt nhìn thấy một tấm thiệp rơi ra.Thiệp rất thô sơ, do chính tay con làm với hình vẽ ngây ngô. Minh họa: Bích Khoa Một bé gái tóc cứng đơ trong bộ áo đầm cũng cứng đơ, một tay dắt con chó, tay kia cầm bóng bay, dưới chân cô bé là những đường cong không rõ là gì, phía trên có ghi con số 2006. Bên trong con ghi nắn nót: “Chúc bạn mau sớm vượt qua khó khăn và đi học lại, mình gửi bạn mấy quyển tập để bạn chép bài thay cho mấy quyển tập đã ướt vì bão lụt. Ký tên: Ngọc Anh”. Tôi vào mạng tìm hiểu và đoán sự tình có thể là một đợt vận động ở trường học kêu gọi đóng góp giúp đỡ nạn nhân của cơn bão Sangseng, hay còn gọi là cơn bão số 6 từng đổ bộ vào miền Trung ngày 30-9-2006 làm hơn 60 người chết, 200.000 căn nhà bị hư hại, chìm 800 tàu. Thời điểm vận động chắc là lúc đồng bào miền Trung đang vật lộn hồi phục sau cơn bão. Sự việc xảy ra đã lâu, tôi hỏi con còn nhớ gì không. Rõ là con không nhớ về cơn bão nhưng về tấm thiệp thì con kể khá chi tiết, lúc đó cô giáo hỏi ở nhà các con có xem tin tức không, có biết tin bão không và có biết những em bé không thể đi học vì đã mất hết sách vở không. Cô khuyến khích cả lớp đóng góp tiền, thu gom tập vở, áo quần cũ, dụng cụ học tập để gửi cho các bạn. Có đứa hỏi chúng có thể tặng thiệp, gấu bông hay đồ chơi không, cô nói có. Thế là hôm sau mọi thứ bắt đầu được đưa đến lớp, có những tấm thiệp được mua và có rất nhiều tấm thiệp được vẽ với đủ thứ chủ đề, đứa nào cũng muốn thành họa sĩ. Tôi hỏi thế con vẽ như vậy là có ý gì, con cười bẽn lẽn nói chỉ là vẽ cho vui thôi, chắc là con muốn bạn đứng... trên nước để dắt chó đi dạo và chơi với bóng bay. Bạn con có đứa vẽ cả bầu trời, công viên, tàu hỏa, máy bay, siêu nhân. Tụi con còn nhắc nhau đừng quên lời chúc nữa. Còn việc tấm thiệp không được chuyển đi thì không phải chỉ có mình con “bị” giữ lại mà cả các bạn nữa, vì cuối cùng “người ta” nói tụi con vẽ xấu, hơn nữa tấm thiệp không giúp ích gì cho các bạn ở vùng bão lụt, cả đồ chơi cũng vậy. Tuy nhiên, đứa bạn của con “bật mí” rằng nó đã nhét tấm thiệp vào một quyển sách và nó đoan chắc tấm thiệp sẽ được gửi đi. Cả lớp hoan hỉ chia sẻ điều đó như một vụ “qua mặt” người lớn thành công. Tôi mân mê tấm thiệp trên tay, nó đã cũ và đúng là chẳng có gì đặc biệt. Một món đồ chơi có thể có nhiều cơ hội hơn, còn một gói mì hay một tấm áo lành chắc chắn được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng tôi vẫn tự hỏi vì sao một lời chúc lại thường không được đánh giá cao, nhất là lời chúc của trẻ con? Có lẽ chúng ta quen nghĩ trẻ con thì biết gì, và thay mặt chúng làm nhiều việc mà ta cho là tốt hơn, hiệu quả hơn, thực tế hơn. Có lẽ chúng ta chưa quen với việc xem một lời chúc từ một người xa lạ có thể đem lại ý nghĩa gì. Có lẽ chúng ta chỉ muốn đơn giản hóa vấn đề... Tôi nhìn đứa con gái bé bỏng ngày nào nay đã lớn phổng phao, câu chuyện ngày trước giờ chỉ là một ký ức tuổi thơ. Trong lời kể của con, không có chỗ cho nỗi buồn vì một lời chúc tốt đẹp đã bị chối từ... Tags: Câu chuyện giáo dục
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Yêu cầu đúng tiến độ vành đai 3, đẩy nhanh làm vành đai 4 TP.HCM SƠN LÂM 12/07/2025 Các đơn vị cam kết dự án vành đai 3 TP.HCM đảm bảo đúng tiến độ, thông xe kỹ thuật trước 19-12.
Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu: Yêu cầu báo cáo Thủ tướng trước 20-7 QUỐC NAM 12/07/2025 Sau khi Bộ Tài chính báo cáo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có chỉ đạo về việc lựa chọn nhà thầu cao tốc liên quan kiến nghị của Sơn Hải.
Liên tiếp học sinh suýt sập bẫy 'việc nhẹ lương cao' sau thi tốt nghiệp THPT LÊ MINH 12/07/2025 Trong thời gian chờ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều học sinh lên mạng xã hội tìm việc làm thêm, nhiều em đã bị kẻ lừa đảo dụ dỗ vào bẫy 'việc nhẹ lương cao'.
Ukraine tuyên bố phá hủy đường ống dẫn khí của Nga ở Tây Siberia UYÊN PHƯƠNG 12/07/2025 Một quan chức tình báo quân sự của Ukraine tiết lộ vụ phá hủy nằm trong khuôn khổ một 'chiến dịch đặc biệt'.