Một mình trên tàu

LYDIA DAVIS 07/11/2020 03:11 GMT+7

TTCT - Cực ngắn, với những quan sát sống động về những điều thường nhật, đọc Lydia Davis là chiêm ngưỡng một phong cách văn chương độc đáo.

Tôi đang ở trên tàu, đi một mình, mình tôi có hai chỗ. Tôi phải đi vệ sinh. Không suy nghĩ kỹ, tôi hỏi một đôi ở bên kia hành lang xem họ có vui lòng trông đồ cho tôi một lát hay không. Rồi tôi xem xét họ kỹ hơn và nghĩ lại: họ còn trẻ, đấy là thứ nhất. Còn nữa, trông họ rất lo lắng, mắt cậu thanh niên vằn đỏ, còn cô gái thì có nhiều hình xăm. 

Ảnh: pinterest.co.uk

Nhưng đằng nào cũng rồi. Tôi đứng dậy và bắt đầu đi về đằng sau. Nhưng để đề phòng, tôi nhờ một người đàn ông ngồi cách tôi vài ghế, mặc vest và trông như một doanh nhân, để mắt đến cặp đôi trẻ tuổi ấy cho tôi, vì tôi phải rời chỗ một lát và mọi thứ của tôi đều ở đó. Tôi có thể quay lại lấy túi, đưa ra một cái cớ. Thật ra, việc này là do người đàn ông gợi ý, anh ta phản đối việc bị đặt vào tình thế này, tình thế phải dừng lại việc anh ta đang làm và trông chừng một cặp đôi trẻ dù sao đến bây giờ cũng không làm gì sai. Nhưng tôi cảm thấy quay lại lấy túi thì kỳ cục quá, mà có quay lại lấy được túi thì tôi vẫn còn lại trên ghế một cái áo khoác có giá trị.

- Bà không đợi được à? - người đàn ông hỏi, tuy đó không phải việc của anh ta.

- Không.

Rồi tôi nảy ra một ý khác.

- Anh có thể ngồi vào chỗ của tôi trong khi tôi đi vệ sinh không?

- Không, anh ta nói. Thế thì tôi phải bỏ các thứ của tôi lại.

Anh ta không hợp tác cho lắm.

- Nhưng bà cụ bên kia lối đi có thể trông cho anh. Trông bà ấy đáng tin lắm.

Bà ấy đã già và đang ngồi rất yên lặng.

- Bà ấy ngủ rồi.

- Anh có thể đánh thức bà ấy dậy.

- Tôi không muốn làm thế.

Bà cụ ngồi cạnh một phụ nữ trẻ hơn. Người phụ nữ trẻ hơn cũng đang gục xuống ngủ, bà cụ lớn tuổi đang dựa vào cô ta.

- Chỉ cần huých nhẹ một cái thôi.

- Không. Mà thật ra tôi không nghĩ là bà ấy ngủ. Bà ấy chết rồi có khi.

Tôi nghĩ là anh ta đùa, mà cũng không chắc lắm.

Chúng tôi đã lên giọng. Bây giờ thì những người xung quanh đã bị quấy rầy bởi cuộc nói chuyện của chúng tôi và bởi tôi đứng trên anh ta ở lối đi. Tất cả, trừ bà cụ có thể đã chết thật. Miệng bà cụ há ra nhưng tôi không nhìn thấy mắt bà ấy.

- Trật tự chút được không? - có người nói. Đấy là người phụ nữ ở phía bên kia bà cụ. Cô ta đã tỉnh dậy và đang nhìn chúng tôi chằm chằm. - Mẹ tôi còn đang ngủ.

Tôi không thích giọng cô ta. Bây giờ tôi có chút hung hăng.

- Tôi tưởng bà ấy chết rồi - tôi nói.

Người phụ nữ kia huých bà cụ dậy. - Mẹ, mẹ dậy bảo bà dở hơi này mẹ chưa chết đi.

Bà cụ mở mắt ra và ngơ ngác nhìn con gái. - Tao không phải mẹ mày - bà cụ nói.

- Ối giời, thế là anh chắc, cô con gái nói.

Trong khi đó, ai đó ở đằng sau họ đang bắt đầu rên ư ử. Đó là một cô bé tuổi teen hoặc có thể còn ít tuổi hơn chút nữa, có lẽ là mười hai tuổi. Tiếng ư ử làm tôi thấy khó chịu, với toàn bộ sự huyên náo đang diễn ra. Tôi nhạy cảm với tiếng ồn.

- Nó ư ử cái gì thế? - tôi hỏi người đàn bà ngồi cạnh con bé, trông như mẹ nó.

- Bà thì có, bà mới đang làm nó lo lắng, lúc nào nó lo lắng hay người ta nói nhiều quá, có ai nói nhiều quá thì nó ư ử thế thôi, mẹ con bé nói.

Bà ta nhìn chằm chằm chúng tôi, dẫu có vẻ lành, trong khi con bé tiếp tục ư ử. Giờ thì tôi thấy thích thú. Một số người khác đã quay lại nhìn mẹ con bé. Bà cụ già cũng cố ngoái đầu lại nhưng không được xa cho lắm.

Mẹ con bé tiếp tục giải thích về con gái mình. Con bé đang ư ử to hơn.

Bà cụ ngày càng trở nên kích động. Bà ấy nhìn từng người xung quanh rồi nhìn chòng chọc vào người phụ nữ bên cạnh. - Tao có quen mày đâu!

Tôi vẫn phải đi vệ sinh, tuy vừa quên béng mất.

Bây giờ anh doanh nhân kia mất kiên nhẫn, đứng dậy. - Thôi được rồi, tôi lên ngồi chỗ bà. Đi nhanh nhanh lên là được. Cho xong cái mớ ba láp ba liếc này đi.

Tôi nghĩ đấy là một sự lựa chọn từ ngữ kỳ lạ, đặc biệt là đối với một doanh nhân, nhưng tôi không nói ra.

Anh ta lách qua tôi và đi đến chỗ của tôi. Tôi muốn đảm bảo là anh ta ngồi ghế phải, ghế cạnh lối đi, để anh ta có thể trông cái ghế còn lại, cạnh cửa sổ nhìn ra sông. Anh ta cúi xuống, đẩy áo khoác tôi sang và ngồi xuống ghế cạnh lối đi. Bây giờ, qua tiếng ồn ào của bà cụ già và cô gái đằng sau, con bé vẫn đang ư ử, dù mẹ nó đã thôi nói, tôi nghe thấy cậu thanh niên mắt vằn đỏ nói lớn.

- Ê này, anh kia, có người ngồi đấy rồi.

Anh doanh nhân nói biết rồi, bà ta bảo anh ta ngồi giữ ghế hộ.

Cô gái trẻ sửng sốt.

- Sao bà ấy lại làm thế? - cậu ta hỏi. Anh doanh nhân im lặng, có lẽ đang nghĩ xem nên nói gì.

Cậu thanh niên đợi. Rồi lại nói.

- Thật cơ?

- Bà ấy nhờ tôi ngồi đây để bà ấy đi vệ sinh - anh doanh nhân nói.

- Sao lại thế? Chả có lý gì cả - cậu thanh niên nói. Cậu ta có vẻ hơi phòng ngự.

Anh doanh nhân vẫn im lặng. Cuối cùng anh ta chỉ nhún vai.

- Ôi lạy Chúa - cậu thanh niên nói. Lạy Chúa. Mẹ nó.

Nhưng cậu ta nói rất khẽ. Cậu ta vẫn đang nói thế khi tôi đi xuống hành lang. Tôi cảm thấy hơi tệ vì làm ầm ĩ lên như thế, vì gì thì gì bây giờ cậu ta cũng đang cố bảo vệ chỗ ngồi cho tôi, nên có lẽ từ đầu tôi đã nhìn nhầm cậu ta, cậu ta và cô bạn gái xăm trổ của cậu ta. Tôi không tin họ, chỉ vì họ còn trẻ. Mặt khác, mồm miệng cậu ta cũng khá là tệ.■

Nguyễn Huy Hoàng (dịch)

Lydia Davis sinh năm 1947 ở Northampton, Massachusetts. Bà nổi tiếng với những câu chuyện cực ngắn và mang phong cách riêng, thường được đặc trưng bởi những quan sát sống động về các sự kiện phần lớn là thường ngày. Bà cũng là một dịch giả nổi bật của các nhà văn Pháp như Gustave Flaubert và Marcel Proust. Bà được trao giải Man Booker quốc tế năm 2013 và gần đây nhất là giải PEN/Malamud cho truyện ngắn năm 2020.

 

 Lydia Davis

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận