Một năm chống dịch: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

DANH ĐỨC 26/01/2022 08:00 GMT+7

TTCT - Chắc ước ao chung của Chính phủ và người dân các nước cho năm mới là làm sao thoát khỏi dịch COVID-19. Gọi là ước ao do lẽ không phải ở đâu cũng đồng tâm đeo khẩu trang và chích ngừa, và chuyện chống dịch nhiều khi lại trở thành chiêu bài chính trị.

Việc tòa án Úc chiều chủ nhật 16-1 giữ nguyên quyết định hủy visa tay vợt người Serbia Novak Djokovic hẳn khiến nhiều người nhẹ nhõm, đặc biệt là nhà chức trách những nước mà việc khước từ chích ngừa COVID-19 không chỉ là chọn lựa cá nhân, mà còn trở thành thái độ chính trị.

Giáo sư môn án lệ và lịch sử tại Đại học Luật Yale danh tiếng Henry R. Luce nhận xét: “Vụ Djokovic là cuộc trưng cầu dân ý xem điều nào xấu xa hơn: chủ nghĩa tự do điên cuồng hay quyền lực Nhà nước?”. 

Xưa giờ vẫn vậy: nếu có người cho rằng không chịu chích ngừa là một điều ác, thì ngược lại, những người bài vắc xin nhân danh tự do cá nhân.

Biểu tình chống vắc xin ở Pháp. Ảnh: Reuters

 

Những kẻ “bất mộ” vắc xin

Sự không đồng lòng này là một cái “ách nước” nữa mà các chính phủ phải gánh bên cạnh “tai trời” dịch COVID-19 hoành hành đã hai năm. Và cái tai trời ách nước đó cứ lại liên tục thay hình đổi dạng. 

Bản tin cập nhật hằng tuần đề ngày 11-1 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một lần nữa cho thấy tác hại của đại dịch trong hai năm qua: “Tính tới ngày 9-1, đã có hơn 304 triệu ca nhiễm được xác định và hơn 5,4 triệu người thiệt mạng”.

Trong cuộc họp báo sau đó một ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích: “Sự gia tăng đột biến số lượng lớn ca nhiễm là do biến thể Omicron. Biến thể này đang nhanh chóng thay thế Delta ở hầu hết các quốc gia..." 

"Số ca tử vong được báo cáo hằng tuần vẫn ổn định kể từ tháng 10-2021, ở mức trung bình 48.000 ca mỗi tuần. Điều này có thể là do mức độ nghiêm trọng ít hơn của Omicron, cũng như khả năng miễn dịch rộng rãi nhờ tiêm chủng hoặc do đã nhiễm trước đó”.

Ông Tedros ngậm ngùi: “Gần 50.000 ca tử vong mỗi tuần là quá nhiều!”. Do đó, ông khuyên nhất thiết không được “thả lỏng”: “Học cách sống chung với loại virus không có nghĩa là chúng ta có thể, hoặc nên chấp nhận số ca tử vong như thế”. 

Điều trớ trêu là trong khi nhiều nước nghèo, dân không có vắc xin để chích, thì không ít dân các nước giàu nhất định không chịu chích ngừa. Thái độ này lan khắp ngõ ngách và được “tuyên xưng”, thậm chí biến thành một phong trào bất tuân.

Điều này, Tổng thống Joe Biden của Mỹ, đất nước được cho là “dư dả” các phương tiện phòng chống COVID-19 và rộng rãi chia sẻ nhất, lâu nay cũng đã và đang thấm thía nhất! 

Cứ mỗi khi đọc diễn văn về chống dịch, ông Biden lại phải than thở, như mới hôm 13-1: “Chừng nào chúng ta còn hàng chục triệu người vẫn không chịu chích ngừa, bệnh viện sẽ vẫn cứ nghẹt bệnh nhân, và thêm những cái chết không cần thiết”. 

Hôm đó ở Mỹ có tới hơn 800.000 ca nhiễm mới, theo The New York Times, và đích thân tổng thống phải nài nỉ, dụ dỗ bằng tiền, rồi cả hù dọa, để dân làm một cái việc hết sức bình thường là đi chích ngừa, mà ở khối nước khác là một ân sủng.

Ở Nga, nơi vắc xin đầu tiên ra mắt toàn cầu và được đăng ký từ ngày 11-8-2020, tính đến 15-1-2022, mới có 51,9% người dân đã tiêm ít nhất một mũi và 47,6% đã tiêm đủ hai mũi, còn đã tiêm ba mũi mới được 5,6%, theo Our World in Data

Tỉ lệ người dân chịu chích ngừa quá thấp là điều mà chính Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp báo thường niên hôm 23-12-2021 đã buồn phiền thừa nhận, đồng thời đặt vấn đề làm sao tăng tỉ lệ tham gia chích ngừa ở Nga.

Không mô hình nào là hoàn hảo

Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron không gặp nhiều “kỳ đà cản mũi” như vậy, dù cũng lắm lúc rất bực mình. Hôm 6-1, ông nổi cáu chửi thề trên truyền hình nhà nước: “Với bọn không chích ngừa, thiệt tình là tôi chỉ muốn đ** vô mặt!”. 

Dư luận lại được dịp ồn ào, song cuối cùng thì tối thứ bảy 15-1, Thượng viện Pháp cũng đã thông qua đạo luật “Thông hành vắc xin” mới thay cho “Thông hành y tế” trước kia vốn nhẹ nhàng hơn.

Chuyện đi nhà hàng, ngồi cà phê, đứng uống ở quầy rượu, nói chung chuyện du hí là một trong những “quyền sống” của dân Pháp, các chính phủ ngại đụng vào. Nhưng lần này ông Macron làm được, có phần do dân Pháp sợ COVID-19 rồi: Có 67,3 triệu dân mà tới 18-1 dính COVID-19 tới 14,7 triệu.

Ba câu chuyện về hiện trạng chống dịch và chích ngừa nói trên cho thấy tuy tất cả các chính phủ đều chung một “kẻ thù” là COVID-19 “ba đầu sáu tay”, song không vì thế mà kinh nghiệm nước này có thể là mô hình cho nước khác. 

Một trong những bài học lớn nhất, xương máu của thế kỷ 20 có lẽ là “không có một mô hình, khuôn mẫu nào cả cho mọi quốc gia”.

Việt Nam, với 36/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%; 22/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ hai liều từ 80 - 90%; 5/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ đủ hai liều dưới 80% thì cũng đều đã trên 70% (Bộ Y tế 18-1) cho thấy một sự thuận tình hiếm thấy từ đeo khẩu trang tới xét nghiệm, chích ngừa. Điều mà các nước giàu mạnh nhất không có được.

Trong khi hành động cụ thể là của riêng từng nước, vẫn có mẫu số chung là chính phủ nào dựa vào tư vấn của các chuyên gia y tế, dịch tễ, kinh tế, xã hội..., chớ không tự ý bày vẽ tùy hứng, thì dân được nhờ, vậy thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận