Một ngày dạo phố

PHAN CẨM THƯỢNG 02/05/2012 22:05 GMT+7

TTCT - Dạo này tôi đi miền núi nghiên cứu. Ở Hòa Bình lâu, móng tay dài, tôi nhờ người bạn đưa ra phố mua cái kéo.

Phóng to
Chỉ còn hai gia đình làm tranh Đông Hồ ở ngôi làng này...

Anh bạn không dẫn tôi ra cửa hàng bán đồ công nghiệp hay văn phòng, mà đưa tôi đến một hàng rèn đầu phố. Một lò rèn nhỏ núp trong căn buồng tối, ngoài hè là bà cụ bán đồ rèn. Bà nói vợ chồng tôi làm đồ này có tiếng đã lâu năm, ông già thì rèn, tôi bán hàng. Họ cứ kỳ cạch như vậy, không hiểu để kinh doanh độ nhật hay là bảo lưu một nghề truyền thống.

Nếu hình dung thị xã Hòa Bình nửa thế kỷ trước, ắt lò rèn này cũng không đến nỗi vắng khách, lúc đó mọi đồ dùng trong nhà và công cụ lao động đều chế tác thủ công theo lối truyền thống vậy, và không dễ đủ tiền để mua một lưỡi cày hay một con dao phát tốt.

Trên sạp hàng nhỏ có nhiều loại đồ rèn - thuổng, cuốc, xẻng, rìu, dao quắm, dao phát, đục gỗ và đá các loại, bên cạnh đó là đồ sắt gia dụng nhỏ, có các loại dao thái thịt, bổ cau, dao pha chặt thịt, kéo lưỡi nhỏ và lưỡi dài... Không nhiều chủng loại lắm, nhưng nếu sống giản dị như ngày xưa thì những đồ đó cũng đủ dùng và được rèn khá sắc bén, cứng cáp, tuy không sáng loáng như các con dao công nghiệp nhưng tốt hơn nhiều.

Sự thắng thế của đồ công nghiệp không chỉ vì chúng nhiều chủng loại và tiện lợi hơn, mà còn bắt mắt, có phần mới lạ về thẩm mỹ. Những đồ dùng truyền thống luôn núp trong dáng vẻ thô kệch, không cái nào giống cái nào. Những con dao kích thước như nhau nhưng chuôi gỗ luôn dài ngắn không đồng đều, có chỗ được làm rất tinh khéo, có chỗ lại rất vụng, ví dụ như các cây kéo có cung chuôi bọc nhựa, chỗ nào không khít người ta dùng lửa hơ nóng nên hơi sần sùi.

Tôi là người thuộc trường phái cổ hủ nên ưa thích những sản phẩm này, và khi mua thấy giá thành cũng tương đương đồ công nghiệp, đôi cái còn đắt hơn. Đó cũng là lý do để những nghề quý báu từng nuôi sống dân tộc hàng trăm năm qua mai một dần.

Những nghệ nhân truyền thống không được đào tạo nữa và lui dần vào quá khứ. Những nghề thủ công như nghề rèn sắt này tuy còn sống lay lắt, nhưng chất lượng giảm sút dần, cho tới khi người làm nghề không ai kế tục, sản phẩm thua đứt hàng công nghiệp. Những năm 1960, khi lên Phú Thọ, nhà tôi đi mua vài con dao đi rừng. Chúng sắc đến mức có thể cạo được râu và chuôi đều ốp bằng mảnh sừng trâu. Nếu còn đến ngày nay, những con dao đó đã được coi là cổ vật quý hiếm, còn bây giờ là dao chuôi gỗ nhưng chuôi gọt vụng về lắm.

Người làm được giấy sắc phong cuối cùng đã chết cách đây chừng chục năm. Loại giấy đó tồn tại 300 năm không thay đổi gì. Bà cụ làm thép tốt nhất (bút dùng trong đồ sơn ta) đã về trời cũng ngần ấy năm, bây giờ làm tranh sơn mài, bói không ra một chiếc thép khả dĩ. Bà cụ nấu son ta hảo hạng cũng ngấp nghé ra đi, hiếm hoi lắm mới mời được cụ nấu cho một cân, mà cũng rất đắt tiền.

Ở Phú Xuyên cũng chỉ còn một hai nghệ nhân gắn được vỏ trứng vào vóc sơn mài với mức hoàn hảo như tranh của Nguyễn Gia Trí. Ở làng Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã ngoài 80 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cũng gần như vậy. Đó cũng là hai ông chủ hai gia đình duy nhất làm tranh Đông Hồ.

VN là một đất nước nông nghiệp có hàng ngàn nghề thủ công truyền thống, trong đó mỗi nghề lại có những nghề nhỏ tinh xảo riêng cho từng khâu. Ở Tây nguyên, xưa kia trước khi đánh cồng chiêng người ta phải nhờ một già làng nắn âm cho từng chiêng như lên dây đàn, chứ không ai vác chiêng ra gõ như thụi thường thấy hiện nay trên tivi. Công việc nắn âm đó rất kỳ thú và mất cả nửa ngày cho một dàn chiêng bởi một tâm hồn thấm đẫm những âm thanh núi rừng tổ tiên.

Chả lẽ một ngày nào đó chúng ta sống trên một mảnh đất có thể giàu có với một tâm hồn trống rỗng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận