TTCT - Một lần thi môn toán xong, Trần Quân Ngọc thoải mái vác giấy, màu ra ngoại thành ngồi vẽ rừng bạch dương. Cảm giác mách bảo, anh ngoảnh lại thì thấy một người đang quan sát mình. Và đó chính là nhà văn Nga nổi tiếng Paustovsky - tác giả Bông hồng vàng, người đã tạo nên một phong cách, một trường phái văn học ảnh hưởng nhiều thế hệ, kể cả ở Việt Nam. Mùa đông Nga - sơn dầu 40 x 50cm, 1984 Trần Quân Ngọc là một nhà khoa học. Ông từng là chuyên gia cấp cao ở Văn phòng Chính phủ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Công việc của ông có vẻ rất xa với nghề hội họa. Nhưng nếu ngắm nhìn 140 bức tranh vẽ nước Nga của ông (từng trưng bày tại triển lãm tranh “Kỷ niệm một thời Xô Viết” của Hội Mỹ thuật TP.HCM hồi tháng 8-2017 và sẽ xuất hiện trong triển lãm cùng tên ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội từ 7-11 đến 7-12-2017), hẳn nhiều người sẽ lặng đi trước không gian và chiều sâu nỗi nhớ trong những bức vẽ phong cảnh Nga dung dị, với bạch dương, tuyết trắng, những làng quê, con người Nga đôn hậu quả cảm. Tất cả làm sống dậy tình cảm mãnh liệt, thân thiết mà nhiều người Việt Nam luôn dành cho nước Nga. Họa sĩ Trần Quân Ngọc “Vì sao là một chuyên gia về hóa dầu, ông lại theo đuổi cả nghiệp vẽ phong cảnh Nga?” - tôi hỏi. “Tôi là thư ký ngành hóa trong khối SEV (hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN), mỗi năm họp ở một nước. Bất cứ lúc nào có thời gian là tôi vẽ. Mỹ, Pháp, Anh, Đức và nhiều nước châu Á. Người ta đi mua đồ, tham quan, tôi thì tranh thủ vẽ. Ký họa rất nhiều” - Trần Quân Ngọc nói. Nhưng những bức tranh phong cảnh “vẽ Nga” của ông mới là điểm đặc biệt, ông vẽ tất cả, những mùa đông tuyết phủ bạch dương, ngôi nhà gỗ, các lâu đài cổ, dòng sông bến nước, ngọn đồi chiều tà, thảo nguyên, những gương mặt Nga sâu lắng và đôn hậu... “Tuổi trẻ tôi ở Nga, lúc là thiếu sinh quân khi 15 tuổi. Sau lại học đại học và cao học ở Nga, rải rác là 13 năm, tôi coi Nga cũng là tổ quốc của mình” - Trần Quân Ngọc kể. Cũng trên đất Nga, chàng sinh viên ngành hóa mê hội họa đã gặp dịp may như trong cổ tích. Một lần thi môn toán xong, anh thoải mái vác giấy, màu ra ngoại thành ngồi vẽ rừng bạch dương. Cảm giác mách bảo, anh ngoảnh lại, thấy một người đang quan sát mình. Và đó chính là nhà văn Nga nổi tiếng Paustovsky, tác giả truyện ngắn Bông hồng vàng nổi tiếng. Chính Paustovsky đã giúp chàng trai Việt Nam mê vẽ, và lúc ấy mới chỉ vẽ theo bản năng, được theo học đại học thứ hai: học tại chức khoa mỹ thuật Trường đại học Sư phạm. “Người ta thi xong, đã học được ba tháng rồi. Nhờ Paustovsky giới thiệu nên thầy giáo Kukunov đã giúp tôi học đuổi, thi đậu vào trường và giúp suốt quá trình tôi học sau này - ông kể lại và xúc động nhắc về thầy Kukunov - Ông là sinh viên mỹ thuật năm cuối thì chiến tranh chống phát xít bùng nổ, gia nhập quân đội. Chân dung cụ già hàng xóm - màu nước 30 x 42cm, 1967 Lúc ông bị thương, phải cưa cụt cả hai chân thì cũng là ông lúc nhận tin cả gia đình bị phát xít giết hại. Vì thế ông rất thương tôi - sinh viên Việt Nam duy nhất, đất nước đang chiến tranh. Không xây dựng gia đình, ông coi học trò như con. Tin tức về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị giết cũng là do ông báo cho tôi, hai thầy trò cùng khóc với nhau. Ban ngày tôi học đại học hóa, tối học mỹ thuật. Tan lớp ra về, hai thầy trò ra ga metro. Tôi xách cái vali, ông khó nhọc bước từng bước”. Kể đến đây ông Ngọc, năm nay đã 80 tuổi, khóc. Tâm hồn Nga - thể hiện qua những con người như thầy Kukunov, nước Nga đã cho ông nghề nghiệp và cả tâm hồn, nhân cách. Đó là lý do khiến những tác phẩm hội họa của Trần Quân Ngọc “thấm đẫm Nga”. Ngoài tài năng và lao động miệt mài, cùng sự may mắn khi gặp được Paustovsky, nhiều nhà văn hóa Nga, gặp thầy Kukunov... Trần Quân Ngọc còn may mắn gặp vợ ông, bà Nguyễn Định Tân, người vốn là một diễn viên Đoàn kịch trung ương, sau này kinh doanh thành công. Không “phàn nàn” gì ngay hồi còn nghèo, bà Tân yêu tranh, mê tranh chồng vẽ. Những bức ký họa nhỏ đẹp hút hồn của ông được bà làm khung rất kỹ. Bức tranh lớn ghép bằng các huy hiệu Nga suốt bao nhiêu năm qua bao thời thế, quý vô cùng, có người hỏi mua cả chục ngàn đô, bà không bán.■ Làng nhỏ dưới chân núi Uran - 30 x 40cm, 1963 Tags: Nước NgaVẽ nước NgaMột người ViệtTrần Quân Ngọc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".